Chi tiết hồ sơ

Tên Địa điểm Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, công nhân nông trường Mộc Châu.
Địa điểm Thị trấn Nông trường Mộc Châu, Mộc Châu, Tỉnh Sơn La
Thuộc Huyện/Thành phố Mộc Châu Thuộc Xã/Phường/Thị trấn Thị trấn Nông trường Mộc Châu
Mô tả chi tiết

I. Tên gọi:

Địa điểm Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, công nhân nông trường Mộc Châu. Thuộc thị trấn nông trường Mộc Châu - Huyện Mộc Châu - Tỉnh Sơn La.

             Lịch sử tên gọi: Ngày 7/5/1959 nhân kỷ niệm 5 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Vinh dự cho nhân dân các dân tộc Sơn La được đón Bác Hồ cùng đoàn đại biểu Đảng và chính phủ lên thăm Sơn La, nhân dân các dân tộc Sơn La được tụ họp về thủ phủ của miền Tây Bắc là Thuận Châu để được nhìn thấy Bác và được nghe lời dạy bảo ân cần của người.

             Ngày 8/5/1959, Người đi thăm và nói chuyện với quân dân Mộc Châu và thăm nông trường Mộc Châu, trong khi ai cũng biết rằng Bác bận trăm công ngàn việc. Cảm động trước tình yêu thương bao la và sự quan tâm sâu sắc của Bác, ai cũng cố ghi lòng tạc dạ và những lời dạy bảo quí báu của người, thầm hứa quyết tam thực hiện bằng được những điều Bác mong.

             Ngày nay nông trường Mộc Châu đã đổi mới cùng với sự phát triển của đất nước, những lời dạy bảo ân cần của Bác cứ vang vọng thúc giục các thế hệ cán bộ và công nhân nông trường mãi mãi ghi nhớ công ơn đối với Bác Hồ và Đảng ta. Nơi Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với cán bộ và công nhân nông trường Mộc Châu đã trở thành một địa điểm lịch sử, là nơi lưu niệm một sự kiện lịch sử đối với đồng bào Mộc Châu nói chung và cán bộ công nhân nông trường Mộc Châu nói riêng.

Di tích có tên gọi:

Địa điểm Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, công nhân nông trường Mộc Châu.

II. Địa điểm phân bố di tích, đường đi đến:

- Di tích nằm trên một bãi đất rộng, hơi thoai thoải về phía sườn đồi thấp, trước đây là đồi cỏ thuộc đội chăn nuôi 77 của nông trường Mộc Châu.

- Từ trung tâm thị trấn nông trường đi thẳng khoảng 600m là đến di tích. Phía trước mặt di tích hiện nay có một cái hồ rộng khoảng 2,5ha, hồ này được đào lấy đất đắp đường và lấy nước tưới cho toàn bộ khu sản xuất của đội 77.

- Đến di tích rất thuận lợi bằng các phương tiện ô tô, xe máy, xe đạp.

III. Sự kiện nhân vật lịch sử và thuộc tính của di tích.

               Bác Hồ, người cộng sản lỗi lạc, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Cả cuộc đời phấn đấu, hy sinh cho nền độc lập dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân ta. Lúc còn nhỏ tên Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc. Sinh ngày 19 - 5 - 1890 ở Làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước và lớn lên ở một địa phương mà nhân dân có truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm.

               Người sinh ra trước khi nước nhà còn đang rên siết dưới ách thống trị của Thực Dân Pháp, sẵn lòng yêu nước thương dân, Bác không đành lòng nhìn cảnh nước mất nhà tan, nhưng cũng không tán thành cách đấu tranh "Cải lương" "Nửa vời" của một số sỹ phu yêu nước. Bác quyết chí ra đi tìm con đường cứu nước riêng của mình.

                 Ngày 5-6-1911, tại bến cảng Nhà rồng, trên con tàu đô đốc La-Tu-Sơ Ter vin Lơ Bác đã lưu luyến từ biệt đất nước ra đi thực hiện ý nguyện của mình. Trong 30 năm Bác đã đi khắp các nước Chây Mỹ, Châu Âu, làm đủ các việc, chịu bao gian nan vất vả và cuối cùng đã tìm thấy ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê Nin và đã chuyển từ một người yêu nước thành chiến sỹ Cộng Sản hoạt động trong tổ chức Cộng Sản Quốc tế.

                 Trở về Tổ quốc Bác kết hợp nhuần nhuyễn những kiến thức những kinh nghiệm đã học được ở nước ngoài, lãnh đạo nhân dân ta đoàn kết chuẩn bị lực lượng nắm bắt thời cơ giành độc lập cho dân tộc. Ngày 2-9-1945, trên Quảng trường Ba Đình Hà Nội, Bác đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới: Khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tổ quốc ta từ đây mở ra một kỷ nguyên mới tươi đẹp.

                Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình mặc dù bận trăm công ngàn việc của đất nước Bác vẫn thường xuyên quan tâm chăm sóc và dành tình thương yêu tới nhân dân các dân tộc Tây Bắc. Ngay từ những ngày đầu cách mạng Bác gửi thư khuyên đồng bào "Từ nay về sau các dân tộc đã đoàn kết càng đoàn kết thêm, đã phấn dấu càng phấn đấu nữa, để giữ gìn độc lập cho vững vàng, xây dựng một đất nước Việt Nam mới giàu mạnh, ấm no và hạnh phúc". Kháng chiến toàn quốc bùng nổ mặc dù Bác chưa có điều kiện trực tiếp lên thăm Sơn La, nhưng Bác luôn biên thư, gửi điện thăm hỏi, khen ngợi theo dõi từng bước đi, từng tiến bộ của đồng bào.

                Năm 1949, cuộc kháng chiến Pháp phát triển mạnh mẽ ở Tây Bắc. TW Đảng quyết định hợp nhất 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu thành liên tỉnh Sơn Lai, Bác gửi thư động viên đồng bào, người viết: "Sơn Lai, tuy ở xa Chính phủ nhưng lòng Chính phủ vẫn ở gần Sơn La". Người còn gửi ảnh tặng đồng bào với lời dạy: "Thi đua thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư".

                Ngày 1-1-1952, Bác gửi thư cho cán bộ chiên  sỹ và dân công ở mặt trận Tây Bắc, Người nhắc nhở: "Chiến dịch tây Bắc là chiến dịch rất quan trọng" Bác thường xuyên sát sao tình hình chiến sự, kịp thời động viên quân và dân Tây Bắc.

               Sau ngày hoà bình lập lại Bác đã nhiều lần gửi thư thăm hỏi đồng bào Sơn La, khuyên dặn đồng bào phải đoàn kết chặt chẽ, thường xuyên giúp đỡ lẫn nhau như anh em, thi đua tăng gia sản xuất, cảnh giác sẵn sàng giúp đỡ bộ đội, Công an chống mọi âm mưu của địch, thư nào Bác viết cũng không quên gửi lời thăm hỏi tới các cụ phụ lão. Các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng. Trong các hội nghị có cán bộ dân tộc về dự Bác luôn dành thời gian gặp gỡ trò chuyện hỏi thăm đồng bào. Đáp lại tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Bác, nhân dân các dân tộc Sơn Lai đoàn kết, chung xây quê hương và bảo vệ vững chắc vùng đất phía Tây Tổ quốc.

               Năm 1954, Chiến thắng Điện Biên Phủ làm nức lòng người dân yêu chuộng hoà bình thế giới. Với khí thế chiến thắng, với niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến. Cùng với quân dân cả nước, nhân dân các dân tộc Sơn La hăng hái bắt tay vào khôi phục kinh tế, thi đua sản xuất. Xây dựng lại cuộc sống ấm noạnh phúc, "Ăn quả nhớ người trồng cây", nhân dân các dân tộc Sơn La mơ ước được đón Bác lên thăm để chứng kiến sự đổi đời sâu sắc của đồng bào các dân tộc và mong được Người hướng dẫn chỉ bảo cho những bước đi mới.

              Niềm mơ ước ấy đã trở thành hiện thực, ngày 7 - 5  -1959 nhân dịp kỷ niệm 5 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và 4 năm lập khu tự trị Thái - Mèo. Bác Hồ cùng với đoàn đại biểu Chính phủ, trong đó có đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Tô Hữu … lên thăm Sơn La cuộc mít tinh lớn của hơn 1 vạn đồng bào đại diện cho 43 vạn nhân dân các dân tộc Tây Bắc được tổ chức tại sân vận động Thuận Châu (Thủ phủ của khu Tây Bắc). Cuộc mít tinh biến thành cuộc tuần hành biểu dương lực lượng diễu qua lễ đài. Ai cũng hướng về Bác để khắc sâu hơn nữa hình ảnh của Người.

Nhân dân nô nức phấn khởi đón Bác, dân lên những sản phẩm địa phương do chính bàn tay lao động sáng tạo của bà con, thể hiện tấm lòng đồng bào Tây Bắc đối với Bác.

Mặc dù chuyến thăm Tây Bắc của Bác không dài nhưng Người đã dành thời gian đến thăm và động viên đồng bào một số địa phương như Yên Châu, Mộc Châu.

             Ngày 8 - 5 -1959, Bác cùng đoàn đại biểu về thăm huyện Mộc Châu trong niềm hân hoan phấn khởi của đồng bào huyện Mộc Châu. Bác đã dành tình cảm đặc biệt cho Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Mộc Châu Bác trực tiếp đến thăm và căn dặn cán bộ, chiến sỹ, đồng bào các dân tộc tại châu uỷ, sau đó đến thăm cán bộ, chiến sỹ, công nhân nông trường Mộc Châu. Với giọng nói ấm áp, ân cần và giàu tình cảm, Bác thăm hỏi sức khoẻ, đời sống cán bộ, chiến sỹ, đồng bào các dân tộc, Bác khen ngợi những thành tích đã đạt được trong mấy năm qua và sự trưởng thành nhanh chóng của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Mộc Châu. Bác thăm hỏi cán bộ, chiến sỹ, chị em, gia đình bộ đội lên xây dựng nông trường Bác khen: "Các cô, các chú chăn nuôi bò là rất tốt, đã có con bò vắt được 7 lít sữa 1 ngày, nhưng khi xây dựng CNXH khá thì nhất định không phải là 7 lít, 27 lít hoặc hơn nữa".

             Bác khen đơn vị bước đầu ra quân trên trận tuyến mới đã cố gắng khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn, lập được thành tích, Bác đã đề nghị Chính phủ tặng thưởng huân chương lao động cho cán bộ, chiến sỹ nông trường, Bác dặn: "Con đường xây dựng CNXH còn nhiều khó khăn, gian khổ cho nên từ cán bộ đến chiến sỹ phải đồng tâm nhất trí, đoàn kết một lòng, tích cực hơn nữa trong lao động sản xuất. Cán bộ phải yêu thương chiến sỹ, chăm lo tới đời sống vật chất, tinh thần và quan tâm đến tâm tư, tình cảm của anh chị em". Bác ân cần khuyên nhủ: ”Mọi người phải ăn ở sạch sẽ, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khoẻ và phải chú ý chăm sóc dạy dỗ các cháu. Những người chủ tương lai".

              Cảm động trước tình yêu thương và sự quan tâm sâu sắc của Bác, ai cũng cố ghi lòng tạc dạ những lời dạy bảo quí báu của Người. Thầm hứa quyết tâm thực hiện bằng được những điều Bác mong. Trước khi chia tay, Bác lưu lại trong sổ truyền thống của nông trường 16 chữ vàng:

"Luôn cố gắng

Khắc phục khó khăn

Tiến lên thật hăng

Làm tròn nhiệm vụ".

             Từ sau ngày Bác lên thăm, cả nông trường bừng lên khí thế thi đua lao động sản xuất, cải tạo Thảo nguyên. Những lời dạy bảo ân cần của Bác đã trở thành nghị quyết của Đảng uỷ, thành nhiệm vụ của nông trường, là mục tiêu và hành động của mỗi cán bộ, Đảng viên và chiến sỹ công nhân nông trường Mộc Châu.

              Sau những năm phấn đấu và xây dựng, với khối óc và bàn tay lao động của những cán bộ, chiến sỹ, công nhân nông trường Mộc Châu, bộ mặt của nông trường đã biến đổi nhanh chóng và lớn mạnh vượt bậc. Từ một nông trường quân đội nhỏ bé, khó khăn, nay đã trở thành một liên hiệp các xí nghiệp công - nông nghiệp hiện đại, qui mô lớn, sản xuất kinh doanh với lãi xuất lớn, biến vùng Thảo nguyên hoang vu xưa kia thành khu kinh tế sản xuất lớn XHCN, thành một thị trấn mới sầm uất, nhộn nhịp tràn đầy sức sống.

               Hôm nay, Bác đã đi xa nhưng hình ảnh và lời dạy quí báu của Người, tình thương bao la và sự quan tâm sâu sắc cảu Người vẫn đậm nét trong tâm khảm của từng cán bộ, công nhân xí nghiệp nguyện: "Sống - chiến đấu - lao động và học tập theo gương Bác Hồ Vĩ đại". Đoàn kết một lòng quyết tâm xứng đáng là lớp người thời đại Hồ Chí Minh. Tích cực xây dựng quê hương Sơn La giàu đẹp và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

IV. Giá trị lịch sử của di tích

               Bác Hồ cùng đoàn đại biểu Đảng và chính phủ lên thăm nông trường Mộc Châu đã trở thành một kỷ niệm sâu sắc, niềm vinh dự và tự hào đối với các thế hệ cán bộ, công nhân nông trường Mộc Châu. Địa điểm Bác thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân nông trường là một di tích quan trọng để lưu niệm sự kiện lịch sử đối với một cơ sở sản xuất công - nông nghiệp lớn của nước ta. Để các thế hệ cán bộ, công nhân nông trường mãi mãi làm theo lời chỉ bảo và ước muốn của Bác. Không ngừng xây dựng nông trường thêm lớn mạnh góp phần vào xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN.

Loại hình di sản Di tích Lưu niệm sự kiện Lịch sử Chuyên đề
Xếp hạng di sản Xếp hạng cấp tỉnh Năm xếp hạng 13/12/2004
Kiến trúc Hiện trạng Xuống cấp
Hiện vật trong di sản
Di tích hiện nay chỉ còn lại địa điểm lưu niệm sự kiện lịch sử. Nơi Bác Hồ nói chuyện với cán bộ công nhân nông trường Mộc Châu. Để bổ xung cho di tích này còn có những bức ảnh ghi lại hình ảnh của Bác Hồ cùng đoàn đại biểu Đảng và chính phủ thăm nông trường, đặc biệt là bút tích của Bác đã ghi 4 câu thơ trong sổ truyền thống của nông trường. Hiện đang lưu giữ tại nông trường Mộc Châu.
Cổ vật Hiện vật mới
Công tác bảo vệ

 

1. Tình trạng bảo quản di tích

Trước đây di tích là một cánh đồng cỏ để nuôi bò sữa. Những năm gần đây cánh đồng cỏ này đã được chia cho một số hộ công nhân để trồng cỏ và trồng ngô. Những trại bò sữa tại địa điểm di tích được làm đơn sơ trước đây hiện nay không còn nữa.

Cho đến nay di tích cũng chưa được các cấp bảo vệ và tôn tạo chỉ là cánh đồng ngô của bà con.

Với ý nghĩa lịch sử của di tích, rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền cơ quan chức năng để bảo tồn và phát huy tác dụng của di tích.

2. Các phương án bảo vệ

Di tích Bác Hồ lên thăm và nói chuyện với cán bộ và công nhân nông trường Mộc Châu. Có ý nghĩa đặc biệt và nằm trong các hệ thống di tích lưu niệm sự kiện với qui mô cấp tỉnh ra quyết định công nhận.

Chúng tôi dự kiến đua ra phương án tôn tạo di tích như sau:

1. Trước tiên là việc khoanh vùng đo đạc và lên bản đồ quy hoạch cấp đất cho di tích: Với diện tích là 1400m2.

2. Cải tạo bãi trồng ngô hiện nay, tiến hành xây dựng bia di tích với nội dung ghi:

"Nơi đây, Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân nông trường Mộc Châu ngày 8/5/1959".

Bác căn dặn nông trường bằng 4 câu thơ:

"Luôn cố gắng

Khắc phục khó khăn

Tiến lên thật hăng

Làm tròn nhiệm vụ".

Công tác tu bổ tôn tạo
Đất đai trong di sản

 

 

Tư liệu kèm theo

Ảnh

Ảnh 1, Ảnh 2, Ảnh 3, Ảnh 4, Ảnh 5, Ảnh 6


https://www.zbet.win/news/soi-keo-bong-da