1. Địa điểm phân bố, đường đi đến:
Di tích Thẳm Tát Tòng, nằm ngay cạnh Bản Bó, xã Chiềng An, Thị xã Sơn La. Vị trí của di tích nằm về phía Đông, Bắc thị xã Sơn La, cách trung tâm thị xã 2km.
Từ trung tâm thị xã Sơn La, ta đi theo đường ô tô Sơn La – Thủy điện Tạ Bú, đến cầu Bản Cá (1km+500) ta rẽ tay trái đi theo đường vào Bản Bó khoảng 500 mét là tới di tích.
Đường tới di tích thuận lợi, đi được bằng mọi phương tiện.
2. Sự kiện, nhân vật lịch sử và thuộc tính di tích.
Di tích Thẳm Tát Tòng, là một hang đá tự nhiên nằm ở dưới một dãy núi lớn trùng điệp chảy theo hướng Đông bắc thị xã Sơn La, nước trong hang chảy ra bốn mùa trong xanh. Đứng từ xa ta thấy phong cảnh ở đây thật là tuyệt đẹp phía trên là dãy núi trùng điệp chạy dài, cây phủ xanh ngắt, ở dưới là dòng nước từ hang chảy ra, đổ qua thác tung bọt trắng xóa. Mỗi buổi sáng ban mai khi mặt trời lên ánh nắng hắt lên từ miệng hang in hình xuống nước, tạo thành những tia lấp lánh trên những mảnh thạch nhũ, nhấp nhô nhiều hình nhiều vẻ khác nhau, càng tôn thêm vẻ đẹp của di tích.
Trong truyền thuyết của nhân dân địa phương trong vùng kể lại: Nước trong hang Tát Tòng được bắt nguồn từ xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu (cách khoảng 25km) chảy về hang tạo ra dòng nước từ Hang Tát Tòng đổ vào suối Nậm La ngày nay. Và đặc biệt dòng suối này, về mùa hạ mát mẻ bao nhiêu thì mùa đông càng ấm áp bấy nhiêu.
Dòng nước chảy từ đầu nguồn xa tít về Mường La chảy qua bao thác ghềnh, qua bao dãy núi. Theo truyền thuyết kể lại đấy là hình ảnh tượng trưng chàng trai không quản khó khăn, qua bao thác ghềnh, đèo cao lũng sâu từ mạn ngược xa xôi, xuống hỏi vợ ở vùng thấp, đó là vùng Mường La ngày nay.
Còn dòng nước trong hang chảy ra, đã tự bao đời nay phục vụ nhân dân địa phương, làn nước trong xanh đã tăng thêm vẻ đẹp làn da cảu những cô thiếu nữ trong vùng. Chính vì vậy mà ở địa phương đã có câu ca:
“Bâu đẩy kim tán noong luông pên bả
Bâu đẩy suối nả mắm Bó Cá pên máu”
Có nghĩa là:
“Không được ăn rêu noong luông sẽ điên
Không được rửa mặt nước Bó Cá sẽ dồ”.
Địa thế của hang nằm riêng biệt, phong cảnh ở đây thật là tĩnh mịch, cho nên dưới chế độ phong kiến bọn phìa tạo địa phương đã dùng hang này để làm chỗ vui chơi xa xỉ của chúng. Hàng năm cứ đến mùa xuân khoảng tháng 2,3 âm lịch, bọn chúng bắt nhân dân trong vùng đóng thuyền, bè đưa chúng vào trong hang chơi, nghỉ mát, ngắm cảnh, cờ bạc, rượu chè. Chúng cho rằng hang này thiên nhiên tạo nên là để dành riêng cho bọn quan lớn, bọn chúng không muốn cho nhân dân lao động được hưởng sự vui chơi, nghỉ ngơi ngắm cảnh. Từ đó, chúng đã tạo ra nhiều chuyện hoang đường, mang tính chất thần thánh hóa về hang, làm nghi hoặc nhân dân, cấm nhân dân không được vào hang đó. Chúng đã tung ra những cấu: “Nước Sơn La, ma Hòa Bình”, nước Sơn La ở đây ý muốn nói chính là con suối Bó Cá rất độc, và rất thiêng…
Ngược lại, từ khi hòa bình lập lại, dòng nước Bó Cá trở nên hiền lành, ngoan ngoãn phục vụ đời sống của nhân dân các dân tộc Sơn La. Đó là một nguồn nước vô tận, cung cấp nước cho đời sống của nhân dân địa phương, và tưới nước cho hai cánh đồng lớn, đó là cánh đồng Bản Bó và Bản Cá.
Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Hang Tát Tòng lại trở nên quan trọng, cơ quan đầu não của tỉnh đã đặt trụ sở tại đây để chỉ đạo nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ tháng 6 đến tháng 10/1945. Sau đó các cơ quan của huyện Mường La cũng dùng nơi này làm trụ sở trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ từ tháng 10 năm 1965 đến cuối năm 1973. Trong suốt quá trình đó, tại đây đã diễn ra các cuộc hội nghị quan trọng của huyện Mường La. Tính từ năm 1965 đến cuối năm 1979 đã có 3 khóa Hội đồng nhân dân và 4 lần đại hội Đảng được mở tại đây.
3. Giá trị lịch sử, khoa học, nghệ thuật:
Quần thể di tích Hang Tát Tòng là một thắng cảnh hoàn toàn do thiên nhiên tạo nên. Không những về cảnh đẹp tại nơi đây mà di tích còn mang tính chất truyền thống, đó là một hình ảnh đẹp, tình đoàn kết dân tộc, giữa miền ngược và miền xuôi. Ngoài ra còn có ý nghĩa lịch sử đối với nhân dân các dân tộc Sơn La trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
4. Tình trạng bảo quản di tích:
Thực trạng của di tích hiện nay còn nguyên vẹn: Vào năm 1962 đó nhu cầu nước sinh hoạt của thị xã Sơn La, nhà máy nước tỉnh Sơn La đã xây đập chắn nước ngoài cửa hang, cách cửa hang 30m để lấy nước. Do vậy ngay tại cửa hang đã tạo nên một hồ nước lớn càng tôn thêm vẻ đẹp của hang.
Hiện nay mực nước ngoài cửa hang là 4m đi thoai thoải vào trong là 10m, tạo điều kiện cho du khách đi thuyền vào thăm quan.
Di tích được bảo quản giữ nguyên hiện trạng, không bị sự phá hoại của thiên nhiên và con người.
|