Chi tiết hồ sơ

Tên Một số đồ dùng bằng gốm Mường Chanh (BTSL: 2479)
Địa điểm Xã Mường Tranh, Mai Sơn, Tỉnh Sơn La
Thuộc Huyện/Thành phố Mai Sơn Thuộc Xã/Phường/Thị trấn Xã Mường Tranh
Mô tả chi tiết

Gốm Mường Chanh thật đa dạng phong phú về chủng loại và hình dáng với tính năng sử dụng rất phong phú và có tới hàng chục mẫu mã khác nhau (Gồm 40 hiện vật)

1. CHUM TO (Hay ham)

           Là loại chum rất phổ biến trong các gia đình người Thái bởi tính năng sử dụng của nó rất thuận lợi cho các việc đựng măng chua, ngâm ủ cây chàm để nhuộm vải, ủ rượu để chưng cất rồi đựng gạo đựng nước. Chum to cũng là loại có nhiều hoa văn trang trí nhất, thường có 3 dải hoa văn đất bờ và kèm theo là từ 3 - 5 dải hoa văn hình sóng nước vòng quanh. Nhóm này có 4 hiện vật.                

2. CHUM NHỠ (Hay bắc)

           Loại này to vừa phải thon thoai thoải rất thích hợp cho việc ủ rượu cần, đựng măng chua, ủ tương bần, đựng "thủa ố" (món đậu tương là loại thức chấm được chế biến từ đỗ tương). Song loại này đặc biệt được dùng trong việc chôn người chết đã qua thiêu đốt các mảnh xương được bỏ vào chum chôn. Đó là điều người già mong được chôn cất kiểu thiêu đốt song không phải dòng họ nào cũng được thiêu đốt.                              

3. CHUM NHỎ (U lảu)

           Thường được dùng để đựng rượu nên miệng cao mà nhỏ, thân phình to đáy hơi tròn. Người thái thường đun rượu để tự cung cấp cho gia đình uống, lá men thì tự lấy trên rừng tự nhiên. Người ta cất rượu để mừng nhà mới giúp đám cưới nhà trai tiếp khách. Các loại ngũ cốc thường được dùng nấu rượu là ngô sắn và các loại quả (chuối mật mía) chum nhỡ loại này có nhiều hình hoa văn sóng nước (từ 3 - 5 dải hoa văn) không có hoa văn dải đất lồi.                                                          

4- CHUM NHỎ ĐỰNG MẮM (Om mẳn)

            Người đồng bằng thường biết chế biến các loại nước chấm từ các các đồ biển như: nước mắm, mắm tôm, mắm rươi, mắm cá ... Thì đồng bào Thái ở miền núi cũng rất tinh tế trong việc chế biến các loại nước chấm từ cá, cua và các loại côn trùng như cào cào, châu chấu, manh khảu san và các loại mắm gừng tỏi ớt khác. Song để chế biến các loại mắm được ngon, hấp dẫn thì phải kể đến những chum nhỏ của gốm Mường Chanh. Những om nhỏ bao giờ cũng làm cho chất lượng các loại mắm được ngon hơn và để được lâu hơn. Đặc biệt người Thái không những biết làm tương nước như người xuôi mà họ còn biết chế tạo một loại đạm tương đặc từ đỗ tương gọi là "thủa ố" với chum Mường Chanh để đựng món ăn này có thể bảo quản cả năm mà vẫn thơm ngon. Các loại om nhỏ này có hình thoai thoải miệng loe, có kèm hoa văn hình sóng nước gồm 11 hiện vật.                                  

5- VẠI DƯA (Pại xổm phắc)

           Để phục vụ bữa ăn hàng ngày là những món ăn rau dưa dân tộc Thái thường làm rau dưa cải canh trộn với nõn cây chuối thái mỏng. Đó là một món ăn dân tộc hay dùng kể cả những cỗ bàn như đám cưới, lên nhà mới, vại to có thể chứa được từ 10 - 20 lít nước. Cấu tạo khác với chum là có 2 quai đối xứng, miệng rộng, đáy thon. Nếu làm dưa vào các vại gốm Mường Chanh thì dưa sẽ thơm ngon, được lâu không bị khú, để lâu ngày mà vẫn rất ngon. Thường chỉ có cổ vại không trang trí hoa văn.                                                

 6- BÁT TO (Thuổi siêu lảu)

           Loại bát to này dùng để hứng rượu qua chưng cất thủ công và bát còn dùng để múc canh làm gỏi, ăn cá sống để trộn gia vị và nước măng chua... Phổ biến nhất vẫn là để hứng rượu (siêu lảu). Khi chưng cất rượu bằng hình thức thủ công dân tộc Thái để bã rượu (khô) vào chõ xôi sao cho gần tới miệng chõ sau đó đặt bát vào chốc chõ xôi. Trên miệng chõ là 1 chảo hay thau nước lạnh. Khi cất lên hơi nóng gặp lạnh đã ngưng tụ hơi nước rỏ vào bát hứng ở dưới đó là rượu. Với lối chưng cất đó rất thuận tiện song phải cất nhiều lần. Men rượu là những lá cây lấy từ trên rừng giã với gạo nặn thành viên to. Có thể nói với lối cất rượu như vậy gia đình nào cũng có nhu cầu dùng bát to và cất rượu để uống giúp nhau giữa cộng đồng kho có cỗ cưới, nhà mới, ma chay...                                          

7.  ÂU ĐUN CÁCH THỦY (Chỗ mọk)

             Cũng như các đồng bào dân tộc khác, văn hóa ẩm thực của người Thái cũng được nhiều dân tộc khác đã từng thưởng thức và rất ưa dùng nó vô cùng phong phú và hấp dẫn. Món đun cách thủy là món ăn được người Thái ưa dùng bởi người Thái ăn cơm nếp thường không hay dùng nhiều món canh mà chỉ hay ăn thức ăn khô như thịt, cá nướng hoặc để góc bếp cho khô hay rau và măng thì luộc, xôi hay nướng. Món mọt (đun cách thủy) cũng được nấu theo kiểu sền sệt không nhiều nước bởi các món cách thủy như: gà, ếch, lươn, trạch kể cả con chim, sóc ... đều có thể đun cách thủy. Thường thức ăn trộn gia vị và 1 chút bột nếp giã nhuyễn trộn 1 chút nước sau đó đun nhừ. Đồ đun cách thủy có 2 bộ phận khác nhau đó là 1 cái âu miệng loe giống cối giã cua của người xuôi để đựng đồ ăn để đun. Sau đó có 1 cái vại thủng lỗ nhỏ ở đáy để úp ngược xuống cái ninh. Âu được đặt cổ ninh hứng bịt hơi nóng lên.                              

8. NINH (Mơ nửng)

            Ninh là 1 trong những vật thiêng trong gia đình người Thái. Bởi theo quan niệm của người Thái có 3 vật được coi là quan trọng nhất nếu để tồn tại 1 gia đình (chua lươn) dù lớn hay nhỏ đó là: Ninh "mơ nửng" chân chài "tin he" và một dao kiếm "ma láp" cho nên khi lên nhà mới người ta sẽ mang 3 vật thiêng đó lên trước ngoài ra còn có khẩu súng kíp nữa. Những vật thiêng này được cất ở xó nhà "co hok hóng" là nơi thờ cúng tổ tiên. Riêng chiếc ninh là vật mang lại sự phồn thịnh no đủ cho gia đình với điều kiện là số đo của đáy ninh phù hợp với số đo của nắm tay người chủ nhà (Theo cách đo riêng của người Thái). Do vậy khi cho 1 người con trai đã lập gia đình ra ở riêng bao giờ bố mẹ cũng phải lo sắm cho con 1 cái ninh mới. Cho tới ngày nay Ninh vẫn được dùng phổ biến ở các gia đình dân tộc song tuy nhiên không còn dùng ninh đất mà có ninh đồng, nhôm bền hơn.

9- CHUM NHUỘM CHÀM (Hay nin)

              Trong đời sống sinh hoạt của đồng bào Thái, việc trồng bông dệt vải để đáp ứng nhu cầu mặc, ngủ trở thành truyền thống. Khi chưa có công nghiệp phát triển người Thái đã biết tự hái các loại cây trong rừng Tây bắc để nhuộm màu. Đó là một điều rất phổ biến ở hầu hết các dân tộc trong nước. Ngoài ra họ còn biết tự cắt may trang phục và chăn đệm gốc. Người Thái rất ưa dùng gam màu đen có thể nói gốm Mường Chanh đã từ lâu góp phần làm cho sản phẩm bông vải nhuộm màu được tốt hơn. Với những chiếc chum to, thấp, độ rộng gần giống như một chiếc chậu lớn nên rất phù hợp cho việc nhuộm 1 mẻ vải từ 4 - 6 sải vải trắng. Để có chiếc chum đẹp như vật chủ nhân của nó đã đổi 15kg thóc từ năm 1950 chum tuy đã cũ nhưng vẫn dùng tốt. Hiện nay vẫn còn vết chàm đen không bị sứt mẻ, xung quanh chum có trang trí 4 dải hoa văn hình sóng nước.          

10- CHUM NHỎ NGÂM RƯỢU (O Lẩu)

            Nếu các loại chum to để đựng nhiều thì loại o nhỏ này có dáng dấp như là hình hoa hoặc có nét giống quả bầu nậm để đựng nước uống của dân tộc Thái. Do đó loại này thường dùng rót rượu tiếp khách ngâm cây thuốc thì giữ được mùi thơm bởi miệng o rất nhỏ bằng cổ chai, đáy, thân phình to tròn. Loại này có hoa văn sóng nước từ 3 - 5 hàng.

Loại hình di sản Dân tộc học Chuyên đề Dân tộc học
Xếp hạng di sản Chưa xếp hạng Năm xếp hạng
Kiến trúc Hiện trạng Đã qua sử dụng
Hiện vật trong di sản
Cổ vật Hiện vật mới
Công tác bảo vệ
Công tác tu bổ tôn tạo
Đất đai trong di sản
Tư liệu kèm theo

Ảnh chum đựng rượu

Ảnh hũ mắm


https://www.zbet.win/news/soi-keo-bong-da