Chi tiết hồ sơ

Tên Khu di tích lịch sử cách mạng Việt - Lào.
Địa điểm Tỉnh Sơn La
Thuộc Huyện/Thành phố Thuộc Xã/Phường/Thị trấn
Mô tả chi tiết

1.  Tên di tích:

            Tên chính thức: Khu di tích lịch sử cách mạng Việt - Lào.

            Ngày 14/6/1948, Bộ tổng chỉ huy, Bộ chỉ huy liên khu 10 ra chỉ thị thành lập ban xung phong Lào - Bắc gồm 14 người. Ông Cay-xỏn Phôm-vi-hản được cử làm Ban xung phong, ông Hạo Thanh, phó trưởng ban, ông Đông Tùng làm chính trị viên.

            Ban xung phong Lào - Bắc được giao nhiệm vụ liên lạc với Ủy ban kháng chiến và Tỉnh bộ Việt minh Sơn La với ban xung phong Trung Dũng định kỳ sinh hoạt để thống nhất hoạt động có sự tương trợ lẫn nhau khi cần thiết với bộ đội Sơn La (Trung đoàn 148) có nhiệm vụ gây dựng cơ sở trong đất địch, phát động phong trào du kích đào tạo cán bộ địa phương. Chỗ dừng chân và cũng để triển khai thực hiện chỉ thị được giao, Ban xung phong Bắc - Lào đã xây dựng vùng căn cứ cách mạng mở rộng trên địa bàn tỉnh Sơn La, hướng tiến sang đất nước Lào. Trong đó có địa điểm bản Phiêng Sa (bản Lao Khô), xã Phiêng Khoài (xã Chiềng On trước đây) huyện Yên Châu trở thành khu căn cứ cách mạng Việt - Lào chuẩn bị mọi điều kiện cho Ban xung phong Lào - Bắc phát triển các căn cứ cách mạng trên đất nước Lào 1948 - 1950.

            Bản Lao Khô được lấy tên của cụ Tráng Lao Khô, dân tộc Mông (1890 - 1990) đặt cho bản Phiêng Sa từ năm 1962. Bởi cụ Tráng Láo Khô và nhân dân bản Phiêng Sa đã có nhiều công lao trong việc giúp đỡ và nuôi dấu đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi hản, Ban xung phong Lào - Bắc và trở thành căn cứ cách mạng của cách mạng Việt - Lào.

2. Địa điểm và đường đi đến di tích.

            Đến khu di tích lịch sử cách mạng Việt - Lào có thể đi theo hai hướng sau:

            - Từ trung tâm huyện Yên Châu theo quốc lộ 6 khoảng 7km hướng Hà Nội - Sơn La rẽ trái theo tỉnh lộ 103 vào xã Phiêng Khoài 34km. Từ trung tâm xã Phiêng Khoài vào bản Lao Khô 13km.

            - Từ trung tâm thành phố Sơn La đi Hà Nội đến ngã ba Cò Nòi (Mai Sơn) rẽ phải theo đường tỉnh lộ 103 đi xã Phiêng Khoài 40km. Từ trung tâm xã Phiêng Khoài vào bản Lao Khô 13km.

            Đường đến di tích thuận lợi, đi được bằng mọi phương tiện giao thông đường đường bộ.

3. Phân loại di tích:

            Căn cứ vào kết quả điều tra, khảo sát, nghiên cứu di tích theo quy định tại điều 11 Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 thì khu di tích lịch sử cách mạng Việt - Lào thuộc loại hình di tích lịch sử.

4. Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm của di tích.

            4.1 Bối cảnh lịch sử ba nước Đông Dương cuối thế kỷ XIX đầu XX và sự ra đời của Đảng cộng sản Đông Dương 1930.

            Tháng 9/1858 tàu chiến hạm của quân đội Pháp tiến vào biển Đông và nã đại pháo và thành phố Đà Nẵng mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam. Từ đây, chúng mở rộng địa bàn xâm lược sang hai bên nước láng giềng của Việt Nan là Lào và Cămpuchia đặt ách thống trị lên bán đảo Đông Dương.

            Ngày 17/10/1887 Tổng thống Pháp ký sắc lệnh thành lập Liên bang Đông Dương, ngày 19/4/1889 nhà cầm quyền Pháp ký sắc lệnh nhập Ai Lao (Lào) vào liên bang Đông Dương lúc này đặt dưới sự thống trị của toàn quyền Đông Dương do tổng thống Pháp bổ nhiệm. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, lưỡi lê, máy chém, họng súng giết chết những người yêu nước ở Đông Dương do tổng thống Pháp bổ nhiệm. Dưới thời thuộc Pháp, cảnh đau thương, tang tóc ảm đạm bao trùm lên khắp Đông Dương. Khắp nơi trên toàn cõi Đông Dương, các cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, khuynh hướng cứu nước theo đường lối  dân chủ tư sản của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh cuộc khởi nghĩa Yên Bái… Ở Tây Bắc tiêu biểu với các cuộc khởi nghĩa của Lường Xám từ Mộc Châu tiến dọc lên biên giới Sơn La và Hủa Phăn về sau sang đất Lào tiếp tục đánh Pháp. Nghĩa quân đi đến đâu được nhân dân ủng hộ tới đó.

            Cũng như ở Việt Nam, tại Lào nhiều cuộc đấu tranh nổ ra ở Mường Hằng, Sốp Hào, Na Nóng… nổi bật là cuộc đấu tranh của nhân dân Sầm Nưa, do Chậu Khăm Bàng lãnh đạo, nhân dân đã nổi dậy đánh chiếm Sầm Nưa, giết chết tên công sứ Lambenrt và viên giám binh người Pháp được cử từ Việt Nam sang chi viện. Tiếp nối là phong trào của người Lự ở Mường U, Mường Xinh, từ năm 1900 - 1908 phong trào của Chậu Phạ Pát Chay của người Mông kéo dài từ năm 1918 đến năm 1922 ở khắp các tỉnh Tây Bắc Việt Nam đã lan rộng đến Hủa Phăn và Luông Pha Băng. Kết quả các cuộc đấu tranh này đều bị thất bại do chưa có đường lối cách mạng đúng đắn.

            Đầu năm 1930, Đảng cộng sản Đông Dương ra đời đã xác lập định hướng và đường lối cơ bản cho các nước Đông Dương. Lúc này ba nước Việt Nam, Lào, Căm puchia đều là thuộc địa của Pháp, có mối liên hệ với nhau về địa lý tự nhiên, kinh tế, chính trị, văn hóa. Cách mạng ba nước Đông Dương đều cùng chung một mục đích “cách mạng tư sản dân quyền” tức cách dân tộc, dân chủ tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, đánh đổ thực dân đế quốc mang lại ruộng đất cho nhân dân. Cách mạng Đông Dương có mối liên hệ với cách mạng và các dân tộc bi áp bức trên toàn thế giới. Để hoàn thành nhiệm vụ này phải có Đảng cộng sản lãnh đạo. Đảng phải xây dựng được một tổ chức đều khắp ở Đông Dương phải lập ra các xứ ủy ở Bắc Kỳ , Trung Kỳ, Nam Kỳ, Lào, Cămpuchia. Sự ra đời của Đảng cộng sản ở đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của nhân dân Đông Dương. Đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của nhân dân Đông Dương. Đánh dấu sự hình thành liên minh cách mạng giữa ba nước, chuyển từ đấu tranh tự phát thành đấu tranh tự giác của mỗi nước. Với cách mạng Việt Nam và Lào, Đảng chính là hạt nhân đoàn kết gắn bó trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho mỗi nước, tạo tiền lệ cho sự phát triển của Việt Nam và Lào…

            4.2. Vài nét về phong trào cách mạng hai nước Việt Nam - Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương giai đoạn 1930 - 1945.

            Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương, lực lượng vũ trang ở Việt Nam và Lào đã được hình thành và phát triên mạnh mẽ. Hòa nhịp với cao trào đấu tranh cách mạng bùng lên ở Việt Nam. Trong những năm 1930 - 1931, phong trào đấu tranh của nhân dân Lào đã nổ ra ở Viêng Chăn, Phoontin… Đặc biệt vào giữa năm 1930 công nhân Lào làm đường Lắc Xao đấu tranh ủng hộ cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh của Việt Nam, tiếp đến là phong trào dân chủ, dân sinh 1936 - 1939. Thực dân Pháp dù đã có “ Những cố gắng đặc biệt để trừ bỏ mọi sự tuyên truyền cách mạng đối với người bản xứ”  nhưng họ vẫn không dập tắt được các phong trào đấu tranh của nhân dân.

            Tháng 6 - 1960 phát xít Đức tiến đánh nước Pháp, Pháp thất bại. Nhân cơ hội này phát xít Nhật ở Đông Dương nảy ra âm mưu hất cẳng Pháp tại Đông Dương bị hai kẻ xâm lược chiếm đóng, nhân dân gọi là “một cổ hai tròng”. Không chịu cảnh áp bức bóc lột của Nhật, Pháp tại một số địa phương ở Lào, Việt Nam nhiều phong trào đấu tranh liên tiếp nổ ra. Mục tiêu lúc này của cách mạng Đông Dương là chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang đánh đổ Nhật, Pháp giành chính quyền về tay nhân dân. Sự kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang, trong đó lực lượng đấu tranh chính trị đóng vai trò quyết định tạo ra sức mạnh để nhân dân Việt Nam giành thắng lợi vĩ đại trong cách mạng tháng 8 - 1945 mở ra kỷ nguyên độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam đồng thời cũng tạo điều kiện để cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn mới.

            Cách mạng tháng 8 ở Việt Nam thành công đã ảnh hưởng tực tiếp tới cuộc cách mạng giành chính quyền ở Lào. Tháng 10 - 1945 cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Lào bùng nổ. Sau khi chính phủ lâm thời Lào được thành lập , ngày 14 -10 -1945 Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa gửi điện chúc mừng, công nhận độc lập tự do của Lào và thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ngày 30 - 10 - 1945 chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và chính phủ Lào đã ký hiệp định thành lập liên quân Lào -  Việt. Theo hiệp định này các đơn vị vũ trang Lào và Việt Nam phối hợp cùng nhau chống kẻ thù chung của hai dân tộc là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hiệp định đó đặt cơ sở đầu tiên cho sự giúp đỡ hợp tác huấn luyện đào tạo cán bộ quân sự và liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc Việt - Lào. Thắng lợi của cách mạng tháng 8 ở Việt Nam và cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 10 - 1945 ở Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương là thắng lợi của hai nước có chung mục tiêu, gắn bó chặt chẽ với nhau, cùng đấu tranh và giành thắng lợi.

            Ngay sau khi nhân dân Việt Nam giành được độc lập từ tay thực dân Pháp và phát xít Nhật, tháng 9 - 1945 được sự giúp đỡ của liên quân Anh, Mỹ thực dân Pháp quay lại xâm lược Đông Dương lần thứ hai. Đảng cộng sản Đông Dương tiếp tục xác định cuộc cách mạng ở Đông Dương vẫn là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Trong khi đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Pháp ở Việt Nam. Đảng cộng sản Đông Dương kịp thời chỉ đạo việc mở rộng mặt trận kháng chiến ở Lào và  Cămpuchia thiết lập nhiều căn cứ địa cách mạng trên đất Lào, xây dựng chỗ đứng vững chắc cho chính phủ Lào độc lập phát triển cơ sở du kích của nhân dân Lào.

            4.3 - Sự ra đời của Ban xung phong Lào - Bắc, vai tò của ông Cay-xỏn Phôm-vi-hản.

            Chỉ thị thành lập Ban xung phong Lào - Bắc của bộ chỉ huy liên khu 10 ngày 14 - 6 -1948.

            Chiếu theo quân lệnh số: 149-TCH của Bộ tổng chỉ huy về việc thành lập Ban xung phong Lào - Bắc. Bộ chỉ huy liên khu 10 quyết định ông Cay-xỏn Phôm-vi-hản làm Trưởng Ban xung phong Lào - Bắc, ông Thào Hanh làm phó ban, ông Đông Tùng làm chính trị viên. Toàn ban gồm 14 người

            1/- Nhiệm vụ:

            A. Gây dựng cơ sở trong đất địch

            1. Cần Bộ chính trị đi sâu vào đất địch gây cơ sở, tổ chức nhiều tổ bí mật, tổ du kích bí mật…

            2. Dùng vũ trang tuyên truyền hoạt động, lúc đầu từng tiểu đội rồi lên trung đội. Những đội vũ trang tuyên truyền gồm một phần người địa phương.

            B. Phát động phong trào du kích

            Sau khi đã có cơ sở chính trị rộng rãi, phát động du kích để thành lập căn cứ địa kháng Pháp hay khu giải phóng Lào, chỉ phát động khi có đủ điều kiện.

            C. Đào tạo cán bộ địa phương

            Muốn cho công tác tiến hành có kết quả, Ban xung phong Lào - Bắc có nhiệm vụ:

            - Đào tạo cán bộ địa phương tại chỗ, chọn những người có danh vọng như Tài Sanh, Châu Khoan, Giáo Học…

            - Gửi các thanh niên Lào về khu theo những lớp học đặc biệt.

            D. Chỗ dừng chân và hướng tiến

            Ban xung phong Lào - Bắc chọn một địa điểm trong rừng Mộc Thượng thuộc Châu Mộc để làm bàn đạp sang bờ sông Mã.

            Hướng tiến sẽ đi song song với Ban xung phong Trung Dũng nhằm những đường sau đây:

            Mộc-Thượng-Sốp xan-Sốp-Pin-Xiềng Khọ-Mường-Hét rồi thẳng đến Phong xa lỳ.

            Những vùng Mường Hét, bản Dản là nơi đã tiếp nhiều với bộ đội ta, sự hoạt động những đó sẽ nhiều điều kiện thuận tiện hơn.

            2/ -Chỉ huy:

            Ban xung phong Lào -Bắc đặt dưới quyền chỉ huy của Liên khu Bộ quân sự 10.

            3/- Liên lạc:

            Ban xung phong lào - bắc có nhiệm vụ liên lạc với:

            U.B.K.C và tỉnh bộ việt minh sơn la.

            - Ban xung phong trung dũng, định những kỳ sinh hoạt để thống nhất hoạt động và có sự tương trợ lẫn nhau trong khi cần thiết.

            - Bộ đội sơn la (trung đoàn 148).

            4/- Báo cáo:

            Ban xung phong lào - bắc báo cáo mỗi tháng 2 lần về khu bộ quân sự liên khu 10.

            - Bằng giao thông đặc biệt.

            - Hoặc nhờ giao thông kháng chiến sơn la.

            Đài vô tuyến điện sơn la chịu trác nhiệm gửi những tin tức cấp tốc.

Khu bộ, ngày 14 tháng 6 năm 1948

Bộ chỉ huy liên khu 10

            Thực hiện chỉ thị của bộ tổng chi huy, bộ chỉ huy liên khu 10, địa bàn tỉnh Sơn La trở thành chỗ dừng chân và hướng tiến của ban xung phong Lào - Bắc từ 1948-1950. Ban xung phong Lào - Bắc được thành lập, với nhiệm vụ là gây dựng cơ sở chính trị trong quần chúng, xây dựng căn cứ địa Bắc - Lào vững chắc. gửi thư cho ban xung phong Lào - Bắc, Bác Hồ viết: “Kiến lập căn cứ địa Lào độc lập là nhiệm vụ cần kíp. ban xung phong lào - bắc phải ra sức gây cơ sở quần chúng trong vùng địch kiểm soát. tôi chúc Ban xung phong Lào - Bắc chóng thành công, khu giải phóng Lào độc lập chóng thành lập”. ban chia thành từng tổ 2-3 người để thâm nhập vào các bản người Puộc ở Tà Xẻng, Lao Hùng, Mong Nam và Xiêng Xá, xây dựng cơ sở trên tả ngạn sông Mã thuộc châu Xiềng Khọ. Nhiệm vụ chủ yếu của ban là góp phần giúp lực lượng kháng chiến ở Lào xây dựng căn cứ cách mạng tại 4 tỉnh phía Bắc Lào là Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Phong Sa Lỳ và Luông Pha Bang lấy trung tâm là Lao Hùng, Phiêng Xả, Moong Nam, Thà Luông, thuộc huyện Xiềng Khọ tỉnh Sầm Nưa (Hua Phăn).

            Tháng 4 -1948 Ban hành quân qua các địa phương của Việt Nam như Mộc Hạ, Mộc Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Phiêng Sa, Phiêng Sa là một bản của người Mông thuộc tỉnh Sơn La của Việt Nam (nay thuộc bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La). đến Phiêng Sa toàn ban dừng lại để xây dựng căn cứ và nắm tỉnh hình trước khi hành quân vào đất Lào. Tại khu căn cứ này ông Cay -xỏn Phôm- vi-hản phái người sang đất Lào để nắm tình hình và có những kế hoạch trước khi tiến sâu vào đất Lào. trong thời gian hoạt động ở Lao Khô năm 1948, ban xung phong Lào - Bắc đã đặt căn cứ hoạt động tại hang Thẩm Mế thuộc Lao Mãng (giáp Việt Nam) và huấn luyện quân sự để trở về xây dựng khu căn cứ địa tại huyện Viêng Xay. trong thời gian này ông cay -xỏn Phôm-vi- hản đã được tổ chức bố trí đến ở nhà ông Lao Khô thuộc bản Phiêng Sa. Ban xung phong Lào - Bắc được đồng bào bản Phiêng Sa nuôi dấu và cho mượn đất để ban xây dựng cơ sở trong những năm hoạt động bí mật tại đây. Mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng đồng bào bản Phiêng Sa đã hết lòng giúp đỡ, cung cấp lương thực, thực phẩm cũng như tiền của giúp ban xung phong Lào - Bắc mua sắm vũ khí phục vụ chiến đấu. đặc biệt ông Lao Khô đã trực tiếp dẫn đường đưa Ban xung phong Lào - Bắc vào rừng hoạt động, cùng hoạt động ở đây còn có ông Bằng Giang (cán bộ Việt minh). Hàng ngày ông Lao Khô mang lương thực, thực phẩm vào hang Thẩm Mế nuôi cán bộ Việt minh và các đồng chí cán bộ nước bạn Lào. Đó là những hình ảnh ghi đậm tình đoàn kết, chiến đấu đặc biệt keo sơn của nhân dân huyện Yên Châu nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung đối với cách mạng Lào. Con suối Mơ Tươi chảy qua bản Phiêng Sa nơi tập kết của ban xung phong quyết tiến Sơn La và ban xung phong Lào - Bắc. Tại đây hai huyện Yên Châu và huyện Xiềng Khọ (nước bạn Lào) đã cùng nhau gây dựng khu căn cứ du kích, cơ sở hoạt động bí mật đầu tiên từ bản Phiêng Sa đến Đin Chí, Lao Hùng… Tạo tiền đề cơ bản để phong trào kháng chiến vùng Thượng Lào phát triển.

            Sự ra đời của căn cứ cách mạng Lao Măng, Lao Hùng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với khu căn cứ Mộc Hạ, nhất là đối với khu du kích Chiềng Khừa, A Má, Bó Sập thuộc xã Mộc Thượng. Các cuộc càn quét từ Lào sang của địch vào các khu căn cứ du kích của Mộc Thượng, đã có các căn cứ Lao Măng, Lao Hùng kịp thời đánh chặn không cho địch xâm nhập vào khu căn cứ của ta ở vùng Mộc Thượng. Đồng thời khu du kích của ta ở Chiềng Khừa, A Má, Bó Sập đã trở thành lá chắn che trở cho phía sau của khu căn cứ cách mạng Lao Măng, Lao Hùng. Hai khu căn cứ cách mạng Việt - Lào đã dựa lưng vào nhau, đoàn kết giúp đỡ nhau cùng kháng chiến chống thực dân Pháp. Trưởng ban Cay-Xỏn Phôm-Vi-Hản luôn cùng anh em tỏa về các bản vận động nhân dân, giác ngộ binh lính định. Từ năm 1948 theo yêu cầu của Đảng bạn và thực hiện quyết định của Trung ương Đảng, Bộ Tổng tư lệnh Việt Nam, các Liên khu III, IV, X lần lượt cử một số đơn vị sang các mặt trận Thượng, Trung, Hạ Lào giúp bạn xây dựng và phát triển lực lượng đẩy mạnh cuộc kháng chiến.

            Ngày 20 -1- 1949 , quân Ban Lào Ít-xa-la được thành lập do ông Cay-xỏn Phôm-vi-hản làm Tổng chỉ huy. Sự ra đời của quân Ban Lào Ít-xa-la tiền thân của Quân đội nhân dân Lào ngày nay, là mốc son lịch sử. Được sự đùm bọc, nuôi dưỡng của nhân dân cả nước các đơn vị của quân Ban Lào cùng với quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu bền bỉ vừa đánh địch vừa vận động nhân dân xây dựng cơ sở chính trị vững chắc, tổ chức dân quân du kích chống càn, xây dựng chính quyền mới ở những vùng giải phóng.

            Để đáp ứng nhiệm vụ giúp bạn trong tình hình mới ngày 30 - 10- 1949, Ban thường vụ Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương (nay là Đảng cộng sản Việt Nam), quyết định “ các lực lượng quân sự của Việt Nam, chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là quân tình nguyện” . Đây là mốc lịch sử trọng đại đánh dấu bước phát triển và trưởng thành của các lực lượng quân sự Việt Nam giúp bạn trên chiến trường Lào.

             Các chi ban giải phóng quân Việt Nam đã sang phối hợp với quân dân Lào từ Đông Lào đến Tây Bắc Lào xây dựng các Ủy ban kháng chiến khu và xây dựng các khu căn cứ dọc biên giới Việt - Lào.

            Cuối năm 1948, Bộ chỉ huy liên khu 10 tăng cường thêm một tiểu đoàn chủ lực để đẩy mạnh xây dựng cở sở xuống Xốp Xan, Mường Ét. Ngày 20 - 1 - 1949, ông Cay-xỏn mở hội nghị cán bộ, tuyên bố thành lập quân Ban giải phóng, lấy tên đơn vị là Lat-xa-vông. Ban xung phong Lào - Bắc hình thành hai bộ phận, bộ phận hoạt động phân tán gây dựng cơ sở, Ban Lat-xa-vông khi tập trung, khi phân tán, vừa làm chính trị vừa làm quân sự.

            Các chi ban giải phóng quân Việt Nam đã sang phối hợp với quân dân Lào từ miền Đông Lào đến Tây Bắc Lào xây dựng các Ủy ban kháng chiến khu. Nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 20 - 9- 1949 phái đoàn chính phủ Lào do hoàng thân Xu-Pha-Nu-Vông dẫn đầu sang liên khu IV gặp và làm việc với Tổng tư lệnh quân ban nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp, theo yêu cầu của chính phủ kháng chiến Lào, Đảng và chính phủ Việt Nam quyết định giúp Lào mức cao hơn về quân sự, tạo điều kiện cho cách mạng Lào phát triển và giành thắng lợi từng bước.

            Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương , xây dựng căn cứ địa trong vùng địch tạm chiếm, đẩy mạnh công tác dân vận theo phương thức tập chung ban vũ trang tuyên truyền luồn sâu vào vùng địch hậu để xây dựng cơ sở cách mạng. Tại Sơn La, sau khi quân Pháp ồ ạt tấn công lấn chiếm vào đầu năm 1947, tỉnh bộ Việt minh và Ủy ban nhân dân cách mạng cùng với các đơn vị Tây Tiến và Trung đoàn 148 phải rút và tản cư xuống các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang. Vào những lúc cam go nhất, tỉnh ủy Sơn La đã triệu tập Hội nghị đại biểu nhân dân các dân tộc bàn về công việc kháng chiến và quyết tâm không chịu lùi bước, bằng mọi giá phải chiến thắng kẻ thù. Mặc dù bước vào cuộc kháng chiến với bao khó khăn chồng chất, thiếu thốn về mọi mặt nhưng dưới sự lãnh đạo của tỉnh ủy Sơn La, cuộc kháng chiến của nhân dân các dân tộc Sơn La bằng hình thức chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, dùng dân quân du kích hạ đồn bốt của địch, khống chế tề ngụy, binh vận lôi kéo nhiều lính dõng theo cách mạng, nhân dân đấu tranh vùng lên giành chính quyền, lập khu căn cứ kháng chiến Mộc Hạ, huyện Mộc Châu. Căn cứ Mộc Châu được xem như điển hình về thực hiện nghị quyết của Trung ương về xây dựng căn cứ địa bằng đường lối và phương pháp chiến tranh nhâ dân. Công tác vận động và tổ chức quần chúng được đặt lên hàng đầu, đã giúp cho Đảng bộ xây dựng cơ sở cách mạng trong đồng bào các dân tộc vùng biên giới Tây Bắc, để từ đó tiến lên đấu tranh giành thắng lợi hoàn toàn.

            Như vậy, khu căn cứ kháng chiến Mộc Hạ hình thành và phát triển đã trở thành trung tâm lãnh đạo toàn diện phong trào cách mạng trong tỉnh. Nhờ có sự lãnh đạo sát sao, đúng đắn của tỉnh ủy, của Bộ chỉ huy liên khu 10 đã phối hợp chặt chẽ, thành công trong việc tổ chức xây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng khu du kích, khu tranh đấu để bảo toàn lực lượng, tô chức đánh, mở rộng khu tự do. Do đó, đến năm 1949 Sơn La đã có các khu du kích tương đối vững mạnh để kháng chiến như: Mường Do, Mường Bang, Đá Đỏ, bản Thái, Mường Cơi của huyện Phù Yên. Mường Lựm của huyện Yên Châu, bản Mòn, A Má, Bó Sập, Chiềng Khừa, Tú Nang của huyện Mộc Châu.

            Khu căn cứ du kích được xây dựng rộng khắp, phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp diễn ra mạnh mẽ tạo diều kiện cho các đại ban chủ lực phát huy vai trò nòng cốt trong việc tổ chức trận đánh tiêu diệt sinh lực địch một cách quy mô đạt hiệu quả. Cùng với lực lượng du kích và các ban vũ trang tuyên truyền của địa phương Sơn La có đủ sức mạnh để bảo vệ và cung cố và phát triển các căn cứ kháng chiến mở rộng vùng tự do. Là cửa ngõ vào vùng Tây Bắc và Thượng Lào, khu căn cứ kháng chiến Mộc Hạ đã trở thành cơ sở an toàn, là bàn đạp để các tổ, ban làm nhiệm vụ tiến sâu vào sau lưng địch. Sau một thời gian chuẩn bị, ban xung phong Trung Dũng từ Mộc Hạ - Trung tâm của khu căn cứ kháng chiến lên Mộc Thượng gây dựng cơ sở dọc biên giới, hai nước Việt - Lào từ Yên Châu lên Điện Biên. Tháng 1 - 1948 Trung ương chỉ thị “Nhiệm vụ  giải phóng Tây Bắc và xây dựng căn cứ địa Tây Bắc là nhiệm vụ cơ bản của bộ chỉ huy liên khu 10”. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ lệnh: Bằng nhiều ngả đường, các ban vũ trang tuyên truyền của liên khu phải kiên trì gây dựng cơ sở trong đồng bào dân tộc.

            Phối hợp tỉnh bộ Việt minh Sơn La, ban xung phong Lào - Bắc dừng chân tại A Má huyện Mộc Châu để tiến vào xây dựng cơ sở cách mạng Bắc Lào. Tại khu căn cứ Mộc Châu, ông Trần Quyết, Bí thư tỉnh ủy Sơn La đã đón tiếp và làm việc với ông Cay-xỏn Phôm-vi-hản ở bản Nà Mường theo chỉ thị của bộ chỉ huy lên khu 10. Hai bên đã trao đổi kinh nghiệm về xây dựng cơ sở cách mạng , công tác dân vận theo quan điểm lấy dân làm gốc của chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang lại thành công cua việc xây dựng căn cứ địa cách mạng Lào - Việt trên mảnh đất Sơn La.

            *Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Trưởng ban xung phong Lào - Bắc, người chủ trì thành lập quân ban Ít-xa-la, tiền thân của quân đội nhân dân Lào.

            Để mở rộng khu tự do dọc biên giới giáp Lào, nhất là dọc biên giới giữa Sơn La và Thượng Lào, làm chỗ dựa vững chắc, tiến vào xây dựng vùng căn cứ địa ở vùng Bắc Lào. Ngày 14 - 6- 1948, bộ chỉ huy liên khu 10 quyết định thành lập ban xung phong Lào - Bắc gồm 14 người do ông Cay-xỏn Phôm-vi-hản làm trưởng ban, ông Thào Hanh làm phó ban, ông Hoàng Đông Tùng làm chính trị viên.

            Ông Cay-xỏn Phôm-vi-hản sinh ngày 13 - 12- 1920 tại bản Na Xeng, huyện Khăn-tha-bu-li, tỉnh Xa-va-na-khẹt (hiện nay thuộc tỉnh Cay-xỏn Phôm-vi-hản). Từ năm 1935 đến năm 1945 ông theo học tại trường Bưởi và trường Đại học Luật Hà Nội. Tong thời gian ông còn là sinh viên ông đã tham gia phong trào đấu tranh của thanh niên đòi tự do dân chủ. Ông dành nhiều thời gian để nghiên cứu sách báo nói về Lào trong giai đoạn 1934 - 1945. Ông cho rằng đay là giai đoạn chuyển biến căn bản của công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp đối với Lào. Bên cạnh đó ông đầu tư nghiên cứu bộ máy cầm quyền của Pháp ở Lào và tập trung tìm hiểu giai cấp phong kiến ở Lào, ông nghiên cứu kỹ những cuộc nổi dậy của nhân dân Lào chống chế độ thực dân phong kiến. Ông rất khâm phục cuộc khởi nghĩa của anh hùng Commađăm lãnh đạo hoạt động trong nửa đầu của những năm 30 thế kỷ XX. Vào những năm 40 của thế kỷ XX còn xuất hiện nhiều phong trào đấu tranh cách mạng do Đảng cộng sản Đông Duong lãnh đạo. Lớp cán bộ cách mạng Lào đã được tiếp thu và thừa hưởng nhũng hạt giống cách mạng ra đời từ 6 chi bộ cộng sản đầu tiên ở Viêng Chăn, Xavanakhẹt, Pắcxế, Thàkhẹt, Bònèng, Phông tin… Các đảng viên cách mạng Lào và người Việt Nam trên đất lào ngày càng được nhân dân các bộ tộc Lào tín nhiệm.

            Mùa thu năm 1945, ông tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Xavanakhẹt, sau đó trực tiếp xây dựng khu du kích Hủa Păn, thành lập ban vũ trang Latxavông đầu tiên. Năm 1946, ông làm việc tại ban liên lạc Lào - Việt Nam ở Hà Nội và phụ trách những người Lào ở Việt Nam chống Pháp. Năm 1948, ông trở về nước lãnh đạo phong trào kháng chiến chống Pháp ở Đông Bắc Lào. Gia nhập Đảng công sản Đông Dương vào năm 1949 và chủ trì lễ thành lập quân Ban Ít-xa-la (quân ban nhân dân Lào), đơn vị Lát-xa-vông được vinh dự làm hạt nhân cho việc thành lập quân Ban Lào Ít-xa-la, ông được cử làm Tổng tư lệnh. Tháng 8-1950 chính phủ kháng chiến Lào Ít-xa-la do hoàng thân Xavanavông làm chủ tịch được thành lập, ông Cay-xỏn Phôm-vi-hản được cử làm phó chủ tịch, kiêm Bộ trưởng bộ quốc phòng. Tháng 2-1951, ông dẫn đầu đoàn đại biểu Lào tham dự Đại hội II Đảng cộng sản Đông Dương.

            Ngày 22 - 3 - 1955 tại tỉnh Hủa Păn ông đã chủ trì đại hội thành lập Đảng nhân dân Lào (22 - 3 đến 6- 4 -1955) theo Nghị quyết đại hội II Đảng cộng sản Đông Dương. Ông được cử làm bí thư thứ nhất của ban lãnh đạo đảng. Bí thư quân ủy trung ương, đồng thời làm tư lệnh tối cao

            Sau hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương, ông chỉ đạo cuộc đấu tranh bảo vệ hai tỉnh tập kết Sầm Nưa và Phong-xa-lì. Năm 1956, thực hiện đường lối hòa hợp dân tộc, đoàn kết các bộ tộc và các tầng lớp nhân dân. Đảng nhân dân Lào đã thành lập Mặt trận Lào yêu nước (Neo Lào Hac-sat). Ông Cay-xỏn Phôm-vi-hản được bầu giữ chức phó chủ tịch Mặt trận Lào yêu nước. Đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh hòng tiêu diệt cách mạng Lào. Đảng nhân dân Lào đã củng cố và phát triển lực lượng vũ trang, lần lượt đánh bại mọi âm mưu của đế quốc Mỹ và tay sai.

            Tháng 2 - 1972, đảng nhân dân Lào triệu tập đại hội lần thứ hai, đổi tên là Đảng nhân dân cách mạng Lào, ông Cay-Xỏn Phôm-vi-hản được bầu làm Tổng Bí thư ban chấp hành trung ương. Ngày 2-12 - 1975, nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ra đời, ông được cử làm Chủ tịch hội đồng bộ trưởng và đầu năm 1991 được bầu làm chủ tịch nước.

            Là một trí thức yêu nước, rất tâm huyết với nhân dân các bộ tộc Lào, ông luôn phấn đấu không mệt mỏi vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, đã cống hiến sức lực trí tuệ, tài năng vào việc lãnh đạo và chỉ huy các lực lượng vũ trang cách mạng Lào đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác.

            Ông có nhiều đóng góp quan trọng trong việc sáng lập Đảng nhân dân cách mạng Lào, trong việc xây dựng nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Là một trong những trong những nhà hoạt động quốc tế tích cực của Đảng và nhà nước Lào. Ông là người có công vun đắp củng cố tình đoàn kết truyền thống giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.

            4.4- Những kết quả đạt được từ căn cứ cách mạng Việt - Lào.

            Từ khu căn cứ cách mạng Việt - Lào các cơ sở cách mạng đã phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng trên đất Việt Nam và Lào. Từ việc ban xung phong Lào - Bắc thành lập 12 tổ, gội là tổ vũ trang tuyên truyền Lào - Việt, đa số là con em đồng bào dân tộc tỉnh Sơn La. Được sự giúp đỡ về lương thực, thực phẩm và dẫn đường vượt qua các đồn bốt canh gác nghiêm ngặt của quân Pháp và tay sai, từ khu căn cứ Mộc Hạ, ban xung phong Lào - Bắc vượt qua vòng vây của kẻ thù sang hoạt động dọc biên giới. Các ban vũ trang tuyên truyền có nhiệm vụ vừa đánh địch vừa tuyên truyền xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng lực lượng dân quân du kích tại địa phương. Từ thanhgs 11 - 1949, bộ tư lệnh liên khu 10 tiến hành mở nhiều chiến dịch, mở đầu là chiến dịch Sông Mã, nhằm phá vỡ phòng tuyến sông Mã của địch, mở thông biên giới Việt - Lào ở phía Bắc và đẩy mạnh công tác xây dựng căn cứ cho chính phủ kháng chiến Lào. Ngày 2- 11 - 1949 một đơn vị của trung đoàn 148 phối hợp với đơn vị Lào đánh vị trí Xiềng Khọ. Ngày 3 - 11 -1949 trên đà thắng lợi lực lượng liên quân Việt - Lào tiếp tục bao vây, áp sát bao vây tấn công vị trí Sầm Tơ tổ chức phát triển cơ sở chính trị vũ trang trong khu vực này. Chiến thắng Xiềng Khọ làm rung chuyển hệ thống phòng ngự của địch buộc chúng phải rút khỏi 9 vị trí khác. Phòng tuyến Sông Mã của địch bị phá vỡ dài 100km, từ Mường Lầm (Sông Mã - Sơn - La), đến Sốp Hạo (Hủa Păn). Cơ sở hậu địch của ta ở Bắc - Lào được mở rộng trên 2.000km2 với hơn 10.000 dân.

            Trên cơ sở cuộc kháng chiến của nhân dân Việt - Lào ngày càng thu được nhiều thắng lợi. Thu Đông năm 1950, Việt Nam mở nhiều cuộc tấn công tại miền Bắc Việt Nam. Sau chiến dịch biên giới (1950), chiến dịch Hòa Bình (1951) thắng lợi, nhân dân Đông Dương đã giành quyền chủ động chiến lược trên các chiến trường làm cho quân Pháp rơi vào thế khó khăn.

            Từ cuối 1950 đến đầu năm 1953, cơ sở kháng chiến của Lào đã hình thành một thế trận liên hoàn của chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân trên toàn đất Lào.

            Thu - Đông năm 1952 tại Việt Nam mở chiến dịch Tây - Bắc, sau 3 đợt tấn công tiêu diệt địch, chiến dịch Tây Bắc thắng lợi, giải phóng 28.500km­2  đất đai và 25 vạn dân, tiêu diệt 6.000 quân địch. Sơn La là “bình phong” che chắn của địch ở Lào đã bị phá vỡ hoàn toàn, căn cứ kháng chiến được mở rộng, tạo bàn đạp chắc chắn để ta mở rộng hoạt động tác chiến quân sự sang các khu vực Lai Châu và Thượng Lào.

            Nhằm cứu vãn tình hình, quân Pháp và bọn can thiệp Mỹ ở Lào đề ra kế hoạch quan sự mới là tập trung lực lượng biến Thượng Lào thành một vùng chiến lược trong việc phòng thu Bắc Đông Dương.

            Mùa xuân năm 1953, trung ương Đảng, chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với Chính phủ kháng chiến Lào và mặt trận Itxala thống nhất quyết định tiếp tục tấn công tiêu diệt địch, mục tiêu là tập đoàn cứ điểm Sầm Nưa, nhằm giải phóng một bộ phận đất đai, phân tán lực lượng địch, giúp chính phủ Lào mở rộng căn cứ địa, tạo điều kiện đẩy mạnh cuộc kháng chiến của nhân dân Lào. Các đơn vị chủ lực của Việt Nam sau khi hoàn thành chiến dịch Tây Bắc, tiếp tục hành quân từ Sơn La sang đất Lào, hăng hái tham gia các hoạt động phối hợp với các chiến dịch diễn ra trên đất Lào. Đồng bào các dân tộc Sơn La tiếp tục đóng góp sức người, sức của và cùng nhân dân cả nước chi viện cho chiến dịch Thượng Lào giành thắng lợi.

            Sáu tháng đầu năm 1953, các đơn vị chủ lực phối hợp với chiến trường Thượng Lào, ngoài việc bẻ gãy các cuộc hành quân càn quét, nhổ các đồn bốt mà địch đánh lấn ra và mới dựng lên ở vùng mới giải phóng tiêu diệt nhiều ổ phỉ, biệt kích, do thám trong kế hoạch ‘hậu chiến” của thực dân Pháp gài lại mưu toan quay lại chiếm Sơn La.

            Sau nửa tháng anh dũng chiến đấu, 11 cứ điểm quanh Sầm Nưa bị đánh tan. Liên quân Việt - Lào tiêu diệt và bắt sống 2.800 tên địch, mở rộng vùng giải phóng Thượng lào, bao gồm toàn tỉnh Sầm Nưa, đại bộ phận tỉnh Phong-xa-lì, phía bắc tỉnh Xiêng Khoảng và các huyện dọc sông Nậm U (Nậm Bạc - Mường Ngòi) thuộc tỉnh Luông Pha Băng với khoảng 40.000km2 đất đai và 30 vạn dân. Giải phóng Sầm Nưa là một thắng lợi to lớn trong cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ của nhân dân các dân tộc Lào. Từ đó Sầm Nưa trở thành căn cứ địa của chính phu kháng chiến Lào.

            Chiến dịch Thượng Lào thắng lợi đã làm thất bại âm mưu chiếm giữ Nà Sản cứ điểm Nà Sản được địch mệnh danh là “con dê chắn sóng” bị phá vỡ hoàn toàn. Những nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp ở Sơn La bị thất bại, tháng 8 năm 1953 toàn bộ lực lượng của địch hoàn toàn rút khỏi cứ điểm Nà Sản.

            Tất cả những chiến thắng đó nằm trong chiến lược, chiến thuật “căng địch ra mà đánh” của Bộ tổng quân ban nhân dân Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đảm bảo cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng vào ngày 7 - 5 - 1954.

            Trải qua 55 ngày đêm anh dũng, quyết chiến quyết thắng. Lực lượng chủ lực cùng với quân dân miền Bắc đã đập tan cứ điểm Điện Biên Phủ.

            Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc chính phủ Pháp phải ký hiệp định đình chiến tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương. Hiệp định Giơ-ne-vơ đã thừa nhận nền độc lập dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Đông Dương.

            Trải qua 9 năm kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ, hy sinh và mất mát dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, nhân dân hai nước Việt - Lào anh dũng chiến đấu, góp phần đánh tan quân Pháp xâm lược và bọn phản động bán nước, giành lại độc lập tự do cho dân tộc.

            Tình đoàn kết chiến đấu Việt - Lào, Sơn La với các tỉnh biên giới giáp nước bạn Lào trong kháng chiến chống thực dân Pháp tiếp tục được phát huy ở tầm cao mới trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước và tạo tiền đề vững chắc cho quan hệ hợp tác quốc tế Việt Nam - Lào, Sơn La và các tỉnh Bắc Lào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

5. Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ di tích.

            Khu di tích lịch sử cách mạng Việt - Lào tại bản Lao Khô xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu ghi dấu sự kiện hoạt động cách mạng và xây dựng cơ sở cách mạng trên đất địch (theo chỉ thị thành lập ban xung phong Lào - Bắc, tháng 6 năm 1948) của ban xung phong Lào - Bắc và ông Cay-xỏn Phôm-vi-hản.

            Khẳng định tình đoàn kết của quân đội và nhân dân hai nước Việt - Lào.

            Khẳng định tinh thần quốc tế cao cả và sự hy sinh to lớn của quân đội và nhân dân Việt Nam giành cho nhân dân Lào. Củng cố tinh thần đoàn kết của hai nước, hai dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

            Bổ sung nguồn tư liệu lịch sử quý giá của hai dân tộc góp phần giáo dục truyền thống yêu nước tình đoàn kết bền vững của hai nước Việt Nam - Lào

            Việc tôn tạo, xây dựng di tích sẽ là công trình kiến trúc, văn hóa mang tính nghệ thuật cao đậm nét văn hóa hữu nghị Việt Nam - Lào.

6. Thực trạng bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

            Hiện nay toàn bộ diện tích khu căn cứ cách mạng Việt - Lào là rừng tái sinh, đất nông nghiệp, đất thổ cư của nhân dân bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài. Đây là một di tích quan trọng đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và sự phát triển của hai đất nước. Vì vậy di tích cần được nghiên cứu , lập hồ sơ khoa họ, xếp hạng và xây dựng bia tưởng niệm tưởng nhớ công lao to lớn của các nhà cách mạng tiền bối. Tô thắm thêm tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt - Lào. Đây là một di sản quốc gia có giá trị về mặt lịch sử kết hợp với các giá trị văn hóa truyền thống yêu nước cho các thế hệ nhân dân các dân tộc trong và ngoài tỉnh.

7. Kết luận.

            Di tích lịch sử cạch mạng Việt - Lào tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu là một di tích quan trọng chứa đựng giá trị to lớn về lịch sử, mối quan hệ tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Với giá trị lịch sử và ý nghĩa nêu trên, khu di tích cách mạng Việt - Lào đủ tiêu chí và xứng đáng xếp hạng di tích cấp quốc gia.

            UBND tỉnh Sơn La báo cáo và trình Bộ văn hóa, thể thao và du lịch xét và xếp hạng di tích vào tháng 4 năm 2012 để kịp thời chào mừng sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962 - 5/9/2012), 35 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác (18/7/1977 - 18/7/2012), Hội nghị quan hệ hợp tác Quốc hội hai nước Việt Nam - Lào ( ngày 24/4/2012 tại Sơn La) và lễ động thổ: Xây dựng và tôn tạo khu di tích lịch sử cách mạng Việt - Lào tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài huyện Yên Châu để có cơ sở thực hiện biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này trong hiện tại và tương lại.

Loại hình di sản Di tích lịch sử kháng chiến Chuyên đề
Xếp hạng di sản Xếp hạng quốc gia Năm xếp hạng
Kiến trúc Hiện trạng Xuống cấp
Hiện vật trong di sản
Hiện nay bảo tàng Sơn La đã sưu tầm và lưu giữ một số hiện vật là đồ dùng sinh hoạt của gia đình cụ Tráng Lao Khô và nhân daann bản Lao Khô dùng để giúp đỡ ban xung phong Lào - Bắc và ông Cay-xỏn Phôm-vi-hản trong thời gian hoạt động cách mạng tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La từ năm 1948 - 1950. Hiện vật gồm: - Ấm đun nước bằng đồng. - Xanh đồng - Ninh đồng - Nồi đồng - Vỏ chăn.
Cổ vật Hiện vật mới
Công tác bảo vệ

 

           UBND tỉnh Sơn La hoàn thiện hồ sơ khoa học trình Bộ văn hóa, thể thao và du lịch công nhận xếp hạng di tích cấp quốc gia.

            Thực hiện kế hoạch 64/KH - UBND, ngày 01/09/2008 của UBND tỉnh v/v quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2008 - 2015 và định hướng đến năm 2020.

            Chính quyền các cấp các ngành chức năng cùng nhân dân bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ và xây dựng phương án bảo vệ di tích gốc và khu rừng nguyên sinh. Hạn chế việc lấn chiếm, phá hoại làm ảnh hưởng đến di tích.

            Thực hiện quy trình lập dự án đầu tư xây dựng các hạng mục công trình khu di tích cách mạng Việt  Nam - Lào phục vụ cho công tác tham quan, bảo vệ và khai thác phát huy giá trị di tích trong việc phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

            Phối hợp với các cơ quan báo, đài trung ương và địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di tích.

            Tổ chức quản lý và khai thác giá trị trong công tác giáo dục truyền thông của địa phương và phục vụ nhiệm vụ vun đắp tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào và các tỉnh Bắc Lào.

            Cấp giấp CNQSD đất cho di tích.

Công tác tu bổ tôn tạo
Đất đai trong di sản
Tư liệu kèm theo

           1. Biên niên sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh với tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, NXB chính trị quốc gia năm 2007.

            2. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La, tập 1 (1939 - 1945), NXB chính trị quốc gia - Hà Nội năm 2002.

            3. Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Châu (1945 - 1955), NXB chính trị quốc gia - Hà Nội.

           Ảnh khu căn cứ cách mạng Việt Lào:

           Ảnh 1, Ảnh 2, Ảnh 3, Ảnh 4, Ảnh 5, Ảnh 6, Ảnh 7, Ảnh 8, Ảnh 9, Ảnh 10, Ảnh 11, Ảnh 12, Ảnh 13, Ảnh 14, Ảnh 15, Ảnh 16, Ảnh 17, Ảnh 18


https://www.zbet.win/news/soi-keo-bong-da