Chi tiết hồ sơ

Tên Khu căn cứ cách mạng Mường Chanh.
Địa điểm Bản Cang Mường, Xã Mường Tranh, Mai Sơn, Tỉnh Sơn La
Thuộc Huyện/Thành phố Mai Sơn Thuộc Xã/Phường/Thị trấn Xã Mường Tranh
Mô tả chi tiết

1. Sự kiện, nhân vật lịch sử…thuộc tính của di tích:

            Ngày 3/2/1930 Đảng Cộng Sản Việt Nam được thành lập, sau khi ra đời, các tổ chức cơ sở Đảng phát triển sâu rộng trong nhiều nhà máy, hầm mỏ, xí nghiệp và nông thôn, các tổ chức công hội, nông hội, đoàn thanh niên cộng sản, hội phụ nữ, hội cứu tế đỏ ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Đản Cộng sản với đường lối chủ trương cách mạng đúng đắn, phong trào đấu tranh của quần chúng ngày càng dâng cao, diễn ra trong cả nước, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng tới miền núi mà đỉnh cao là Xô Viết – Nghệ Tĩnh (1930 – 1931).

            Hoảng hốt trước cơn bão táp cách mạng của nhân dân Đông Dương, Thực dân Pháp một mặt lập thêm nhiều đồn bốt, thẳng tay bắt giữ và giết hại hàng loạt các chiến sỹ cách mạng và quần chúng yêu nước. Mặt khác, chúng gấp rút xây dựng thêm hoặc mở rộng các nhà tù, trại giam để uy hiếp tinh thần đấu tranh cách mạng của quần chúng yêu nước, giam giữ tra tấn và thủ tiêu ý chí chiến đấu của các chiến sỹ cộng sản và những người Việt Nam yêu nước.

            Trong quá trình xây dựng và mở rộng nhà tù, Thực dân Pháp đặc biệt chú ý đến nhà tù Sơn La (Thực dân Pháp xây dựng nhà tù Sơn La từ năm 1908 cùng với việc xây dựng tòa sứ, nhà giám binh trên đồi Khau Cả - thị xã Sơn La ngày nay. Chủ yếu là giam tù thường phạm và những người mà chúng cho là cố ý chống lại nhà nước bảo hộ Pháp. Năm 1930 tù chính trị mới bắt đầu được đưa lên đây giam giữ). Đưa tù chính trị lên đây để lợi dụng thời tiết khắc nghiệt của miền rừng núi Tây Bắc để giết dần, giết mòn và làm nhụt ý chí của các chiến sỹ cách mạng. Năm 1930, Thực dân Pháp bắt đầu đầy các chiến sỹ cách mạng lên đây, sự có mặt của các đoàn tù chính trị này đã làm thay đổi hẳn tính chất của nhà tù Sơn La. Thực dân Pháp đưa tù chính trị lên giam giữ tại ngục Sơn La vào hai thời kỳ: Thời kỳ thứ nhất từ năm 1930 – 1935 có 6 đoàn tù nhân, với tổng số là: 436 người,trong đó chỉ có số ít tù thường phạm, còn đa số là tù chính trị, trong đó có khá nhiều đảng viên.

            Ở Pháp tháng 1/1936, mặt trận nhân dân Pháp chống phát xít Đức được thành lập. Trong cuộc tổng tuyển cử, Đảng cộng sản Pháp giành được thắng lợi to lớn. Tháng 6/1936 chính phủ phái tả lên cầm quyền, tuy vẫn nằm trong khuôn khổ của một chính quyền tư sản nhưng ra đời trong cao trào đấu tranh của nhân dân Pháp chống phát xít, chính phủ buộc phải thi hành một số quyền lợi cho quần chúng lao động trong nước và ở các nước thuộc địa mà cương lĩnh của mặt trận nhân dân đã đề ra.

            Những sự kiện chính trị ở Pháp đã cổ vũ mạnh mẽ nhân dân Đông Dương đấu tranh trực diện với bọn thống trị đòi quyền tự do dân chủ, ân xá tù chính trị. Ở Đông Dương, hàng ngàn tù chính trị đã thoát khỏi nhà tù đế quốc, nhiều cán bộ đảng viên được trả tự do.

            Tháng 7/1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Ở Đông Dương thực dân Pháp tăng cường đàn áp Đảng cộng sản và các đoàn thể quần chúng yêu nước, nhiều cuộc bắt bớ, khám xét xảy ra liên tiếp ở cả thành thị và nông thôn. Ở Sơn La, từ tháng 1/1939 thực dân Pháp tiếp tục đầy 7 đoàn tù chính trị lên trong đó phần đông là cán bộ, đảng viên và quần chúng trung kiên của Đảng, nhiều đồng chí là Ủy viên Trung ương, xứ ủy viên, tỉnh ủy viên, cán bộ các cấp ủy…

            Xuất phát từ thực tế là lực lượng Đảng viên cộng sản ở nhà ngục Sơn La đông, yêu cầu phải có một tổ chức thống nhất để chỉ đạo, dù khó khăn đến đâu cũng phải gấp rút thành lập cho được chi bộ cộng sản để lãnh đạo thì các cuộc đấu tranh trong nhà tù mới có thể giành thắng lợi. Tháng 12/1939 các Đảng viên trong nhà tù mới có thể giành được thắng lợi. Tháng 12/1939 các Đảng viên trong nhà tù đã họp và bí mật thành lập chi bộ lâm thời gồm 10 đồng chí, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử làm bí thư chi bộ. Sự ra đời của chi bộ nhà ngục Sơn La không những đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc đấu tranh của tù chính trị.

             Ở Sơn La, mà còn đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của phong trào cách mạng ở Sơn La. Đây là chi bộ cộng sản đầu tiên ở Sơn La, vì thời kỳ này toàn tỉnh chưa có Đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng. Chi bộ nhà ngục Sơn La ra đời đã thực sự trở thành cơ quan tổ chức và là cơ sở lãnh đạo, chỉ đọa phong trào cách mạng ở địa phương, tạo tiền đề quan trọng cho sự ra đời của Đảng bộ Sơn La sau này.

            Đầu năm 1943, khi điều kiện đã chiến muồi, chi bộ nhà ngục Sơn La đã bí mật thành lập tổ chức cách mạng đầu tiên ở Sơn La  - Đó là “Đoàn thanh niên cứu quốc (Tiếng Thái gọi là “Mú nóm chất mương”) gồm 2 tổ: ở tỉnh lỵ và huyện Mường La. Hai tổ thanh niên cứu quốc là cơ sở cách mạng đầu tiên của Sơn La được các chiến sỹ cộng sản trong nhà ngục Sơn La gieo mầm và nẩy hạt. Đoàn thanh niên cứu quốc hoạt động trên cơ sở bản điều lệ đoàn thanh niên cứu quốc Việt Nam, một tổ chức của mặt trận Việt Minh với nhiệm vụ tuyên truyền, vận động xây dựng và phát triển tổ chức cách mạng ở địa phương, đặc biệt trong thanh niên Thái. Tổ chức đó cũng chính là nơi tiếp nhận chủ trương, đường lối của Đảng từ chi bộ nhà ngục Sơn La.

           Để tiếp tục xây dựng và mở rộng cơ sở cách mạng ở địa phương, tổ chức, lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng, chi ủy, chi bộ nhà tù Sơn La rất chú trọng đến việc bồi dưỡng và chỉ đạo hoạt động của hai tổ thanh niên cứu quốc.

           Để đưa dần anh em vào hoạt động, theo chủ trương của chi bộ nhà ngục, tổ thanh niên cứu quốc Mường La bắt tay vào tổ chức, tuyên truyền vận động đồng bào một số bản của xã Chiềng Xôm (Mường La) đứng lên đấu tranh. Mục tiêu của cuộc đấu tranh là lãnh đạo quần chúng đứng lên đòi giảm thuế, giảm ruộng chức, đòi bớt đóng góp thóc gạo. Dưới sự hướng dẫn của tổ thanh niên cứu quốc Mường La, quần chúng nhân dân bắt đầu phát đơn tố giác sự hà lạm, tham nhũng của phìa tạo và các chức dịch của địa phương, đòi chúng phải giảm tô, thuế, bớt ruộng đất, chia lại ruộng đất cho dân.

            Cuộc đấu tranh đang phát triển, khí thế quần chúng đang lên cao nhưng do thiếu kinh nghiệm trong lãnh đạo đấu tranh, việc liên lạc với chi bộ  nhà tù Sơn La không được thường xuyên và gặp khó khăn, anh Cầm Văn Thinh bị địch theo dõi, trong một buổi tuyên truyền ở bản Tông anh đã bị địch phát giác và bị bắt. Do sự đấu tranh của quần chúng nhân dân và nhờ sự khôn khéo của Cầm Văn Thinh, địch buộc phải trả tự do cho anh và một số quần chúng bị bắt trước đó. Cuộc đấu tranh của nhân dân xã Chiềng Xôm tuy chưa giành được thắng lợi song có ý nghĩa rất lớn, lần đầu tiên quần chúng nhân dân được tổ chức trung kiên của chi bộ Đảng – Đó là tổ chức thanh niên cứu quốc lãnh đạo đã tỏ rõ khả năng cách mạng của mình. Sau cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân xã Chiềng Xôm, đoàn thanh niên cứu quốc chuyển hướng vào hoạt động bí mật, củng cố và mở rộng thêm cơ sở quần chúng, phát triển thêm tổ chức cứu quốc.

           Sau cuộc vượt ngục thành công của tù nhân chính trị của nhà tù Sơn La, Thực dân Pháp khủng bố gắt gao, các tổ thanh niên cứu quốc rút vào hoạt động bí mật hoặc tạm thời ngừng hoạt động để chờ thời cơ. Theo chỉ đạo của chi bộ, đồng chí Chu Văn Thịnh được bí mật giao nhiệm vụ cùng với anh em địa phương chuyển hướng hoạt động, tìm địa bàn thuận lợi để xây dựng cơ sở cách mạng và căn địa cách mạng sau này.

           Sau một thời gian khảo sát, tìm hiểu, Chu Văn Thịnh báo cáo với chi bộ nhà ngục Sơn La chọn địa bàn xã Mường Chanh (Châu Mai Sơn) để xây dựng phong trào. Xã Mường Chanh cách tỉnh lỵ khoảng 20 km, giao thông thuận lợi, có các đường đi Mai Sơn, Thuận Châu và sang Lào. Dân cư ở đây đông đúc, đất đai phì nhiêu, ở Mường Chanh có rất nhiều thanh niên đi học ở tỉnh lỵ, có người làm việc ở tòa sứ Sơn La, nhiều người trong số họ đã được các chiến sỹ cộng sản trong nhà ngục tuyên truyền giác ngộ. Mường chanh có địa thế “Tiến có thể đánh, lui có thể giữ” và có thể phát triển tiến tới xây dựng cơ sở cách mạng ở các vùng lân cận, đó là một địa bàn có điều kiện để phát triển thành căn cứ địa lâu dài.

           Sau khi nghe báo cáo, chi ủy nhất trí chỉ đạo xây dựng Mường Chanh thành địa bàn hoạt động lâu dài, xây dựng căn cứ địa cách mạng, chuẩn bị điều kiện tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Trước mắt phải xây dựng được cơ sở cách mạng ở đây và là nơi dừng chân kín đáo cho tù chính trị vượt  ngục, nơi đón các đồng chí ở Trung ương và sứ ủy Bắc Kỳ đến liên lạc với chi bộ nhà ngục Sơn La.

            Thực hiện chỉ thị của chi bộ, Chu Văn Thịnh trực tiếp vào Mường Chanh gây cơ sở, anh là người trực tiếp duy nhất liên hệ và nhận chủ trương chỉ đạo của chi bộ nhà ngục Sơn La để chỉ đạo phong trào cách mạng của địa phương. Với kinh nghiệm hoạt động ở Mường La và tỉnh lỵ, chỉ sau một thời gian tuyên truyền vận động. Cuối năm 1943, ở Mường Chanh đã thành lập được tổ thanh niên cứu quốc gồm 12 hội viên và nhiều quần chúng cảm tình. Tổ thanh niên cứu quốc Mường Chanh đã phát huy tốt ảnh hưởng của mình trong quần chúng nông dân. Tổ thanh niên cứu quốc đã có những hình thức vận động nửa công khai, nửa bí mật để giác ngộ quần chúng; Phát triển hội viên mới, đã phát huy mặt tích cực và hướng dẫn  “Hội dệt anh” (Hội dệt anh – Hội kết nghĩa anh em – Là một tổ chức tự phát ở Mường Chanh đã có từ trước khi anh Chu Văn Thịnh vào xây dựng cơ sở ở đây. Hội tập hợp những nông dân khá giả nhưng không có quyền và những quý tộc tầng lớp trên  bị mất chức, lép vế với mục đích là chống phìa, tạo, những chức dịch nắm quyền ở địa phương. “Hội dệt anh” cũng vận động quảng đại quần chúng đói khổ chống lại chính quyền địa phương. Nhận rõ mặt tích cực của họ, tổ chức thanh niên cứu quốc Mường Chanh đã khéo léo tổ chức tuyên truyền, vận động, phát huy mặt tích cực để lôi kéo họ.) vào mục tiêu đoàn kết chống lại bộ máy phìa tạo đang cai trị, chống nộp thuế, bắt phu, đi lính, lợi dụng quyền thế để ức hiếp, cướp đoạt của dân. Nhiều hội viên “Kết nghĩa anh em” được tuyên truyền giác ngộ, tình nguyện tham gia vào tổ chức thanh niên cứu quốc và hoạt động rất tích cực.

             Lúc này ở hai tỉnh Yên Bái và Phú Thọ, căn cứ địa Vần – Hiền Lương phát triển mạnh. Trung ương Đảng chỉ đạo khu căn cứ phải lập đường dây liên lạc với chi bộ nhà ngục Sơn La. Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên thường vụ trung ương Đảng trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Bình Phương tìm cách liên lạc với chi bộ nhà ngục Sơn La.

             Tháng 11 năm 1943, đồng chí Bình Phương từ Nang Xa qua Hiền Lương đi Nghĩa Lộ - Tú Lệ - Ngọc Chiến và đến Sơn La. Sau khi bắt liên lạc được với chi bộ nhà ngục, đồng chí Bình Phương đã mang đến cho chi bộ một chỉ thị mật, một số tài liệu và truyền đạt những ý kiến của trung ương nhận định về tình hình thế giới, trong nước và nhiệm vụ trước mắt của Đảng ta đặc biệt là chỉ đạo của trung ưong với vùng Tây Bắc. Từ đây mọi hoạt động của chi bộ Đảng nhà ngục và phong trào cách mạng ở Sơn La đã có sự chỉ đạo trực tiếp của trung ưong Đảng.

              Bước sang năm 1944, phong trào cachs mạng ở Sơn La đã có bước phát triển mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu, chi bộ nhà ngục Sơn La đã được trung ưong Đảng công nhận và giao trách nhiệm như một Đảng bộ chỉ đạo phong trào cách mạng ở địa phương. Đồng chí Chu Văn Thịnh sau khi đựơc trung ưong bồi dưỡng, huấn luyện ở vùng Tía (Hà Đông) đã nhận chỉ thị của trung ưong trở về điạ phương hoạt động, đồng chí cũng là người trực tiếp nhận chủ trương của chi bộ nhà ngục lãnh đạo phong trào cách mạng bên ngoài nhà tù.

              Sau thời gian ngắn tạm lắng, dưới sự chỉ đạo của chi bộ nhà ngục. Các cơ sở cách mạng ở Mưòng La và tỉnh lỵ đã được củng cố, trở lại hoạt động, phát triển hội viên mở rộng tổ chức ra các vùng lân cận.

             Tại Mường Chanh, hoạt động của tổ thanh niên cứu quốc đã có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng nhân dân, kết nạp đựơc hơn 40 hội viên cứu quốc. Hội đã phát động quần chúng nhân dân đấu tranh đòi giảm thuế, bớt phu, bớt ruộng chức. Vụ thuế năm 1944 hội đã tổ chức vận động nhân dân đấu tranh với phìa Mưòng Chanh giành lại 14 con trâu, 50 con lợn, 10 tấn lúa đem chia một  phần cho dân, số còn lại làm quỹ hội. Thắng lợi của cuộc đấu tranh càng cổ vũ quần chúng tin tưỏng vào tổ thanh niên cứu quốc.

              Để đảm bảo an toàn cho các cuộc đấu tranh trừng trị bọn tay chân, mật thám chuyên dò la tin tức, chuẩn bị lực lưọng vũ trang nòng cốt, hội thanh niên cứu quốc đã tổ chức được đội tự vệ bí mật do Cầm Vĩnh Tri chỉ huy.

             Sự ra đời của lực lượng vũ trang Mường Chanh đã khẳng định thêm bước trưởng thành của phong trào cách mạng Mường Chanh cũng như ở Sơn La, đặt nền móng cho sự ra đời của hình thức đấu tranh vũ trang của quần chúng, tạo ưu thế phát triển cả về đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang.

              Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, phong trào cách mạng địa phương Sơn La ngày càng phát triển, tạo tiền đề tiến tới tổng khởi nghĩa tháng tám thắng lợi.

2 - Khảo tả di tích

Toàn bộ di tích được chia làm ba khu:

* Khu 1:

- Nơi ăn thề của đội vũ trang cách mạng Mường Chanh thời kỳ năm 1943 tại đồi Đon Thúa, bản Cải, xã Mường Chanh.

Năm 1943, nhóm vũ trang tại Mường Chanh gồm có 10 người do đồng chí Chu Văn Thịnh đứng ra tổ chức, sau khi tổ chức xong, toàn bộ đội đã về đồi Đon Thúa làm lễ ăn thề vì sự nghiệp giải phóng mang lại độc lập cho dân tộc.

- Khu đồi Đon Thúa trước kia là khu đồi nhỏ nằm giữa thung lũng lớn, có rừng cây rậm rạp rất thuận lợi cho việc giữ bí mật.

Hiện nay, tại nơi đây nhân dân đã khai phá làm ruộng, chỉ còn lại mỏm đồi Đon Thúa rộng trên 1.000m2

- Di tích cách trung tâm Uỷ ban nhân dân xã 800m về phía Nam/

* Khu 2:

Khu huấn luyện quân sự của đội vũ trang Mường Chanh: Sau khi đội du kích Mường Chanh đầu tiên thành lập, tổ chức ăn thề tại đồi Đon Thúa, đã về tại địa điểm bản Huổi Ỏi để huấn luyện quân sự. Đến khi đồng chí Lê Trung Toản được Trung ưong cử lên để củng cố khu căn cứ cách mạng Mường Chanh và chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền thì đội vũ trang Mường Chanh chuyển địa điểm tập quân sự từ bản Huổi Ỏi về bản Mổn làm địa điểm tập quân sự và chế tạo vũ khí.

Khu di tích này nằm về phía Đông – Nam cách trụ sở UBND xã khoảng 1.800m.

* Khu 3:

Nơi dấu quân tại khu rừng Lông Mựt (có nghĩa là rừng sâu rậm rạp) tại bản Hịa. Để đảm bảo bí mật cho đội du kích và giữ bí mật kế hoạch tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đội vũ trang Mường Chanh đã bí mật tập kết tại rừng Lông Mựt, vì địa điểm này nằm ở xa dân, đường xá đi lại khó khăn.

Khu di tích nằm ở phía Đông – Nam và cách UBND xã 3 km.

3 – Giá trị lịch sử của di tích

              Khu di tích căn cứ cách mạng Mường Chanh có một ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với tỉnh Sơn Lâ trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Sự ra đời của lực lượng vũ trang Mường Chanh đã khẳng định thêm bước trưởng thành của phong trào cách mạng Mường Chanh cũng như ở Sơn La. Đặt nền móng cho sự ra đời của hình thức đấu tranh vũ trang của quần chúng, tạo ưu thế phát triển cả về đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang.

            Từ tổ chức cách mạng đầu tiên này, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức này đã chỉ đạo phong trào cách mạng ở địa phương Sơn La, tạo tiền đề để tiến tới tổng khởi nghĩa tháng tám thắng lợi.

Loại hình di sản Di tích lịch sử kháng chiến Chuyên đề
Xếp hạng di sản Xếp hạng cấp tỉnh Năm xếp hạng 28/4/2006
Kiến trúc Hiện trạng Xuống cấp
Hiện vật trong di sản
Các hiện vật trong di tích hiện nay không còn gì.
Cổ vật Hiện vật mới
Công tác bảo vệ

 

Tình trạng bảo quản di tích:

Hiện nay khu di tích không còn nguyên hiện trạng như trước. Trải qua quá trình thời gian một số cây to không còn, chỉ còn lại rừng cây tái sinh.

Các phương án bảo vệ, sử dụng di tích:

- Hiện tại di tích cần được quy hoạch khu bảo vệ để tránh sự xâm chiếm, lấn đất của con người và cần bảo tồn giữ lại rừng của khu di tích.

- Thành lập tổ bảo vệ khu di tích để tránh sự phá hoại của con người.

Cơ sở pháp lý bảo vệ di tích:

Là một di tích có ý nghĩa lịch sử quan trọng tỉnh Sơn La. Do vậy, các cơ quan liên ngành cần sớm quy hoạch và xếp hạng cho khu di tích để di tích có tính pháp lý cao hơn nữa. Cần phát huy tốt tác dụng của di tích để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Công tác tu bổ tôn tạo
Đất đai trong di sản
Tư liệu kèm theo

- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La tập 1 (1939 – 1954)

- Lịch sử Đảng bộ Mai Sơn.

- Báo cáo thành tích “Đề nghị xét phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang cho tập thể cán bộ và nhân dân xã Mường Chanh - Huyện Mai Sơn - Tỉnh Sơn La”.

Ảnh 1, Ảnh 2, Ảnh 3, Ảnh 4, Ảnh 5, Ảnh 6,


https://www.zbet.win/news/soi-keo-bong-da