I. Tên gọi: Nhà tù Sơn La
Tên thường gọi: Nhà tù Sơn La
Tỉnh Sơn La có 12 dân tộc anh em cùng chung sống từ lâu đời. Trước những năm 1908, Sơn La nằm trong địa phận tỉnh Vạn Bú, tỉnh lỵ đặt tại bản Pá giang bên bờ Sông đà. Đầu năm 1908 chính quyền Thực dân cho dời tỉnh lỵ về thị trấn Sơn La, chúng lấy tên của thị trấn nhỏ này đặt tên cho tỉnh. Ngay từ khi chuyển tỉnh lỵ về Sơn La, chính quyền thực dân đã tính đến việc xây dựng một trại giam ở đây, song song với việc xây dựng tòa sứ Nhà giám binh, trại lính và các công sở khác.
Tháng 10 - 1907, Sở kiến trúc thuộc Nha công chính xứ Bắc kỳ đã hoàn chỉnh thiết kế mặt bằng đầu tiên của Nhà tù Sơn La. Đầu năm 1908, dưới sự đốc thúc của tên công sứ Giăng Mông Pê Ra, Nhà tù Sơn La được gấp rút xây dựng và hoàn thành vào cuối năm 1908, với diện tích 500 m2 . Mang tính chất Nhà tù hàng tỉnh và đặt tên là Nhà tù Sơn La.
Nhà tù Sơn La được đổi tên thành Ngục Sơn La. Năm 1930 Đảng cộng sản Việt Nam ra đời đã lãnh đạo nhân dân ta nổi dậy đấu tranh chống lại áp bức bóc lột của Thực dân phong kiến. Những cuộc đấu tranh đã làm cho kẻ địch bị bất ngờ, chúng lồng lên tìm đủ mọi cách để đàn áp phong trào cách mạng của quần chúng, mặt khác chúng gấp rút xây thêm hoặc mở rộng các nhà tù, đặc biệt chúng đã chú trọng đến Nhà tù Sơn La. Lợi dụng vị trí, địa thế của Sơn La chúng tiến hành mở rộng Nhà tù Sơn La nên gấp 3 lần so với ban đầu (Từ 500m2 lên 1500m2 ). Từ đây Nhà tù Sơn La đã thay đổi hẳn về tính chất giam giữ tù nhân, nó đã trở thành một trung tâm đặc biệt để đày ải, giam giữ và tiêu hao dần lực lượng cách mạng Việt Nam.
Bởi vậy từ năm 1930 Nhà tù Sơn La được đổi tên thành Ngục Sơn La (từ PriSon thành Penten cier).
II. ĐỊA ĐIỂM PHÂN BỐ DI TÍCH - ĐƯỜNG ĐI ĐẾN:
Nhà tù Sơn La nằm trên đỉnh đồi Khau cả, một khu đất cao trung tâm thị xã Sơn La, nơi án ngữ các ngả đường đi Hà Nội - Lai Châu - Tạ Bú. Từ đỉnh đồi Khau cả có thể nhìn bao quát toàn cảnh Thị xã Sơn La, và đặc biệt khu đồi này nằm độc lập và gần như tách biệt với vùng dân cư bên ngoài, vì vậy nó rất thuận lợi cho âm mưu của thực dân pháp xây dựng trung tâm giam cầm những người yêu nước Việt Nam tại đây.
Nhà tù Sơn La phía Đông giáp trụ sở làm việc của UBND tỉnh Sơn La cách khoảng 100m. Phía Tây nhìn về khu đồi khí tượng có con đường quốc lộ 6 đi thẳng Lai Châu cách con đường này khoảng 200m, phía Nam nhìn ra trung tâm thị xã cách đường Tô Hiệu khoảng 400m, phía Bắc nhìn về phía trụ sở của tỉnh Đảng bộ Sơn La, cách đường Quốc lộ 6 (đi xuôi về Hà Nội) khoảng 500m.
Nhìn chung Thực dân Pháp chọn địa điểm đồi Khau cả để xây dựng Nhà tù Sơn La để thực hiện âm mưu và tội ác của chúng rất có hiệu quả. Bởi vì với địa điểm nằm trên đồi cao chúng có thể dễ dàng bao quát được mọi hoạt động xung quanh nhà tù và có thể cách ly được những tù nhân chính trị với nhân dân các dân tộc bản địa. Đặc biệt chúng lợi dụng khí hậu khắc nghiệt và công việc khổ sai cộng với chế độ tù đày hà khắc nhằm tiêu hao dần sinh lực của tù nhân.
* ĐƯỜNG ĐI ĐẾN DI TÍCH:
Đến tham quan, nghiên cứu hay tìm hiểu về di tích Nhà tù Sơn La, quý khách có thể đi lại rất thuận lợi bằng nhiều phương tiện cơ giới hoặc đi bộ với 2 cửa ngõ vào di tích.
- Cửa ngõ thứ nhất: Nếu đi theo trục đường quốc lộ 6 (Hướng từ Hà Nội lên) đi qua cầu 308, đến ngã 3 Gốc phượng (tên thường dùng tại địa phương) ngã 3 này - một hướng đi thẳng lên Lai Châu, hướng rẽ tay trái là đường vào trụ sở tỉnh Đảng bộ Sơn La, hướng tay phải ngược lên đồi khoảng 400m là trụ sở UBND Tỉnh Sơn La, đi tiếp đến 100m là đến di tích Nhà tù Sơn La. Đây là con đường chính và thuận tiện mà các đoàn khách thường đến tham quan.
- Cửa ngõ thứ hai: Cũng bắt đầu từ trục đường 6 hướng đi Lai Châu về trụ sở Tạ Bú ra (gọi là ngã 3 két nước). Nếu từ ngã 3 này lên đến di tích khoảng 400m.
III. NỘI DUNG SỰ KIỆN CỦA DI TÍCH:
Trong quá trình xâm lược và thiết lập chế độ thuộc địa ở Việt Nam, Thực Dân Pháp đã phải đương đầu với sức phản kháng quyết liệt của dân tộc Việt Nam anh hùng. Biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước, bất chấp sức mạnh vật chất và sự tàn bạo của kẻ thù xâm lược, đã đứng dậy đấu tranh với nhiều hình thức, thực hiện mục tiêu đánh đuổi giặc ngoại xâm cứu nước. Đối phó với một dân tộc như vậy, Thực Dân Pháp đã sử dụng nhiều thủ đoạn dã man chính sách thâm độc như: Chia rẽ, đầu độc, ngu dân, đàn áp và khủng bố. Chúng đã dựng lên hàng loạt nhà tù, trong đó có Nhà tù Sơn La nhằm hủy diệt lực lượng lãnh đạo cách mạng và phong trào quần chúng và thủ tiêu ý trí đấu tranh của nhân dân.
Nhà tù Sơn La cùng với nhà tù Côn Đảo, Buôn Mê Thuật và Hỏa Lò nổi bật lên những chứng tích về sự tàn bạo của chế độ Thực dân. Cũng chính tại nơi bị giam cầm, đày ải ấy. Những người yêu nước và Cộng Sản Việt Nam đã anh dũng đấu tranh, làm thất bại nhiều mưu đồ đen tối và xảo quyệt, man rợ của kẻ thù.
Nằm trong hệ thống các nhà tù, Nhà ngục, trại giam … Nhà tù Sơn La do Thực Dân Pháp xây dựng ở nước ta vào những năm đầu của thế kỷ 20. Khởi thủy nó chỉ là Nhà tù hàng tỉnh mang tên "Prison de Vạn Bú" với chức năng là giam giữu từ thường phạm.
Từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo nhân dân ra vùng lên đấu tranh chống Đế quốc phong kiến thì Nhà tù Sơn La thay đổi hẳn tính chất, nên được đổi tên là "peni tencier de Son La". Như vậy đối tượng giam giữ không chỉ là tù thường phạm mà cả tù chính trị thuộc các Đảng phái, trong đó chủ yếu là tù Cộng Sản. Như vậy Nhà tù Sơn La trở thành trung tâm giam cầm đày ải những người yêu nước Việt Nam.
Nếu như năm 1930 chỉ có 24 người tù Cộng Sản tư nhà giam Hỏa Lò bị "phát vãng" lên Sơn La thì tháng 12 năm 1944 con số đó đã lên tới 1007 tù nhân. Sơn La là một tỉnh miền núi cách xa Hà Nội. Chỉ có một con đường độc đạo là con đường số 41 (nay là đường Quốc lộ 6) trình độ dân trí còn thấp và thủa đó là một trong những vùng nổi tiếng "Nước độc rừng thiêng" "Nước Sơn La ma Vạn Bú" hoặc "Ai lên Hát lót Chiềng Lề, khi đi thì dễ khi về thì không". Không thể chém giết cùng một lúc hàng loạt những người dân Việt Nam yêu nước, nên Thực Dân Pháp đã thực hiện âm mưu hết sức thâm độc là lợi dụng khí hậu khắc nghiệt, kết hợp với chế độ ăn uống kham khổ, chế độ lao tù hà khắc, lao động khổ sai cực nhọc… Để giết dần, giết mòn cả thể xác lẫn tinh thần của người tù chính trị, điều đó đã thể hiện đầy đủ trong các các báo cáo của Công Sứ Sơn La Xanh - Pu - Lốp gửi Thống sứ Bắc kỳ. "chỉ cần một thời gian không lâu, sốt rét, bệnh tật và công việc khổ sai sẽ tiêu hao chúng một cách êm thấm …".
Tàn nhẫn hơn chúng dùng chế độ vật chất để mua chuộc biến những người lạc hậu thành hàng rào bao vây nhà tù, ngăn cách những người tù chính trị với đông đảo quần chúng nhân dân và lợi dụng sự khác nhau về phong tục tập quán, về ngôn ngữ để ngăn cản tuyên truyền cách mạng của các tù chính trị.
Trong điều kiện sống lao động, bệnh tật và âm mưu của kẻ thù như vậy. Những người tù chính trị Sơn La phải thực sự đối đầu với những thử thách lớn. Nếu không có nghị lực ý chí và sáng tạo thì rất dễ bị sa ngã, đầu hàng an phận thủ thường. Qua các nguồn tài liệu còn lưu giữ được cho đến ngày nay, qua lời kể của các nhân chứng, chúng ta biết được một phần nào những người tù Cộng sản ngay từ lúc đặt chân tới Nhà tù Sơn La đã ý thức được những khó khăn, nguy hiểm và sớm tìm được cho mình những phương thức hoạt động thích hợp để sống, để tiếp xúc với dân, gây dựng cơ sở cách mạng, để đấu tranh trực tiếp với kẻ thù, rèn luyện và chuẩn bị chu đáo hành trang cần thiết khi có điều kiện trở về với Đảng với tổ chức. Có lẽ chưa có một nhà tù nào trong hệ thống nhà tù của Thực Dân Pháp lập ra nước ta lại có một mô hình tổ chức chặt chẽ, có hiệu quả của những người Đảng cộng sản như ở Nhà tù Sơn La, và cũng ở nơi đây đã đào tạo cho cách mạng, cho Đảng nhiều cán bộ lãnh đạo xuất sắc như vậy: đ/c Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Lương Bằng, Lê Thanh Nghị, Đặng Việt Châu, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Văn Trân… và rất nhiều đồng chí giữ các cương vị trọng trách trong các cơ quan Đảng và Nhà nước ta đều thử thách, rèn luyện và trưởng thành từ Nhà ngục Sơn La.
* CÁC CUỘC ĐẤU TRANH TRONG NHÀ TÙ SƠN LA:
Kẻ thù tưởng rằng hễ bắt được tù Cộng Sản là có thể tiêu diệt được tinh thần và ý chí chiến đấu của họ, sẽ tiêu diệt được Đảng ta và dập tắt được phong trào của nhân dân ta. Nhưng chúng đã lầm ý chí kiên cường của những người tù cộng sản được rèn đúc mài sáng trên sự tàn bạo của chúng. Người Đảng viên Cộng sản không chịu chết mòn trong gông cùm của kẻ thù, mà họ đấu tranh bảo tồn lực lượng, bảo vệ khí tiết cách mạng của Đảng, tổ chức cuộc sống, học tập lý luận và tuyên truyền cách mạng, giác ngộ quần chúng, xây dựng cơ sở cách mạng bên ngoài nhà tù.
Trong giai đoạn năm 1930 - 1932, các đoàn tù chính trị gồm 50 người bị kết án khổ sai 5 năm đày lên Sơn La, tháng 2 năm 1933, đoàn tù thứ 4 gồm 210 người, đây là đoàn tù đông nhất bị đày lên Sơn La. Sau khi Thực Dân Pháp đàn áp dã man phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trong đoàn tù này có các đồng chí: Trịnh Đình Cửu, Trần Văn Lan, Đỗ Ngọc Du, Khuất Duy Tiến, Trường Chinh, Lê Duẩn mà Thực dân pháp đã xếp vào "những phần tử nguy hiểm".
Tháng 10/1933 nhiều cuộc đấu tranh liên tiếp của những người tù Cộng sản ở Nhà tù Sơn La nhung tiêu biểu nhất vẫn là cuộc đấu tranh "Chống tên toàn quyền Đông Dương PátSkiê". Cuộc đấu tranh này anh em tù chính trị đã tổ chức đưa ra bản yêu sách gồm các vấn đề như sau:
- Phải thực hiện chế độ tù chính trị
- Phải chuyển tù về đồng bằng
- Phải cải thiện chế độ ăn uống
- Phải cấp thuốc cho người ốm
- Không được đánh đập và bắt tù nhân làm việc nặng nhọc.
Anh em tù chính trị còn tố cáo chế độ tù đày dã man làm cho nhiều người chết, những người tù còn lại đều bị ốm yếu, bệnh tật. Thái độ cương quyết của tù nhân đã buộc PátSkiê phải nhận bản yêu sách và hứa sẽ nghiên cứu và giải quyết.
Tháng 10 - 1934 đến tháng 5 - 1935. Thực Dân Pháp tiếp tục đày các đoàn tù lên Sơn La, trong những đoàn tù này có các đ/c Nguyễn Lương Bằng, Đặng Việt Châu, Phạm Quang Lịch… Có nhiều đ/c bị đày lên Sơn La lần thứ hai như đ/c Trường Chinh, Bùi Vũ Trụ, Hoàng Đình Dong.
Để lãnh đạo anh em đoàn kết đấu tranh với chế độ tù đày dã man, các đ/c Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh đã bí mật lãnh đạo những Đảng viên Cộng sản từ nhà tù Hỏa lò bị Thực Dân Pháp đày lên Nhà tù Sơn La họp lại, nhận định tình hình ở Ngục tù Sơn La và đề ra chủ trương thành lập "Hội đồng thống nhất" do đ/c Trường Chinh phụ trách, dưới sự chỉ đạo "Hội đồng thống nhất" được chia thành các ban: Ban trật tự trong - Ban trật tự ngoài - Ban hợp tác xã - Ban Nhà bếp - Tổ nhà thuốc. Hội đồng chỉ định người phụ trách, các ban các tổ hoạt động theo quyền hạn trách nhiệm do "Hội đồng thống nhất" đã quy định và được tự chủ theo hoạt động của mình. Những người tù cộng sản chủ trương hoạt động công khai, không ra sách báo như ở Hỏa Lò. Những cán bộ được bố trí trong những vị trí công tác mà bọn thống trị có thể chấp nhận được, chúng không để ý theo dõi, mọi người đều tự giác tuân theo những nguyên tắc do Hội đồng nêu ra mà lấy ý kiến rộng rãi trong anh em. Việc thành lập "Hội đồng thống nhất" là thắng lợi to lớn của tù chính trị về mặt tổ chức và chỉ đạo đấu tranh hợp pháp. Lúc này những người tù Cộng sản ở Ngục Sơn La đều vui vẻ phấn khởi giúp đỡ nhau tổ chức sản xuất, tăng gia gây quỹ, cải thiện đời sống, tổ chứ học tệp lý luận, văn hóa … Tìm cách để giác ngộ binh lính trong nhà tù, vận động giáo dục quần chúng, đặc biệt là quần chúng thanh niên, học sinh, công chức.
Thắng lợi của các đồng chí tù chính trị từ những năm 1935 - 1936 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về mặt tổ chức đấu tranh, tổ chức đời sống.
* CUỘC ĐẤU TRANH TUYỆT THỰC CHỐNG TÊN GIÁM NGỤC GA-BÔ-RI:
Khi chiến tranh thế giới lần II bùng nổ, Đế quốc Pháp lại tăng cường khủng bố tù nhân hơn nữa. Đặc biệt là chúng tăng cường khổ sai nặng nhọc đối với tù nhân đi phá đá, đốn củi, đốn gỗ ở chốn rừng sâu, đào hầm, xây nhà tù, khẩu phần ăn gạo lẫn trấu, thịt ôi, cá ươn, mắm thối, nằm sàn xi măng, gây nhiều bệnh tật hiểm nghèo… gây lên nhiều chết chóc đau thương. Trước những tình hình đó chi bộ nhà tù Sơn La phát động cuộc đấu tranh chống chế độ tù đày hà khắc của nhà tù, đòi bảo đảm quyền lợi hợp pháp của tù chính trị, mà chính quyền thực dân đã thừa nhận. Nguyên nhân bùng nổ cuộc đấu tranh là GA-BÔ-RI đã đánh đập tù nhân một cách dã man, tự ý cấm người tù xuống suối tắm giặt, không cho họ tự quản bếp ăn, bớt xén trắng trợn khẩu phần ăn của tù nhân, chúng còn không cho tù nhân nói chuyện với binh lính.
Cuộc đấu tranh nổ vào tháng 6 năm 1940. Hôm đó trước mặt viên giám ngục, đại diện tù chính trị tuyên bố: Bắt đầu từ hôm nay chúng tôi tuyệt thực để phản đối xếp GA-BÔ-RI đối xử tàn tệ, đánh đập tra tấn, chửi mắng, quát nạt tù chính trị. Tuy nhiên chúng tôi không bỏ công việc, mọi người về trại đến chiều vẫn đi làm bình thường. Cuộc đấu tranh kéo dài 4 ngày sau đó không thấy lay chuyển, tên Cút-xô quyết định nhân nhượng một bước để chuẩn bị cho cuộc tiến công lớn hơn. Trước mặt thượng cấp tên GA-BÔ-RI xin hứa "sẽ chấp hành mệnh lệnh của ngài Công sứ". Thắng lợi của cuộc đấu tranh này rất quan trọng, giải quyết được một số quyền lợi mà cũng từ đấy thái độ của binh lính có chuyển biến hơn, biết nể trọng tù nhân. Từ thắng lợi của các cuộc đấu tranh vai trò lãnh đạo của chi bộ Đảng trở thành tất yếu các đồng chí cũng bắt đầu khẳng định: "Chúng ta không chỉ biến nhà tù Đế Quốc thành trường học cách mạng, mà còn là trường đời, là nơi rèn luyện đấu tranh giai cấp, là học viện của chủ nghĩa Mác - lê nin".
* CUỘC ĐẤU TRANH KIÊN QUYẾT VÀ KHÔN KHÉO CHỐNG CÚT XÔ:
Với sự âm mưu thâm độc của tên cáo già Cút - Xô chúng nhượng bộ tù chính trị trong cuộc đấu tranh trước, nhưng trong thâm tâm chúng chuẩn bị một kế hoạch tấn công quyết liệt hơn để uy hiếp tinh thần những người tù chính trị. Bề ngoài chúng dùng những lời lẽ ngọt ngào, những cử chỉ thân mật, nhưng bên trong chúng ngầm ra lệnh cho bọn tay chân của chúng thẳng tay đàn áp, khủng bố tù chính trị mạnh hơn nữa.
Lúc này tình hình thế giới đang có nhiều biến chuyển. Vì vậy bọn thống trị ở các nhà tù khác, chúng tăng cường khủng bố, ngược đãi tù chính trị. Riêng ở nhà Ngục Sơn La số tù Cộng sản lên tới một trăm đồng chí. Để phục vụ cho âm mưu đó, chúng mở rộng và xây dựng nhà tù mới, chúng bắt tù chính trị phải làm những công việc khổ sai nặng nhọc, bóc lột nhân công rẻ mạt, đày đọa anh em làm mồi cho ốm đau chết chóc. Tên Cút - Xô cáo già ra lệnh cho cai và lính bắt tù phải "Đổ mồ hôi nhiều hơn nữa". Các công việc lao động khổ sai trong nhà tù đều phải tăng thêm chuýen. Hắn ra lệnh cho chân tay của chúng theo dõi mọi hoạt động của những người "Bướng bỉnh" báo cho hắn để hắn bắt giam buồng tối.
Đó là nguyên nhân nổ ra cuộc đấu tranh lớn nhất trong nhà tù Sơn La vào ngày 13 - 5 - 1941. Cuộc đấu tranh này do chi ủy quyết định. Ban lãnh đạo cuộc đấu tranh được thành lập gồm các đồng chí có nhiều kinh nghiệm, khỏe mạnh, can đảm, sẵn sàng hy sinh, đứng ra làm hàng rào che chở cho những đồng chí già yếu, cán bộ lãnh đạo như: đ/c Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Xuân Thủy, Lê Đức Thọ, Tô Hiệu. Vì bệnh tật ho lao nặng, đ/c Tô Hiệu bị giam cách ly ở xà lim tam giác chéo cũng cương quyết xin tham gia đấu tranh, ban lãnh đạo thấy sức khỏe của đồng chí làm liên lạc và điều tra tình hình địch, thông báo cho anh em, tuyên truyền binh lính tranh thủ sự ủng hộ của họ. Đồng chí Tô Hiệu góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh này.
Hôm đó ngày 13 tháng 5 năm 1941, buổi trưa đi làm về cơm đã dọn ra sân, anh em không ăn, một đại biểu của ta đứng lên tuyên bố với giám ngục: "Chúng tôi tuyệt thực và không đi làm để phản đối ông Công sứ đánh đập, bắt giam hầm Cát xô mấy người xe nước một cách vô lý". Sau khi tuyên bố, anh em tập trung về trại lướn cũ, ban lãnh đạo sắp xếp chỗ nằm cho từng người: Khỏe nằm ngoài, yếu nằm trong. Ban lãnh đạo dặn dò các đồng chí giữ vững tinh thần sẵn sàng đối phó nếu chúng dở trò khủng bố. Nhưng tên cáo già Cút xô nham hiểm và quỷ quyệt ra lệnh bắt giam mấy người xe nước xuống hầm, hắn biết thế nào cũng có sự phản ứng nên hắn đã chuẩn bị khủng bố dã man mà ta không lường hết được. Được tin tù chính trị đấu tranh tuyệt thực, Cút - Xô tỏ ra bình tĩnh, hắn không hò la, đánh đập, chửi bới mà lập tức ra lệnh cho bọn lính ống sẵn sàng, lưỡi lê tuốt trần. Mở cửa xông thằng vào trại, chúng dồn mọi người xuống hầm tối. Lúc đầu anh em cứ tưởng chúng làm như vậy để tiện cho việc kiểm tra lục soát, không ngờ Cút - xô định chôn sống hàng trăm con người. Sau đó Cút - xô ra lệnh "Không để lọt một hạt cơm, giọt nước vào hầm ngầm. Nếu ai trái lệnh sẽ bị bắn ngay!". Hắn còn hăm dọa sẽ lấy gạch xây lấp cửa hầm.
Sự việc xảy ra hoàn toàn khác với dự kiến của ta, ta chỉ tuyên bố nhịn ăn, nhưng kẻ địch bắt nhịn uống và giam chặt dưới hầm sâu thiếu không khí với số lượng tù nhân là 156 người. Căn hầm chật hẹp, ẩm thấp, chỉ có 6 lỗ cửa nhỏ trông lên mặt đất, không khí vốn đã thiếu lại thêm hơi người càng ngột ngạt, khó thở. Hầm ẩm ướt lạnh lẽo, nay biến thành một lò nung nóng bức, nhiều đồng chí phải cởi hết quần áo, muốn đứng áp vào tường đá cố hút lấy một chút hơi mát. Do không được ăn uống, trong hầm tối thiếu ánh sáng và không khí nên sức khỏe anh em giảm sút rất nhiều. Ở ngoài nhân dân phố Chiềng Lề rất căm phẫn khi biết được tin Cút xô giam hàng trăm tù chính trị dưới hầm tối. Với tình cảm đó, bà con người gửi phên đường, ống nước vào ủng hộ cho anh em tù chính trị. Đối với anh em trong tù vì có sự cổ vũ lớn lao, tiếp thêm sức mạnh để anh em tiếp tục đấu tranh.
Cuộc đấu tranh kéo dài 13 ngày đêm của những người tù chính trị phạm ở Sơn La đã kết thúc.Qua nhiều ngày bị giam cầm trong hầm tối, khi bước chân lên mặt đất, hầu hết các đồng chí bị ù tai, hoa mắt bước đi lảo đảo, chập choạng, có đồng chí ngã gục không đi tiếp được nữa. Sự ác độc tàn bạo của kẻ thì càng nung nấu thêm lòng căm thù quân cướp nước, càng quyết tâm đấu tranh chống lại chủ nghĩa Thực Dân đến cùng của những người Cộng sản. Từ đây đã mở ra thời kỳ mới, hoạt động sôi nổi, thắng lợi liên tiếp trên mặt trận chính trị - kinh tế - văn hóa - quân sự - tuyên truyền giác ngộ binh lính, quần chúng xây dựng cơ sở cách mạng đầu tiên ở nước ta.
* SỰ RA ĐỜI CỦA CHI BỘ NHÀ TÙ SƠN LA:
Từ năm 1930 - 1939 đã có nhiều đoàn tù bị Thực Dân Pháp đày lên Nhà tù Sơn La, nhưng chưa thành lập được tổ chức Đảng bởi vì chưa có kinh nghiệm lãnh đạo, chưa gây được cảm tình với binh lính, gây dựng một cơ sở cách mạng bên ngoài. Vì vậy đến năm 1939 đã có nhiều đoàn tù bị đày lên Sơn La trong đó có các đồng chí nhiều kinh nghiệm hoạt động cách mạng có các đồng chí đã bị bắt và bị giam cầm ở các nhà tù khác như Côn Đảo, Hỏa Lò. Xuất phát từ những yêu cầu cấp bách lúc này trong nhà tù Sơn La phải có một chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo và tổ chức đấu tranh. Cuối tháng 12 - 1939, các đồng chí Đảng viên trong nhà tù bí mật họp và lập ra chi bộ lâm thời gồm 10 đồng chí, đ/c Nguyễn Lương Bằng được cử làm bí thư.
- Tháng 2 năm 1940, chi bộ lâm thời được chuyển thành chính thức đ/c Trần Huy Liệu được bầu làm bí thư.
- Tháng 5 - 1940 đại hội chi bộ được tổ chức thảo luận, nội dung các chủ trương công tác và bầu ra Ban chi ủy, đ/c Tô Hiệu được bầu làm Bí thư, chi bộ đề ra những chủ trương đường lối hoạt động cụ thể:
1- Lãnh đạo mọi hoạt động trong tù đề ra phương hướng đấu tranh.
2- Gíao dục Đảng viên nâng cao lập trường quan điểm, ý chí chiến đấu, nhân sinh quan cộng sản, đạo đức phẩm chất cách mạng.
3- Rèn luyện và đào tạo cán bộ
4- Xây dựng cơ sở cách mạng bên ngoài nhà tù
5- Bắt liên lạc với tổ chức đảng bên ngoài nhà tù.
Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, đại hội đại biểu tù nhân được tổ chức. Các tù nhân thảo luận sôi nổi, thông qua quy chế chung về tổ chức nhà tù. Đại hội quyết định thành lập ủy ban nhà tù (Còn gọi là ủy ban hàng trại) đặt dưới sự lãnh đạo của chi bộ nhà tù. Đó là cơ quan cao nhất điều hành hoạt động của tù nhân giữa hai kỳ đại hội, có nhiệm vụ quyền hạn để tổ chức và thực hiện các nghị quyết của đại hội, chỉ đạo các ban cơ sở, đồng thời làm chức năng đối ngoại. Các ban cơ sở gồm có:
Ban trật tự trong, ban trật tự ngoài, Ban kinh tế, Ban cứu tế, Ban tuyên truyền, Ban huấn luyện, Phòng y tế, Ban khánh tiết, Ban Văn hóa, Ban dân vận. Riêng ban binh vận hoạt động bí mật trực thuộc chi ủy. Từ năm 1942 tập thể tù chính ở tù Sơn La đã hoàn thành về cơ cấu tổ chức của mình. Chức năng của mỗi ban hoạt động khác nhau nhưng cùng chung một mục đích đó là: Chống lại chế độ tù đày hà khắc của Thực Dân Pháp đối với tù chính trị, mặt khác anh em tù chính trị tổ chức học tập, cải thiện đời sống vật chất tinh thần, gây cơ sở cách mạng từ binh lính, công chức trong và ngoài nhà tù, bắt liên lạc với Trung ương Đảng.
* CHI BỘ NHÀ TÙ SƠN LA VỚI PHONG TRÀO CÁCH MẠNG Ở SƠN LA
Tình hình ở bên ngoài nhà tù ngày càng thuận lợi cho việc chi bộ nhà tù tích cực tuyên truyền, gây dựng phong trào cách mạng bởi lúc này nhân dân ta càng căm ghét bọn cướp nước và bọn quan lại, cường hào. Trước những tình hình đó càng thôi thúc anh em tích cực mọi hoạt động trong nhà tù. Vì vậy trong thời gian này các đồng chí tù chính trị ở Nhà tù Sơn La cần phải tìm bắt liên lạc với tổ chức Đảng ở Trung ương.
Giữa lúc nóng lòng chờ đợi liên lạc của Trung ương thì một số các đồng chí mới bị bắt, bị đày tiếp lên nhà tù Sơn La. Trong các đoàn tù đó có các đồng chí như: Trần Đăng Ninh, đồng chí đã mang theo chủ trương mới của Trung ương (Nghị quyết hội nghị lần thứ 8 của Trung ương tháng 5 - 1941). Từ đó đã giúp chi bộ có đường lối hoạt động. Đến tháng 11 năm 1943 Trung ương cử đồng chí Bình Phương lên Sơn La bắt liên lạc với chi bộ nhà tù Sơn La.
Sau khi nhận được chỉ thị của Trung ương Đảng, chi bộ đã cử đồng chí Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn thay mặt chi bộ tiếp nhận chỉ thị của Trung ương Đảng đó là động lực thúc đẩy các hoạt động của chi bộ trong nhà tù như việc tổ chức học tập, rèn luyện quân sự, xây dựng cơ sở cách mạng ở bên trong nhà tù và bên ngoài nhà tù, tuyên truyền giác ngộ binh lính. Sẵn sàng chờ đội mọi thời cơ thuận lợi tiến tới giải phóng tù nhân, đồng thời mở ra hướng đi mới cho phong trào cách mạng ở Sơn La.
Đầu năm 1943, chi bộ Nhà tù Sơn La đã chính thức thành lập được 2 cơ sở cách mạng bên ngoài nhà tù đầu tiên ở Sơn La. Tổ chức thứ nhất ở Mường La gồm các đ/c Lò Văn Gía, Cầm Văn Thinh, Lù Văn Phui, Lò Xuân tổ này do anh Cầm Văn Thinh trực tiếp làm bí thư.
Tổ thứ hai thị xã gồm: Chu Văn Thịnh, Tòng Văn Lanh, tổ này trực tiếp anh Chu Văn Thịnh làm bí thư.
Hai tổ này được mang tên "Đoàn thanh niên Thái cứu quốc". Trực tiếp dưới sự lãnh đạo của chi bộ Nhà tù Sơn La. Có nhiệm vụ tiếp nhận chủ trương đường lối của Đảng, giác ngộ quần chúng, tập hợp các đoàn viên thanh niên có ý thức tham gia cách mạng, lôi kéo những người có cảm tình với ta.
Tháng 8 năm 1943, chi bộ Nhà tù Sơn La tổ chức cuộc vượt ngục đầu tiên ở Sơn La. Cuộc vượt ngục này đòi hỏi chi bộ phải chuẩn bị chu đáo về mọi mặt và phải bí mật, rút kinh nghiệm cuộc vượt ngục của hai đ/c Tường và đ/c Lý không có tổ chức nên đã xảy ra thảm họa vô cùng to lớn cho chi bộ Nhà tù Sơn La, ảnh hưởng tới tư tưởng của anh em tù chính trị.
Sau khi nghiên cứu chi bộ nhận định nhân tố thắng lợi trong cuộc vượt ngục này là phải có người dẫn đường. Chi bộ chọn anh Lò Văn Gía một đoàn viên thanh niên Thái cứu quốc thông minh, dũng cảm, nhanh nhẹn, có tinh thần yêu nước và nhiệt tình cách mạng. Thành phần vượt ngục gồm có 4 đồng chí do chi bộ Nhà tù chọn đó là đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Lưu Đức Hiểu, Nguyễn Văn Trân. Do có sự chuẩn bị chu đáo nên cuộc vượt ngục của 4 đồng chí đã thành công tốt đẹp. Anh Lò Văn Gía sau khi trở lại Sơn La đã bị Thực Dân Pháp bắt và thủ tiêu.
Đây là cuộc vượt ngục thành công duy nhất từ trước đến giờ ở Nhà ngục Sơn La, nó đánh dấu một bước ngoặt lịch sử kịp thời cổ vũ anh em, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
* CHI BỘ NHÀ TÙ SƠN LA VỚI CÁCH MẠNG THÁNG 8 -1945 Ở SƠN LA
Để gấp rút chuẩn bị lực lượng giành chính quyền ở các địa phương Xứ ủy Bắc kỳ đã cử đồng chí Lê Trung Toản trở lại Sơn La để cùng các đồng chí ở địa phương tổ chức lại các phong trào.
Hội người Thái cứu quốc ở Sơn La là một hình thức tổ chức quần chúng, là một hình thức tổ chức mặt trận Việt Minh, người lãnh đạo trực tiếp là Đảng viên Chu Văn Thịnh. Tổ chức này có nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng, vạch trần tội ác của Nhật, kêu gọi đồng bào đoàn kết.
Ngày 26 - 8 -1945 dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Tỉnh bộ Việt Minh do đồng chí Chu Văn Thịnh làm chủ tịch. Cuộc khởi nghĩa hoàn toàn thắng lợi.
Có thể nói chi bộ Nhà tù Sơn La là vườn ươm hạt giống cách mạng, nơi tỏa sáng của Đảng tới nhân dân các dân tộc Sơn La, từ cơ sở cách mạng và từ những cốt cán trung kiên được chi bộ Nhà tù Sơn La lớn mạnh sau này.
IV. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA DI TÍCH
Nhà tù Sơn La một chứng tích về âm mưu thâm độc và tàn ác dã man của Thực Dân Pháp, đối với những người Cộng sản và những người yêu nước Việt Nam. Nó đã trở thành một trung tâm giam cầm và đày ải, tiêu hao dần lực lượng cách mạng Việt Nam. Trong 15 năm từ 1930 đến 1945, hàng nghìn những người yêu nước Việt Nam đã bị giam cầm tại nơi đây. Nhưng vượt lên trên gôm cùm và tội ác của Thực Dân Pháp, những cộng sản Việt Nam ở đây đã biến Nhà tù Đế Quốc thành trường học cách mạng, biến những bức tường đá lạnh lẽo của Nhà tù Đế Quốc thành những viên gạch hồng ấm tình đồng chí của những bạn tù, biến bóng đêm đen tối của nhà tù Đế Quốc thành những tia sáng cách mạng tỏa ra khắp vùng núi rừng Tây Bắc. Chính vì vậy Nhà tù Sơn La đã trở thành chiếc nôi của cách mạng Việt Nam, đã đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ các chiến sỹ trung kiên cho Đảng, cho dân tộc, đội ngũ những người Cộng sản kiên cường lãnh đạo nhân dân ta giành độc lập cho dân tộc.
Di tích nhà tù Sơn La được Đảng và Nhà nước ra đặc biệt quan tâm, được xếp hạng quốc gia tù năm 1962. Và đã trở thành một trung tâm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam và ngày nay di tích cách mạng Nhà tù Sơn La trở thành một điểm thu hút nhiều đối tượng khác trong nước và nước ngoài, đặc biệt là trường học cách mạng cho thế hệ con em các dân tộc Sơn La.
|