Chi tiết hồ sơ

Tên Hang Conoong
Địa điểm Hua Lon, Thị trấn Ít Ong, Mường La, Tỉnh Sơn La
Thuộc Huyện/Thành phố Mường La Thuộc Xã/Phường/Thị trấn Thị trấn Ít Ong
Mô tả chi tiết

 1. TÊN GỌI

          Hang Co Noong

          * Lịch sử tên gọi:

          Hang Co Noong có lòng hang hình tròn, hình dạng giống như một tổ ong khổng lồ cho nên nhân dân địa phương mới gọi tên là hang Tổ Ong.

2. ĐỊA ĐIỂM PHÂN BỐ DI TÍCH

          - Di tích nằm trên gần đỉnh một ngọn núi đá thuộc bản Hua Lon - xã Ít Ong - Huyện Mường La (nay là đập thủy điện Sơn La)

          - Di tích cách trung tâm huyện lỵ Mường La 5km về phía Tây Bắc.

          - Từ bờ Sông Đà lên tới di tích khoảng 250m

          - Đường đi đến di tích thuận lợi bằng các phương tiện đường bộ và đường sông.

3. SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ, THUỘC TÍNH DI TÍCH

          Di tích Hang Co Noong nằm ở phía bờ trái của Sông Đà, cách bờ Sông Đà khoảng 100m theo đường chim bay. Di tích là một hang đá tự nhiên, vị trí ở khá cao, khoảng 200m so với mặt nước Sông Đà. Di tích nằm trên dãy núi đá vôi ở ngay đập Thủy điện Sơn La. Đứng ở cửa hang ta có thể bao quát được toàn bộ đập thủy điện Sơn La và dòng Sông Đà.

          Di tích Hang Co Noong không những có cảnh đẹp do thiên nhiên tạo ra mà còn có dấu vết của người Việt cổ. Theo các tài liệu khảo cổ học thì vào giai đoạn muộn của thời hậu kỳ đá mới - Sơ kỳ đồng thau, khí hậu bắt đầu nóng ẩm và mưa nhiều, nước các con sông suối dâng cao, nước Sông Đà cũng dâng cao hơn trước trên toàn tuyến. Lúc này việc cư trú và sinh sống ở các thềm sông, suối không còn thuận lợi buộc một bộ phận cư dân phải lên đồi cư trú, một số khác di cư vào hang để cư trú.

          Di tích Hang Co Noong thực sự là "căn nhà" tự nhiên mà người Việt cổ chọn lựa để cư trú trong một thời gian nhất định. Cư dân ở đây triển khai các hoạt động săn bắt, hái lượm và chế tác công cụ ở ngoài hang, trong các thung lũng, ngọn suối quanh đó, song người ta đã mang các sản phẩm săn bắt, hái lượm về hang, một số kỹ thuật chế tác công cụ cũng thực hiện trong hang. Tất cả những dấu tích đó còn được lưu lại trong hang.

          Qua khảo sát khảo cổ học năm 1997 tại đây các nhà khảo cổ học đã phát hiện 11 di vật đá, 2 công cụ phần tư cuội, 4 công cụ mảnh tước. Những di vật này mang đặc trưng loại hình kỹ thuật học văn hóa Sơn Vi và những mảnh gốm thô cứng, chắc, đặc trưng cho thời đại đồng thau.

4. LOẠI HÌNH DI TÍCH

          Di tích thuộc loại hình Di tích khảo cổ học và danh lam thắng cảnh

5. KHẢO TẢ DI TÍCH

          Mường La là một huyện có nhiều núi cao với hệ thống hang động và thảm thực vật phong phú, bên cạnh đó Mường La còn có hệ thống sống suối dày đặc, đặc biệt là dòng Sông Đà cung cấp nước tưới tiêu, một hệ thống giao thông quan trọng, một thắng cảnh đẹp của Huyện. Một trong những hang động đẹp của huyện Mường La phải kể đến là Hang Co Noong, hang nằm ở hướng Tây Bắc huyện Mường La, trên dãy núi trùng điệp nhấp nhô uốn minh tạo thành 7 khúc, cửa chính của hang quay về hướng Đông tây nhìn xuống Sông Đà và có một cửa nhỏ quay về phía Tây Bắc.

          Từ bờ Sông Đà đi lên dốc thoải, qua một khu rừng già khoảng 200m là tới cửa hang, đứng tại cửa hang với độ cao ở đây ra sẽ quan sát được một vùng non nước rộng lớn và hùng vĩ. Nhìn hướng nào cũng thấy một bức tranh toàn bích hiện ra: Phía xa là một ngọn núi hình con rồng uốn mình theo Sông Đà; Phía dưới chân núi là dòng sông Đà xanh biếc hòa cùng cảnh sông, núi, mây, trời càng làm tăng thêm vẻ đẹp ở nơi đây.

          Cửa hang chính quay về hướng Đông - Tây, cửa có độ rộng 15m, cao 7m ở giữa có hòn đá to chắn tạo thành 2 ngách cửa. Khi bước vào trong lòng hang ta sửng sốt thấy cảnh đẹp mà tạo hóa đã ban tặng cho nơi đây. Lòng hang có hình tròn như một tổ ong, vòm hang cao tới 20m, trần hang có đủ mọi hình dáng và kích thước của các thạch nhũ, ở giữa có thạch nhũ hình tổ ong lớn, xung quanh có những thạch nhũ nhỏ như những con ong lấm tấm đang miệt mài xây tổ. Xung quanh khố nhũ đá hình tổ ong có những thạch nhũ với hình dáng uốn lượn, nhấp nhô, mềm mại tựa như những đám mây đang bay trên bầu trời và những bức phù điêu bằng thạch nhũ được trang trí trên vòm hang tuyệt đẹp như những tác phẩm điêu khắc được tạc bằng đôi bàn tay mầu nhiệm của một nhà điêu khắc thiên tài.

          Vào đây như một thế giới đa dạng của nhũ đá, đi vào, dưới nền cách cửa hang khoảng 20m có một nhũ đá hình đôi trai gái đang xoắn xuýt bên nhau. Theo tương truyền rằng: "Thủa xa xưa có đôi trẻ yêu nhau ở vùng hữu ngạn sông đà. Chàng trai là con nhà nghèo nhung đẹp trai, tính hiền lành, chăm làm lại khéo tay. Cô con gái là con nhà giàu, cha nàng lại là người có địa vị trong vùng. Đôi trai gái yêu nhau say đắm, thề quyết nên vợ nên chồng. Ngược lại, cha cô gái cấm không cho con gái mình yêu chàng trai con nhà nghèo vì điều kiện giữa hai gia đình không "Môn đăng, hậu đối" bất chấp sự ngăn cản của cha và gia đình, cô gái càng yêu chàng trai tha thiết hơn. Biết không ngăn cản được con gái, một hôm vào mùa mưa (Khoảng tháng 8) cha cô gái gọi chàng trai đến và ra một điều kiện, nếu muốn lấy được con gái của ông thì phải vượt qua Sông Đà lên đỉnh núi Pu Luông lấy mật ong về cho ông (Loại ong khoái làm tổ ở hang). Tin lời ông và không quản ngại khó khăn, chàng trai vượt sông Đà qua bao thác ghềnh, leo lên núi Pu Luông tìm bằng được mật ong quí về ra mắt bố vợ tương lai. Chàng trai đi mãi khắp núi Pu Luông mà chưa tìm ra được. Lúc này trời đổ mưa, mưa tầm mưa tã, nước Sông Đà dâng cao đột ngột nhiều ngày làm chàng không có đường về, vừa đói, vừa rét chàng trai đi tìm nơi trú mưa, chàng leo lên gần đỉnh núi Pu Luông thì có một cửa hang hiện ra, chàng liền vào đó để trú. Thật bất ngờ trên trần hang có một tổ ong khoái to và đầy mật. Nhưng tổ ong thì ở trên vòm hang cao mà chàng trai thì vừa mệt, vừa đói, không có cách nào bắt được ong, chàng ngồi nghỉ và thiếp đi lúc nào không biết và chàng trai không bao giờ tỉnh dậy nữa. Dần dần chàng biến thành đá có hình dáng như đang giữ lấy tổ ong mà mình đã tìm ra.

          Còn về phần người con gái, từ ngày người yêu lên núi Pu Luông tìm mật ong, đã lâu không thấy người yêu về, ngày qua ngày nàng nhớ người yêu khôn xiết, lại thấy trời mưa lâu, nước Sông Đà dâng cao làm lòng nàng như có lửa đốt, nàng đợi trời ngớt mưa, nước sông Đà rút xuống, nàng trốn gia đình vượt sông sang núi Pu Luông tìm người yêu. Nàng đi mãi, đi mãi đến một ngày có cửa hang hiện ra, nàng vào hang để dừng chân thì thật bất ngờ, gặp chàng trai đã biến thành đá. Nàng thương xót chàng trai đã vì mình mà bị chết, nàng chạy lại ôm chầm lấy bức tượng đá thì ngạc nhiên thay nàng cũng biến thành đá. Như cảm kích trước mối tình chung thủy của đôi trái gái, tổ ong ở trên trần hang cũng dần biến thành đá để ở lại với cô gái và chàng trai để chứng kiến tình yêu vĩnh cửu của họ. Từ đó nhân dân địa phương trong vùng gọi hang này là "Hang tổ ong" để ghi nhớ mối tình thủy chung của đôi trai gái"

          Đi sâu vào hang khoảng 20m ta thấy một cảnh sắc diệu kỳ, đầy mới lạ hiện ra trong ánh sáng mờ ảo như thể tạo hóa đã cảm tình riêng với nơi đây.

          - Qua khảo sát khảo cổ học năm 1997 của Viện khảo cổ học kết hợp với Bảo tàng Sơn La.

          Kết quả khảo sát thu được: 11 di vật bằng đá gồm:

          + 5 công cụ rìu ngang

          + 2 công cụ phần tư cuội

          + 4 công cụ mảnh tước

          Những di vật này mang đặc trưng loại hình - kỹ thuật học văn hóa Sơn Vi.

          Ngoài ra trên mặt nền hang còn nhặt được 4 mảnh gốm thô pha cát, hạt tương đối nhỏ. Gốm màu trắng hồng, khá cứng, còn hai mảnh trang trí văn dập. Công cụ ghè đẽo thô sơ mang đặc trưng văn hóa thời đại đá cũ kiểu Sơn Vi. Những mảnh gốm thô, cứng, chắc có thể đặc trưng cho thời đại đồng thau.

6. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, KHOA HỌC, NGHỆ THUẬT.

          Là một di tích có giá trị về danh lam thắng cảnh, phản ánh cái đẹp thiên tạo. Trong tương lai, khi Thủy điện Sơn La hoàn thành thì nơi đây sẽ là nơi tham quan lý tưởng, đứng ở tại di tích ta có thể bao quát tầm mắt toàn bộ công trình Thủy điện.

          Đến với di tích giữa những ngày nắng nóng gay gắt, du khách vào đây sẽ thấy không khí mát mẻ, có mây che ấp núi, chim hót líu lo, rừng cây trên núi gió thổi rì rào, thật là một cảnh đẹp tuyệt vời.

          Ngoài thắng cảnh đẹp, di tích Hang Co Noong còn có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp của ngành Khảo cổ học, nghiên cứu sự phát triển của người tiền sử. Qua đây sơ bộ đánh giá, các nhà khảo cổ học đã kết luận: tại di tích này đã có sự cư trú của người tiền sử thời sơ kỳ đá cũ cách ngày nay khoảng hàng chục vạn năm.

7. CƠ SỞ PHÁP LÝ

          - Hiện nay di tích chưa được đưa vào chế độ bảo vệ của Nhà nước. Để có tính pháp lý, trước mắt cần qui hoạch khu vực bảo vệ cho khu di tích.

          - Bước đầu Ngành Văn hóa Thông tin đã lập hồ sơ khoa học để đề nghị xếp hạng cho Di tích.

          - Với giá trị về khoa học của di tích, di tích cần được xếp hạng cấp Tỉnh để bảo vệ và phát huy tốt công tác giáo dục truyền thống cho các thế hệ nhân dân các dân tộc Sơn La.

Loại hình di sản Di tích Khảo cổ học và Danh lam thắng cảnh Chuyên đề
Xếp hạng di sản Xếp hạng cấp tỉnh Năm xếp hạng
Kiến trúc Hiện trạng Xuống cấp
Hiện vật trong di sản
- Qua khảo sát khảo cổ học năm 1997 của Viện khảo cổ học kết hợp với Bảo tàng Sơn La. Kết quả khảo sát thu được: 11 di vật bằng đá gồm: + 5 công cụ rìu ngang + 2 công cụ phần tư cuội + 4 công cụ mảnh tước Những di vật này mang đặc trưng loại hình - kỹ thuật học văn hóa Sơn Vi. Ngoài ra trên mặt nền hang còn nhặt được 4 mảnh gốm thô pha cát, hạt tương đối nhỏ. Gốm màu trắng hồng, khá cứng, còn hai mảnh trang trí văn dập. Công cụ ghè đẽo thô sơ mang đặc trưng văn hóa thời đại đá cũ kiểu Sơn Vi. Những mảnh gốm thô, cứng, chắc có thể đặc trưng cho thời đại đồng thau.
Cổ vật Hiện vật mới
Công tác bảo vệ

 

Diện tích nền hiện nay khoảng 60m2 nhân dân địa phương đào lấy phân dơi về bón ruộng có độ sâu từ 1 đến 1,5m.

 Ngoài ra, di tích không bị sự xâm hại nào khác.

Công tác tu bổ tôn tạo

           - Là một di tích có ý nghĩa về mặt nghiên cứu ngành khảo cổ học thời tiền sử ở Sơn La.

          - Ngoài ra còn là một danh làm thắng cảnh của địa phương. Di tích nằm ở ngay đập thủy điện Sơn La, thuận lợi cho du khách tới tham quan theo tuyến du lịch của tỉnh.

          - Trước mắt cần bảo vệ di tích tránh sự xâm hại của con người, giữ nguyên hiện trạng không làm hỏng những cảnh vật mà thiên nhiên đã tạo ra.

          - Cấm biển báo di tích để cho du khách biết

          - Cải tạo đường từ Thủy điện Sơn La lên di tích để thuận lợi cho tuyến tham quan của du khách.

Đất đai trong di sản

Từ bờ Sông Đà đi lên dốc thoải, qua một khu rừng già khoảng 200m là tới cửa hang, đứng tại cửa hang với độ cao ở đây ra sẽ quan sát được một vùng non nước rộng lớn và hùng vĩ. Nhìn hướng nào cũng thấy một bức tranh toàn bích hiện ra: Phía xa là một ngọn núi hình con rồng uốn mình theo Sông Đà; Phía dưới chân núi là dòng sông Đà xanh biếc hòa cùng cảnh sông, núi, mây, trời càng làm tăng thêm vẻ đẹp ở nơi đây.

          Cửa hang chính quay về hướng Đông - Tây, cửa có độ rộng 15m, cao 7m ở giữa có hòn đá to chắn tạo thành 2 ngách cửa. Khi bước vào trong lòng hang ta sửng sốt thấy cảnh đẹp mà tạo hóa đã ban tặng cho nơi đây. Lòng hang có hình tròn như một tổ ong, vòm hang cao tới 20m, trần hang có đủ mọi hình dáng và kích thước của các thạch nhũ, ở giữa có thạch nhũ hình tổ ong lớn, xung quanh có những thạch nhũ nhỏ như những con ong lấm tấm đang miệt mài xây tổ. Xung quanh khố nhũ đá hình tổ ong có những thạch nhũ với hình dáng uốn lượn, nhấp nhô, mềm mại tựa như những đám mây đang bay trên bầu trời và những bức phù điêu bằng thạch nhũ được trang trí trên vòm hang tuyệt đẹp như những tác phẩm điêu khắc được tạc bằng đôi bàn tay mầu nhiệm của một nhà điêu khắc thiên tài.

Tư liệu kèm theo

- Khảo cổ học tiền sử và sơ cử Sơn La - NXB khoa học xã hội - Hà Nội 2003

- Theo truyền thuyết của nhân dân địa phương.

Ảnh hang conoong:  Ảnh 1, Ảnh 2


https://www.zbet.win/news/soi-keo-bong-da