Chi tiết hồ sơ

Tên Cây Đa Pắc Ma
Địa điểm Pắc Ma, xã Pắc Ma, Quỳnh Nhai, Tỉnh Sơn La
Thuộc Huyện/Thành phố Quỳnh Nhai Thuộc Xã/Phường/Thị trấn xã Pắc Ma
Mô tả chi tiết

1. TÊN GỌI: CÂY ĐA PẮC MA.

          Cây đa Pắc Ma, thuộc xã Pắc Ma, huyện Quỳnh Nhai. Là cây mọc tự nhiên ở tại bản Pắc Ma, xã Pắc Ma, cách đường liên tỉnh 171 khoảng 300m trên một quả đồi có dáng như Yên Ngựa. Trong thời kỳ kháng chiến Chống thực dân Pháp, huyện Quỳnh Nhai có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự, là cửa ngõ để ta có thể từ Than Uyên đi vào, tiến sang Tuần giáo và lên Điện Biên. Tại khu vực cây đa này trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp năm 1952 bộ đội ra đã tiêu diệt được 72 tên địch trong tiểu đoàn Ta Bo thứ 17 quân Viễn Chinh Pháp, thu được nhiều vũ khí. Với trận đánh thắng lợi này đã góp phần chọc thủng phòng tuyến Sông đà của địch, giải phòng hoàn toàn Quỳnh Nhai, tạo điều kiện thuận lợi cho hướng thọc sâu và giành thắng lợi to lớn trong hai đợt của chiến dịch tiến công giải phóng Tây Bắc.

          Cây đa là một chứng tích gắn với thắng lợi của bộ đội ta trong chiến dịch Tây Bắc. Nhân dân địa phương thường gọi là cây đa Pắc Ma (gọi theo tên địa danh)

2. ĐỊA ĐIỂM PHÂN BỐ DI TÍCH… ĐƯỜNG ĐI ĐẾN

          - Di tích nằm ở trung tâm bản Pắc Ma, xã Pắc Ma, huyện Quỳnh Nhai.

          - Xã Pắc Ma trên đường tỉnh lộ 171 từ thị xã Sơn La đến huyện Quỳnh Nhai cách huyện lỵ Quỳnh Nhai 8km, di tích nằm ở phía tay phải theo hướng đường đi vào huyện Quỳnh Nhai, trên một mỏm đồi hình yên ngựa cách đường tỉnh lộ 300m.

          - Đường đi đến di tích được bằng đường bộ và đường thủy.

3. SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ… THUỘC TÍNH DI TÍCH

          Thấy rõ vị trí chiến lược quan trọng của vùng Tây Bắc, tháng 2 năm 1946 thực dân Pháp đánh chiếm Lai Châu và thiết lập ngay bộ máy ngụy quyền. Chúng ra sức lùng sục cán bộ, truy tìm và bắt giam, tra tấn những người ủng hộ và đi theo cách mạng.

          Về quân sự: chúng lập thành khu "Độc lập Tây Bắc" gồm 10 phân khu.

          Về chính trị: Chúng lập ra "Xứ Thái tự trị" . Tháng 4 năm 1948 "Xứ Thái tự trị" được thành lập gồm ba tỉnh: Sơn La, Lai Châu và Phong Thổ.

          Tùy gọi là "Xứ Thái tự trị" do các thổ ty, phìa tạo cầm đầu bộ máy chính quyền, nhưng trên thực tế mọi quyền hành đều nằm trong tay những tên cố vấn Pháp.

          Nhận rõ vị trí chiến lược Sơn La, Tây Bắc. Ngày 21/1.1948. Bộ tổng chỉ huy đã ra chỉ thị số 114/CT - BT và 115/CT-BT nêu rõ nhiệm vụ giải phóng đồng bào Tây Bắc và xây dựng căn cứ địa Tây Bắc là nhiệm vụ căn bản của liên khu X.

          Để thống nhất lực lượng, kịp thời đối phó với âm mưu thủ đoạn mới của địch, ngày 25/1/1948 chính phủ ra sắc lệnh số 120/SL, sát nhập khu X, khu XIV thành liên khu X.

          Cuối tháng 1/1948 hội nghị cán bộ Đảng toàn liên khu X đã họp đề ra chủ trương phải phá thế bao vây biên giới của địch, xây dựng căn cứ địa Tây Bắc. Bộ tư lệnh liên khu X đã kịp thời tập trung bộ đội, cán bộ chính trị người địa phương tổ chức thành các đại hội độc lập, các đội vũ trang tuyên truyền và đưa vào hậu địch gây cơ sở cách mạng. Quân khu ủy đã chia toàn bộ căn cứ hậu địch trên chiến trường Tây Bắc thành bốn khu:

          Khu A gồm: Khu tam giác Nghĩa Lộ - Than Uyên, Văn Bàn, Ít Oong (Yên Bái)

          Khu B: Vùng Cam Đường (Lào Cai)

          Khu C: Vùng Mộc Châu, Yên Châu (Sơn La)

          Khu D: Dọc biên giới Việt - Lào.

          Hoạt động của các đội vũ trang tuyên truyền là mỗi đội chia thành nhiều tổ, phân theo hai nhiệm vụ: Xung phong phát triển đi trước đặt cơ sở, tiến sâu vào Tây Bắc, các đội xung tỏa ra nhiều hướng hoạt động.

          Ngày 15/3/1948, đội xung phong Quyết Tiến là một trong bốn đội vũ trang tuyên truyền của liên khu X được thành lập. Đội gồm 116 cán bộ, chiến sỹ có nhiệm vụ tiến vào khu A gây dựng cơ sở, hướng phát triển lên Điện Biên Phủ.

          Thực hiện chủ trương của liên khu, Ngày 29/3/1948 đội xung phong Quyết Tiến đã lên đường. Ngày 29/6/1948, đơn vị đã đến Tú Lệ (Yên Bái) và chủ trương củng cố Tú Lệ để làm bàn đạp tiến lên Mường Trai (Mường La). Nhận rõ vị trí thuận lợi của Quỳnh Nhai là cửa ngõ để ta có thể từ Than Uyên đi vào, tiến sang Tuần giáo và lên Điện biên. Cuối tháng 7/1948 đội đã tiến vào được tới Cáp Na, Bản Khì, bản Giôn của huyện Quỳnh Nhai, Ban chỉ huy quyết định rút vào bí mật. Địch tăng cường quân số lớn từ Mường Cang, Nghĩa Lộ, Than Uyên tới càn quét, khủng bố nhân dân, lùng sục cán bộ. Do bị phục trên đường, lực lượng của ta bị tổn thất lớn, đơn vị buộc phải rút quân về Yên Bai để củng cố lực lượng.

          Cuối năm 1948 tại mặt trận tây Bắc, Khu ủy và Bộ tư lệnh liên khu chủ trương phải đánh mạnh trên khắp các mặt trận. Ở Sơn La phong trào đã lớn mạnh, cơ sở được xây dựng hầu khắp toàn tỉnh. Để đẩy mạnh hơn nữa việc mở rộng và xây dựng cơ sở cách mạng trong lòng địch. Tháng 7/1949, Bộ tư lệnh liên khu X đã quyết định thành lập đội xung phong Lai Châu (còn gọi là đội vũ trang tuyên truyền Lai Châu) cùng với việc đưa đội xung phong Lai Châu vào hoạt động. Khu ủy liên khu X cũng đã tăng cường điều động một số cán bộ đang công tác tại hai tỉnh Yên Bái, Lào Cai vào công tác tại Lai Châu.

          Tại huyện Quỳnh Nhai lúc này, địch tập trung đóng quân chủ yếu ở hai đồn: đồn huyện lỵ với 30 lính khố xanh, 30 lính dõng và đồn Bản Bo (thuộc xã Mường giôn) có 30 lính dõng, ngoài ra chúng còn đặt một số vọng gác ở các bản hàng ngày chúng tuần tra, canh gác và có các cuộc lùng sục nhỏ để uy hiếp nhân dân thăm dò lùng tìm cán bộ của ta.

          Tháng 11/1949 liên khu X và liên khu I sát nhập thành liên khu Việt Bắc, đồng thời thành lập Bộ tư lệnh mặt trận Tây Bắc. Để thống nhất sự chỉ đạo, tổ chức tiến hành các chiến dịch, tiếp tục hoàn thành giải phóng chiến dịch Tây Bắc.

          Từ ngày 8/2 đến ngày 10/3/1950 chấp hành chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng và Bộ tổng tư lệnh. Bộ tư lệnh mặt trận Tây Bắc quyết định mở chiến dịch Lê Hồng Phong 1 nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng biên giới, mở rộng căn cứ địa Tây Bắc.

          Để phối hợp hoạt động, tiểu đoàn 105 đã tổ chức đánh đồn ở huyện Lỵ Quỳnh Nhai và Bản Bo (Mường giôn). Địch điều quân tiếp viện từ Sơn La lên, Lai Châu xuống chiếm lại đồn bản Bo. Trận đánh không thắng lợi, bộ đội phải rút ra ngoài. Để đối phó, địch đã tăng cường lực lượng quân sự càn quét vào khu du kích của các huyện trên, tổ chức đóng thêm nhiều đồn bốt, các vọng gác, bổ sung binh lính cho các đồn cũ. Ở Quỳnh Nhai, địch tăng cường quân ở Sơn La lên từ Lai Châu xuống, đóng thêm nhiều đồn bốt, các vọng gác, bổ sung binh lính cho các đồn cũ. Ở Quỳnh Nhai, địch tăng cường quân ở Sơn La lên từ Lai Châu xuống, đóng thêm đồn ở hai vị trí bản Xa (gồm 20 lính dõng) và ở bản Mùn (gồm 50 lính dõng) thuộc xã Mường giôn, đồng thời chúng tổ chức càn quyét, khủng bố cơ sở của ta. Ở Bản Mứn và Pắc Ma chúng đốt phá trên 100 nóc nhà cùng với toàn bộ tài sản của nhân dân. Bắt gần hết số trung kiên mà ta đã xây dựng, đào tạo, cùng với các gia đình, anh em cán bộ địa phương mới trở về hoạt động, thẳng tay giết một số người. Chúng còn thực hiện chính sách dồn dân để dễ bề kiểm soát.

          Có thể nói trong khoảng thời gian từ năm 1946 đến năm 1950 là giai đoạn đầy khó khăn và thử thách với nhân dân các dân tộc Quỳnh Nhai. Giành chính quyền chưa được bao lâu, lại là huyện duy nhấ của tỉnh Lai Châu giành được chính quyền nên Quỳnh Nhai trở thành trung tâm để thực dân pháp và tay sai chĩa mũi nhọn tập trung đánh chiếm.

          Chiến dịch Biên giới cuối năm 1950 của ta thắng lợi buộc thực Dân Pháp rút quân từ Lào Cai về Lai Châu. Chúng chia quân đóng thêm nhiều đồn ở các vùng cơ sở của ta, rải quân ở nơi tiếp giáp giữa các Huyện phía Bắc (Quỳnh Nhai, Sìn Hồ, Than Uyên) và các đường giao thông thủy, bộ rất chặt chẽ. Ngoài ra chúng còn tăng cường tuyển ngụy binh, điều quân tiếp viện ở miền xuôi lên, chúng sửa sang làm thêm các sân bay tại Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Điện Biên. Sau một thời gian củng cố, lấy Lai Chua làm hành lang phòng thủ cho Lào Bắc liên tiếp từ tháng 1 đến tháng 4 năm 1931, địch mở các cuộc càn quét vào cơ sở của ta ở Điện Biên, Tuần Gíao, Quỳnh Nhai và cùng dọc Sông Đà.

          Sau thời gian ngừng càn quết để củng cố lực lượng, củng cố đường giao thông từ Lai Châu đi Sơn La. Từ cuối tháng 7/1951, địch lại tập trung quân càn quét phá hoại cơ sở của ta một cách khốc liệt nhằm tạo ra hậu phương an toàn cho chúng. Thực hiện âm mưu đó, địch đã tập trung binh lực, phối hợp điều quân từ Bắc Lào sang, Sơn La lên, Lai Châu xuống để càn quét cơ sở ta ở Tuần Gíao, Điện Biên, Quỳnh Nhai. Đồng thời chúng tập trung đóng thêm các đồn dọc sông Đà và củng cố đường 41. Ở Bản Tận và Bản Bo xã Pắc Ma trong 3 tháng đầu năm 1952 địch đã tăng cường quân đóng ở hai bản này.

          Đến tháng 4 và 5 năm 1952, các hoạt động quân sự của địch có chiều hướng giảm, việc khủng bố, càn quét lùng sục không còn gay gắt như trước nữa mà tập trung canh gác, bảo vệ những con đường quân sự quan trọng của chúng để đề phòng sự hoạt động của ta từ ngoài vào và rút hết quân ở các đồn về để bổ sung cho đồn Huyện Lỵ.

          Về phía ta, xuất phát từ yêu cầu của cuộc kháng chiến, thấy rõ tầm quan trọng chiến lược về quân sự của địa bàn Tây Bắc. Trung ương Đảng quyết định chyển hướng tấn công chủ yếu của bộ đội chủ lực lên Tây Bắc. Để chuẩn bị cho chiến dịch Tây Bắc, đầu tháng 4/1952 Trung ương Đảng ra chỉ khẩn trương xúc tiến công tác chuẩn bị cho mọi mặt trong chiến dịch. Xác định huyện Quỳnh Nhai là huyện nối liên lạc với Tuần Giaos, Sìn Hồ và với các cơ quan của tỉnh, do vậy phải phục hồi cơ sở, trước hết là ở Quỳnh Nhai để làm đầu mới liên lạc giữa các vùng tự do với nội địa Lai Châu. Xúc tiến củng cố đường giao thông liên lạc từ Quỳnh Nhai đi Tuần Gíao và đảm bảo đường dây liên lạc giữa Quỳnh Nhai và Sìn Hồ. Do vậy sau tháng đầu năm 1952 cơ sở Quỳnh Nhai không những đã phát triển về bề rộng mà đã đi vào chiều sâu, phát triển đi đôi với củng cố vững chắc. Ở Quỳnh Nhai lúc này địch chỉ còn tập trung đóng đồn ở Huyện lỵ và sân bay với một đại đội lính khố đỏ và lính dõng địch hoàn toàn không cố định vị trí nào, chúng cũng ít hoạt động tuần tiễn hơn ở các xã trong huyện chỉ ở vùng Mường Sại (Sơn La) có một trung đội lính khố đỏ do tên quan hai Pháp chỉ huy thường đi kiểm soát tuần tiễn sang cả xã Pắc Ma đến hai bản Tính và bản Mựt của xã Mường Giôn.

          Để chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch Tây Bắc được kịp thời thống nhất, đảm bảo sự tất thắng của chiến dịch, ngày 27 tháng 7 năm 1952 trung ương Đảng quyết định tách bốn tỉnh từ liên khu Việt Bắc để thành lập khu Tây Bắc. Liên khu Việt Bắc nhanh chóng điều động và tăng cường cán bộ các ban ngành bổ xung cho khu vực Tây Bắc. Dưới sự chỉ đạo sát sao của trung ương, quân dân Tây Bắc đã chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt cho chiến dịch.

          Ngày 14/10/1952, chiến dịch Tây Bắc được mở màn. Đợt 1 của chiến dịch ta tấn công thị xã Nghĩa Lộ (hướng chủ yếu) và tiểu khu Phù Yên (hướng thứ yếu) giành thắng lợi. Để phối hợp với các mũi tấn công của chiến dịch, từ ngày 11/10/1952 t iểu đoàn 910 (trung đoàn 148) đã từ Lào Cai xuống Quỳnh Nhai đánh vào vị trí Nậm Si, ngày 12/10 đơn vị tiến đến Nậm Mu, địch hốt hoảng tháo chạy. Ngày 14/10, địch bỏ đồn huyện lỵ Quỳnh Nhai chạy sang hữu ngạn Sông Đà. Sau trận Nậm Sở (thuộc tiểu khu Than Uyên) và nhất là sau khi phân khu nghĩa lộ bị tiêu diệt, địch ở tiểu khu Phù Yên biết rõ ý định của ta và hướng tán công của tiểu đoàn 910 (hướng thọc sâu vu hồi) nên địch tích cực đối phó.

          Tiểu đoàn Ta Bo thứ 17 của địch (thuộc phân khu lai châu) từ Lai Châu được lệnh xuống Quỳnh Nhai nhằm mục đích đánh bật tiểu đoàn 910 và đón quân của chúng co về. Tiểu đoàn Ta Bo thứ 17 của địch là tiểu đoàn thiện chiến, binh lực gồm bá đại đội lính Ma rốc, một đại đội lính ngụy Thái và một đại đội lính trợ chiến. Ngoài vũ khí trang bị cá nhân, địch còn có 4 khẩu súng cối, tám khẩu súng đại liên. Ngày 19/10, tiểu đoàn Ta Bo vượt sông Đà đóng ở bản Mứn (xã Pắc Ma), ngày 21/10 chúng đưa cả tiểu đoàn ra chiếm đóng  tại vùng Pắc Ma. Địch tạm thời dừng lại trong quá trình vận động, thực hiện ý định đối phó với ta, nếu không đánh bật được ta thì cũng phải chặn đứng lại để bảo vệ an toàn cho phòng tuyến Sông Đà và đường 41. Toàn bộ lực lượng địch đóng trên bốn quả đồi cao, kiểm soát con đường độc đạo ra bờ Sông Đà. Do vậy địch hơn hẳn ta về ưu thế địa hình, binh lực. Ban ngày chúng khống chế được ta, nhưng công sự của chúng sơ sài, vị trí đóng quân cô lập với các vị trí lân cận. Tinh thần binh lính hoang mang đao động. Trước tình hình đó ta nhận định, nếu bí mật, tập kích, bao vây, chia cắt, cận chiến, đánh nhanh, giải quyết nhanh, địch sẽ bị tiêu diệt hoặc tan rã.

          Về phía ta: sau trận Pắc Ma 1 (ngày 21/10) biết địch còn ở bên này sông. Tiểu đoàn 910 rút về phía sau cách 7km (bản Le Nưa) để củng cố lực lượng, tiếp tục điều tra địch, chuẩn bị phương án tác chiến. Với nhiệm vụ đánh tan vị trí đóng quân phòng ngự lâm thời của địch, mở đường vượt Sông Đà. Căn cứ vào khả năng và lực lượng của đơn vụ. Tiểu đoàn 910 quyết tâm phải tiêu diệt toàn bộ tiểu đoàn Ta Bo số 17, hoặc đánh tan tiểu đoàn này sau đó chuyển hướng sang đường 41.

          Chiều ngày 23/10, đại đội 220 được điều về để tăng cường cho lực lượng tập kích ở Pắc Ma đồng thời đại đội 225 được lệnh từ Quỳnh Nhai qua bản Mứn đánh về. 20h ngày 23/10/1952 quân ta bắt đầu triển khai, bí mật đột nhập vị trí công kích. 2h sáng ngày 24/10/1952 ta bắt đầu tấn công địch, bằng nhiều mũi tấn công, hiệp lực, có sự chi viện của hỏa lực cối 81mm, ĐKZ 57mm, đại liên, đến 4h30, ta hoàn toàn làm chủ trận địa, tiêu diệt 72 tên địch (phần lớn là lính Ma rốc). Trong đó có một quan ba, một quan hai, bắt sống 20 tên, thu 2 đại liên, 2 khẩu súng cối 81mm và nhiểu tiểu liên, súng trường. Tiểu đoàn 910 rút về bản Na Mưa, kết thúc thắng lợi trận đánh.

          Trận vận động tập kích Pắc Ma thắng lợi đã góp phần chọc thủng phòng tuyến Sông Đà của địch, giải phóng hoàn toàn huyện Quỳnh Nhai, tạo điều kiện thuận lợi cho hướng thọc sâu vu hồi giành thắng lợi to lớn trong hai đợt của chisn dịch tiến công giải phóng Tây Bắc. Chiến dịch Tây Bắc kết thúc thắng lợi, ta tiêu diệt một bộ phận quan trọng trong sinh lực địch, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn 28.500km2 với 2,5 vạn dân trên một địa bàn hết sức quan trọng. Tây Bắc trở thành căn cứ địa nối liền với căn cứ địa Việt Bắc.

4. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA DI TÍCH

          Di tích cây đa Pắc Ma là một vật chứng, chứng minh trận tập kích Pắc Ma của bộ đội ta vào tháng 10/1952. Với trận thắng lợi này đã góp phần chọc thủng phòng tuyến Sông Đà của địch giải phóng hoàn toàn huyện Quỳnh Nhai, tạo điều kiện giành thắng lợi to lớn trong đợt I của chiến dịch Tây Bắc.

5. CƠ SỞ PHÁP LÝ BẢO VỆ DI TÍCH

          Đây là chứng tích ghi dấu địa danh lịch sử trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của dân tộc ta trên mảnh đất Sơn La nói chung và Quỳnh Nhai nói riêng, nhưng hiện nay di tích chưa được xếp hạng. Thể theo nguyện vọng của chính quyền và nhân dân địa phương, để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử của di tích trong giáo dục truyền thống đấu tranh cho các thế hệ. Đề nghị các cấp, các ngành, xem xét công nhận xếp hạng cho di tích để đảm bảo cơ sở pháp lý cho di tích cây đa Pắc Ma.

Loại hình di sản Di tích lịch sử kháng chiến Chuyên đề
Xếp hạng di sản Xếp hạng cấp tỉnh Năm xếp hạng 28/2/2007
Kiến trúc Hiện trạng Xuống cấp
Hiện vật trong di sản
- Hiện trạng di tích còn lại là một cây đa và 40m giao thông hào của bộ đội ra chặn đánh địch trong trận Pắc Ma ngày 24/10/1952. - Giao thông hào rộng 1m, có chỗ sâu 1,4m và có đoạn đất bồi lên chỉ còn 0,4m.
Cổ vật Hiện vật mới
Công tác bảo vệ

 

- Trong tương lai, di tích nằm trong vùng ngập nước của Thủy điện Sơn La. Với công trình thủy điện cốt nước 218m (là cốt nước cuối cùng) thì di tích không bị ngập, cách mặt nước là 50m. Vì vậy muốn bảo tồn di tích, cần phải có kế hoạch kè chắn sóng nước không bị xâm hại của nước khi nước lên.

 - Những đoạn giao thông hào còn lại cần được phục chế bằng vật liệu vững chắc, vĩnh cửu.

 - Khi thủy điện Sơn La hoàn thành, tại đây, biển nước mênh mông, chỉ còn lại mỏm đồi khu di tích, do vậy về mặt bằng khu di tích cần cải tạo để có chỗ nghỉ, vui chơi thuận lợi cho du khách tới thăm khu di tích.

 - Cắm biển báo khu di tích để du khách biết.

Công tác tu bổ tôn tạo

Hiện nay di tích còn một cây đa và 40m giao thông hào.

Đất đai trong di sản

- Cây đa Pắc Ma là cây mọc tự nhiên trên một quả đồi chạy dài có tên địa phương là "Pom Mạ" có nghĩa là đồi yên ngựa. 

Tư liệu kèm theo

Ảnh hiện vật


https://www.zbet.win/news/soi-keo-bong-da