Chi tiết hồ sơ

Tên Văn bia Quế Lâm Ngự Chế
Địa điểm Tổ 3, Phường Chiềng Lề, Thành phố Sơn La, Tỉnh Sơn La
Thuộc Huyện/Thành phố Thành phố Sơn La Thuộc Xã/Phường/Thị trấn Phường Chiềng Lề
Mô tả chi tiết

            Theo quốc lộ 6, cách Hà Nội 320km và Điện Biên Phủ 160km, du khách sẽ tới thị xã Sơn La, một trung tâm của vùng Tây Bắc. Từ ngã tư cầu 308 rẽ tay phải theo đường Chu Văn Thịnh hoặc từ cầu 308 phía đường lên Lai Châu, du khách đều có thể tới được di tích Lịch sử - Văn hoa Văn bia "Quế lâm ngự chế", di tích nằm bên phía tay phải, cách trục đường Lò Văn Gía 500m. Di tích đã minh chứng cho 1 thời kỳ lịch sử của vị Vua hùng tài, đại lược Lê Thánh Tông cùng quân sỹ đi chinh phạt quân phiến loạn của vùng biên cương phía Tây của Tổ Quốc, giữ bình yên cho cõi nước nhà. Di tích được phát hiện năm 1965 và được Bộ văn hóa thông tin xếp hạng quốc gia ngày 5/2/1994.

           Từ khi nhà nước giành được quyền độc lập, tự chủ năm 938, các Vường triều phong kiến đã tỏ ra rất quan tâm đến Sơn La và miền Tây Bắc, đánh giá đúng tầm quan trọng, khả năng kinh tế và vị trí chiến lược của khu vực này, là một bộ phận lãnh thổ của nước Việt Nam thống nhất, lịch sử đã chứng minh cho sự mất còn của Tây Bắc hoàn toàn phụ thuộc vào sự mất còn của đất nước. Khi chính quyền Trung ương lớn mạnh thì miền này được ổn định, khi chính quyền suy yếu thì thế lực phong kiến Lào, Trung Quốc, Thái Lan lập tức kéo vào, uy hiếp nhân dân các dân tộc phải chịu cảnh lầm than. Tính thống nhất đó là cơ bản, xuyên suốt quá trình lịch sử và ngày càng được củng cố vững chắc hơn. Nguyễn Bá Thông, 1 quan chức thời Trần đã đánh giá đây là:

          " … Quan ải Ai Lao, liên lạc tiện đường, biên giới Vân Nam, khống chế mọi mặt …

          …. Là nơi suy yếu của trăm man, cửa ngõ sáu chiếu…

          … Chẽ giữ các trấn, như dậu như phên, án ngữ miền thượng du làm then, làm chốt…

          … Thật là phủ kho ngoài biên giới cuốc gia, là nơi chứa chất ngàn vạn châu báu…"

          Sang thời Lê Sơ, Nguyễn Trãi trong "Dư địa chí" đã nhận định: "Miền này là phên dậu thứ 2 ở Phía Tây". Thời Hậu Lê, Phan Huy Chú trong "Lịch triều hiến chương loại chí" cũng nhận xét: "Đây là vùng núi hiểm trở, có thể làm căn cứ, nguồn lợi rồi dào, lúc nào cũng sung túc, là nơi xung yếu của miền thượng du…"

          Nằm ở vị trí chiến lược khá quan trọng, Sơn La, Tây Bắc luôn được các triều đại phong kiến đánh giá đúng đắn và quan tâm tới mọi biến động vùng biên giới Việt - Lào. Từ thời Lý đã có chủ trương phòng bị từ xa, sử cũng ghi lại rằng: Hàng chục lần Vua Lý cùng các tướng giỏi cất quân đi chinh phạt ở biên giới Phía Tây. Thời Trần cũng nối tiếp chính sách Thời Lý, có tới 9 lần đi chinh phạt vùng này, thời Lê Sơ, chỉ trong 3 triều Vua: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và Lê Thánh Tông đã có tới 8 lần dẫn quân đi chinh phạt và cũng chỉ sang thời Lê Sơ với chính quyền Trung ương vững mạnh do Lê Lợi xây dựng nên miền Tây Bắc mới thực sự khuôn mình vào lãnh thổ Việt Nam. Mở đầu cuộc chinh phạt Đèo Cát Hãn ở Mường Lay của Lê Thái Tổ (1430 - 1431) và chinh phạt tù trưởng Thượng Nghiễm ở Mường Muổi (1440 - 1441) của vua Lê Thái Tông, từ đó các tù trưởng Tây Bắc mới thường xuyên về chầu Vua Lê và giúp Triều đình phong kiến bảo vệ vùng biên giới ở phía Tây Bắc Tổ Quốc.

          Những dấu tích của quá trình đựng nước và giữ nước của dân tộc ta tồn tại trên mảnh đất Sơn La đã minh chứng cho tầm quan trọng của mảnh đất phên đậu này, di tích Lịch sử - Văn hóa Văn bia Quế Lâm Ngự Chế là một trong những chứng tích đó.

          Di tích nằm ngay trung tâm thị xã Sơn La, miền đất này trước đây thuộc Châu Mường La, được hình thành từ thời Ta Lếnh (Thế kỷ 14) nhưng tên gọi Mường La xuất hiện từ thế kỷ 12, đến đời thủ lĩnh Bun Phanh (Thế kỳ 18) Thì Mường La đã nổi tiếng khắp 16 Châu Mường Thái. Đó là một địa bàn lớn nằm gọn trong thung lũng của con suối Nậm La, từ Hua La (đầu Mường La) tới Nà Mường (cuối Mường La). Đây là thung lũng khá bằng phẳng, có núi bao quanh và trên cánh đồng vẫn dải rác những quả núi nhỏ. Mường La được chia làm 2 trung tâm chính: Trung tâm thứ nhất là: Chiềng Căm gồm các bản: Pột, Là, Chậu, Nà Coóng… Các bản này chung một cánh đồng "Tông Chiêng Căm" (Cánh ruộng lớn) và dùng chung một nguồn nước là suối Nậm La; Trung tâm thứ 2 là Chiêng An gồm: Các bản: Cọ, Hài, Bó, Cá, Hìn… có thung lung Bó Cá và cánh đồng "Tông Chiêng An" rộng lớn, dùng chung nguồn nước Bó Cá. 2 trung tâm và 2 cánh đồng rộng lớn này là 2 vựa lúa của Châu Mường La. Cư dân Mường La là người Thái Đen bản địa và một số người kinh sống đan xen.

          Di tích Lịch sử - Văn hóa văn bia Quế Lâm Ngự Chế còn được nhân dân gọi là "Thẳm Báo Ké" (Hang trai già). Hang có tên gọi như vậy do một câu chuyện truyền thuyết kể lại rằng:

          Ngày xưa có một gia đình rất nghèo khổ, cơm không có ăn, áo không có mặc, gia đình có một người con trai đã đến tuổi lấy vợ nhưng vì nghèo quá không có của, không lấy được vợ, tuổi ngày càng cao, chàng trai xấu hổ bỏ nhà ra đi để kiếm ăn qua ngày. Một hôm đi ngang qua núi, thấy có một cái hang, vào trong thấy phong cảnh hữu tình, khí hậu mát mẻ, trong hang lại có nước liền chọn chỗ đó làm nhà ở cho mình. Một ngày kia do số phận dun dủi, anh ta gặp được một cô gái cao tuổi nhưng cũng chưa có chồng, thấy người cùng cảnh ngộ với mình liền rủ lên ở cùng. Năm tháng trôi đi, gia đình chàng trai và cô gái tìm khắp nơi mà không thấy 2 người đâu cả, một hôm họ kéo lên núi, vào hang, thấy 2 người đang ngồi tình tứ ở cửa hang, cô gái thấy đông người xấu hổ liền bỏ đi mất, chàng trai vẫn ở đó một mình cho tới già. Từ đó dân địa phương gọi đó là hang trai già "Thẳm Báo Ké" ngoài ra dựa vào hình dáng của hang nên còn gọi là Thẳm Mỏ Tóm (Hang nồi đồng).

          Với ý thức trân trọng giữ gìn bảo vệ di tích và đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam và cũng là tôn thờ một vị Vua có công lớn với mảnh đất Sơn La. Để tìm hiểu công đức của Vua Lê Thái Tông, xin mời du khách hãy cùng trở lại dòng lịch sử hơn 500 năm về trước, thế kỷ 15, kỷ nhà Lê "Thái Tôn Văn Hoàng Đế" mà lịch sử gọi là thời Lê Sơ.

          Vua Lê Thái Tông tên Húy là Nguyên Phong là con thứ của Vua Lê Thái Tổ (Lê lợi) và mẹ là Cung từ Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Trần, người Hương Quần Lai, Huyện Lôi Dương (Nay là Thọ Xuân - Thanh Hóa).

          Vua sinh ngày 20 tháng 11 mùa đông năm Qúi Mão (1423) Ngày 3 tháng 3 năm Thuận Thiên thứ nhất (1428) được sách phong làm Lương quận công. Ngày 6 tháng giêng năm Thuận Thiên thứ 2 (1429). Được lập thành Hoàng Thái Tử. Ngày 8 tháng 9 năm Thuận Thiên thứ 6 (1433) lên ngôi Hoàng Đế, lấy năm sau làm niên hiệu Thiệu Bình năm thứ nhất (1434) đến năm thứ 7 đổi niên hiệu là Đại Bảo (1440) Lấy hiệu là "Quế Lâm Động Chủ" nối tiếp hiệu là "Lam Sơn Động Chủ" của vua cha Lê Thái Tổ. Ở ngôi được 9 năm (1433 - 1442) đi tuần thú trên miền Đông (Chí Linh - Hải Dương) rồi băng hà, hưởng thọ 20 tuổi, táng ở Hựu Lãng - Lam Sơn - Thanh Hoa. Sử sách ghi lại rằng ".. Vua Lê Thái Tông là người hùng tài, đại lượng, cương đoán, làm được việc. Khi mới lên ngôi ra sức cầu trị định chế độ, ban sách vở, đặc lễ nhạc, sáng suốt việc chính, cẩn thận việc hình, mới có mấy năm mà điển chương văn vật rực rỡ, trong nước đều biến đổi lớn…"

          "… Vua lên ngôi, nối vận thái bình, bên trong chỉ huy được quần thần, bên ngoài dẹp được các nưics di dịch quấy nhiễu, trọng đạo, sùng nho, mở khoa thi xét tuyển nhân tài, xét tù tử ngục phần nhiều khoan dung xá tội, là bậc vua giỏi thủ thành…".

          Từ khi lên ngôi, Vua Lê Thái Tông rất chú ý tới Miền Tây Bắc, miền đất phên dậu của Tổ Quốc. Để củng cố và đảm bảo sự thống nhất Quốc Gia, cũng như các vị vua khác và Vua Lê Thái Tổ, trong 9 năm trị vì đất nước, vua Lê Thái Tông đã 2 lần chỉ huy quân sỹ lên Miền Tây Bắc dẹp bọn phản nghịch. Tháng 3 năm Canh Thân (1440) Vua Lê Thái Tông lần đầu tiên thân chinh cùng quân sỹ lên trấn miền Tây đi đánh thổ quân phản nghịch tên là Thượng Nghiễm ở Châu Mường Muổi (Nay là huyện Thuận Châu - Tỉnh Sơn La) tới đâu cũng được nhân dân ủng hộ nên quân của triều đình đã nhanh chóng dẹp an bọn phản loạn. Trên đường về nhà vua cùng quân sỹ nghỉ chân tại Động La (Thẳm báo ké) Vua thấy nơi đây cảnh đẹp, địa lý thuận lợi, với ý nghĩa sâu xa và tâm hồn thanh thản, nhà vua đã để lại bài thơ và lời tựa gồm 14 dòng, mỗi dòng 10 chữ với 140 chữ Hán có nội dung như sau:

          "Quế lâm Động chủ Ngự chế

          Thuận Mỗi châu nghịch tù trưởng Thượng Nghiễm vong ân bội nghĩa, xuất chúng tòng Ai Lao tắc nghịch, dư thân đổng lục chinh chính kỳ tội, chỉ cố chi gian thiêu hủy lưỡng trạng, sơn nhai, đoạt kỳ tình truyền. Thượng Nghiễm kế cùng lực tận, tiến tượng ngật hàng, dư linh kỳ vô bặc, vô nhung. Bất nhẫn tận lục, nãi xã quyết tội ban sư nhi hoàn lưu đế nhất rương vân:

Bình Chẩm lưu tâm viễn nhân

Man tù hà sự tốc vong thân

Thế gian nhược hữu anh hùng chủ

Thiên hạ thùy dung phản nghịch thần

Ô đạo duyên vân không thị hiểm

Âm nhai rương noãn kỉ diệu xuân

Cách trừ ô nhiễm an dân thiện

Nhẫn sử hà mạnh ngoại chí nhân.

Đại Bảo nguyên viên quí xuân

Trung hoàn cát nhật"

Dịch nghĩa:

Bài thơ Quế Lâm động chủ ngự chế"

          Tư tưởng Thuận Châu là Thượng Nghiễm phản nghịch, vong ơn bội nghĩa, đem quân theo người Ai Lao làm phản. Thân chinh điều khiển sáu quân tới trị nó. Thượng Nghiễm kế cùng lực tận, dâng voi xin hàng. Ta thương nó quì bò không vũ mang khí, không nỡ chém bèn tha tội cho nó, rồi đem quân trở về để lại một bài thơ rằng:

Nghĩ tới người xa đêm khổ thân

Thổ tù sao lại dám quên thân

Thế gian đã có anh hùng chúa

Thiên hạ ai tha kẻ nghịch thần

Đường xá khó khăn đừng cậy hiểm

Hang cùng đá ấm áp hơn xuân

Yên được dân lành nhơ nhớp hết

Dân xa được hưởng tấm lòng nhân.

(năm đầu niên hiệu Đại Bảo

Canh Tuất 1440, ngày lành giữa tháng 3)

          Đúng 1 năm sau, tháng 3 năm 1441 vua lại kéo quân lên dẹp loạn Nghịch Nghiễm ở Châu Mường Muổi, đi đến đâu cũng được nhân dân hưởng ứng, giúp đỡ vì vậy quân của triều đình đã nhanh chóng bắt được tướng Ai Lao là Đạo Mông và vợ con hắn tại Động La đồng thời bắt được con của Thượng Nghiễm là Sinh Tượng và Chàng Đồng. Thượng Nghiễm ra hàng và chịu tội. Dải đất biên cương phía Tây của Tổ Quốc đã được bình yên. Tên của di tích này chính là tên của bài thơ trên vách đá.

          Tới hang du khách thấy ngay bài thơ và lời tựa được khắc trên vách đá phẳng, dựng đứng trước cửa hang. Từ cửa hang tới văn bia cao khoảng 5m, văn bia có chiều cao 0,8m, rộng 1,2m được khắc nét nhỏ, sâu theo kiểu chữ chân, văn bia không trang trí hoa văn, chỉ có hai vạch khắc chìm chạy xung quanh bài thơ. Trải qua hơn 500 năm dãi dầu mưa nắng và biến thiên của lịch sử bài thơ vẫn còn rõ nét, vách đá quay hướng Đông hàng ngày được đón những tia nắng ban mai của ngày mới, văn bia nằm giữa dòng nước chảy nên tuy có bị bào mòn nhưng mặt bia trắng sạch, rõ nét, không hề rêu phong. Trong tất cả các tài liệu lịch sử và văn học của nước ta từ trước tới nay, chưa có một tác phẩm nào viết lại nộ dung của bài thơ này, bài thơ cho ta biết rõ được niên đại lịch sử và lý do Vua Lê Thái Tông lên vùng đất Sơn La. Việc phát hiện ra văn bia không những có ý nghĩa sâu sắc về mặt lịch sử mà còn có giá trị về văn học.

          Ngoài ý nghĩa về mặt lịch sử, di tích còn là một thắng cảnh đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Đứng trước văn bia, phóng tầm mắt ra phía trước, du khách có thể bao quát gần hết khung cảnh của thị xã Sơn La. Dưới độ cao 60m là cánh đồng "Tông Chiêng An" rộng lớn, một trong hai vựa lúa của Châu Mường La. Giữa cánh đồng là con suối Nậm La uốn mình như dải lụa trắng ngày đêm cần mẫn bồi đắp phù xa cho cánh đồng. Xa xa là 3 ngọn núi trùng điệp: Pu Mạ Đón (núi ngựa trắng), Pu Hai (núi hài), Pu Sam Sảu (núi chân kiềng), Pu Ngua (Núi Bò) và Pu Cọ (núi cọ) tạo thành hình vòng cung bao bọc, ôm ấp cho trung tâm của Châu Mường La xưa. Dưới núi Hài, núi Cọ là những nếp nhà sàn của đồng bào Thái đầm ấm nằm kề bên nhau. Chếch bên phải một chút là Noong Luông (Hồ lớn) tương truyền đây là hồ do phìa tạo bắt nhân dân đào để nuôi cá, tạo cảnh đẹp phục vụ cho tầng lớp phong kiến quí tộc xưa. Nước hồ do nguồn nước Bó Cá (Nước hang ngầm) chảy vào bốn mùa trong xanh, giữa hồ là một hòn đảo nhỏ, theo truyền thuyết thì đây là nơi đánh nhau của một con gà và một con quạ để tranh giành quyền lực, hai con đánh nhau quyết liệt, bất phân thắng bại, cuối cùng cả hai đều chết, dấu ấn của cuộc giao tranh này tạo thành một hòn đảo nhỏ và hồ còn có tên là Noong Ca Noong Cáy (Hồ quạ, hồ gà). Hiện nay đây là hồ lớn nhất của thị xã tạo cảnh quan đẹp và còn là nơi cung cấp nguồn thủy sản lớn.

          Hang bia nhô ra từ một dãy núi gồm có 2 ngọn đó là: Pu Luông (Núi rồng) là đỉnh cao nhất của thị xã, Pu Luông giống hình dáng của một con rồng đang chầu, đầu vươn cao, tay vuốt dâu, thân uốn thành 5 khúc, nối tiếp đuôi rồng là ngọn Pu Cang (Núi Cằm) 2 ngọn núi chạy dài tạo thành bức tường vững chắc che chắn cho sự bình yên của mảnh đất này. Rẽ tay trái men theo sườn núi trên con đường uốn lượn khoảng 500m du khách sẽ thưởng thức vẻ đẹp của di tích "Thẳm Tát Toong" (Hang thác vông). Một thắng cảnh nổi tiếng của thị xã Sơn La đã được xếp hạng cấp Quốc gia. Rẽ tay phải ta sẽ nhìn thấy khu đồi Khau Cả, nơi có di tích Nhà ngục Sơn La, nơi giam cầm đày ải hàng ngàn chiến sỹ cộng sản thời kỳ (1930-1940) đó cũng là trường học đấu tranh cách mạng, nơi ươm những hạt giống đỏ đầu tiên của vùng núi Tây Bắc. Dưới chân Núi Cằm là khu dân cư, công sở được xây dựng theo trục đường Tô Hiệu, Lò Văn Gía, Chu Văn Thịnh, với những ngôi nhà cao tầng khang trang sầm uất tạo nên một đô thị mới, một thị xã văn minh hiện đại trong vùng đất Sơn thủy hữu tình của Châu Mường La xưa.

          Sau khi đọc văn bia, ngắm bức tranh thủy mạc của thị xã Sơn La, mời du khách vào thăm Thẳm Báo Ké. Cửa hang ở dưới chân văn bia, xuống 10 bậc đá là tới hang. Vào tới cửa hang du khách sẽ cảm thất nhẹ nhàng bởi khí hậu mát mẻ, hang thoáng rộng, cảnh đẹp mà thiên nhiên tạo nên, du khách sẽ mặc sức tưởng tượng. Ngay cửa hang là một ao sâu được tạo bởi những vỉa đá, giữa ao là một khối đá hình con các sấu đang vươn lên đớp mồi, trên bờ ao là một chú khỉ đang đùa nghịch và một chú ếch đang trầm tư suy nghĩ. Qua ao vào trong lòng hang, hang rộng 5m dài 20m, cao 6m, trần hang là những nhũ đá rủ xuống tạo thành những dàn đèn lấp lánh, nhìn sang tay trái là những vỉa đá vôi tạo thành những nhũ đá liền nhau giống như 1 đoàn quân trùng điệp. Bên phải là đụn thóc khổng lồ được tạo bởi những nhũ đá như những bó lúa vàng xếp tầng tầng lớp lớp thể hiện sự no ấm của muôn dân. Men theo tay phải của cây thóc lên cao khoảng vài bước là những giếng trời và bồn nước được tạo bởi những nhũ đá uốn cong mềm mại vào mùa mưa những bồn nước này đầy ắp, trong suốt làm cho du khách sẽ liên tưởng tới nơi tắm của các tiên nữ. Trên đỉnh cây thóc là một khối đá hình quả chuông treo lơ lửng, khi gõ sẽ phát ra âm thanh trầm ấm. Dưới chân của những đụm thóc là những thửa ruộng bậc thang, phù xa mầu mỡ. Cạnh đụn thóc là một cối đá nối từ trần hang xuống tận nền hang gọi là cây vàng, cây bạc, phía trước là đôi nhũ đá trông như đôi bầu sữa mẹ nhỏ nước tí tách suốt ngày đêm. Vào tới giữa hang, rẽ hai bên phải trái đều có 2 ngách hang sâu khoảng 3m thẳng cửa hang vào trong cùng là vách đá dựng đứng, có vài bậc đá gọi là đường lên "thiên đàng", trần hang là hình ảnh của các nàng tiên đang bay lượn. Cảnh đẹp trong hang như qui tụ được vạn vật trên mảnh đất này, nó càng được trau chuốt, kỳ ảo hơn khi tia nắng ban mai chiếu vào làm cho các nhũ đá lấp lánh, sinh động. Di tích Quế Lâm Ngự Chế là một di tích có giá trị lịch sử - văn hóa. Đến với di tích chúng ta sẽ hiểu thêm về công lao của vụ vua trẻ tuổi Lê Thánh Tông và quân sỹ của ông, nhắc nhỏ mọi người về quá khứ vẻ vang, biết ơn những người đi trước đã làm nên sức sống của một vùng đất cho những thế hệ mai sau.

          Ra khỏi cửa hang, rẽ tay phải khoảng 200m du khách sẽ tới Đền Vua Lê Thái Tông. Ngôi đền được khởi công xây dựng tháng 9 năm 2001 và khánh thành vào 22 tháng 1 năm 2003. Để ghi nhớ công đức của Vua Lê Thái Tông và để di tích mãi mãi trang nghiêm, tỏa sáng trong lòng các thế hệ nối tiếp, đáp ứng 1 phần tín ngưỡng lành mạnh, nguyện vọng của đông đảo nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đền được xây dựng theo hướng Nam Chếch Đông, xây theo thế "Tiền giang hậu trẩm" lưng tựa vào núi Cằm tạo sự vững chắc thế uy nghiêm cho ngôi đền, trước mặt là dòng Nậm La hiền hòa. Đền xây hướng Nam đón được những cơn gió mát mẻ mùa hè, song lại tránh được những đợt gió bấc của mùa đông, đồng thời chếch một chút Đông nên đón được những tia nắng ban mai, thứ ánh sáng thuần khiết của nguồn năng lượng vũ trụ, đó là dương khí của đất trời.

          Đền được xây dựng trên diện tích 800m2 theo lối kiến trúc của những ngôi đền cổ ở Việt Nam gồm các hạng mục: Cổng tam quan, sân đền, nhà tả hữu mạc, tòa đại bái và hậu cung.

          Cổng tam quan có 3 cửa: 1 cửa chính, 2 cửa phụ, kiến trúc 2 tầng 8 mái, 8 góc mái trang trí hoa văn ngọn trúc uốn cong mềm mại, mái ngói mũi hài lợp theo lối âm dương, ở dưới là ngói âm hình chữ nhật có trang trí hoa văn chữ thọ lồng trong bông hoa cúc, ở trên là ngói dương hình mũi hài cong mái được lợp san sát theo từng dẫy, theo lối cài răng lược trong lấp lánh như vẩy cá. Trên nóc có lưỡng kìm kẹp nóc chầu mặt nguyệt thể hiện sự chắc chắn, sức mạng. Ngoài chính cổng tam quan là tên đền với 4 chữ Hán đắp nổi "Quế Lâm linh tự" (Đền thiêng Quế Lâm) hai bên góc tường là 2 cột đồng trụ có trang trí tứ phượng chầu về tứ phương Đông - Tây - Nam - Bắc, biểu tượng này hàm ý lực của 4 phương được truyền qua cây cột này. Nó mang tính chất như góp thêm nguồn sinh lực vũ trụ để tăng thêm quyền uy và sức mạnh của các thần linh được thờ ở đây. Phượng là chúa của các loài chim gắn với tầng trên, nó là con vật thiêng xuất hiện trong đền thờ của người Việt. Chúng được biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Đầu phượng là công lý, mắt Phương là mặt trời, mặt trăng, lưng cõng bầu trời, cánh là gió, đuôi là tinh tú, lông là cỏ cây, chân là đất do vậy Phượng là tượng trưng của vũ trụ, hình Phượng bay tượng trưng cho vũ trụ đang chuyển động.

          Qua cổng tam quan du khách vào tới sân đền, sân đền có diện tích 162m2 lát bằng gạch vuông, 2 bên có 2 nhà tả hữu mặc được xây theo kiểu lưỡng hồi bít đốc, lợp ngói mũi hài, đầu nóc có đắp hình nắm cơm. Nhà xây 3 gian, là nơi đón tiếp khách, nơi nghỉ chân và sắp lễ trước khi vào đền. Hết sân đền qua 7 bậc gạch lên tới sân của tòa đại bái, sân có 1 con rùa lớn đội lư hương. Rùa là con vật trong tứ linh, nó là con vật thật song nâng lên thành con vật vũ trụ, linh thiêng, nó mang tư cách như một vị thần gắn với đền thờ, ý nghĩa linh thiêng của rùa được kết tụ lại phù hợp với ước vọng của nhân dân ta, rùa còn có tuổi thọ rất cao nên nó biểu hiện cho sự trường tồn, bền vững, rùa còn gắn với giáo lý nhà phật, rùa đội bát hương để du khách cáo phép trước khi vào đền.

          Tòa đại bái được xây dựng vuông góc với hậu cung của đền, hai công trình này là phần kiến trúc chính của ngôi đền. Tòa đại bái có diện tích 136m2 gồm 3 gian, 2 trái là nơi du khách hành lễ. Toàn bộ mái lợp bằng ngọn mũi hài theo lối âm dương, 4 góc là 4 đầu đao cong vút có trang trí đầu rồng cuốn thủy và ngọn trúc, biểu hiện của tứ phủ anh linh, đầu đao làm tăng thêm sự thoáng đãng và thể hiện vẻ đẹp của kiến trúc.

          Trên bờ nóc có đắp nổi 2 con rồng chầu mặt nguyệt, 2 đầu có lưỡng kìm kẹp nóc. Rồng nằm trong bộ tứ linh được coi là con vật linh thiêng nhất và có quyền lực vô biên. Rồng là con vật hư cấu song gắn với quyền uy thiên tử. Rồng có mặt trong các đền, chùa là biểu hiện cầu mong ước mơ cho các vị thần trong ngôi đền có quyền lực vô biên để đáp ứng mọi lời cầu khẩn và ước mong của du khách. Hình tượng lưỡng long chầu nguyệt mang biểu tượng cho bầu trời, vũ trụ và nguồn sinh lực vũ trụ. Hai đầu hồi nhà có trang trí hổ phù án ngữ đắp nổi: Hổ phù mắt tròn Lồi, miệng nhé răng lớn, tóc xoắn đuôi nheo, sừng nai, tai thú, má bạch, hàm mở rộng ngậm chữ thọ thể hiện sự may mắn, cầu mong sự sung túc. Trên bờ nóc, bờ guột trang trí hoa chanh là biểu tượng của mặt trời và các vì tinh tú. Ở 4 góc gấp của bờ guột có trang trí hình 4 con ghê đắp nổi đang trong tư thế bò ra thể hiện quyền y nắm giữ, kiểm soát tâm hồn của kẻ hành hương, loại bỏ những điều xấu xa, độc ác, tà tâm của khách thập phương ra khỏi vùng đất của di tích trước khi họ đặt chân vào đền làm lễ.

          Tòa đại báo có 3 cửa: 1 cửa chính, 2 cửa phụ làm bằng gỗ lim có trang trí hình sao 8 cánh. Trong tòa đại bái có 8 cột chính đổ bê tông cốt thép, 2 cột cạnh cửa chính được trang trí rồng quấn cột, vờn mây theo xoáy trôn ốc, đắp nổi. Đôi rồng ở hai cột trang trí màu sắc khác nhau thể hiện cho rừng và biển. Ngoài ra trên các xà dọc, xà ngang, đòn bẩy, xà kẻ đều được trang trí rồng, đầu lân đắp nổi. Tòa đại bái có ba gian thời chính và 2 ban thời phụ, mỗi ban thờ đều có bức võng, ân thư, đồ thờ, hoành phi câu đối được làm bằng gỗ sơn những con vật gắn với tâm linh của người Việt. Ở gian chính giữa đặt bộ bát bửu và chấp kích nó là biểu tượng cho những báu vật linh thiêng của vị thần trong ngôi đền, nó cũng được coi như binh khí thần diệu giúp cho vị thần cai quản miền đất thiêng và ban phát nguồn sức mạnh, tài lộc cho khách hành hương. Cung giữa thờ "Hội đồng triều Lê" tức là thờ các vị vua và quân sỹ của triều Lê. Bức hoành phi có nội dung "Quần thần khánh hội" nghĩa là: " Vua tôi hội ngộ" ý nghĩa của bức hoành phi này là: "Nơi vua tôi cùng hội ngộ, nơi vua sáng tối hiền gặp gỡ". Đôi câu có nội dung:

          "Hội Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Vu Nhất Thân, dữ thiên địa chuẩn

          Yết, thi, thư, lễ, nhạc ư vạn thế, vi chân đế vương"

Dịch nghĩa:

          " Hội đủ sự tốt đẹp của các vua Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang vào một mình, xứng đáng là chuẩn tắc của đất trời.

          Nêu cao thi, thư, lễ, nhạc suốt muôn thủa, xứng đáng là bậc chân chính đế vương"

          Đôi câu đối này ca ngợi vua Lê Thái Tông là người hội đủ sự tốt đẹp của các vị vua hiền trong lịch sử Trung Quốc như: Nghiêu, Thuân, Vũ, Thang là những vị vua mẫu mực mà nho giáo ca ngợi, ông là một trong những vị vua chân chính của triều Lê bên cạnh các vị của vua hiền tài như: Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông.

          Cung tả (Bên trái) thờ thành hoàng tức là thờ Vua Lê Thái Tông, người có công lớn với vùng đất này. Nội dung bức hoành phi là "Đương cảnh Thành Hoàng" nghĩa là: "Là vi dương cảnh Hoàng Thành". Đôi câu đối có nội dung:

          "Hữu triệu đạo hồng đồ chi công, linh miếu sang tu Tân Tụ tuế:

          Vị khai thác cương thổ chi nghiệp, phương dân hoàn tất Nhâm Ngọ niên"

          Dịch nghĩa:

          " Có công xây dựng cơ đồ, miếu thiêng được khởi công và năm Tân Tỵ (2011)

          Có sự nghiệp mở mang bờ cõi, nhân dân địa phương hoàn thành ngôi đền này vào năm Nhâm Ngọ (2002)"

          Đôi câu đối này ca ngợi công đức của Vua Lê Thái Tông thật là to lớn, người xứng đáng được nhân dân phụng thờ, ngôi đền thiêng được khởi công vào năm Tân Tỵ (2001) và khánh thành vào năm nhâm ngọ (2002) để đánh dấu thời điểm ra đời của ngôi đền và công sức đóng góp của nhân dân địa phương.

          Cung hữu (Bên phải) thờ "Sơn thần bản thổ" tức là thờ các vị thần linh được giáng xuống cai quản miền đất thiêng. Bức hoành phi có nội dung: "Sơn nhạc giáng thần" nghĩa là: "Núi thiêng giáng xuống thần linh". Đôi câu đối này có nội dung:

          " Vũ trụ biệt thành, Nam thiên nhất trị thăng bình hội

          Cung đường như kiến, Tây địa thiên thu thượng đẳng thần"

          Dịch nghĩa:

          " Một cõi vũ trụ riêng, trời Nam mở hội thăng bình trị

          Nhìn cung miếu như được gặp, miền Tây muôn thủa là bậc Thường Đẳng phúc thần"

          Đôi câu đối này ca ngợi nhà vua xây dựng nước Nam thành bờ cõi riêng, mở một thời kỳ thịnh trị cho nước Nam ta. Mọi người tới đây chiêm bái nơi thờ ngài như gặp lại con người và công lao của ngài, ngài xứng đáng là bậc thượng đẳng phúc thần ở miền Tây Bắc của Tổ Quốc.

          Phần hậu cung gồm một gian xây vuông góc với tòa Đại bái, trong hậu cung đặt tượng vua Lê Thái Tông và bài vị thờ ngài.

          Đến "Quế Lâm Ngự Chế" và "Quế Lâm Linh Tự" du khách được ngắm bức tranh sơn thủy hữu tình của Châu Mường La xưa và sự sầm uất khang trang của thị xã Sơn La hôm nay. Thắp một nén nhanh tưởng nhớ công đức của nhà vua và quân sỹ của ông, du khách sẽ cảm thấy thanh thản trước bức tranh thiên nhiên muôn màu sắc, gửi gắm một chút lòng mình vào chốn linh thiêng.

          Đến với Sơn La, thăm các di tích lịch sử nổi tếng, tắm suối nước nóng và mời du khách nghỉ lại thưởng thức những điệu xòe, điệu khắp làm say đắm lòng người, thưởng thức nền văn hóa ẩm thực đậm đà truyền thống của dân tộc Thái, với rượu cần, cơm nếp dẻo, cá nướng thơm sẽ làm hài lòng và níu chân du khách khi tới thăm Sơn La. Trong một tương lai gần du khách sẽ được thăm quan thủy điện Sơn La- công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á.

Loại hình di sản Di tích lịch sử - văn hóa Chuyên đề
Xếp hạng di sản Xếp hạng quốc gia Năm xếp hạng 5/2/1994
Kiến trúc Kiến trúc cổ Hiện trạng Xuống cấp
Hiện vật trong di sản
Trong di tích không có hiện vật gì
Cổ vật Hiện vật mới
Công tác bảo vệ

- Thường xuyên tu bổ tôn tạo.

- Cử người thường xuyên trông nom, bảo vệ di tích.

Công tác tu bổ tôn tạo
Đất đai trong di sản

Tới hang du khách thấy ngay bài thơ và lời tựa được khắc trên vách đá phẳng, dựng đứng trước cửa hang. Từ cửa hang tới văn bia cao khoảng 5m, văn bia có chiều cao 0,8m, rộng 1,2m được khắc nét nhỏ, sâu theo kiểu chữ chân, văn bia không trang trí hoa văn, chỉ có hai vạch khắc chìm chạy xung quanh bài thơ. Trải qua hơn 500 năm dãi dầu mưa nắng và biến thiên của lịch sử bài thơ vẫn còn rõ nét, vách đá quay hướng Đông hàng ngày được đón những tia nắng ban mai của ngày mới, văn bia nằm giữa dòng nước chảy nên tuy có bị bào mòn nhưng mặt bia trắng sạch, rõ nét, không hề rêu phong. Trong tất cả các tài liệu lịch sử và văn học của nước ta từ trước tới nay, chưa có một tác phẩm nào viết lại nộ dung của bài thơ này, bài thơ cho ta biết rõ được niên đại lịch sử và lý do Vua Lê Thái Tông lên vùng đất Sơn La. Việc phát hiện ra văn bia không những có ý nghĩa sâu sắc về mặt lịch sử mà còn có giá trị về văn học.

 Đền được xây dựng trên diện tích 800mtheo lối kiến trúc của những ngôi đền cổ ở Việt Nam gồm các hạng mục: Cổng tam quan, sân đền, nhà tả hữu mạc, tòa đại bái và hậu cung.

Tư liệu kèm theo

Video văn bia quế lâm ngự chế: Xem


https://www.zbet.win/news/soi-keo-bong-da