Mô tả chi tiết |
- Bừa ruộng của dân tộc Kháng do người đàn ông khéo tay trong bản, làng hoặc trong vùng tự chế tác để cung cấp cho việc làm đất ruộng để cấy lúa. Bừa ruộng chủ yếu làm bằng nguyên liệu tre, gỗ, dây po, dây thừng.
- Bừa được sử dụng rộng rãi trong mỗi gia đình ở các bản làng của dân tộc Kháng, chỉ dùng bừa để bừa ruộng lúa nước. Bừa là công đoạn làm mềm đất, làm cho đất bằng phẳng để cấy lúa. Chiếc bừa có tầm quan trọng rất lớn vì bừa ruộng là công đoạn rất quan trọng quyết định đến năng suất cây lúa.
- Chiếc bừa chắc chắn và khỏe phải là chiếc bừa làm từ gỗ chắc, dẻo, không bị nứt; gỗ được ngâm bùn lâu năm. Ách bừa cũng phải chọn loại cây gỗ, tre có độ bền cao, dây rừng có độ dẻo dai khó đứt.
- Ở cùng miền núi việc làm lúa nước gặp nhiều khó khăn, vì độ dốc cao, ruộng là loại ruộng bậc thang nhỏ hẹp nên không thể sử dụng các loại máy móc công nghiệp; đồng bào ở đây vẫn phải sử dụng phương thức canh tác cũ là dùng sức trâu bò kéo, vì vậy bừa là công cụ lao động không thể thiếu của người Kháng.
- Bừa có 2 bộ phận chính là thân bừa và ách kéo.
-
Thân bừa có tay cầm và răng bừa. Tay cầm cao ngang tầm hông người sử dụng. Từ tay cầm đến răng bừa được nối bởi 2 thanh gỗ to và chắc tạo thành hình thang cân. Răng bừa là một thanh gỗ dài ngang tay cầm, trên thanh gỗ đó người ta đục lỗ và gắn những chiếc răng bằng gỗ dài, đầu nhọn.
-
Ách bừa làm bằng đoạn tre uốn cong hoặc cây gỗ cong tự nhiên chặt từ rừng về. Ách cong hình chữ V, chỗ uốn cong cũng phải tròn, mặt không bị gồ ghề để đặt lên cổ trâu bò không bị đau. Ách còn được nối thêm dây chão đan bằng dây rừng xoắn lại với nhau có tác dụng làm tăng sức kéo của trâu bò, tăng sự thoải mái cho trâu bò.
|