Mô tả chi tiết |
Gùi là 1 trong những sản phẩm của nghề đan mây tre truyền thống của đồng bào Mông. Với địa vực cư trú ở núi cao, địa hình dốc, đời sống kinh tế chủ yếu là nương rẫy nên gùi là 1 vật dụng, 1 phương tiện vận chuyển thiết yếu của đồng bào Mông. Tất cả mọi người trong gia đình mỗi người đều có một chiếc Gùi, người lớn đàn ông dùng gùi to, đàn bà dùng gùi nhỏ hơn, các em nhỏ là những chiếc gùi nhỏ. Khi lên nương gùi dùng đựng cuốc, daom thức ăn, khi về đưa cuốc dao về, đựng thêm rau, củ lấy từ rừng. Vào mùa thu hoạch gùi đựng ngô, thóc, sắn, đậu đưa về nhà. Ở nhà gùi để đựng lương thực, thực phẩm, gùi đựng quần áo. Nói chung Gùi được sử dụng đa dạng phong phú, đi lại dễ dàng.
Gùi được đan bằng tre, 1 loại tre nhỏ bằng cổ tay, có vỏ bóng, người ta không cần chặt tre theo mùa mà khi cần gùi người ta chặt và đan luôn gùi. Tre được vót thành nan có bản rộng 1cm, vót mỏng để lại cật tre, chiều dài của nan tính bằng chiều cao của Gùi. Đầu tiên đan đáy trước, rồi đan lên đến phần thân gùi theo kiểu đan lóng mốt, lúc đan từ đáy lên đan 1 lượt thưa. Sau đó gập nân xuống đan từ miệng xuống, gài nan tre hết lỗ hổng cho gùi kín. Tất cả các phần thừa của nan gập vào đáy tạo cho cả 2 lớp, giữ cho đáy gùi chắc chắn hơn. Gùi có 2 dây đeo, dây đeo làm bằng bẹ của cây móc được tết chặt buộc vào thên gùi, dây móc vừa bền, vừa mềm làm cho người sử dụng không bị đau vai.
Trong một bản thường gia đình nào cũng đan Lù cổ (Gùi) do người đàn ông trong gia đình đảm nhiệm. Nhưng nếu có ai đan đẹp hơn thì các gia đình khác tới xin mua về để dùng. Khi nào hỏng thì đan cái khác, thường 1 chiếc Lù cổ dùng được khoảng 1 năm, khi hỏng mang làm ổ cho gà đẻ.
|