Khung cửi của đồng bào Mông (gọi là Tu Tua) do đồng bào tự chế tác để dệt vải phục vụ nhu cầu may mặc trong gia đình. Gỗ làm khung cửi thường chọn loại gỗ nùi đá, chắc, chặt vào sau khi ăn tết xong để gỗ không bị mọt.
Khung cửi dân tộc Mông có nhiều bộ phận
1. Khung (Tu tua):
Làm bằng gỗ, có hình tứ giác cao 1,6m; rộng 0,86m. Tiết diện gỗ làm khung là 5cm, phần chân rộng hơn để tạo độ vững chắc, phía trên và dưới được chốt bằng 2 thanh gỗ để khung không bị xê dịch, khi dệt khung ở vị trí dựng đứng.
2. Go chính (Dua):
Có hình chữ nhật, kích thước 47 x 12cm, có cấu tạo bằng 2 thanh tre nhỏ, nối với nhau bởi các nan tre cách đều nhau. Go chính có tác dụng chia các sợi dọc, khi dệt tác đều các sợi dọc không dính vào nhau.
3. Go phụ (Ky mua):
Là những ống tre nhỏ dài 40cm, có tác dụng chia tách 2 làn sợi ngang để đưa con thoi qua.
4. Con thoi (Gó):
Thoi dệt vải của đồng bào Mông thường được làm to, nặng: Dài 53cm; Rộng 13cm. Thoi vừa có tác dụng luồn sợi ngang vừa làm bàn dập để đập khít các sợi vải vào nhau, tạo cho mặt vải dày, mịn gỗ làm thoi thường làm bằng gỗ cứng, không mối mọt gọi là gỗ nhanh.
5. Ống tre ngáng sợi (Lo xú)
Có tác dụng tách 2 làn sợi dọc cho rộng để đưa thoi qua được dễ dàng vừa lăn đi lăn lại tạo độ mịn cho sợi lanh. Ống tre có đường kính 10cm, dài 40cm làm bằng tre già chặt đúng mùa để nguyên cả 2 đầu mặt, cạo hết phần vỏ ngoài thật nhẵn để khi dệt không làm sước sợi lanh. 2 ống tre đục thủng để cho nhẹ bớt trọng lượng, khi dệt sợi vải không bị trùng xuống.
6. Tấm ván giữa khung (Chanh tu):
Có hình chữ nhật dài hơn chiều rộng của khung, rộng 30cm, dày 2cm. Có tác dụng chốt giữ để 2 thanh gỗ đứng của khung cửi chắc chắc hơn và là già đỡ cho bộ phận cuộn vải.
7. Bộ phận cuốn sợi (Chinh tu):
Là một tấm gỗ rộng 20cm; dài 50cm được cắt nhỏ ở giữa, đẽo tròn dùng để cuốn sợi dọc trong quá trình dệt người ta sẽ tháo dần sợi ra. Bộ phận cuốn sợi để trên tấm ván ngang sau 2 thanh dọc của khung nên khi dệt ta có thể kéo sợi căng mà cuốn sợi không bị tuột.
8. Bộ phận cuộn vải:
Là 1 ống tre nhỏ, dài 45cm vạt vát ở 2 đầu có dây vải để buộc vòng ra sau lưng người dệt. Khi dệt người dệt vải sẽ quấn dần vải lại cho tới khi dệt hết sợi dọc.
Khung dệt của người Mông thường do những người đàn ông có kinh nghiệm chế tác để những người phụ nữ dệt vải dùng trong gia đình. Khi dệt, người ta buộc khung dệt vào cột nhà, người dệt ngồi trên một chiếc ghế, 1 đầu sợi buộc vào thắng lưng người dệt, 1 đầu dây của cần giật buộc vào chân, khi dệt người ta giật chân cho go tách sợi ra và luồn thoi vào.
Người Mông khác với các dân tộc khác là không dùng sợi bông để dệt vải mà dùng sợi lanh, trước khi dệt sợi lanh tốn rất nhiều thời gian, để tạo được sợi mịn. Khi dệt sẽ không bị lỗi, đứt. Người Mông không tạo hoa văn trong quá trình dệt mà chỉ dệt lóng mốt vải trơn trắng, sau đó tùy loại đồ dùng, trang phục mà họ mới đem nhuộm, tạo các đồ án hoa văn.
Đối với người Mông sợi lanh không chỉ mang ý nghĩa vật chất là dùng để dệt vải mặc, làm khăn địu... mà còn mang ý nghĩa tâm linh rất sâu sắc, họ quan niệm: Sợi lanh là sợi chỉ dẫn đường cho linh hồn của người chết về với tổ tiên và cũng là sợi chỉ dẫn đường cho linh hồn tổ tiên đầu thai về với con cháu. Nên người Mông dù ở đâu, mặc trang phục gì đi chăng nữa thì khi gần chết người ta vẫn phải chuẩn bị 1 bộ váy, quần áo bằng vải lanh để làm thuốc. Khi về trời, nếu không tổ tiên của người Mông sẽ không nhận ra họ.
Dân tộc Mông tuy bảo tồn rất tốt văn hóa mặc truyền thống nhưng nghề trồng lanh và dệt vải lanh đạng bị mai một dần. Việc bảo tồn nghề dệt truyền thống là một điều rất cần thiết để bảo tồn trang phục truyền thống rất đặc sắc của đồng bào Mông.
|