Mô tả chi tiết |
Người Thái có quan niệm về linh hồn, về các loại ma... nên trong bản Mường của người Thái đều có người làm nghề Thầy mo, thầy cúng, Thên là những người hiểu biết, có khả năng chữa bệnh, có khả năng giao tiếp với thần linh, được sự tín nhiệm của bà con dân bản. Người làm nghề thầy mo cúng cho dân bản vào những ngày lễ tết, cúng cho người ốm đau, tang lễ, giải hạn... Những thầy cúng cao tay được gọi là Then.
Những Thầy mo, thầy cúng khi hành lễ ngoài y phục của dân tộc, họ còn dùng 1 số thứ phụ trợ, tạo sự khác biệt so với người thường. Thầy Then thái trắng ở Quỳnh Nhai thường mặc áo đen và thêm thắt lưng, mũ đội đầu và đeo túi.
1) Mũ đội đầu: Thường có 2 loại, 1 loại hình nhọn, 1 loại hình vát.
Mũ được may bằng vải 2 lớp: lớp trong là vải bông trắng, lớp ngoài là vải màu đỏ. Trên nền vải đỏ được gắn trang trí các hình hoa sen, la, cây, nhiều mầu sắc: Hồng, xanh lá cây, xanh da trời, vàng tím... cùng với kim tuyến kim sa óng ánh, phía trên đỉnh mũ gắn tua len nhiều màu. Mũ có thể cài phía sau gáy hoặc nối liền.
2) Thắt lưng: May giống như mũ có hình chữ nhật.
3) Túi: May giống như mũ, thân túi có hình vuông, quai dài, viền quanh bằng tua len.
Người Thái có quan niệm: Thầy mo là người tiếp xúc với thần linh, lên trời cầu cho người khỏi bệnh, mùa màng tốt tươi. Trang phục của Thầy mo phải đẹp, sặc sỡ có nhiều họa tiết hoa văn để trừ tà ma, mang lại sự may mắn khi đi đường.
Y phục của thầy mo mang yếu tố tâm linh sâu sắc, ngoài ra còn thể hiện sự khéo léo, tỉ mẩn của người phụ nữ Thái, thể hiện đậm nét phương pháp thêu nổi của người Thái trắng, ngoài kỹ thuật thêu còn là kỹ thuật cắt, tạo hình mẫu khéo léo, tài hoa.
|