1. Tên gọi: Tập đoàn cứ điểm Nà Sản
Lịch sử tên gọi:
Nà Sản đã là một trong các căn cứ quân sự quan trọng của bọn thực dân Pháp ở Tây Bắc. Là Sở chỉ huy phân khu Sơn La do đại tá Gin (Gilles) chỉ huy. Trong căn cứ thường xuyên có một số đại đội vừa làm nhiệm vụ bảo vệ và cơ động.
Trong đợt 1 và 2 chiến dịch Tây Bắc năm 1952, ta đã giành thắng lợi to lớn, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn, tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của chúng. Địch thấy nguy cơ bị bao vây, tiêu diệt nên đã vội vàng bỏ nhiều vị trí quan trọng rút chạy về Nà Sản co cụm thành "Tập đoàn cứ điểm" mạnh nhất lúc bấy giờ, và cũng là biện pháp phòng ngự cao nhất có ý nghĩa chiến lược lần đầu xuất hiện ở chiến trường Việt Nam (1).
Để giành toàn thắng cho chiến dịch, Bộ chỉ huy quyết định mở đợt 3 chiến dịch "Tiến công tập đoàn cứ điểm ở Nà Sản". Đây là trận đánh công kiên lớn nhất của bộ đội ta thời kỳ đó, trận đánh then chốt để kết thúc chiến dịch Tây Bắc.
Các trận đánh ở Nà Sản đã diễn ra rất gay go ác liệt, nhiều cán bộ, chiến sỹ đã chiến đấu và hy sinh rất ngoan cường, anh dũng dưới hoả lực phi pháp tập trung ưu thế của địch. Trước tình hình không thuận lợi, Bộ chỉ huy chiến dịch đã quyết định chuyển sang bao vây, cô lập Nà Sản để củng cố vùng mới giải phóng rộng lớn, củng cố lại lực lượng để tiếp tục chuẩn bị tiêu diệt Nà Sản sau này.
Khi Na Va sang thay thế Sa-lăng thấy "Con nhím" Nà Sản đang trong tình thế nguy hiểm đã cấp tốc cho Nà Sản rút chạy bằng máy bay (2).
Tên gọi "Nà Sản" (Di tích Nà Sản) hay di tích "Tập đoàn cứ điểm Nà Sản" trận công kiên lớn nhất vào căn cứ cố thủ của bọn thực dân Pháp ở Tây Bắc trong chiến dịch giải phóng Tây Bắc 1952 đã đi vào lịch sử cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc Việt Nam, cho ta nhiều kinh nghiệm, bài học quí giá mà ta thường nói "Có Nà Sản mới có chiến thắng Điện Biên".
2. Địa điểm phân bố di tích, đường đi đến
Di tích tập đoàn cứ điểm Nà Sản nằm trên cao nguyên Nà Sản. Thuộc địa phận xã Chiềng Mung - Huyện Mai Sơn - Tỉnh Sơn La.
Di tích nằm ngay cạnh trục đường quốc lộ 6, cách thị xã Sơn La 20km về phía đông, cách thị trấn Hát Lót 10km (Di tích nằm trên trục đường giữa thị trấn Hát Lót và Thị xã Sơn La).
Di tích nằm trên một diện tích rộng khoảng 10km2 trên cao nguyên Nà Sản (là một trong hai cao nguyên của tỉnh Sơn La: Mộc Châu - Nà Sản) có độ cao trung bình là 700m được bao quanh bởi 2 dãy núi:
- Phía Bắc có các cụm núi Pú Cát, Pú Hồng, Nà Si.
- Phía Nam có các cụm núi Na Sam, Bản Cườm, Bản Vạy, Cừ Như.
Độ cao trung bình của các dãy núi trên khoảng 750m. Cao nhất là dãy núi Pú Gan trên 1000m.
Khu trung tâm điều hành các cuộc hành quân của chúng, cùng với Sở chỉ huy và sân bay vận tải chúng xây dựng tại bản Na Sam cách đường quốc lộ 6 khoảng 200m.
Để bảo vệ cho chỉ huy và sân bay cùng khu trung tâm, địch tiến hành xây dựng hệ thống đồn bốt, pháo cao xạ 105mm, cùng giao thông hào kiên cố trên các cứ điểm như Pú Hồng, Nà Si, Bản Vạy, Cừ Như, Gò Hời, Bản Cườm, Bản Cút, Bản Lầu để tạo thành một vòng đai khép kín bảo vệ cho khu trung tâm Nà Sản.
Di tích tập đoàn cứ điểm Nà Sản được phân bố trên một diện tích rộng trên các địa danh thuộc phạm vi xã Chiềng Mung và một phần xã Hát Lót.
Vì di tích Nà Sản nằm ngay trên đường quốc lộ 6 nên ta có thể đi đến đây bằng nhiều đường và bằng các phương tiện giao thông từ hiện đại đến thô sơ rất dễ dàng.
Một địa điểm không thể tách rời được đối với di tích Nà Sản đó là địa điểm sở chỉ huy tiền phương của ta đóng quân để chỉ huy những trận tiến công của ta vào Nà Sản tại bản Pá Nó A - xã Tà Hộc - Huyện Mai Sơn, địa điểm này đặt trên vách đá xung quanh là khu rừng dổi già, có thể nhìn thấy vùng Sông Đà nhưng rất kín đáo, kể cả không quân của địch cũng khó phát hiện được.
Địa điểm này cách Hát Lót 25km về phía Tây Nam, gần với bến cảng Tà Hộc nhưng hiện nay đường đi đến di tích rất khó khăn, phải leo ngược dốc khoảng 5km cách đường quốc lộ mới, lên tới được chỉ có 1 phương tiện là phải leo bộ nên việc đến thăm địa điểm này hết sức khó khăn.
3. Sự kiện, nhân vật lịch sử và thuộc tính di tích
Thu đông 1952 - Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Tây Bắc nhằm mục đích.
1. Tiêu diệt sinh lực địch.
2. Giải phóng cho nhân dân các dân tộc Tây Bắc thoát khỏi cảnh nô lệ.
3. Giành lại đất đai vùng Tây Bắc của tổ quốc.
4. Tạo thế cho cách mạng Lào phát triển.
Bộ chính trị đã cử đồng chí Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh làm tư lệnh chiến dịch, kiêm Bí thư đảng uỷ chiến dịch, đồng chí Hoàng Văn Thái Tổng tham mưu trưởng làm tham mưu trưởng chiến dịch, đồng chí Nguyễn Chí Thanh chủ nhiệm Tổng cục chính trị làm chủ nhiệm chính trị chiến dịch, đồng chí Nguyễn Thanh Bình phó chủ nhiệm tổng cục cung cấp làm chủ nhiệm cung cấp chiến dịch.
A. TÌNH HÌNH ĐỊA BÀN CHIẾN DỊCH:
Tây Bắc gồm 4 tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai. Rộng khoảng 44.300km2 với 44 vạn dân, gồm nhiều dân tộc thiểu số cùng chung sống như Thái, Kinh, Tày, Mường, Khơ Mú, Sinh Mun, Mông,… Trong đó dân tộc Thái đông nhất, chiếm tỷ lệ cao so với các dân tộc khác.
Địch chiếm lại Tây Bắc sau ngày cách mạng tháng 8 năm 1945 lập "Xứ Thái tự trị", tổ chức "Liên khu độc lập Tây Bắc" nhằm chia rẽ các dân tộc, thực hiện âm mưu "Dùng người Việt đánh người Việt".
Lực lượng địch ở Tây Bắc gồm 8 tiểu đoàn bộ binh (3 tiểu đoàn Âu Phi, 5 tiểu đoàn nguỵ) 43 đại đội bộ binh chiếm đóng và 11 khẩu pháo 105mm và 75mm. Chúng chia Tây Bắc thành 4 phân khu Lai Châu - Sơn La - Sông Đà - Nghĩa Lộ và tiểu khu Tuần Giáo.
Lực lượng ta tham gia chiến dịch Tây Bắc có khoảng 3 đại đoàn 308, 312, 316 (thiếu một trung đoàn) tiểu đoàn 901, 6 đại đội sơn pháo 75mm (24 khẩu) 3 đại đội cối 120mm (12 khẩu). Trung đoàn công binh, đại đoàn công pháo, 10 đại đội địa phương của 4 tỉnh và khoảng 200.000 dân công phục vụ cho chiến dịch.
B. KẾ HOẠCH CHIẾN DỊCH
Dự kiến chia làm 2-3 đợt. Đợt 1 tập trung tiêu diệt địch ở phân khu Sông Đà, đợt 3 tuỳ theo tình hình phát triển tiêu diệt phân khu Sơn La.
Thời gian chiến dịch dự kiến khoảng 3 tháng rưỡi.
Phương châm hoạt động: Chuẩn bị đánh dài ngày, đánh liên tục tiến từng bước chắc đồng thời sẵn sàng nắm thời cơ thuận lợi để phát triển nhanh chóng.
C. TÓM TẮT DIỄN BIẾN ĐỢT 1, ĐỢT 2 CHIẾN DỊCH
Đợt 1: (Từ ngày 14/10 đến 23/10/1952).
Đập vỡ khu vực phòng ngự Nghĩa Lộ, Phù Yên giải phóng vùng tả ngạn Sông Đà:
Qua 10 ngày đêm chiến đấu, đợt 1 chiến dịch kết thúc thắng lợi.
Ta đã tiêu diệt đại bộ phận địch ở phân khu Nghĩa Lộ, tiểu khu Phù Yên và đặc biệt tiểu khu Than Uyên, giành được thắng lợi ngoài dự kiến. Ta diệt 500 tên, bắt trên 1000 tên, trong đó có hơn 300 tên lính Âu Phi, toàn bộ Ban chỉ huy phân khu Nghĩa Lộ và Ban chỉ huy tiểu khu Phù Yên. Giải phóng một phần đất đai quan trọng suốt từ hữu ngạn Sông Hồng đến tả ngạn Sông Đà, từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai (trừ khu Phong thổ) rộng 10.00km2, thu 1.400 súng trường, tiểu liên, 75 trung liên, 22 trọng liên, đại liên, 34 súng cối, 3 ĐKZ 37, 2 pháo 105mm, 14 vô tuyến điện và nhiều quân trang quân dụng.
Đợt 2: (Từ ngày 17/11 đến 23/11/1952)
Vượt Sông đà, đạp vỡ khu phòng ngự Mộc Châu, giải phóng Sơn La, Điện Biên Phủ.
Địch thất bại lớn ở đợt 1, đã vội vàng điều 5 tiểu đoàn Âu Phi từ đồng bằng và một tiểu đoàn Lào sang ứng cứu cho Tây Bắc. Mở cuộc hành quân lên Phú Thọ nhằm kéo chủ lực ta về. Chia Tây bắc ra làm 2 mặt trận: Phân khu Lai Châu do đại tá Đờ - La- Va chỉ huy, Phân Khu Sơn La do đại tá Gin chỉ huy, gần 8 tiểu đoàn và 13 đại đội.
Ta thành lập mặt trận phối hợp "Y13" do đồng chí Bằng Giang chỉ huy, lực lượng gồm: Trung đoàn 165, đại đoàn 312, tiểu đoàn 910 thuộc trung đoàn 148 và các lực lượng tại chỗ.
Do khó khăn về vận chuyển tiếp tế, mưa to, nước Sông Đà chảy xiết… Vì vậy thời gian mở đợt 2 chiến dịch phải lùi lại ngoài dự kiến đã định. Tuy vậy, trên mặt trận phối hợp "Y13" đã thu được thắng lợi to lớn ngoài dự kiến.
Với 4 tiểu đoàn và một số đơn vị địa phương, nhưng biết phát huy thế chủ động, kịp thời nắm bắt thời cơ, tiến công kiên quyết, linh hoạt, sáng tạo, hạ quyết tâm kịp thời, chính xác, kết hợp khéo léo giữa tiến công với địch vận, làm tốt công tác dân vận. Mặt trận phối hợp Y13 đã đánh quân địch đông gấp nhiều lần trên một địa bàn rộng lớn, diệt và bắt hơn 1000 tên địch, giải phóng 6 huyện và một thị xã: Than Uyên, Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Mường La, Thuận Châu, Điện Biên và Thị xã Sơn La, rộng trên 3000km2 với trên 100.000 dân, thu nhiều vũ khí quân trang, quân dụng.
Trên mặt trận chủ yếu của chiến dịch cũng diễn ra gay go ác liệu, ta đã diệt Bản Hoa, Ba Lay, Mộc Châu, Hát Tiêu, Mường Lựm. Địch vội vàng đưa 2 tiểu đoàn dù mới tới Nà Sản, rút các lực lượng còn lại trên đường 41, điều tiểu đoàn Âu Phi ở Tạ Khoa, tiểu đoàn 55 nguỵ ra chiếm giữ Yên Châu - Chiềng Đông - Cò Nòi. Địch hy vọng 5 tiểu đoàn trên có thể chặn ta ở Yên Châu. Song địch không lường hết khí thế tinh thần và quyết tâm tiêu diệt chúng. Ta đã tiêu diệt gọn tiểu đoàn 55 nguỵ, đánh thiệt hại nặng 1 đại đội thuộc tiểu đoàn dù Âu Phi, địch đã hốt hoảng tháo chạy, ta truy kích. Đúng vì đã mệt mỏi và có phần thoả mãn với thắng lợi, thiếu tích cực tìm mọi cách truy kích địch đã để 4 tiều đoàn địch chạy thoát về Nà Sản và đêm 23/11 ta tập kích Pú Hồng, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch.
Kết thúc đợt 2 chiến dịch, ta diệt và bắt hơn 3000 tên địch, tiêu diệt gọn các tiểu đoàn 3 Ma Rốc, Tiểu đoàn 3 Thái, tiểu đoàn 55 nguỵ, tiểu đoàn 58 Lào, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 2 dù, tiểu đoàn Thái khố xanh, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng, đặc biệt đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giải phóng đất đai gồm toàn bộ tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản), một số bộ phận quan trọng của tỉnh Lai Châu với diện tích 17.700km2.
Tuy vậy, ta đã phạm một số thiếu sót trong việc nắm địch, bao vây, chia cắt, truy kích, đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để diệt địch. Vì vậy nhiều tiểu đoàn địch đã chạy thoát về co cụm thành tập đoàn cứ điểm Nà Sản.
Đợt 3: (Từ ngày 30/11 đến 2/12/1952)
Tiến công tập đoàn cứ điểm Nà Sản
Địch co cụm về Nà Sản gồm: 8 tiểu đoàn bộ binh và dù (trong đó có 4 tiểu đoàn lê dương tương đối còn nguyên vẹn); 2 tiểu đoàn Bắc Phi, 2 tiều đoàn nguỵ người Thái mới khôi phục; Một tiểu đoàn pháo binh 105mm (12 khẩu) 1c công binh, Sở chỉ huy của tên đại tá Jin; Tổ chức thành 28 điểm tựa (chủ yếu là cấp đại đội; 2 là cấp tiểu đoàn thiếu; 2,3 là cấp đại đội tăng cường và 4 điểm tựa cấp trung đội).
Lực lượng ta gồm: 6 trung đoàn của 3 đại đoàn 308, 312, 316, một tiểu đoàn của trung đoàn 165 hướng phối hợp Y13; 1 tiểu đoàn cối 120mm (6 khẩu) 2 đại đội sơn pháo 75mm (6 khẩu), 2 đại đội phòng không 13,2mm (8 khẩu).
Trên cơ sở các tin tức thu thập được, Bộ chỉ huy chiến dịch nhận định:
- Địch có số lượng nhiều đó là chỗ mạnh của chúng, bố trí thành nhiều cứ điểm có thể yểm hộ lẫn nhau, kết thành nhiều vòng vây xung quanh sân bay, dựa vào pháo binh và nhất là không quân, địch hy vọng dựa vào không quân tiêu hao, ngăn chặn tiếp tế ta từ xa, song chỗ yếu căn bản là công sự dã chiến, vị trí bị cô lập.
- Về ta: Thương vong đợt 1 -2 tương đối ít, song do hành quân, truy kích đường dài, sức khoẻ bị giảm sút, quân số chiến đấu hao hụt chưa được bổ sung, đường tiếp tế ngày càng dài, khó khăn tăng thêm, tuy lực lượng chúng ta không ưu thế hơn địch, nhưng vẫn cao hơn hẳn địch nhất là tinh thần, khí thế quyết tâm tiêu diệt địch, vì vậy, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết tâm: "Tập trung lực lượng mở đợt tiến công thứ 3 tiêu diệt địch ở Nà Sản giành toàn thắng cho chiến dịch".
Những trận đánh vào cứ điểm Nà Sản không phải là một cuộc chiến đơn giản, đánh cho xong để kết thúc đợt 3. Nó là một đợt tác chiến của chiến dịch, quan trọng không kém những đợt trước mà còn quan trọng hơn các đợt trước. Nó không đơn giản và giống như tác chiến ở đợt 1 và 2. Vì đây là một trận công kiên lớn, địch đã khác trước về cách bố trí cũng như về lực lượng.
- Phương châm trận đánh được cụ thể hoá như sau:
+ Chuẩn bị hết sức đầy đủ, đánh thật chắc thắng.
+ Đánh chỗ yếu trước, đánh chỗ mạnh sau.
+ Đánh ngoại vi trước, trnh thủ mở một diện rồi đánh vào trung tâm.
+ Liên tục tác chiến.
- Nhiệm vụ của các đơn vị:
+ Đại đoàn 308 được phối hợp thuộc tiểu đoàn 115 mặt trận Y13 tiêu diệt Pú Hồng và Gò Hời.
+ Đại đoàn 316 tiêu diệt Na Sam.
+ Đại đoàn 312 tiêu diệt Bản Vạy và Cừ Như.
Sau 7 ngày chuẩn bị, đêm 30/11 đợt 3 chiến dịch mở màn bằng 2 trận thắng ròn rã. Trong vòng 1 giờ, Trung đoàn 102 đại đoàn 308 đã tiêu diệt một đại đội tăng cường lính Âu Phi ở Pú Hồng. Diệt 30 tên, bắt 62 tên, trong đó có tên đại uý Me Tét (Me Tais) chỉ huy Pú Hồng.
Cùng đêm đó, tiểu đoàn 115, thuộc trung đoàn 165, đại đoàn 312 trên mặt trận phối hợp cũng tiêu diệt 1 đại đội Thái ở Gò Hời, bắt 70 tên có tên trung uý nguỵ.
Đêm hôm sau 1/12 trung đoàn 174 đại đoàn 316 và trung đoàn 209, đại đoàn 312 đã không thành công trong trận đánh Na Si - Bản Vạy.
Sáng ngày 1/12 gần 2 tiều đoàn lê dương dưới sự yểm hộ của phi pháp đã phản kích quyết liệt tên Pú Hồng. Ta chỉ có một đại đội đã qua chiến đấu, chưa kịp củng cố công sự, song với tinh thần ngoan cường, dũng cảm đã bẻ gẫy 4 đợt phản kích của địch, diệt 120 tên, cuộc chiến đấu diễn ra quá chênh lệch về lực lượng, về hoả lực chi viện … Mãi 14 giờ địch mới chiếm được Pú Hồng. Ta bắn rơi một máy bay B 56, bắn cháy 3 máy bay (2 Đa Kô Ta, 1 Mo Ran) khi chúng xuống sân bay.
Cùng ngày địch ra chiếm lại Gò Hời (ta không giữ Gò Hời).
Trước tình hình không thuận lợi. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định chuyển sang bao vây, cô lập Nà Sản, củng cố vùng giải phóng rộng lớn, rút quân về hậu phương củng cố lại lực lượng chuẩn bị cho nhiệm vụ mới.
Kết quả đợt 3 chiến dịch: Ta thắng 2 trận Pú Hồng, Gò Hời và 2 trận không thắng Nà Si, Bản Vạy.
Ta đã tiêu diệt hơn 500 tên, bắt 162 tên trong đó có 1 đại uý, 1 trung uý, bắn rơi một máy bay, bắn cháy 3 máy bay, ngoài ra địch còn bị thiệt hại trong sân bay do pháo ta bắn và kiềm chế, thiệt hại ở Nà Si, Bản Vạy mà ta không có điều kiện nắm được. Điều quan trọng hơn nữa là địch đã chi hàng trăm triệu đo la cho cái gọi là "Tập đoàn cứ điểm". "Con nhím" Na Sam "để ngăn sóng" hòng cố giữ lấy Tây bắc, song cuối cùng đã phải tháo chạy. Thay vào đó là thắng lợi to lớn của chiến dịch Tây Bắc 1952, giải phóng được toàn bộ khu Tây Bắc.
4. Khảo tả di tích
Nà Sản tuy đã nhiều năm là căn cứ của địch ở chiến trường Tây Bắc và sự kiên cố của chúng chủ yếu phục vụ cho sân bay.
Khi địch rút chạy về Nà Sản thành tập đoàn cứ điểm, chúng cho chiếm lĩnh các điểm cao xung quanh sân bay để xây dựng các cứ điểm dựa vào nhau để chiến đấu là chính. Trong sân bay chỉ có trận địa pháo 105mm, súng cối 120mm, lực lượng cơ động, kho tàng và sở chỉ huy, riêng đường băng sân bay đã được mở rộng gấp 2 lần để bảo đảm mỗi ngày có 70 chiếc máy bay hạ cánh như báo Paris Match đưa tin.
Do địch mới chuyển vào phòng ngự, công sự, vật cản, … chủ yếu là công sự dã chiến làm trong quá trình chiến đấu, vật liệu đào đắp xây dựng thường bằng vật liệu chế sẵn, hoặc vật liệu tại chỗ (tre, gỗ, đất …) để kịp thời phục vụ nhiệm vụ chiến đấu.
Các cứ điểm trên các điểm cao cấu trúc như sau:
Công sự: Có từ 1 đến 3 chiến hào đứt đoạn (mỗi đoạn dài khoảng 10 - 15m) khoảng cách giữa các chiến hào từ 15-20m (Pú Hồng chỉ có một chiến hào khép kín ở trên đỉnh núi, Nà Si có 2 và Bản Vạy 3 chiến hào đều đứt đoạn). Chiều rộng chiến hào khoảng 80-90cm, sâu khoảng 1m. Trong chiến hào là các ụ chiến đấu đều đắp đất hoặc bao cát, đất cao từ 50-60cm, bên trên lộ thiên, xung quanh và phía trước chiến hào cây cối ngổn ngang do địch chặt xuống làm vật cản. Hầm của sĩ quan chỉ huy Tô nong có nắp, tuy vậy chỉ chống đỡ được 82m/m (ảnh báo Paris Match chụp những lính dù đang canh giữ trong một điểm tựa).
Vật chướng ngại: Có từ 2-3 hàng rào dây thép gai đơn hoặc kiểu cũi lợn 9cao 50-60 cm, rộng 2m) còn lại chủ yếu là chặt cây ngổn ngang để cản đường tiến công của ta (Pú Hồng có 3 hàng rào dây thép gai) ngoài ra ở Nà Si và Pú Hồng có rất nhiều tre, vầu, nứa, chúng đã chặt cho đổ về phía ta gây cản trở lớn dến việc mở cửa xung phong vào trận địa địch như ở Nà Si ta không đủ bộc phá để phá hết các bụi tre, vầu nên có hướng không mở được cửa để xung phong. Còn Bản Vạy chủ yếu là chúng chặt cây xuống làm vật cản.
Mìn rất ít (Pú Hồng không có) nếu có thường là mìn chống cá nhân, chủ yếu là để chống trinh sát ta đột nhập, báo động,…
(Xem cứ điểm Pú Hồng)
- Các cứ điểm trong sân bay, địch có điều kiện làm kiên cố hơn như: Các đường chiến hào thường nối liền với giao thông hào cơ động, trong từng cứ điểm, 2-3 hàng rào dây thép gai bao xung quanh (có ảnh địch đang đào công sự, giao thông hào).
- Trận địa pháo binh 105m/m: Có 3 trận địa pháo (3 đại đội, mỗi đại đội 4 khẩu) vị trí mỗi đại đội bố trí giống như hình tam giác (thể hiện trên bản đồ). Tuỳ theo địa hình, mỗi khẩu cách nhau 20 -30m, có hầm để đạn, khu công sự ẩn nấp và chiến đấu của pháo thủ.
- Kho vũ khí đạn dược: Vị trí của nó có lẽ hiện nay đang nằm dưới đường băng sân bay mới do ta nâng cấp, cải tạo.
- Khu trung tâm liên lạc, thông tin nằm ở vị trí nền nhà ga sân bay hiện nay.
- Sở chỉ huy nằm cạnh đường băng cũ khoảng 100m về phía Tây Bắc, từ đường băng máy bay hạ cánh và có đường thông hào đi thẳng vào Sở chỉ huy.
+ Căn cứ vào những bức ảnh chụp của Pháp thì sở chỉ huy trung tâm của tướng Jin được nằm sâu dưới đất 3m. Với chiều dài khoảng 6m, chiều rộng khoảng 5m.
+ Về nguyên vật liệu xây dựng: Bên trong sở chỉ huy: Xung quanh tường được vã liền bằng chất liệu bê tông gồm đá vụn, cát và xi măng, bề mặt bên ngoài được lướt tương đối mịn hơn, bên trên vòm được lợp bằng tấm kim loại (mỗi tấm 0,75mb x 2,5m) trên vòm đổ đất và các bao đất, cát cao khoảng 1m, sàn hầm được lát tấm sắt đường sân bay (mỗi tấm 0,55m x 2,4m) cửa hầm bằng gỗ được nối liền với 1 đường giao thông hào ra sân bay sâu 2,5m, rộng 4m mà báo Paris Match đã chụp ảnh gọi là "Đại lộ trung tâm dưới đất". Thành 2 bên giao thông hào được đào vào bên trong, đây là chỗ làm việc của cơ quan tham mưu có rãnh thoát nước, bảng chỉ dẫn các cơ quan … và bên trên căng vải bạt.
Sở chỉ huy của Jin ở Nà Sản về cơ bản như cách cấu trúc của Sở chỉ huy của Đờ Cát T-ri ở Điện Biên Phủ, chỉ khác nhau về diện tích và đường giao thông hào là nơi làm việc của cơ quan tham mưu (có sơ đồ và ảnh chụp của báo Paris Match).
Liên quan đến di tích cứ điểm Nà Sản chúng ta không thể quên được một vị trí rất quan trọng và khiêm tốn đó là: 1 vách đá nơi đóng quân của Bộ chỉ huy chiến dịch của ta để đánh vào Nà Sản. Vị trí này là một vách hang hiện nay nó nằm ở bản Pá Nó A thuộc xã Tà Hộc - huyện Mai Sơn - Sơn La.
Nó nằm trên đỉnh núi cao giáp ranh với bến cảng Tà Hộc và đèo Bắc Yên. Đường đi đến đây rất khó khăn, nó cách Nà Sản khoảng 30km về phía Đông Nam, nó chỉ là một vách đá có dáng vẻ giống như 1 cái hàm ếch, xung quanh là khu rừng dổi già cổ thụ, vị trí này rất cao có thể bao quát cả một khu rộng nhìn về phía Sông Đà và bao quát được cả khu vực thị trấn Hát Lót và Nà Sản. Máy bay của đối phương khó lòng phát hiện ra. Nói tóm lại mặc dù bộ chỉ huy tiền phương đóng quân ở đây trong một thời gian ngắn xong đã đảm bảo an toàn cho việc chỉ huy và rút quân của ta trong đợt 3 chiến dịch.
5. Giá trị lịch sử, khoa học, nghệ thuật
Hiện nay di tích gần như bị phá huỷ hoàn toàn, bởi nó đã trải qua một thời gian dài chưa có sự quản lý của cấp nào, đặc biệt trong những năm bắn phá của đến quốc Mỹ. Cũng như các vùng khác của Sơn La bị tàn phá nặng nề thì tại nơi đây những quả bom của Mỹ đã phá đi hầu như tất cả các hiện trạng của di tích, phần nữa do bàn tay con người đã tàn phá thêm như lấy bê tông, cốt thép và dây thép gai về sử dụng tư nhân cho nên di tích bây giờ chỉ còn là bãi đất trắng.
Đặc biệt khu trung tâm đó là khu sân bay và sở chỉ huy chính cùng với trung tâm liên lạc cũ đã bị san lấp đi, thay vào đó là hệ thống đường băng và nhà ga sân bay vùng với các nhà làm việc của một cầu hàng không dân dụng ngày nay đang sử dụng nên đã làm biến dạng di tích.
|