1. Tên gọi: Tháp Mường Bám
Tên di tích được gọi theo địa danh xã Mường Bám.
Tên gọi khác: Thạt Bản Lào (Thạt tiếng Lào có nghĩa là Tháp)
Tháp bản Lào nằm ở vị trí trung tâm bản, nơi có nhiều đồng bào dân tộc Lào của xã tập trung sinh sống. Kiến trúc của Tháp mang đậm nét kiến trúc Tháp của dân tộc Lào. Do vậy nhân dân địa phương thường gọi là Tháp bản Lào.
2. Địa điểm và đường đi đến
Di tích thuộc xã Mường Bám, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, cách trung tâm thị trấn Thuận Châu hơn 70 km về phía Tây- Nam.
Từ trung tâm thị trấn Thuận Châu, theo quốc lộ 6 hướng đi Điện Biên khoảng 600m rẽ tay trái vào đường tỉnh lộ 108, đi 45km đến thị tứ Co Mạ.
Từ thị tứ Co Mạ đi Mường Bám khoảng 28km là tới di tích.
Đường đến di tích thuận lợi bằng các phương tiện: ôtô, xe máy, xe đạp
3. Phân loại di tích
Căn cứ vào kết quả điều tra, khảo sát, nghiên cứu di tích theo quy định tại điều 11 Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thì di tích thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật.
4. Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm của di tích
Ngay từ buổi đầu dựng nước, Sơn La đã là một bộ phận của Tổ quốc Việt Nam. Trải qua dòng chảy thời gian của tiến trình lịch sử cùng với sự phát triển và những biến cố trong lịch sử dựng nước và giữ nước, đơn vị hành chính Sơn La cũng có sự thay đổi. Thời kỳ dựng nước, các vua Hùng chia nước Văn Lang thành 15 bộ. Sơn La thuộc bộ Tân Hưng, mảnh đất phên dậu của nước Việt Nam thống nhất từ xa xưa.
Thời nhà Lý (1010- 1225), ở miền lưu vực sông Đà, trong đó có vùng đất Sơn La, thuộc châu Lâm Tây. Thời Trần (1225-1400) thuộc đạo Đà Giang. Vào cuối đời Trần, năm Quang Thái thứ 10 (năm 1397) vùng đất này được đổi thành trấn Thiên Hưng. Trấn Thiên Hưng đời nhà Trần có hai Châu (Phủ) là Gia Hưng và Quy Hoá.
Đến đời nhà Lê, theo sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi, thì phủ Gia Hưng có một huyện, 5 châu, 42 động. Đó là huyện Thanh Xuyên, gồm 1 thôn, 2 động và các châu: châu Việt, châu Mai. Thuộc địa bàn 5 châu này thì 4 châu chính là vùng đất Sơn La hiện nay.
Châu Thuận (huyện Thuận Châu ngày nay) có 10 động. Theo sách “Hưng Hoá phong thổ lục” của Hoàng Bình Chính, thì vào đầu đời Lê Cảnh Hưng, khoảng thời gian trị vì của chúa Trịnh Sâm (1767-1783), triều đình thấy địa thế Châu Thuận quá rộng mới cắt đặt thêm 3 châu là Sơn La (hay huyện Mường La ngày nay), Mai Sơn, Tuần Giáo. Như vậy vùng đất Thuận Châu vào thời nhà Lê gồm đất huyện Tuần Giáo của tỉnh Lai châu (nay là tỉnh Điện Biên) và các huyện Mai Sơn, mường La, Thành phố Sơn La và huyện Thuận Châu của tỉnh Sơn La hiện nay.
Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, địa bàn Sơn La có các đơn vị hành chính như sau:
Ngày 24-5-1886, Tổng Trú sứ Trung- Bắc Kỳ ra nghị định chuyển châu Sơn La (thuộc phủ Gia Hưng tỉnh Hưng Hoá) thành một đơn vị hành chính tương đương với cấp tỉnh. Ngày 9-9-1891, Toàn quyền Đông Dương đã ra nghị định thành lập thủ phủ Sơn La đặt tại Sơn La. Tỉnh Sơn La lúc đó gồm các châu: Châu Thuận, Mường La, Mai Sơn, Châu Yên, Châu Mộc, Phù Yên, Tuần Giáo, Điện Biên, Châu Lai, Quỳnh Nhai và Phủ Luân Châu. Tên tỉnh Sơn La có từ đó, nhưng địa bàn rộng lớn, bao gồm tỉnh Sơn La hiện nay và phần lớn tỉnh Lai Châu bấy giờ.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 và trong kháng chiến chống Pháp, tỉnh Sơn La thuộc các Chiến khu II, Khu XIV, Liên khu X, Liên khu Việt Bắc, và Khu Tây Bắc. Chiến dịch Tây Bắc thắng lợi, Khu uỷ Tây Bắc quyết định chuyển huyện Thuận Châu về tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên). Đến tháng 2-1954 huyện Thuận Châu trở lại thuộc tỉnh Sơn La.
Như vậy trải qua tiến trình phát triển của đất nước, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La thuộc vào vùng đất của tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên) từ thời kỳ nhà Lý cho tới những năm cuối thế kỷ XIX. Qua việc phân cấp cơ cấu về địa giới hành chính và quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đã có những tác động và biến động liên quan đến việc cư trú của các dân tộc tỉnh Sơn La nói chung, huyện Thuận Châu, xã Mường Bám nói riêng. Kết quả ấy đã để lại những công trình kiến trúc, dấu tích lịch sử mang đậm đà bản sắc quốc gia đa dân tộc. Đó là Tháp Mường Bám, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI, mà những dấu tích còn lại đến nay, thì thuộc thê kỷ XIX.
Xã Mường Bám (theo nghĩa địa phương là một vùng đất “bám vào con suối”, tức suối Nậm Húa, để sinh sống) là một xã vùng sâu và xa của huyện Thuận Châu, địa hình trải dài theo dòng suối có vị trí nằm trong vùng lòng chảo thượng lưu cả một số khu vực khác. Cách huyện Thuận Châu khoảng 70 km về phía Tây- Nam (trước kia vùng đất này thuộc tỉnh Lai Châu (bây giờ là tỉnh Điện Biên) hiện nay, ở cách trung tâm thành phố Điện Biên khoảng 150km về phía Đông Nam. Cư dân sinh sống ở đây chủ yếu dựa vào hai bờ của dòng suối Nậm Húa để làm nông nghiệp và đánh bắt thuỷ sản, khai thác lâm sản...
Xã Mường Bám, huyện Thuận Châu là địa bàn cư trú tập trung chủ yếu của hai dân tộc. Đó là dân tộc Lào và dân tộc Thái. Từ rất lâu đời, người Lào đã cư trú và sinh sống tại mảnh đất Sơn La. Và họ đã trở thành một trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Hiện tại khu vực bản Lào, xã Mường Bám hiện nay còn lại một cụm tháp cổ do dân tộc Lào xây dựng.
Cùng với tháp Mường Luân thuộc huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, tháp Mường Bám (Thuận Châu, Sơn La) do dân tộc Lào xây dựng cùng trong một khoảng thời gian. Tương truyền, vào năm 1569 triều đình Miến Điện đem quân tấn công nước Lào. Đứng trước nạn xâm lược của quân Miến Điện, dân tộc Lào nhỏ bé không đủ khả năng chống cự. Do vậy một bộ phận người Lào ở vùng Thượng Lào phải lánh nạn sang các tỉnh biên giới Đại Việt cư trú, trong đó có Điện Biên hiện nay. Đến năm 1594 chiến tranh Miến - Lào kết thúc, nhưng một bộ phận người Lào không trở về Lào mà ở lại định cư tại Điện Biên, phát triển và mở rộng địa bàn cư trú về hướng Đông Nam dọc theo các thung lũng, ven sông suối (trong đó có xã Mường Bám, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La ngày nay).
Đạo Phật hình thành ở Ấn Độ vào thế kỷ V trước công nguyên. Theo đường biển, từ hướng Đông, các nhà sư đã đến Việt Nam ngay từ đầu công nguyên. Luy Lâu trị sở quận Giao Chỉ đã sớm trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng. Từ đây Phật giáo Ấn Độ đã được truyền trực tiếp vào Việt Nam ngay từ đầu công nguyên. Trong con mắt người Việt Nam xưa sinh sống bằng nông nghiệp, Phật trong chùa được hình dung như một vị thần linh toàn năng có mặt ở khắp nơi, luôn sẵn sàng xuất hiện để cứu giúp người tốt trừng trị kẻ xấu.
Thời kỳ Lý-Trần, phật giáo Việt Nam phát triển tới mức cực thịnh và lan toả đi khắp nơi. Nhưng đó là Phật giáo Đại Thừa
Là cư dân nông nghiệp lúa nước vùng Đông Nam Á, dân tộc Lào và một số dân tộc khác cũng có phong tục thờ Phật trong Chùa. Và đây là Phật giáo Tiểu thừa đến từ phương Tây. Do vậy khi định cư chung sống cùng đồng bào các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, họ vẫn giữ nguyên truyền thống đó. Họ xây dựng chùa và tháp ở nơi định cư để tiện cho việc thờ cúng và là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của cộng đồng.
Vào thời gian khoảng từ các năm 1569-1594 (tức Phật lịch 2113-2138) với sự giúp đỡ nhiệt tình của các cư dân bản địa với bà con dân tộc Lào tại địa phương đã dồn công, góp của để xây dựng Tháp Mường Bám. Theo truyền thuyết vùng đất Mường Bám có một trái núi mang dáng dấp một người đang ngồi Thiền, theo dáng "Hua táng Keo, eo táng Lào" có nghĩa là: Đầu quay về đất Việt, lưng quay sang đất Lào. Theo truyền thuyết này nói lên tình đoàn kết keo sơn Việt-Lào.
Căn cứ vào kết quả điều tra, khảo sát của Bảo tàng tỉnh Sơn La và kết quả đợt điền dã giữa Sở VHTT&DL Sơn La, Bảo tàng tỉnh và đoàn công tác của Giáo sư sử học Lê Văn Lan tháng 6/2011, có thể khẳng định Tháp Mường Bám là một công trình kiến trúc nghệ thuật mang đậm yếu tố Phật giáo dòng tiểu Thừa được xây dựng từ thế kỷ XVI. Nhưng những gì là hiện tồn của tháp, thì có đặc trưng kiến trúc nghệ thuật thế kỷ XIX.
Sách “Đại Nam nhất thống chí”, biên soạn và khắc in trong khoảng các năm 1856-1883, đã ghi chép lại sự kiện xây dựng, và sự hiện diện của hệ thống chùa, tháp tại khu vực Tây Bắc. Bao gồm tháp Mường Và (huyện Sốp Cộp), tháp Mường Bám (huyện Thuận Châu), tháp Mường Luân (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
Những hạng mục công trình trong quần thể di tích Phật giáo ở đây gồm: Tháp, Chùa. Khu vực nhà ở - sinh hoạt của các nhà sư. Sân Chùa, Tháp là nơi sinh hoạt cộng đồng của dân bản.
5. Sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng liên quan đến di tích
Theo kết quả điền dã dân tộc học trước kia, tại khu vực Tháp vào tháng 4 dương lịch hàng năm có tổ chức "lễ cầu mưa" vào vụ mùa mới. Hiện nay, tại đây không còn tổ chức nữa.
6. Khảo tả di tích
Dựa theo thuyết phong thuỷ, đồng bảo dân tộc Lào ở Mường Bám xưa đã chọn đất kỹ lưỡng để xây dựng tháp. Tháp được xây trên một quả đồi thiên tạo có bề mặt rộng khoảng 1ha. cách bờ suối Nậm Húa (phần đầu nguồn của dòng sông Mã) khoảng 300m, gồm một quần thể 5 tháp, một tháp to ở giữa và 4 tháp con ở 4 cạnh tháp to, theo 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Mặt Tháp quay về hướng Đông và nhìn ra ngã ba suối Nậm húa có núi án ngữ làm bình phong. Núi chắn hai bên theo hướng Bắc, Nam tựa thế tay ngai. Trước mặt tháp là ngã ba suối, uốn khúc chạy lượn "chi huyền thuỷ". Từ trái sang phải, phía sau Tháp có dẫy núi tựa người đang ngồi "thiền". Quần thể Tháp có vị thế rất tĩnh lặng, uy nghi.
Về cấu trúc vật liệu: Tất cả 5 tháp đều được xây bằng một loại vật liệu, chủ yếu là gạch vồ màu đỏ, kích thước lớn dài 35cm, rộng 15cm, dày 7cm được gắn kết với nhau bằng vôi, cát, và mật. Các hoạ tiết hoa văn được làm bằng vữa đắp nổi, nhiều chỗ gắn thêm vào những hình đất nung trang trí.
A. THÁP TO
Tháp to còn gọi là Tháp Mẹ, cao 13m, chia làm 4 tầng. Đế tháp hình vuông, mỗi cạnh có chiều dài 2,60m
1. Tầng 1
Tầng 1 là toàn bộ phần chân đế tháp, có chiều cao 1,20m, hình vuông cạnh dài 2,60m. Phần chân tháp được đắp 3 đường gờ nổi chườm ra, vo tròn xung quanh chân đế và cắt vuông góc 30cm xuống tới mặt đất Được trang trí chủ yếu hoa văn hình Voi, Hổ và tượng Vũ Nữ nhảy múa. Tất cả các hoạ tiết hoa văn này đều đắp nổi (có chiều cao 27 cm). Phía trên đế thu nhỏ dần, còn 2,20m, làm phần đế đỡ cho tầng 2.
2. Tầng 2
Tầng 2 cao 4 m, hình chóp cụt, có 8 cạnh được chia làm 5 phần nhỏ, có đường nổi vo tròn chạy xung quanh
+ Phần 1 là đế: Được thu vát dần lên, cao 0,40m, xung quanh là 8 mô típ hoa văn, trang trí hình lá đề uốn theo hình mây, phía ngoài bao bọc lớp hoa văn hoa cúc, hoa chanh cách điệu.
Lớp hoa văn này có độ rộng là 7 cm, trong là 2 đường kẻ chỉ song song, phía ngoài được chạy chuỗi dây cánh hoa cúc nhô ra. Phía ngoài cùng 2 loại hoa văn này được trang trí hoa văn hình vòi Voi được cuộn sang hai bên. Ở giữa hai vòi Voi có hình "Vô ưu". Đầu vòi voi nhỏ được cuộn tròn 1,5 vòng. Tiếp đến nửa thân phía trên được uốn hình vòng cung nhẹ, đến giữa thân được cuộn tròn gấp khúc, phía dưới đuôi được phình ra, dáng cong mềm mại. Vòi Voi được vắt cong hình dấu hỏi (?)
- Hoa văn ở phần đầu vòi voi cuộn tròn gấp khúc đến phần giữa thì có hoa văn hình cánh Hoa chanh. Phần bụng vòi Voi có hoa cúc chạy suốt thành chuỗi, đầu cánh hoa cúc quay về phía lưng vòi voi có độ rộng 9cm.
- Hoa văn phần đuôi vòi Voi: Từ giữa thân tròn gấp khúc về phía đuôi phình ra, dáng cong mềm mại có độ rộng 12cm, cuối đuôi được vắt cong hình dấu hỏi, phía dưới bụng vòi Voi là một đường chỉ chạy gờ nổi. Từ đường chỉ này được gắn một băng hình "vẩy", "cánh hoa chanh" chạy tiếp, nối tiếp nhau xung quanh tháp.
+ Phần 2: Cao 0,40m, phía trên là đường gờ nổi, nhô ra khỏi thân tháp 15cm, phía dưới đường gờ nổi này được tạo hai đường vòm chỉ nổi, phía dưới đường chỉ nổi này được tạo hoa văn hình vòm cửa chạy liên tục quanh thân tháp, đối xứng nhau trên và dưới được đắp bằng vữa, đứng từ xa có cảm nhận như một chuỗi "tràng hạt".
+ Phần 3: Cao 0,70m, phía trên được đắp gờ nổi, hoa văn phần này giống phần 2
+ Phần 4: cao 0,50m được xoè hình lá sen để đỡ cho phần 5, toàn bộ phần thân không trang trí hoa văn.
+ Phần 5: Cao 1m được xoè hẳn ra, hình lá sen để đỡ cho toàn bộ tầng 3. Phần này không trang trí hoa văn.
3. Tầng 3
Tầng 3: Cao 6 m, trông giống như một hình quả trám thon ở hai đầu phình to ở giữa, phần dưới thon to hơn phần trên.
Tầng 3 được chia làm hai phần đế và thân:
+ Phần đế cao 0,60m, chia làm 3 phần trang trí hoa văn khác nhau
- Phần 1: là phần dưới của đế, nơi tiếp giáp với tầng 2, được phủ kín quanh tháp bằng một chuỗi hoa văn "tràng hạt"
- Phần 2 là dải hoa văn có độ rộng 30cm, hình "rắn thần" Naga 5 đầu. Ở đây đầu rắn có hình tam giác, thân uốn lượn hình "Sin", thân rắn được trang trí hoa văn như hoa cúc, hoa chanh, được chạy kín xung quanh tháp. Phía trên hoa văn hình rắn là hoa văn hình "tràng hạt" như phần dưới.
- Phần 3 được trang trí dải hoa văn lá đề, hình mây, rắn, chạy vòng xung quanh, bên trong là hình dây hoa chanh. Nhìn từ xa ta có cảm nhận tháp được mọc lên từ đài sen, hay là một chiếc "vương miện"
Những hoa văn hình lá đề và 1/2 lá đề, chất liệu được làm bằng đất nung màu đỏ bên trong được trang trí các hình như:
Loại hoa văn nguyên hình lá đề: Bên trong lá đề được trang trí hai con rồng nhỏ chạy song song của hai mép lá đề. Đuôi Rồng ở phía dưới cuống đầu Rồng ngóc lên chụm vào ngọn lá đề. Phần bên trong được trang trí hoa văn hình học.
Loại hoa văn 1/2 lá đề: Bên trong chủ yếu được trang trí hoa văn hình học.
Gạch hình lá đề (đế rộng 13 cm, trên thu lại 4 cm, cao 27 cm) được dùng chủ yếu vào việc trang trí ở các góc của tầng 3 và tầng 4. Được trang trí hai hàng so le, đứng từ xa ta có cảm giác như búp sen đang hé nở.
+ Phần thân tháp:
Thân tháp được thu lại đến 1/3 thân thì phình ra, phần cuối thân lại được thu nhỏ lại vót lên đến đỉnh tầng 3 để tạo thành hình chiếc lọ.
- Toàn bộ thân tháp được đắp trơn không trang trí hoa văn.
4. Tầng 4
Tầng 4 cao 1,80m, được chia làm hai phần đế và thân
- Phần đế: Cao 0,40m được cuốn thành hình hoa sen cụp xuống, phía trên đắp 3 hình kẻ chỉ nổi.
- Phần thân: được thu nhỏ dần, gồm 4 cạnh. Đế tầng 4 thu nhỏ lại đến 1/3 thân thì lại phình ra, rồi thu nhỏ lại, vút lên đến đỉnh tháp. Toàn bộ thân không trang trí hoa văn, trông xa như một búp sen đang hé nở.
B. THÁP NHỎ
Các Tháp nhỏ được xây dựng với kiến trúc và trang trí hoa văn giống hệt nhau. Được xây dựng chiều 4 cạnh của Tháp to theo 4 hướng Đông- Tây- Nam- Bắc, và cách Tháp to 3 mét.
Tháp nhỏ còn gọi là Tháp Con, có chiều cao 3,70m, đế hình vuông, mỗi cạnh 1,20m chia làm 4 tầng.
1. Tầng 1
Tầng 1 cao 0,80m, nửa phía dưới cùng là hình vuông, xung quanh được đắp 3 hàng chỉ nổi, nửa phía trên được vát vào, làm đế cho tầng 2. Hoa văn chủ yếu ở tầng này là hoa văn lá đề xen kẽ hình vân mây, dây hoa cúc và hoa đồng tiền.
4 cạnh chân tháp được đắp 4 lá đề nổi, to, ôm gọn 4 góc, bên trong có 2 đường chỉ chìm chạy song song.
2. Tầng 2
Tầng 2 cao 0,80m, phía dưới được thắt nhỏ lại, có hai đường chỉ nổi nhô ra khỏi thân, phía trên được xoè ra giống như một đài sen để đỡ lấy tầng 3.
4 góc được đắp 4 lá đề nổi(đế rộng 8 cm,phía trên được thắt vào 2 cm, cao 20cm), to ôm gọn 4 cạnh của tầng 2. Mũi lá đề hướng lên phía trên, bên trong lá được trang trí hình vân mây và dây hoa cúc.
Thân tháp không trang trí hoa văn.
3. Tầng 3
Tầng 3 cao 1,40m chia làm hai phần đế và thân
+ Phần đế: Cao 0,40m, đế hình vuông được trang trí 2 đường hoa văn nối nhau.
Đường 1 (giáp tầng 2) hoa văn với những lá đề hình rắn cuộn tròn đầu ngóc lên hướng tới lá đề, trong lá đề được trang trí hoa văn hình đuôi công, ở dưới có đường chỉ nổi. Tiếp đến là dải hoa văn hình "tràng hạt" cách nhau bằng những dải vạch đứng, được chạy vòng quanh tháp.
Đường hoa văn 2 (tiếp giáp với đường hoa văn 1) đường này chủ yếu là hoa văn hình ''Cửa vòm'' bên trong được vạch 3 đường chỉ chìm theo hình vòm; đường hoa văn này được trang trí kép (nghĩa là có lớp trong và lớp ngoài). Đứng xa ta có cảm nhận như một đài sen đang nở.
+ Phần thân: Mang hình một chiếc lọ, có 4 cạnh, chân được thu lại đến 1/3 thì loe ra rồi lại thu vát lên hết tầng 3
Toàn bộ thân không trang trí hoa văn
(Tất cả những dải băng hoa văn được trang trí tại đây có chiều rộng là o,10m. Những dải băng cách nhau là 0,25m)
4. Tầng 4
Cao 0,70 m, ở phía dưới chân được trang trí hoàn toàn hoa văn lá đề gắn xếp làm 3 lớp. Phần trên không trang trí hoa văn, được thu nhỏ dần, vút lên nền trời.
Trong khuôn viên ở quanh khu vực xây tháp, còn lại vết tích chùa và khu vực các sư ở.
Nền chùa: Ở cách Tháp to 4m về phía Nam, có diện tích: Rộng 4m, Dài 6m. Theo tương truyền : Trước kia tại chùa này liên tục có 2 sư túc trực để làm lễ, đánh chuông và trông coi, quét dọn Tháp.
Khác với mọi nơi, chùa ở đây được làm bằng gỗ, hai mái chảy. Mái được lợp bằng gianh.
Khu vực nhà của các Sư ở có diện tích khoảng 300m2: Khu vực này cách Tháp khoảng 200m về phía Bắc. Tại đây trước kia có một ngôi nhà sàn được làm bằng gỗ. Hằng ngày tại đây có 10 sư ở để thay phiên nhau lên trực trên chùa.
Hiện nay, di tích còn lại một tháp to (tháp mẹ) và một tháp nhỏ (tháp con).
Bên cạnh tháp to, còn có pho tượng “chư thần” ngay dưới chân tháp đã bị vỡ hết (hiện chỉ còn bệ tượng)
Qua khảo sát bước đầu đã phát hiện ra hiện vật khảo cổ học nằm ở phía đông (trước mặt tháp) cách khoảng 40m. Đó là một chiếc “cuốc đá” (“lưỡi mài đá”)
Tình trạng hiện vật còn lại ½, từ phần thân đến lưỡi đã bị mất, lưng và hai cạnh của cuốc đã được mài, còn lại độ dài là 21cm, rộng phần lưỡi là 15cm.
Hiện vật có niên đại cách ngày nay khoảng 4000 năm
7. Sơ đồ phân bố di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích
Hiện di tích không còn hiện vật gì.
8. Giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học thẩm mỹ của di tích
Tháp Mường Bám là một công trình kiến trúc mang đậm yếu tố Phật giáo phái Tiểu Thừa, do đồng bào dân tộc Lào cư trú tại địa phương xây dựng lên. Với loại hình điêu khắc trên kiến trúc, với những đường nét hoa văn trang trí và bố cục xây dựng quần thể kiến trúc Tháp, có thể thấy dấu tích kiến trúc nghệ thuật thế kỷ XIX của một tòa tháp được xây dựng từ khoảng thế kỷ XVI.
Theo ý kiến nhận xét của Giáo sư Sử học Lê Văn Lan: "Đồng bào Lào trong cộng đồng cư dân các dân tộc Việt Nam ở Tây Bắc, ở Sơn La, Thuận Châu và ở ngay xã Mường Bám, từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19 và cho đến tận bây giờ, đã đóng góp cho sự phát triển của lịch sử - văn hóa của đất nước và dân tộc Việt Nam công cuộc xây dựng, vận hành, và bảo tồn công trình tháp cổ Mường Bám, rất đặc sắc trên cả hai phương diện sau đây:
- Làm nên một đặc sắc của sự giao thoa văn hóa Việt Lào – biểu hiện và cơ sở của mối quan hệ đặc biệt Việt Lào trong lịch sử trên đất Tây Bắc và Sơn La.
- Cũng là nét đặc sắc của sự làm giàu nền văn hóa Phật giáo ở Việt Nam, khi đem cộng những kiến trúc Phật giáo Tiểu thừa ( có nguồn gốc Ấn Độ, nhưng đến từ phía Tây, bằng đường bộ) này, với những kiến trúc chùa tháp Đại thừa (đến từ phía Đông bằng đường biển)."
Cùng với hệ thống, các Chùa và Tháp ở khu vực Tây Bắc như: Tháp Mường Luân, tháp Chiềng Sơ (Điện Biên Đông), Tháp Mường Và (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) Chùa Chiền Viện (Chùa Vặt Hồng- huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn la) Tháp Mường Bám (huyện Thuận Châu- Tỉnh Sơn La) là một kiến trúc Chùa, Tháp Phật Giáo đặc sắc thuộc phái Tiểu thừa.
Cùng với việc nghiên cứu tháp cổ Mường Bám, chúng ta có khả năng khảo sát, nghiên cứu và khai quật khảo cổ học thời sơ sử tại khu vực này
9- Thực trạng bảo vệ và phát huy giá trị di tích
Trải qua dòng chảy của thời gian, do ảnh hưởng của khí hậu và sự tác động của con người tháp Mường Bám đã và đang xuống cấp nghiêm trọng. Hiện nay di tích không còn nguyên vẹn, ngọn tháp đã bị mất, hệ thống hoa văn còn lại rất ít. Trong số 4 Tháp con, hiện nay 3 Tháp bị phá huỷ hoàn toàn, chỉ còn lại 1 tháp con. Tháp còn lại bị nghiêng, nứt nẻ, vữa trát và hoa văn bị bong tróc nhiều. Trang trí ở các tầng Tháp bị bong , tróc.
Gần khu vực Tháp, một số người dân lấn chiếm đất làm nhà ở, làm vườn gần Tháp
Từ năm 1960, tại Tháp không diễn ra các hoạt động tế, lễ như trước đây. Do vậy Tháp và những hạng mục công trình liên quan không được bảo vệ, đang trong tình trạng xuống cấp và hoang phế.
Hiện nay chính quyền các cấp của huyện Thuận Châu đã quan tâm chỉ đạo và phổ biến, vận động nhân dân địa phương bảo vệ di tích, tránh sự xâm hại.
UBND tỉnh Sơn La đã ban hành kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử- văn hoá, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2008-2015 và định hướng đến năm 2020 (KH số 64/KH-UBND, ngày 01/9/2008)
10. Phương hướng bảo vệ và phát huy giá trị di tích
Di tích tháp Mường Bám là một công trình kiến trúc nghệ thuật, độc đáo là tài sản văn hoá quý giá của dân tộc, với giá trị văn hoá cao, nên tháp cần được khôi phục, trùng tu, để di tích này mãi là vật chứng để chúng ta và thế hệ mai sau được nghiên cứu, được chiêm ngưỡng về một nền nghệ thuật kiến trúc đặc sắc của dân tộc.
Tháp Mường Bám là một công trình kiến trúc nghệ thuật hiếm có, còn lại tại Sơn La, và cùng với hệ thống Chùa và Tháp ở Tây Bắc, góp phần phong phú thêm vào kho tàng di sản văn hoá dân tộc, giúp các nhà khoa học nghiên cứu về tháp cổ tại Việt Nam
11. Kết luận
- Khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích
- Xây dựng bản đồ khoanh vùng qui hoạch và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích.
- Hoàn thiện hồ sơ khoa học di tích
- Báo cáo và trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích Quốc Gia.
- Xây dựng dự án tôn tạo, khai thác, phát huy giá trị của di tích.
|