Mô tả chi tiết |
I. LỄ THỨC CHÍNH
Trong lễ cúng Ua nếnh xâu xú của người Mông trắng họ Mùa vùng Chiềng Hặc lễ thức chính chỉ diễn ra một ngày. Từ sáng sớm là phần cúng tập thể, cho mọi thành viên nam giới có thể đi đến nơi cúng được, buổi chiều dành riêng cho phần cúng dọn giữ máu cho từng người, phần cuối là dọn đuổi ma xấu, máu xấu cho cả họ, tối là vui chơi rượu, có mời chào anh em trong và ngoài họ đến dự, trong lễ cúng của người Họ Mùa có mời các họ khác như: Vàng, Thào vv… về thăm và xem cúng chứ không dự cúng, người họ khác đến thăm cúng, ngồi riêng ở một nơi của khách. Cũng thành kính ngưỡng mộ như họ của mình, nhưng không bao giờ là thành viên chính. Sau buổi cúng các họ (chủ yếu là trưởng họ hay chi trưởng, già làng đại diện) dự bữa cơm mà họ Mùa thịnh soạn đãi họ và khách, bằng những vật hiến sinh bằng máu. Để buổi lễ tiến hành sớm và để cho chủ cúng chủ động mọi mặt, các chủ gia đình dự cúng phải có mặt từ chiều hôm trước để giao nộp lễ vật có lời xin với chủ cúng. Gia đình tôi không có gì, có chút lễ nhỏ gửi lễ cúng giữ máu cho các con trai tên tôi là: A, B, C … đồng thời đưa lèm theo Xó lia (chỉ) và Dáy lia, dáy dua (giấy màu) to bằng tờ giấy bạc 500đ.
A. Buổi sáng:
6 giờ sáng mọi thành viên nam dự lễ cúng phải có mặt đầy đủ tại nhà chủ cúng. Người ta cắt tiết từng con gà các gia đình gom lễ và con lợn chủ cúng bỏ ra ngay tại gian giữa, gần bàn thờ, thấm tiết gà vào từng tờ giấy màu để ma chứng kiến, xong lấy giấy đã thấm máu gà để riêng vào cái chậu để khi cúng xếp thành hai hàng cho thầy cúng hành lễ, các xỏ lia (chỉ) một chậu riêng. Hai thầy cúng chính đã có mạt, mang theo:
- Một cái túi trong đó có Táu du nếnh (chiêng cúng ma) một dùi chiêng bọc vải đỏ.
- 4 thanh chóp sừng trâu, dùng hỏi ý kiến ma, hai thanh khớp lại là 1 chóp, hai thanh luy là một chóp cưa dọc đôi những cưa xong phải đem ra cân tiểu li để cân sao cho thanh "chồng" nặng hơn thanh "vợ" 3 li, dài 15cm, dày 2,5cm, dây là chóp sừng trâu mà con trâu không may chấp nhận cái chết như ngã hố, chứ không phải là sừng trâu người mổ thịt hoặc hổ ăn thịt. Vì như vậy Ma cúng không nhập nên việc hỏi ý kiến không chính xác (giống thanh tre "tóc phạch" của người Thái, hoặc đồng thiền có xin âm dương của người Kinh).
Mỗi thầy cúng còn đem theo hai quả nhạc bằng đồng hình tròn (cho chứ nếnh) to bằng đít bát, có dải vải đỏ, khi cúng đeo vào hai ngón tay, ở hai bàn tay rung lắc theo nhịp chiêng.
Hai cái khăn: một màu đỏ rộng 1m, một màu đen dài 1,5m rộng 30 phân, hai khăn này đội khi cúng.
Cách đội khăn: khăn đỏ trong, một mép vừa vào trán, phần còn lại vắt ra phía sau, khăn đen dể 20 phân trước chán, phần còn lại quấn quanh đầu ngoài khăn đỏ, còn quần áo là những bộ quần áo mới, đúng với truyền thống của người Mông thường dùng. Thầy đeo hai nhạc vào hai ngón tay giữa của mình.
Xáy nếnh: người ta còn chọn từ 4 đến 6 người phụ cúng cho hai thầy chính, đây là những người có hiểu biết ít nhiều về lễ cúng, để trợ giúp hai thầy chính trong quá trình diễn ra lễ cúng, các phụ cúng mặc bình thường. Riêng hai thầy cúng chính khăn áo như đã nói ở trên.
Nanh nếnh: (bàn thờ) chính gian giữa trang trọng của ngôi nhà chủ cúng, có bàn thờ truyền thống của người Mông: có gián những tờ giấy bản người Mông tự làm, có cắm các lông gà, có tờ giấy thấm máu gà của các lễ cúng. Chính giữa vị trí trang trọng nhất là bát hương, bát được bọc giấy bàn buộc bằng những sợi chỉ màu, chân hương hầu hết là chân hương đen do người Mông tự làm, xung quanh để từ 3 - 4 cái chén đựng nước cho ma uống, một vài cái bát đựng nến hoặc sáp ong để đốt khi cúng. Người ta còn treo vào bàn thờ những dụng cụ hành lễ như nhạc, chiêng, sừng trâu, một vài tờ giấy có trổ hoa văn truyền thống của người Mông. Dưới bàn thờ là một cái ghế băng dài 1,5m cao 0,50m, rộng 0,40m, có phủ một cái châ làm "ngựa" cho hai thầy cúng chính cưỡi. Hai thầy ngồi quay mặt lên bàn thờ, sau hai thầy là xếp hai hàng giấy màu đã thấm máu (chọ đấy) một chậu đựngg Xó lia (chỉ) có hai cái chai to hoặc lọ (hừ châu xó) để khi cúng dựng Xó lia và Chọ đẩy, vật tượng trung cho những cái xấu sau khi cúng (sau khi cúng mới trở thành cái xấu).
Chủ cúng bàn giao danh sách những người được cúng dọn giữ máu năm nay, cho hai thầy chính nhập tâm, các thành viên nam có trong danh sách phải quỳ xuống xin các thầy cúng dọn giữ máu tốt cho mình, (chó trê trau du) đuổi máu xấu, cái xấu trong máu mình, (dủa tẩu trông) tà ma ác khí ra khỏi cơ thể, đón lấy sự tốt lành, phúc lộc, vào người, vào từng gia đình, bao giờ hai thầy bảo:
- Đứng lên, đồng ý cúng cho.
Thì những người đó mới đứng dậy, lễ cúng chính thức bắt đầu:
Nghi lễ tập thể:
- Xớ í pờ: Các thành viên trong họ cần dọn giữ máu đứng gọn vào một góc nhà, một thầy cúng đánh chiêng đi vòng quanh đám người, thầy thứ hai cầm ống chỉ trắng đi vòng quanh dùng chỉ quấn lấy đám người ở ngang tầm thắt lưng trong khi làm như trên đọc lời cúng.
- Xua tấu: thầy cúng cầm chậu giấy màu đã thấm máu gà giơ lên ngang tầm vai mọi người thổi cho các tờ giấy màu bay vào người họ rồi rơi xuống đất.
- Chùa de: Thầy cầm bát nước lã ngậm vào mồm mình rồi phun lên đám người, thầy kia có lời cúng: Ma cúng giúp lấy thuốc này vào mọi người, giữ lấy cái tốt, cái xấu bay đi.
- Mua cay p lở: một thầy cầm con gà còn sống, có lông màu đỏ giơ lên khua đi khua lại có lời cúng: gà giúp quét dọn, mổ hết cái xấu trong những con người này cho sạch.
- Thầy cầm kéo đi cắt 3 vòng chỉ quấn quanh đám người này cho họ ra, mọi người đi nhặt những mảnh giấy màu và lấy 1 xo lia (chỉ) đặt lên vai mình giây lát rồi cầm trao cho thầy cúng, thầy nhận đặt vào chậu như cũ, sau khi giao nhận hết số Xo Lia và giấy màu, mọi thành viên được tự do đi lại lễ cúng buổi sáng đến đây kết thúc. Mọi người đi làm cỗ ăn cho cả họ và mời khách, các thầy nghỉ để chuẩn bị vào lễ cúng dọn giữ máu cho từng cá nhân vào buổi chiều.
Kiêng cữ trong khi cúng:
Khi lễ cúng bắt đầu, mọi người phải tìm chó để đuổi ra khỏi nhà cúng. Công việc này phần lớn các thầy cúng phụ đảm nhiệm một cách nghiêm nghặt, các thành viên trong họ cùng quán xuyến, nếu vì lí do đặc biệt nào mà con chó to nhỏ đã chui được vào trong nhà cúng thì mọi người phải hết sức nhẹ nhàng làm sao con chó ra khỏi nhà mà không có tiếng kêu, nếu có là một điềm dữ cho thầy cúng. Người Mông giải thích rằng: Ma cúng rất sợ chó nhất là tiếng kêu của chó. Thầy cúng đang cúng là mà cúng nhập vào thầy, thầy mới nhớ bài cúng, mới nhảy rung nhẹ người, cúng mới có hiệu quả như nhập đồng của người Kinh, chẳng may có tiếng chó kêu đột ngột, ma cúng sợ hãi đã xuất ra khỏi thầy đột ngột là người Thầy cứng đơ lại, mắt nhắm thở yếu. Trường hợp đó chủ cúng phải nhanh chóng đến xin ma cúng nhập trở lại, sau khi quỳ xin nhiều lần ma cúng nhập trở lại, người thầy thở lại đều, mắt mở, thầy khỏe và cúng trở lại. Vì vậy người Mông khi cúng không cho chó vào nhà, kiêng không để cho có tiếng chó kêu đột ngột, ngoài ra thầy cúng còn phải kiêng không ăn thịt chó, và nhiều người Mông không hay ăn thịt chó, vì như vậy ma cúng không nhập vào được, cái xấu, tà ma ác khí dễ xâm nhập. Người Mông còn quan niệm rằng: trẻ sơ sinh hay quấy khóc dà dề, chậm lớn là do Ma xấu nhập vào quấy phá trẻ, vì vậy phải lấy máu ở tai con chó 4 mắt (hai mắt giả), bôi vào trán đứa trẻ đó, thì trẻ hay ăn chóng lớn không quấy khóc. Với những lý do trên người Mông không cho chó vào trong nhà khi đang có lễ cúng.
NGHỈ TRƯA
(Phần ngoài lễ cúng)
Ngày nay người Mông họ Mùa cũng như người Mông các họ trong khu vực, đặc biệt là 4 bản của xã Chiềng Hặc, trước đây họ có một quá khứ vất vả do chiến tranh, do một số tập quán làm ăn lạc hậu, sống du canh du cư và hút thuốc phiện, nay nhà nước ta có các chương trình sự án thuộc chương trình 135, riêng bản Co xay tự túc 100 triệu cùng nhà nước mở đường ô tô đến bản, bản Bo Kiêng làm nhà văn hóa 100 triệu, toàn bộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, trồng cây ngô hàng hóa, đặc biệt người Mông tự lai tạo, bảo tồn được một số vật nuôi cây trồng, có dáng vóc to, đẹp, năng xuất cao như: "lợn mèo", "gà mèo", "bò mèo", "rau cải mèo" vv.. hiện nay một số cây giống mới như vải thiều, nhãn, xoài lai vv đang được địa phương trồng thử nghiệm có kết quả. Do vậy buổi trưa mọi người ăn bữa cơm thân mật họ mạn dàm. Thăm hỏi về cung cách làm ăn, cách xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm, đặc biệt là kinh nghiệm cai và lấy cây thuốc cho các cụ già nghiện thuốc phiện có hiệu quả. Con trai, con gái ngày nay cùng về vui chơi, nhận họ hàng hoặc các chàng trai họ khác đến tìm hiểu các cô gái họ Mùa. Người Mông dù là 7 hay 10 đời mà cùng mang tên một họ đều là anh em không bao giờ có sự kết hôn cùng một họ, nên trong những lúc tập trung này các cô gái, chàng trai khoe sắc, khoe tài ở một vài làn điệu hát, thổi khèn hoặc trò chơi như ném pa pao, chơi chọi cù vv.. Đây là nét đặc trưng văn hóa mới của người Mông, cổ xưa những ngày như thế này chỉ có con trai đến, người con gái thậm chí còn không được ăn trong lễ cúng. Nhưng ngày nay đã đổi khác, người phụ nữ được giải phóng, bình đẳng, không còn cảnh nuôi chồng nghiện hút, không đẻ đông con, không còn tảo hôn, nên những ngày này họ coi như ngày hội, mặc áo Xo nhia, búi tóc P ló ho, xe lanh dệt vải, thêu váy học hỏi nhau làm đẹp, thêu thùa để trang phục của họ ngày càng đẹp. Mặc dù họ không được dự lễ cúng.
Bản Mông xã Chiềng Hặc ngày nay đổi mới khá nhiều, nhiều nhà có Xa lông quay, 70% có xe máy nhà nhà có máy khâu, con em đi học các trường, xóa nghiện, xóa nhà tạm, xóa đói, xóa mù chữ. Chính nhờ những đổi mới ấy họ lại càng cảnh giác với cái xấu, luôn rình rập thâm nhập vào người họ để phá hoại cuộc sống bình yên hạnh phúc, nên trước đây 2 - 3 năm họ mới cúng Xâu xú một lần, ngày nay họ cúng mỗi năm một lần, nhằm tặng điều tốt lành cho cuộc sống, người ta cảnh giác với cái xấu nhập vào máu mình người mình, đến mức độ lập "hiện trường giả" mà lừa cái xấu. Vì họ thừa biết cái xấu cũng tinh vi xảo tra lắm, nên mới làm không cho cái xấu đến với họ, mà trong tục kiêng cữ đã nói.
BUỔI CHIỀU
(Phần dọn, giữ cho từng thành viên trong họ)
Buổi sáng là phần dọn giữ máu cho các thành viên nam trong họ, việc làm này mang tính tập thể, các thành viên nam sau khi nhặt giấy thấm máu gà đã thấm: cái xấu của mình vào đó, đi lấy một Xo lia đặt lên vai mình cũng là cái xấu đã "dính" vào đó cả, rồi giao cho thầy, là đã giao cái xấu, có máu xấu, ma xấu giờ chỉ còn nhờ thầy đuổi, trục xuất những cái xấu đó ra khỏi nhà mình, người mình không bao giờ trở lại với mọi người, mọi nhà. Cho nên sau khi đã giao xong, các thành viên có thể đi chơi thăm hỏi họ hàng, còn việc phục lễ mỗi gia đình để lại một người thường là chủ gia đình. Các việc của thầy cúng bắt đầu:
Khoảng 1 giờ chiều. Thầy đội lại khăn áo, đeo lại nhạc, người ta gấp một cái chăn lên ghế cho hai thầy chính ngồi, hai thầy phụ ngồi dưới đất, bên cạnh có một chậu đựng xó lia, giấy màu được xếp thành hai hàng, hai cái chai to để nhốt ma xấu khi các thầy đã bắt được. Tiếng chiêng linh thiêng được gõ lên những tiếng huyền bí, hai thầy ngậm miệng lại phì hơi làm rung môi phát ra những tiếng như ngựa hí lúc sắp xung trận, chân các thầy rung lên bần bật như đang cưỡi ngựa, mặt đầy dũng khí, đây là hình tượng các thày "phi" ngựa "di" thỉnh mời các vị thần ma nhà trời về giúp các thầy đuổi ma xấu, và cũng nhờ nhà trời về đem những cái ma xấu đi. Vừa "phi" (rung) vừa hí (rung môi thành tiếng) các thầy thỉnh mời:
1. Húa phía nếnh ủa nếnh: cha mẹ của các loài mã, bậc ma cao nhất trên trời tương tự như Ngọc Hoàng, về để trông coi các vị cấp dưới giúp người Mông đuổi cái xấu.
2. Húa tai nếnh: bậc ma cao thứ hai trên trời là các vị tướng, tương đương với các sứ thần phụ trách từng công việc mưa gió sấm sét vv… như thiên lôi, về để chỉ huy quân lính cấp dưới giúp người Mông đuổi cái xấu, ma xấu.
3. Đan xá: ma cấp thấp nhất ở "cơ sở" trông coi các việc, xấu tốt trong từng con người, gần giống như Thổ công của người Kinh, lại còn có cả binh lính (60 lính như âm binh của người Kinh) về đánh đuổi ma xấu, ma xấu cúng có 60 ma (theo bài cúng).
Thầy mời từng cấp một, cấp nào cũng Mời: về "ngồi ở bàn thờ, uống nước" giúp người Mông đuổi ma xấu, máu xấu. Vì thế trên bàn thờ của người Mông để nhiều cái chén nước thờ.
CHÓ DÒNG TRẾ TRAU DU
(Dọn giữ máu cho từng người)
Sau khi thỉnh mời được các cấp Ma trời về "ngồi ở bàn thờ" uống nước, các thầy cúng tiến hành lễ dọn giữ máu cho từng thành viên nam họ Mùa, mà họ đã giao cho thầy bằng các vật tượng trưng.
Thầy cúng chính, phụ hình thành từng đôi: Thầy chính ngồi trên ghết, đọc lời cúng nhờ các thần ma, ba cấp dọn máu xấu, ma xấu cho người nào đó tên là Mùa A …. Lúc đó nhịp nhàng thầy cúng phụ nhặt 4 tờ giấy có máu gà, và 1 xó lia (tượng trưng cho máu xấu, máu xấu của ông Mùa A … đã dính vào đó lúc đặt lên vai). Thầy phụ dút các vật đó vào trong chai lọ để cạnh, việc dọn giữ máu cho Mùa A… coi như đã xong, tiếp tục sang người khác lời cúng và hình thức dọn cũng lặp lại như người trên chỉ khác có tên người. Hai đôi thầy chính phụ cúng nhịp nhàng đến khi hết số người, phải khớp với giấy và xó lia, nếu thầy phụ mệt có thể thay, nhưng thầy chính thì không thể thay, vì ma cúng đang nhập vào thầy. Mọi người yên tâm là ma xấu đã bị nhốt vào trong chai lọ, người ta lấy một loại đất thật dẻo nhét thật chặt vào miệng chai lọ ma xấu, máu xấu, đã bị "nhốt an toàn tuyệt đối" trong lòng mọi người, phấn khởi tin tưởng cho sự tốt đẹp đã đến với mình cái xấu việc xấu, máu xấu đã được loại bỏ. Từ đó trở đi họ làm việc gì cũng yên tâm và có hiệu quả hơn, như một con người đã hoàn toàn trong sạch. Tai qua nạn khỏi, để bước vào mùa vụ mới, những ngày mới đầy tương lai hạnh phúc.
DUA TẨU TRÔNG
(Phần đuổi ma xấu)
Sau phần dọn và nhốt ma xấu đã xong, các thầy làm lễ đuổi, trục xuất ma xấu: Hai thầy phụ, vầm Hư châu xó (hai chai lọ) đựng ma xấu từ từ đi ra cửa ma, cửa đối diện với bàn thờ, hai thầy chính vừa gõ chiêng, vừa cầm một con gà lông đỏ quét lên trời lên nhà di sau hai thầy phụ cầm Hừ chau xó, miệng đọc lời cúng:
Nếu cái xấu, ma xấu không sạch, không hết, rơi vãi, gà hãy nhặt mổ mang đi giúp. Khi những người này ra cửa ma, tuyệt đối không được giẫm đạp lên bậu cửa (thanh gỗ nằm sát đất) phải bước qua, vì như vậy ma cửa sẽ bị "ngã", chủ nhà lại phải cúng "dỡ ma cửa dậy". Những ngày không cúng cũng kiêng, riêng phụ nữ ít đi cửa này đặc biệt những ngày mới sinh nở và bận việc phụ nữ thì không bao giờ đi qua cửa ma, sợ ma bỏ đi không ở trôgn coi nhà, ma xấu đột nhập làm hại chủ nhà. Khi đoàn đuổi ma xấu ra khỏi cửa: người ta đem hai chai lọ đựng ma xấu đi đào hồ chôn sâu, ngược đít chai lọ lên trời, miệng xuống đáy hố, người ra thích chôn ở chỗ có nước chảy, hy vọng cái xấu không ra được, có ra được nước cũng cuốn cái xấu đi, không cho trở lại. Con gà dùng để quét, mổ tha lôi, dọn cái xấu đem đi mổ ăn ở rừng, sau phải rửa dụng cụ sạch sẽ mới được vào nhà vì sợ cái xấu "dính" ở đó mà đột nhập trở lại.
Sau khi các thầy phụ mang theo Hừ châu xó ra khỏi cửa, giao cho mọi người mang đi chôn, con gà đi mổ, hai thầy chính nhảy lên ghế, nhảy như bay lên trờ, hai thầy phụ phải dỡ hai cánh tay, lúc thì giả làm ngựa, lúc làm giả chim đại bàng để đưa tiễn các cấp ma về trời, đem theo cái xấu, ma xấu đi theo, vừa nhảy các thầy vừa đọc lời cúng:
- Thần đèn hãy cầm đèn đi trước: Các ma cúng hãy bay lên trời, tiễn ba tầng ma lên trời mang theo cái xấu, ma xấu đi soi đường cho sáng.
- Thần nhện: vừa bay vừa nhả tơ đánh dấu đường cho cả đoàn cùng mang cái xấu, máu xấu đi không cho trở lại.
- Thần đại bàng diều hâu: hãy tha, cõng, mang vác, cái xấu, máu xấu đi không cho trở lại.
- Hỡi 60 lính: canh gác hãy tống khứ cái xấu, máu xấu đi khỏi không trở lại.
Thầy vừa nhẩy thật sôi động, vừa đọc lời cúng như trên, hai thầy nhẩy mạnh như thế trên một cái ghế nhỏ, mà không ngã, không đổ ghế là vì: "Ma dở", quen rồi. Các thầy nhảy trong tiếng chiêng, tiếng nhạc, tiếng giả làm ngựa kêu, khoảng từ 30 phút trở lên, bao giờ lời cúng hết, các thày tiễn các vị ma nhà trời về trời, bấy giờ cuộc tiễn thần ma đem theo cái xấu đi coi như đã xong, các thầy nhảy xuống đất. Xong việc tiễn thần ma nhà trời đem ma xấu đi, các thầy trở lại bình thường để bói tìm xem ngày nào ma xấu quay trở lại. Cởi khăn áo, thầy bói.
Người Mông họ Mùa xã Chiềng Hặc quan niệm rằng: Cái xấu, việc xấu, máu xấu, ma xấu loại này rất khôn ngoan và xảo quyệt, nó luôn rình rập con người, chỉ sơ hở, mất cảnh giác một tý, là nó có thể thâm nhập vào mỗi con người, mỗi gia đình, dòng họ bất kỳ lúc nào, nó làm cho họ mất hết phúc lộc, gặp tai họa chẳng lành, chảy máu nhiều có thể chết người. Mặc dù ma xấu bị "dọn đuổi", có các thần ma nhà trời 3 bậc giúp sức, bị "nhốt" bị "đào sâu chôn chặt", bị "gà mổ" lại có cả một đội ngũ ma tốt bảo vệ con người vững chắc. Nhưng ma xấu vẫn ngoan cố luôn tìm cách quay trở lại, hại con người, nên họ phải cúng dọn giữ máu tốt, loại bỏ máu xấu, ma xấu, lại còn bói tìm hỏi ý kiến thần ma nhà trời ngày nào chúng có thể quay trở lại để người Mông họ Mùa kiêng cữ làm hiện trường giả, đánh lừa ma xấu, không cho chúng trở lại nhập vào mỗi gia đình để phá hoại cuộc sống yên lành của họ, việc làm đó tiến hành như sau:
Các thầy cúng nhờ vào Ma cúng của mình, hỏi ý kiến Ma nhà trời ngày nào Ma xấu trở lại, nhớ nơi cũ mà tìm về để hại người họ Mùa, việc hỏi này là lời bói xin kết hợp quăng ném 4 thanh sừng trâu gọi là của (đã nói ở phần trên) nếu 4 thanh úp cả là không đúng là xấu, không phải như lời thầy xin, người ta quan niệm rằng trong lúc quăng nếm ma đã chỉ huy các thanh sừng quay theo chỉ dẫn của ma. Căn cứ vào đó thầy cúng báo cho các thành viên dự lễ cúng ngày nào ma xấu trở lại mà kiêng cữ, việc kiêng cữ được tiến hành như sau:
II. TỤC KIÊNG CỮ SAU LỄ CÚNG
Về lý do kiêng cữ đã nói ở phần trên, sau khi biết được ngày nào Ma xấu trở lại, người Mông trắng họ Mùa tổ chức cả họ kiêng "cấm cửa" những việc gì cần làm và nhất là dùng bằng dao như chẻ củi, thái rau lợn, thái thức ăn cho người, những việc đó người ta chuẩn bị chu đáo từ hôm trước, những ngày kiêng tuyệt đối không cần đến dao, vì sợ chẳng may đứt tay máu chảy là ma xấu xâm nhập vào người, làm chảy máu nhiều có khi chết. Như trên đã nói ma xấu rất xảo quyệt, luôn tìm cách lợi dụng sơ hỏ của người Mông mà vào phá hoại đời sống của họ, nên họ đã cảnh giác rất cao làm hiện trường giả, đánh lừa ma xấu cách làm như sau:
Từ sáng sớm mọi nhà họ Mùa đóng chặt cửa, cửa có cài cành lá xanh vào Đảy xay (ta leo). Ta leo là 9 hoặc 12 nan tre đan hình mắt cáo có cán dài 1m, cài vào một cành lá xanh, cắn trước cửa nhà mình. Người trong nhà không được ra ngoài, người ngoài không được vào nhà (nội bất xuất, ngoại bất nhập) người trong nhà kể cả đi vệ sinh cũng có cách riêng, ít nói, không cười đùa, ai gọi không thưa, ai ở xa không biết có tục kiêng cữ mà gọi thì tạm được châm trước không bị phạt, vì chưa "thông đồng" với ma xấu rạo điều kiện cho ma xấu quay trở lại, ai đã biết mà còn cố tình gọi cửa là quỷ kết dã "thông đồng với ma xấu" nên bị phạt số lương thực, thực phẩm, tiền người ta đã bỏ ra làm lễ cúng để cúng lại. Khi nào mặt trời lặn, coi như việc kiêng đã hết, người ta gỡ bỏ ta leo, bỏ cành lá, việc đi lại bình thường như cũ. Vì vậy người trong họ cũng như ngoài họ, người dân tộc khác cũng rất tôn trọng luật kiêng cữ của người Mông. Mục đích làm như vậy để đánh lừa ma xấu, ma xấu muốn trở lại thấy nhà vắng lặng, cửa có cành lá tưởng là người đã bỏ đi, cây cối đã mọc trước cửa tươi tốt nên ma buồn phiền bỏ đi. Như vậy người Mông mới thoát khỏi ma xấu thâm nhập phá hoại.
Qua phần dọn đuổi, kiêng cữ, cũng như toàn bộ các phần đã trình bầy ở trên ta thấy người Mông họ Mùa, có ý thức rất cao trong việc trao đổi nhân cách con người, không muốn cho con người có cái xấu, gần cái xấu (gần mực thì đen) họ có một lễ thức rất nghiêm ngặt, để giữ tốt bỏ xấu, lễ thức làm hàng năm. Sau khi cúng dọn giữ máu người Mông họ Mùa ở Co xáy và các bản lân cận của xã Chiềng Hặc, không những trong tâm thức sâu thẳm họ đã tin tưởng cái xấu, việc xấu của họ đã được dọn, không còn việc xấu, ma xấu phá hoại cuộc sống yên lành của mình, họ có lòng tin ở cái tốt, cái chân lý của cuộc sống, mà họ ra sức lao động sản xuất xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.
III. KẾT LUẬN
Qua sưu tầm tìm hiểu ở lễ cúng Ua nếnh xâu xú của người Mông trắng họ Mùa vùng Chiềng Hặc huyện Yên Châu, Sơn La chúng tôi thấy:
1. Ua nếnh xâu xú là một lễ thức lớn nhất của ngừơi Mông trắng họ Mùa vùng Chiềng Hặc. Bởi vì nó là một lễ thức của cả một dòng họ, không phân biệt địa lý cư trú. Nó nhằm bảo lưu một sinh hoạt tâm linh lành mạnh cầu mong cho con người luôn vươn tới cái tốt đẹp, để mang lại cho con người sức khỏe điều tốt lành, sự yên ấm hạnh phúc. Đồng thời trừ tránh được rủi ro, ma xấu, ác khí, luôn rình rập để xâm nhập vào con người, gia đình họ để phá hoại cuộc sống yên ấm mà bao đời tổ tiên, dòng họ vun đắp mới có.
2. Ua nếnh xâu xú là một lễ thức có thời gian trường tồn lâu dài nhất trong quá trình phát triển của người Mông trắng họ Mùa, vì nó có từ thời rất xa xưa, nhưng ngày nay vẫn giữ nguyên bản sắc. Nếu cơ sự thay đổi chút ít là tự biến đổi cho phù hợp với thời đại mới như: không ai hút thuốc phiện ở lễ cúng mà trước đây là phổ biến, đến với nhau bằng xe máy, đêm theo đài catsets có băng ghi âm những bài hát Mông, nhà cửa khang trang sạch đẹp. Nhưng mục đích của lễ cúng vẫn như bao đời là ước nguyện của con người vươn tới cái tốt đẹp trừ tránh cái xấu.
3. Lễ thức này chứa đựng những bản sắc văn hóa cổ truyền đầy tình giáo dục của người Mông. Thể hiện nguyện vọng tâm linh lành mạnh, tuy rất huyền bí khác lạ chỉ người Mông mới có, nhưng lại không mang theo tính mê tín dị đoan. Ở đây con người chỉ mượn yếu tố tâm linh để chỉ dạy con người luôn có nghị lực, để vươn tới cái tốt, trừ tránh cái xấu, nếu lễ cúng đã có thì con người yên tâm, tin tưởng có sức khỏe, có nghị lực hơn trong lao động sản xuất và xây dựng cuộc sống.
4. Ua nếnh xâu xú là một lễ thức hoàn toàn khác với mọi lễ thức khác kể cả lễ thức của người Mông, rất đặc trưng tiêu biểu, không mang tính lạc hậu. Bởi lễ thức này nhằm hoàn thiện con người cả thể chất lẫn tinh thần, luôn biến đổi để hoàn thiện và thúc đẩy cuộc sống và con người tiến lên, không tụt hậu, không lầm lạc lẫn lộn giữa cái xấu và cái tốt thì không thể nói đây là lễ thức lạc hậu.
Vì vậy mong rằng người Mông trắng họ Mùa xã Chiềng Hặc, hãy giữ lấy những gì là đậm đà bản sắc dân tộc trong lễ cúng, đồng thời cũng trừ tránh những gì không phải là truyền thống của tổ tiên để lại. Phát huy tinh thần cảnh giác như lễ cúng của Ủa nếnh xâu xú đã làm với cái xấu, ma xấu luôn tìm cách lung lạc để lừa ta đi theo cái xấu ma xấu.
5. Đây là công trình nhỏ, hẹp nhằm bảo lưu những gì là văn hóa truyền thống của người Mông trắng họ Mùa, cư trú ở xã Chiềng Hặc huyện Yên Châu tỉnh Sơn La, với một cụm dân cư có 79 hộ, 578 nhân khẩu, cho nên không thể đại diện cho những gì to lớn hơn. Chỉ hy vọng đóng góp một chút tư liệu nhỏ để ta cùng tìm hiểu, bảo tồn một lễ thức ở góc độ Văn học dân gian, cũng mong các nhà nghiên cứu, các nhà hữu trách xem xét để góp phần nâng cao đời sống tinh thần vật chất của đồng bào vùng sâu vùng xa, góp phần vào công cuộc dân giầu, nước mạnh.
|