LỄ HỘI MỪNG CƠM MỚI CỦA DÂN TỘC KHÁNG BẢN HUỔI TAO
XÃ NẬM DÔN, HUYỆN MƯỜNG LA, TỈNH SƠN LA
I. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN.
1. Tên gọi: Lễ hội Mừng Cơm Mới (Dát hả mả mía) của dân tộc Kháng trú tại bản Huổi Tao, xã Nậm Dôn, huyện Mường La, tỉnh Sơn La;
2. Ngành Kháng: Kháng trắng;
3. Thời gian tổ chức Lễ hội:
Lễ hội Mừng Cơm Mới dân tộc Kháng bản Huổi Tao thường được tổ chức vào một ngày nhất định trong năm. Trước đây, do giống lúa cũ, thời gian sinh trưởng dài và do khí hậu nên lúa nương được trồng muộn khoảng tháng 5 - 6, thường gặt vào tháng 10 dương lịch nên Lễ hội Mừng Cơm Mới thường được tổ chức vào tháng 10. Hiện nay, giống lúa mới ngắn ngày hơn và do thời tiết thay đổi, khí hậu nóng hơn nên lúa được trồng sớm, khoảng cuối tháng 4- đầu tháng 5 là phải trồng xong (theo đồng bào, nếu trồng muộn hơn thường không được ăn) nên lúa gặt sớm hơn, cuối tháng 8 đầu tháng 9 là lúa đã chín, vì vậy lễ mừng cơm mới cũng theo đó mà được tổ chức sớm hơn.
Tuỳ theo từng gia đình để chọn ngày tổ chức lễ mừng cơm mới cho phù hợp với gia đình mình, chọn ngày đẹp, không tổ chức vào ngày kiêng cữ của gia đình như ngày mất của ông bà, bố mẹ, người thân trong gia đình. Khi thấy lúa trên nương nhà mình đã chín thì tổ chức lễ mừng cơm mới sau đó tiến hành gặt lúa nương.
4. Địa điểm tổ chức Lễ hội:
Được tổ chức tại các gia đình (lễ cúng trong nhà); lần lượt các gia đình trong bản đều tổ chức Lễ hội Mừng Cơm Mới:
- Những gia đình nào mà bố mẹ đã mất (Tức là đã có ma nhà, được lập bàn thờ) thì tổ chức lễ cúng xong rồi mới ăn mừng cơm mới.
- Những gia đình nào mà bố mẹ vẫn còn (tức là chưa được lập bàn thờ vì chưa có ma nhà) thì chỉ làm cơm ăn mừng cơm mới chứ không thực hiện nghi lễ cúng.
5. Thành phần tham gia lễ hội:
Phần lễ gồm: Gồm có ông chủ nhà, các ông bà họ hàng lớn tuổi, bố chồng, bố vợ.
Phần hội: Gia đình, họ hàng và đại diện các gia đình trong bản cùng tham dự.
II. MỤC ĐÍCH - Ý NGHĨA
1. Mục đích:
Lễ hội nhằm cám ơn ông bà tổ tiên, những người đã "vất vả" suốt cả mùa vụ, do con cháu "nhờ trông nom" nương rẫy, giờ đây mùa màng tươi tốt, lúa đã chín, đã đến lúc thu hoạch. Con cháu gặt lúa mới làm mâm cơm, chút lễ mời ông bà, tổ tiên về hưởng lộc, ăn cơm mới.
Lễ hội mừng cho một năm được mùa, cầu mong sang năm ông bà, tổ tiên tiếp tục phù hộ cho được mùa bội thu.
2. Ý nghĩa:
Lễ hội Mừng Cơm Mới là nghi lễ nông nghiệp có tính chất tâm linh nhưng mang ý nghĩa tốt đẹp của một cộng đồng tộc người sống trên một địa bàn. Đây là lễ nghi, là nhu cầu tâm linh của người dân trong bản trước vòng quay của mùa vụ, cám ơn ông bà, tổ tiên đã phù hộ, đã “trông nom” nương rẫy để có một vụ mùa bội thu, cầu mong mùa tới lại tiếp tục được mùa.
Là lễ hội mang tính chất gia đình nhưng có sự tham dự của họ hàng, đại diện các gia đình trong bản cùng nhau vui vẻ sau một năm lao động vất vả.
Trước đây, chưa theo tết cổ truyền dân tộc thì đây được coi là tết của người Kháng.
III. NỘI DUNG CỦA LÊ HỘI MỪNG CƠM MỚI ( Dát hả mả mía)
Lễ hội Mừng Cơm Mới được tổ chức trong nhà, tại mỗi gia đình của người Kháng ở các bản trong đó có bản Huổi Tao.
1. Công tác chuẩn bị:
1.1. Chọn địa điểm tổ chức:
Tổ chức trong gia đình những người đã lập bàn thờ, có thờ ma nhà.
1.2.Chọn chủ lễ (thày cúng):
Chủ lễ thường là ông chủ trong gia đình, nếu ông chủ trong gia đình thành thạo thì lễ cúng kéo dài, ông chủ chưa thành thạo thì lễ cúng ngắn vì chưa biết nói bài khấn dài. Trong trường hợp chủ nhà không biết cúng khấn thì có thể mời thầy cúng trong bản nhưng trường hợp này cũng rất hãn hữu.
1.3. Chuẩn bị lễ vật:
1.3.1. Lễ vật để cúng: (do chủ nhà chuẩn bị)
Đây là một lễ hội nông nghiệp nên lễ vật dùng để cúng chủ yếu là các sản vật được trồng từ nương rẫy. Khi làm nương, người Kháng thường làm một đám nương nhỏ, gieo lúa trước để lúa chín trước vừa dùng để cứu đói, vừa dùng làm lễ vật trong Lễ hội Mừng Cơm Mới. Khi lúa ở đám nương này chín thì người ta gặt về, chế biến chuẩn bị các lễ vật cho Lễ hội Mừng Cơm Mới. Ngoài ra, người ta ra suối quăng chài lấy cá săn bắt côn trùng, thú rừng về để chế biến các món làm đồ lễ. Trên mâm càng nhiều loại đồ lễ thì được coi là càng có hiếu với ông bà, tổ tiên. Lễ vật bao gồm hai thể loại chính:
* Lễ vật chế biến từ thực vật:
- Xôi cốm ( Mả dủ): 10 gói;
- Các loại rau, củ quả: mướp, mak hói; bí xanh, bí đỏ, bầu, măng: mỗi loại từ 1-2 kg đồ chín bày vào mâm;
- Đu đủ chín: 2-3 quả;
- Chuối chín: 2 nải;
- Mía: 2 cây (chặt thành đoạn ngắn);
- Một số món ăn được chế biến từ thực vật (món ăn truyền thống của người Kháng): cây ráy muối chua (ba Tắm); Nõn chuối nộm; cây búng báng nộm, hoa riềng; rau thập cẩm đồ chín rồi nộm, măng đồ cách thủy…
* Lễ vật chế biến từ động vật, côn trùng:
- Cá gỏi (Ca cỏi): 1-2kg;
- Cá nấu canh măng chua (Ca canh bà blăng)
- Cá nướng cả con (Ca hịp): 5-6 con
- Cá nướng gập (Ca híp tộp)
- Cá đồ (Ca đụp boi)
- Gà luộc (Dia tỏm): 1 con (khoảng 1kg)
- Gà nướng (Dia hịp): 1 con (khoảng 1kg);
- Tiết canh: 1bát (Nưởm đách);
- Thịt lạp (Nửa pla)
- Thịt băm gói lá nướng (Ca ộp)
- Cua đồ chín (Bô hia);
- Nhái gói lá đồ cách thuỷ(Bố đắc).
- Thịt dúi (Bố đéc)
- Thịt chuột (Bố ha)
- Thịt dơi (Bố bé)
- Thịt sóc (Bố clay)
(Ngoài các lễ vật trên nếu gia đình có điều kiện thì mổ 1 con lợn khoảng 20 kg, luộc lên làm đồ lễ cúng)
* Đồ chấm
- Muối ớt (Liền ướt): 1đĩa;
- Nước măng chua cho ớt và gia vị (Băng ba xó);
- Nước măng chua khô: Băm nhỏ măng chua đã phơi khô, trộn thêm các loại rau thơm, ớt, cho thêm nước lạnh vào, trông đều thành món nước chấm đặc biệt để chấm cá gỏi hoặc rau.
* Đồ uống
- Rượu nấu (Hả siêu): 5-6 lít;
- Rượu cần (Hả xả): 3 chum to;
* Các đồ khác:
- Bát: 20 cái;
- Đũa: 20 đôi;
- Chén uống rượu: 20 cái
- Một cây hoa (Săng ngặt): Thân cây hoa được làm bằng 1 cây nứa nhỏ đường kính khoảng 5cm, cao khoảng 2m; từ gốc lên khoảng 1m dùng 2 thanh tre nhỏ gắn vào thân cây nứa theo hình chữ thập thành 3 tầng thể hiện cho 3 tầng của vũ trụ; trên đỉnh của cây nứa cắm một bó hoa; trên thân cây gắn những các dây hoa, hạt cườm, bông lúa chín, các con vật đan bằng tre: cá, trâu, bò, chó, ve sầu...Đây là đồ tượng trưng cho các con vật có trong thiên nhiên; rượu trắng được đổ vào hai ống tre, nút lá chuối buộc vào thân cây hoa; đặt 3 chum rượu cần cạnh cây hoa.
Dùng mâm đan to lót lá chuối để đựng thức ăn gồm:
- Thức ăn mỗi món để hai bát, đồ khô thì bỏ vào lá chuối
- Ba chum rượu cần được mở sẵn, cắm cần để cạnh mâm cúng
- Vị trí đặt mâm cúng là chỗ bàn thờ tổ tiên và giữa nhà.
Nói chung lễ vật bao gồm những sản phẩm dưới ruộng, trên nương có những gì đều chế biến để dâng lên ông bà, tổ tiên; ngoài ra người ta còn dùng thịt những con thú, côn trùng chuyên phá hoại mùa màng để chế biến thành đồ lễ, điều này còn có ý nghĩa để răn đe những loại thú rừng, côn trùng chuyên phá hoại mùa màng.
Khi lúa nương chín, người ta gặt về làm gạo cốm để đồ xôi, làm gạo để nấu bánh chưng, làm rượu. Tính từ khi gặt lúa đến khi tổ chức được Lễ mừng Cơm Mới phải mất từ 7-9 ngày. Bà chủ nhà lấy gùi lúa non hôm đầu tiên ra tuốt và phơi cho khô rồi cho vào chõ sôi lên cho chín rồi đổ ra phơi nắng cho khô để giã làm xôi cốm (khảu hang). Số gạo mới được dành một phần để nấu rượu cần từ 3 đến 4 chum. Rượu cần phải từ 7 ngày trở lên và để lâu hơn thì càng ngon càng mạnh. Khi rượu cần ủ được trên 7 ngày thì chọn ngày tốt để làm lễ.
Trước đây, người ta chỉ dùng những sản phẩm nông nghiệp: xôi, rau củ quả, côn trùng, thịt thú rừng, rượu….Người ta cho rằng ông bà, thần linh đã trông nom, phù hộ để được những sản phẩm đó từ nương rẫy nên trên nương, trong vườn có những loại sản vật nào đều phải đặt lên mâm lễ để cúng tạ ơn. Ngày nay, do đời sống khá hơn, người ta đã thêm nhiều loại lễ vật khác vào mâm lễ: thịt lợn, thịt gà, bánh kẹo… vừa làm lễ để cúng tạ ơn ông bà tổ tiên, vừa để mời bà con dân bản cùng hưởng lễ vật sau lễ cúng.
1.3.2. Bàn thờ:
Bàn thờ thường được đặt ở gian giữa của ngôi nhà, cạnh bức vách phía sau, cạnh nơi ngủ của vợ chồng chủ nhà. Gian thờ không có bát hương mà chỉ có hai tấm liếp đan bằng tre vuông góc với nhau (Piêng cà tà), làm trụ cho 2 tấm liếp là một cây nứa dài khoảng 2 m (Mạy tẳng bóng), cây nứa vừa tượng trưng cho cây cột nhà thờ, vừa có ý nghĩa nối âm dương, con đường dẫn bố mẹ, ông bà, tổ tiên về với con cháu. Ngoài ra, còn treo một chiếc chài lưới (Phưn he) có ý nghĩa trừ ma tà. Góc thờ tượng trưng cho nơi trú ngụ của linh hồn bố mẹ, cũng chính là linh hồn của ma nhà. Ngày thường thì góc thờ không bày biện gì, chỉ đến khi nhà có lễ cúng thì gian thờ mới được dọn dẹp và nó trở nên rất đỗi linh thiêng vì ma nhà được gọi về trú ngụ ở đó. Những gia đình bố mẹ chưa mất thì không có góc thờ.
1.3.3. Đạo cụ cho lễ hội: Ngày hôm trước, các thành viên trong gia đình đã chuẩn bị làm cây hoa (Săng ngặt); làm ống tre để múa tăng bu; làm đàn Kơ dơng để múa.
1.3.4. Vật chất của lễ hội
Ngoài phần lễ để cúng thì gia chủ thường làm thêm thức ăn, xôi, rượu để mời bà con trong bản đến ăn cơm, uống rượu góp vui với gia chủ.
2. Diễn biến của lễ hội
2.1. Phần Lễ:
2.1.1. Trình tự buổi lễ:
Ngoài các đồ lễ đã được chuẩn bị thì ngày hôm trước, ông bà chủ nhà đã đi quăng chài lấy cá, tìm kiếm các loại côn trùng, rau, măng về chuẩn bị sẵn. Sáng sớm của ngày tổ chức lễ hội, ông bà chủ nhà và các thành viên trong gia đình đã chuẩn bị các lễ vật. Sau khi nấu nướng xong, ông bà chủ nhà dọn gian thờ, bày lễ vật lên mâm để cúng. Trước đây, người Kháng không có tục thắp hương mà chỉ đặt lễ và cúng khấn. Ngày nay, do du nhập phong tục của người Kinh, người Kháng cũng đã thắp hương trong lễ cúng.
Có 03 lễ cúng chính:
Lễ thứ nhất: Lễ mời. Ông chủ nhà bê đồ lễ gồm: 01 con gà luộc; 02 chiếc bát con, 01 chiếc đựng nước luộc thịt gà làm canh, 01 bát đựng một nắm xôi nhỏ; 01 nải chuối chín. Ông chủ nhà đặt mâm lễ vào góc thờ, thắp 02 cây hương cắm lên mình con gà rồi bắt đầu cúng. Đại ý của lời cúng là: Hôm nay, ngày lành tháng tốt, con cháu làm Lễ hội mừng cơm mới, mời tổ tiên, ông bà, bố mẹ về hưởng lễ vật, vui chơi cùng các con cháu. Ông chủ nhà cúng xong, mâm lễ vẫn được đặt nguyên ở góc thờ.
Lễ thứ hai: Lễ chính: Toàn bộ đồ lễ được bày lên hai mâm lớn đặt giữa nhà, cạnh cây hoa và 3 chum rượu cần. Ông chủ nhà ngồi cạnh mâm lễ cùng với những người cao tuổi trong họ, trong bản. Ông chủ nhà, đại diện cho cả gia đình một tay vít cần rượu, khấn mời ông bà tổ tiên về ăn lễ, hưởng lộc, cơm mới.
Bài cúng của Chủ nhà (hoặc thầy cúng)
Po đẳm me đẳm hơi
Té cai hai cón ma
Su cọ âu căn dệt hươn dệt dảo
Chắng sinh ngọ ók mi
Sương bón lụ bón tẩu
Po me cọ liệng sung - chung mả
Chắng nháư piêng ao
Chắng dao piêng po
Nháư piêng bung ha bung
Sung piêng sạ ha sạ
Mả piêng po piêng me ha hươn
Sương bón po bón me
Sương bón ta bón nai sáu
Cỏ nhăng hặc nhăng panh
Tỏn hặp chặc chung
Chắng đảy khảu hôm khảu dên
Pày pên lụ pên tảu
Pày pên lẻ pên khươi
Chạư đín chạư phay
Nẳng ta nẳng nai
Nẳng po nẳng me sáu
Chọ chăm dú khươi sam pi sí khảu
Khươi cẩu pi síp mua
Há va cọ hê họt sam pi sí khảu
Hê họt cẩu pi sip mua cá đaư
Há va ta nai cọ nhăng hặc nhăng panh
Bít nả canh - bánh hua chaư
Khá lông pông hảư
Ma dệt dảo cin hươn dú
Ma liệng pú liệng da
Ma dệt hay na na quảng
Dệt toi bản toi khuống
Chắng họt má họt mua
Quam chiên sáu va
Dệt cin mi bươn
Dệt hươn mi mự
Chắng ma họt mự hai li
Ma họt mự si chảnh
Lựa đảy mự hai nhọt
Lựa đảy mự pót saư
Chắng phắc pạ khảu đông
Chắng pa thông khảu láu
Pẳm mạy nháư lăm na
Lao pá hu pá sa dệt hay
Tắt cốc mạy chắng tai
Tắt pai mạy chắng hiếu
Phay sáư bẳng mưa chọ
Phay sáư trók mưa phau
Phay mọt pên thán lai
Phay tai pên tâu sẩu
Chắng âu khảư chựa mưa năm
Pể khảu púk khảư phăn mưa dai
Năm sí mự chắng tậu nả
Năm hả mự chắng tậu tin
Chắng quát đin thôm khum
Chắng phẻo mun thôm pák
Ta vên tốc chắng nhá ha hươn
Ta vên chươn chắng nhá ha dảo
Chắng bó hảư khuôn po đẳm me đẳm mưa hé
Chắng sắng khuôn po me mưa lăm mưa lu
Nha hảư nu cuột ók
Nha hảư họ cuột pày
Nả cáy chọp phôn tặp
Năm lẹo chọp phôn lông
Tiêng cưn mươi phông tặp khum lủng
Sam mự khảu chắng ngọ
Sí mự ók pộn khum
Pên sum khửn sọng nó
Co cắm khửn piêng eo
Khảu co kheo piêng bá
Chăn sưa pá lau tênh na
Chăn sưa pá ca tênh bản
Chăn sưa pá sản pá ngoa tênh nong
Chăn thuổm cô thuổm khon
Họt bươn khảu chắng chông
Man nháư cơ man lau
Man pâu cơ man ca
Khảu chắng nhạ ók huông
Mu long bấu ma chuôn
Quang phan báu ma tốc
Nộc trók báu cắt pít
Nộc chíp báu cắt huông
Khảu nẳng hay chắng lương
Phương nẳng pu chắng hưa
Họt mự tắm căm chi
Họt mự đi vên chăn
Lụ tảu chắng khắm kiếu mưa tan
Chắng khắm can mưa háp
Tan ca sók đảy ba
Tan ca va đảy lúng
Têm lúng nháư po pa
Têm lúng na po pể
Khôn sáư dia tảư cọ lưa
Khôn sáư dia nưa cọ lộn
Chắng âu khảu sáư chộc lông tỏng
Khảu sáư lỏng mạy lứa lông tăm
Chắng sâng sia hăm lẹp
Chắng phát pẹ kép nhán
Khảu san chắng má dệt ngai
Khảu cốc khảu pai chắng má dệt lảu
Nửng sáư hay mạy sọ
Nửng ai ók chắng pông
Nửng ai lông chắng thấu
Thấu sáư biên lai cộng
Thấu sáư lổng mạy hốc san tăm
Thả măn dên chắng ma qua pảnh
Chắng pản lảu sáư tong
Đảy song cưn chắng nhiệt
Chắng nhiệt sáư hay bắc
Chắng tắc nhiệt sáư hay ham
Tẳng lảu chắng tẳng ty piêng
Hiêng hay hiêng ty quảng
Đảy hốc mự lẩu chắng khôm phết
Đảy chết mự lảu chắng khôm hom
Khảu mảu âu ma sang
Khảu hang âu ma nửng
Mi cá sổm pa bong
Mi hịt khong tong chặn
Mi phủ chạư tắc nặm sáư hay
Mi côn choi khày pứt múak
Mi côn choi pắc búa mạy khoang
Mi côn choi la pan khái lảu
Mự nị lụ tẩu phai khảu máư
Chắng pông quam áo
Cáo quam mơi po đẳm me đẳm
Ngoại nả ma – khoang ta tẩu
Ma cin lảu khảu máư lụ phai
Ma khánh lảu sa bai lụ tẩu
Lảu hay nháư piêng eo
Lảu hay keo piêng bá
Cin cá nhứa mú nháư tô pi
Nhứa mu li đăm pót
Táp mản sót khong panh
Lượt đanh khong cin líp
Híp lú sảng lú cọ ai hom
Mi cá le pa bong pa sổm
Nặm tổm cáy cin ban
Khong cin li dú pan hom hạu
Cin cá khảu hay lao hom co
Khảu hay lo hay mua hom pák
Mi cá dảy cá dúak tin pen
Mi cá canh má buốp pài doi
Mi cá canh má noi chom sặng
Mi cá nó hốc hẩu chẳm chéo luông tăm
Mi cá mẳm pa pịt thứk say
Cỏi nay nong tô mạu
Khảu mảu ón coi phai
Khảu hang hom coi kiệu
Cin lẹo chắng coi hí coi hen
Chắng coi hý tin phen
Chắng coi hen tin sửa
Tốc nặm nha mi ngựa bai bá
Tốc ta nha hảư ngựa bai khen
Nha hảư mi côn hâng côn ken dệt hại
Dệt săng hảư li đảy
Cạy săng hảư li pên
Hom ngân hảư đảy lăm
Hom căm hảư đảy pók
Ngân căm lính ma hạu
Khảu nặm lính ma tu
Liệng mu hảư mi păn kha
Liệng ma hảư mi păn canh
Tảnh pết hảư pết sáy
Tảnh cáy hảư cáy pe
Tảnh bẻ do pên pưng
Ngua quai hảư têm lang
Mỏ áng hảư têm hươn
Lịn hảư mạ - pá hảư dăm
Pák Tay hảư nể nả
Pák Sả hảư nể quam
Năng pan mi côn chạư
Pày tảư mi côn phưa
Mưa nưa mi côn chiên háp
Áp nặm mi phủ chệt hứa si cay
Pi nả dệt hay khảu hảư tứm huông na
Dệt hay nga đăm hảư chăn bók
Dệt hay nga ló hảư chăn tổn
Tô bổng nha cắt pít
Chí hịt nha cắt baư
Daư sao nha kiểu nhọt
Mọt phạ nha cót lăm păn lăm
Nhăn phay nha lông phá
Nhăn phạ nha lông hon
Nha mi bổng hua sắn
Nha mi nhăn hua lai
Nha dệt co tai lương hăm hạn
Nha dệt co tai mạn tai hiếu săm sơn
Chơ chông hảư pộp mó
Ók huông hảư pộp phôn
Dệt hay lo hay mua hảư huông côm mạ siếp
Mạ siếp cơ sáy pu na
Mạ saư cơ sáy pu huổi
Hảư đảy khắm ciếu mưa tan
Hảư đảy khắm can mưa háp
Háp sáư dia luông têm nẻn
Sáư dia pẻn lạu nháư têm piêng
Hảư đảy dú pá dia khai khảu
Dú pá lạu khắm liêng âu ngân
Đảy săng đảy cón si
Mi săng mi cón tan
Hảư pá dăm ăm cổm
Coi cụm coi cuôm lụ tảu nơ./.
Dịch nghĩa tiếng Việt của lời cúng là:
Ông đẳm, bà đẳm ơi
Từ năm xưa năm trước
Bố mẹ đã xây dựng gia đình
Mới có sinh có nở
Con mới được sinh ra
Bố mẹ nuôi khôn lớn
Lớn bằng chú - cao bằng bố
Lớn bằng cái bung muốn có bung
Cao bằng cái sọt muốn được sọt
Lớn bằng bố mẹ muốn xây dựng gia đình
May có chỗ ông chỗ bà
Có chỗ bố mẹ vợ
Họ cũng yêu cũng thương
Họ đã đón đã mừng
Mới được vào ở chung nhà
Bố mẹ cho làm con
Bố mẹ cho làm rể
Giúp chẻ đóm nhóm bếp
Ở trong nhà bên vợ
Lẽ ra phải ở rể đến bốn năm mùa lúa
Làm rể đến chín mười năm mùa nương
Nhưng ở rể chưa được ba, bốn năm
Làm rể chưa được chín, mười mùa
Nhưng bố mẹ vợ yêu thương
Một trái tim chia sẻ
Gả con gái về làm dâu
Cho chúng con xây dựng nhà cửa
Ở trong bản trong làng
Ở cùng họ hàng anh em
Về đến mùa làm nương rẫy
Câu ca dao thường nói
Làm ăn có tháng
Làm nhà có ngày
Về đến ngày dần tốt
Về đến ngày thìn đẹp
Chọn được ngày lành
Chọn ngày được ngày đẹp
Mới cầm dao lên núi
Mới đeo túi vào rừng
Chặt cây to làm rẫy
Phát cây nhỏ làm nương
Chặt gốc cây mới đổ
Chặt ngọn cây mới héo
Mới lấy lửa cho ống lên châm
Lửa cho ống lên đốt
Lửa tắt để lại than
Lửa tàn còn tro bụi
Mới lấy thóc giống lên gieo
Đeo thóc giống lên trồng
Gieo 4 ngày mới hết
Trồng 5 ngày mới xong
Mới gạt đất lấp hố
Mới quét bụi lấp miệng
Mặt trời chiều mới tan
Mặt trời lặn mới nghỉ
Mới bảo hồn ông đẳm bà đẳm đi trông
Mới dặn hồn ông bà đi canh đi giữ
Đừng cho chuột bới ra
Đừng cho sóc gắp mất
Gà gáy thì mưa sa
Trồng xong thì mưa xuống
Nửa đêm sương bay rơi ướt hố
Ba ngày lúa nẩy mầm
Bốn ngày mọc khỏi hố
Mọc tua tủa như măng
Cây cao đến ngang bụng
Lúa xanh cao ngang ngực
Tốt hơn rừng cỏ lau trên đồi
Xanh hơn bãi cỏ gianh trên bản
Đẹp hơn rừng cây sung cây vả trên ao
Cao ngập cả gốc cây
Đến tháng lúa mới trổ
Bắp to như bắp măng lau
Bắp dầy như bắp măng ca
Lúa mới trổ ra bông
Lợn rừng không đến ăn
Hươu nai không đến phá
Chim sẻ không cắn cọng
Chim chích không cắn bông
Lúa trên nương mới chín
Rơm trên núi mới vàng
Đến ngày lành ngày đẹp
Đến ngày lành ngày tốt
Các con mới lấy liềm đi gặt
Mới cầm đòn đi gánh
Gặt bằng khửu được gánh
Gặt bằng sải được gùi
Đầy gùi to đủ mang
Đầy bung to đủ gánh
Đổ vào bồ dưới cũng thừa
Đổ vào bồ trên cũng đầy cũng ắp
Mới lấy lúa xuống cối
Mới lấy thóc xuống giã
Mới sàng hết tấm mịn
Mới sảy sạch cám bay
Gạo trắng lấy nấu cơm
Gạo sảy lấy làm rượu
Nấu trong chõ cây sọ
Thấy hơi bốc mới cho xuống
Thấy hơi lên mới cất
Đổ vào cái biên tròn
Đổ vào cái mẹt cây bương
Chộn men xong đem ủ
Được hai đêm mới nhồi
Mới nhồi vào chum bé
Mới múc nhét vào chum to
Đặt chum đặt chỗ bằng
Để chum để chỗ rộng
Được 6 ngày rượu mới đắng ngọt
Được bảy ngày rượu mới đắng thơm
Lúa mới mang về giã làm cốm
Gạo mới mang về nấu cơm thơm
Có cả cá ướp chua
Lễ vật đủ mọi thứ
Có người chuyên múc nước
Có người giúp mở chum
Có người giúp cắm cần
Có người giúp đặt mâm rót rượu
Hôm nay các con làm cơm mới
Có lời khấn lời mời
Mời ông đẳm bà đẳm
Ngoảnh mặt lại, liếc mắt sang
Về uống rượu lúa mới con mời
Về thi uống rượu cần trong sọt con cháu
Rượu chum to cao ngang lưng
Chum người Kinh, người Lào cao ngang cổ
Ăn cả thịt lợn to lợn béo
Thịt lợn bản lông đen
Thơm ngon miếng gan nướng
Tiết tươi thứ ăn ngon
Cả kẹp xương sườn nướng
Có cả đĩa cá ướp, cá chua
Nước luộc gà ăn ngọt
Của trong mâm các thứ thơm ngon
Ăn cả cơm nương cho thơm cổ
Cơm nương sớm nương mùa ngon miệng
Có cả nõn chuối rừng
Có cả canh quả mướp trên dây
Canh quả bí trên giàn
Cả măng bương búp to
Có cả mẳm cá pịt mắc đơm
Gỏi chép ao béo mập
Gạo cốm thì tay bốc
Cơm cốm thơm miếng dẻo
Ăn xong hãy che chở
Phù hộ cả mũ khăn
Che chắn cả áo quần
Xuống sông không có thuồng luồng kéo tay
Xuống bến không có thuồng luồng kéo áo
Đừng cho người ghen ăn tức ở
Làm gì cũng làm được
Nghĩ gì cũng làm nên
Gom bạc được bạc nén
Gom vàng được vàng thỏi
Tiền bạc chạy vào hòm
Thóc lúa chạy vào cửa
Nuôi lợn có nghìn chân
Nuôi chó có nghìn đùi
Nuôi vịt có vịt đẻ trứng
Nuôi gà có gà nhiều con
Nuôi dê phát triển thành đàn
Trâu bò đầy gầm sàn
Xoong nồi đầy gian bếp
Ăn nói có người nghe
Nói người Xá nể mặt
Nói người Thái nể lời
Ngồi mâm có người hầu người hạ
Đi xuống phía dưới có người dìu
Đi lên phía trên có người chuyển gánh
Đi tắm có người kì cọ
Năm tới làm nương lúa cho thêm bông dầy
Làm nương vừng đen cho đẹp hoa
Làm nương vừng trắng cho đẹp quả
Con sâu không cắn gốc
Con dế không cắn cành
Mạng nhện không cuốn ngọn
Mọt trời không đục thân
Sâu lửa không xuống phá
Sâu trời không xuống hại
Đừng có bọ lắc đầu
Đừng có sâu lắc cổ
Đừng làm cây chết vàng
Đừng làm cây chết héo
Lúc có bắp cho gặp sương xa
Lúc trổ bông cho gặp mưa xuống
Làm nương sớm nương mùa cho mẩy hạt
Hạt mẩy như trứng cua đồng
Hạt sáng như trứng cua đá
Chủ nhà được cầm liềm đi gặt
Được cầm đòn đi gánh
Gánh cho bồ to đầy ắp
Gùi cho kho gỗ tràn đầy
Cho các con được ngồi miệng bồ bán thóc
Ngồi cửa kho cầm cân lấy tiền
Ước gì cũng được trước người ta
Làm gì cũng được trước thiên hạ
Nói phải có người phục người nghe
Hãy phù hộ cho con cho cháu nhé./.
Lễ thứ ba: Lễ tạ. Ông chủ nhà khấn xong, những người già ngồi xung quanh cùng đồng thanh mời tổ tiên, ông bà, bố mẹ về vui Lễ hội mừng cơm mới. Sau đó, ông chủ nhà cùng nh gắp mỗi thứ đồ lễ một chút cho lên một chiếc mâm nhỏ, mâm lễ nhỏ này phẩi có đầy đủ tất cả các món ăn trong mâm lễ lớn không được thiếu thứ gì. Ông chủ nhà bê mâm lễ nhỏ này vào góc thờ để tiếp tục mời tổ tiên, ông bà, bố mẹ thưởng thức. Ông chủ nhà khấn cúng, đại ý là: mời tổ tiên, ông bà, bố mẹ thưởng thức các món ăn, cám ơn bố mẹ, ông bà. Mâm lễ này cũng được đặt ở góc thờ mấy ngày để ma nhà thưởng thức. Phần lễ kết thúc ở đây.
2. 2 Phần hội:
Ông chủ nhà mời tất cả mọi người lần lượt uống từng chum rượu cần, mỗi người phải uống được một lượt của một chum và ăn một chút các món ăn trên mâm lễ. Mỗi người uống rượu và ăn lễ xong đều nói những lời tốt đẹp để chúc gia đình mạnh khỏe, mùa vụ bội thu...
Trong khi ăn uống, người ta tổ chức thi uống rượu cần, múa tăng bu, Kơ dơng, hát đối...để mọi người cùng vui.
2.2.1 Tổ chức thi uống rượu cần:
Những người đến mừng lễ bất kể nam hay nữ, trai hay gái đều được tham gia thi uống rượu cần. Họ tổ chức bốc thăm có thể thi uống đơn, uống đôi, uống cặp nam nữ hoặc thi uống tập thể tuỳ theo số lượng người tham gia nhiều hay ít.
Luật chơi:
Mỗi người, mỗi cặp hoặc mỗi tổ sẽ phải thi uống trong 3 hiệp, thời gian thi uống được tính theo nước rót hết trong sừng trâu từ 2 - 3 sừng tuỳ theo sừng to hay nhỏ và do tập thể thống nhất. Cử một người làm trọng tài gọi là (cóng lảu). Khi uống xong hiệp (cóng lảu) lại lấy sừng trâu múc nước đổ vào chum rượu để đong đếm số lượng. Ai uống được nhiều hơn là người thắng cuộc, ai uống được ít hơn là người bị thua cuộc gọi là (tốc lảu). Người thua cuộc (tốc lảu) sẽ bị phạt uống rượu gấp 3 lần, tức là thua 1 sừng phải uống 3 sừng. Khi nào trọng tài (cóng lảu) có bài mời rượu thì cuộc thi mới được bắt đầu và hết bài mời rượu thì thời gian thi cũng hết. Bài mời rượu rất buồn cười, hài hước làm cho người đang uống rượu không nhịn được phải cười và tất nhiên ai cười nhiều sẽ bị thua cuộc. Bài mời rượu có đoạn như sau:
Mơi lảu khỏi mơi dơ... mơi!
Khỏi pên cóng chẳn tung
Nặm pung khảu sáư hay
Nặm lày khửn mưa búa
Cút của cin lông co
Lảo pi po lông tọng
Chảu báu chọng chí tốc
Sốp báu chúp báu lạo chí sua
Tốc lảu tan chí hua
Xua lảu chí đảy chạy
Tốc nưng đảy chạy sam
Tốc sam hư chạy cảu
É đảy lảu chóng cin
Nha chê hay lảu chứt
Chứt cỏ lảu - thẩu cỏ mia
Kha que cỏ chụ cáu
Tậu khấu chao khấu pâu
Cin phong chao pum saư ẻ tẻ
Chảu báu pẹ hư đảy bé niêng
Khát tung nưng nhăng lai
Khát tung song nhăng nưng
Khát tung sam nhôm búa dơ... nhôm!
Dịch:
Mời rượu tôi mời nhé... mời!
Tôi là trọng tài xin rót
Rót nước chảy vào chum
Nước chảy ngược lên cần
Mút mạnh cho xuống cổ
Nuốt nhanh trôi xuống bụng
Ai không cố sẽ thua
Mồm không mút sẽ thiếu
Thua rượu người sẽ cười
Uống thiếu sẽ bị phạt
Thua 1 phải uống 3
Thua 3 phải uống 9
Muốn được rược cố lên
Đừng chê chum rượu nhạt
Nhạt cũng là rượu - già cũng là vợ
Chân què cũng là người yêu cũ
Quỳ gối đến sưng vù
Uống cho căng cho tròn cả bụng
Mình không thắng thì được vác cái cổ
Hết một sừng còn nhiều
Hết hai sừng còn một
Hết ba sừng dừng cần... dừng!
Trong Lễ hội Mừng cơm mới của dân tộc Kháng thì rượu cần và việc uống rượu cần đóng vai trò quan trọng. Người ta dùng loại gạo ngon nhất để làm rượu, rượu càng ngọt, thơm thì càng may mắn. Trông lễ hội, người ta phải uống cho đến khi nào rượu cần thật nhạt mới thôi, nếu rượu cần chưa nhạt thì mùa năm sau không tốt, nên nhà nào tổ chức cũng phải uống cho rượu cần thật nhạt với mong muốn năm sau mùa màng tươi tốt, bội thu. Ngoài rượu thì mọi người đều phải thưởng thức tất cả các món ăn trong mâm, đặc biệt là xôi cốm (Khảu hang), họ cũng cho rằng phải ăn xôi cốm thì mới may mắn, mùa màng năm sau mới tươi tốt, được mùa.
2.2.2 Múa tăng bu (múa chọc ống)
Trong các khâu chuẩn bị làm lễ mừng lúa mới, một việc không thể quên đó là: chặt cây bương hoặc cây nứa to về cắt làm ống gọi là (Bu) tăng bu nghĩa là: nện ống. Họ múa xung quanh chum rượu, già trẻ, gái trai đều biết múa, những động tác múa tăng bu là nện, chọc ống xuống sàn nhà phát ra những âm thanh từ miệng ống nghe thật rộn rã. Rượu càng say múa càng hăng, càng bốc cứ thế không chương trình, không giờ giấc khi nào mệt và các chum rượu cần đều nhạt thì mới dừng cuộc vui.
2.2.3. Múa đàn Kơ dơng:
Đây là một điệu múa truyền thống của dân tộc Kháng, người ta dùng những cây nứa khô tự chế tác những cây đàn. Những người phụ nữ theo nhịp trống, chiêng và tiếng đàn để múa.
Ngoài ra, phần hội trong Lễ Mừng Cơm Mới còn được tổ chức với các điệu múa dân tộc: xoè vòng, xoè khăn và một số trò chơi dân gian, thể thao dân tộc và giao lưu văn nghệ với một số bản lân cận.
- Ném còn;
- Kéo co;
- Đánh quay.
* Một số tục lệ kiêng kỵ sau khi làm Lễ Mừng Cơm mới và nghi lễ liên quan:
Trước khi tổ chức Lễ Mừng Cơm Mới, người Kháng có một nghi lễ đó là Lễ gieo hạt. Lễ này được tổ chức đơn giản, khi gia đình đã trồng xong lúa nương, họ mở một chum rượu cần, đặt vào gian thờ, ông chủ nhà nói lời cúng khấn ông bà tổ tiên để “nhờ vả” họ “trông nom” nương rẫy cho con cháu. Vì vậy, việc tổ chức Lễ hội Mừng Cơm Mới chính là để mời ông bà, tổ tiên về để con cháu tỏ lòng cám ơn, mời hưởng lộc, thành quả lao động sau một mùa vất vả “trông nom”.
Sau Lễ hội Mừng Cơm Mới, ông chủ gia đình sẽ dùng tre đan mấy tấm phên hình mắt cáo (ta leo), dùng lá lúa và lá xả quấn quanh ta leo rồi lên nương cắm vào chỗ đường đi vào của các mảnh nương (có bao nhiêu lối vào thì cắm bấy nhiêu “ta leo”). Theo quan niệm của người Kháng thì tấm phên hình mắt cáo này sẽ làm cho các loại ma tà sợ hãi vì ma tà cho rằng tấm phên có nhiều mắt hơn chúng. Bà chủ nhà cũng dùng những chiếc lá lúa và lá xả tết thành nhiều sợi dây dài, rồi đưa lên nương đặt ở cuối các mảnh nương, cũng là để trừ ma. Sau một ngày kiêng cữ thì cả nhà lên nương gặt lúa về.
Lễ mừng cơm mới được tất cả các gia đình trong bản lần lượt tổ chức, có ngày có từ 3-4 gia đình cùng tổ chức. Trong vòng khoảng 1 tuần, cả bản mới tổ chức xong lễ hội.
Những năm mất mùa, họ cũng vẫn tổ chức lễ hội với mục đích cầu mong năm sau thần linh, tổ tiên ông bà sẽ tiếptục phù hộ cho mùa màng sẽ tươi tốt, bội thu.
IV. ĐÁNH GIÁ - ĐỀ XUẤT
1. Đánh giá chung:
Lễ hội Mừng Cơm Mới của người Kháng ở bản Huổi Tao, xã Nậm Dôn, huyện Mường La được tổ chức có quy mô nhỏ, trong phạm vi gia đình nhưng mang tính cộng đồng cao vì các gia đình trong bản đều tổ chức và đều có sự tham gia của các gia đình còn lại. Việc tổ chức phần lễ được chuẩn bị chu đáo, phù hợp với những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Kháng, phù hợp với cư dân canh tác nông nghiệp nương rẫy, để con cháu nhớ về cội nguồn, tỏ lòng biết ơn các bậc sinh thành. Ngoài phần lễ thì đây là dịp để các hộ gia đình, các thành viên trong bản gặp gỡ nhau, vui vẻ trong bữa cơm thân mật sau một vụ mùa vất vả, mừng thành quả lao động sắp được thu hoạch. Lễ hội còn thể hiện sự đoàn kết gắn bó cộng đồng của đồng bào trong trong bản nói riêng và đồng bào Kháng nói chung.
2. Đề xuất:
Lễ hội cần được phục dựng, bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp để phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Kháng và các dân tộc khác trong vùng. Cụ thể:
- Phần Lễ: Được phục dựng nguyên bản theo nghi lễ tập tục của dân tộc Kháng đã được hình thành từ lâu đời.
Tuy nhiên cần bổ sung thêm nội dung về việc thực hiện các luật tục của dân bản trong lời cúng của thày cúng trong buổi lễ như: Nghiêm cấm việc phát, phá rừng làm nương ở rừng đầu nguồn; Nghiêm cấm việc làm bẩn, ô nhiễm nguồn nước chung của bản; Cấm lấy măng, tre, nứa ở các khu rừng khoanh nuôi, bảo vệ; Cấm chăn, thả gia súc trâu, bò, dê…. vào thời điểm gieo trồng lúa, ngô…; Những quy định về an ninh trật tự; Những luật tục về hôn nhân - gia đình; Những quy định về xây dựng nếp sống văn minh - gia đình văn hóa, bảo vệ văn hóa… để phù hợp với việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào Kháng nói riêng và bản, xã, địa phương nói chung. Phù hợp với tình hình phát triển chung của tỉnh.
- Phần hội: Phần hội với các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng: thi uống rượu cần, biểu diễn văn nghệ, các trò chơi dân gian, tổ chức bữa cơm cộng đồng trong Lễ hội Mừng Cơm Mới. Vì đây là lễ hội được tổ chức trong phạm vi gia đình mà đa số các thành viên trong bản đều trong cùng tham dự nên phạm vi và đối tượng tham dự lễ hội cần được mở rộng thêm là cộng đồng các dân tộc khác ở các bản lân cận.
V. KẾT LUẬN:
Lễ hội Mừng Cơm Mới của dân tộc Kháng ở bản Huổi Tao, xã Nậm Dôn, Huyện Mường La là hình thức sinh hoạt văn hóa đặc biệt, một môi trường văn hóa đặc thù, một mảng màu rõ nét trên bức tranh văn hóa đa sắc màu các dân tộc Sơn La nói chung, dân tộc Kháng nói riêng. Lễ hội Mừng Cơm Mới chính là một hình thức thể hiện bản sắc văn hóa tộc người độc đáo, nó chứa đựng những khát vọng, ước muốn tâm linh của đồng bào Kháng. Lễ hội Mừng Cơm Mới có sức hấp dẫn, lôi cuốn mọi người, nó vừa là nhu cầu, là khát vọng của người dân, là dịp người dân vui chơi thoải mái sau một mùa vụ vất vả, là dịp để con cháu nhớ về cội nguồn, tỏ lòng biết ơn ông bà, cha mẹ. Từ Lễ hội Mừng Cơm Mới ta thấy những biểu tượng điển hình của tâm lý cộng đồng dân tộc, nó chứa đựng những quan niệm của dân tộc Kháng với thực tế lịch sử, xã hội và tự nhiên.
Lễ hội Mừng Cơm Mới ở bản Huổi Tao, xã Nậm Dôn, Huyện Mường La là một trong những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Kháng; “Gạn đục khơi trong” Hạn chế các yếu tố tiêu cực, bảo tồn yếu tố tich cực, truyền thống dân tộc, gắn với các yếu tố tiên tiến hiện đại để phù hợp trong quá trình bảo tồn, khai thác, phát huy. Nhằm đạt hiệu quả tốt nhất phục vụ cho mục tiêu "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc". Phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.
|