Mô tả chi tiết |
1.Tên gọi: Khu căn cứ kháng chiến 99
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đây là một vùng rừng núi hiểm trở, hoang vu thuộc các xã vùng cao của huyện Bắc Yên, bao gồm: Hang Chú, Làng Chếu, Xím Vàng, Tà Xùa, Phiêng Ban, Pắc Ngà, Pắc Lừm, Hồng Ngài. Khi ấy trong tờ giấy đi đường của người dân nơi đây viết tắt là PP (PP nghĩa là Pắc Pắc, viết tắt tên 2 xã Pắc Ngà, Pắc Lừm).
Ngay sau Đại hội Chi bộ Pắc Pắc 8/2/1951 tại bản Háng Bla, xã Tà Xùa. Chi bộ cử đồng chí Hà Văn Phói-giao thông viên, người dân tộc Mường ở Mường Lang, Phù Yên mang Nghị quyết Đại hội về báo cáo với Thường vụ Huyện uỷ Phù Yên. Đến địa phận, bản Pá Chù, xã Quang Huy (Hiện nay thuộc xã Suối Tọ, huyện Phù Yên) bị địch phát hiện, bắn chết và thu hết tài liệu. Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn trong công tác lãnh đạo kháng chiến Chi bộ Pắc Pắc quyết định đổi tên từ Pắc Pắc thành 99 (Nghĩa là PP viết ngược) .
2. Địa điểm và đường đi đến di tích.
Di tích lịch sử khu căn cứ kháng chiến 99 bao gồm nhiều điểm liên quan thuộc địa bàn các xã vùng cao của huyện Bắc Yên bao gồm cả Khu đầu cầu Suối Sập: Hang Chú, Xím Vàng, Làng Chếu, Tà Sùa, Pắc Ngà, Phiêng Ban, Hồng Ngài.
Đường đi đến di tích thuận tiện bằng các phương tiện: Đi bộ, ôtô, xe máy.
Khu Căn cứ kháng chiến 99 bao gồm các điểm sau:
2.1. Điểm di tích hang Thẳm Cốp (hang Vợ chồng A phủ) thuộc bản Hồng Ngài, xã Hồng Ngài:
- Từ Thành phố Sơn La theo Quốc lộ 6 xuôi về Hà Nội 40km, đến ngã ba Cò Nòi, theo quốc lộ 37 khoảng 40km đến trung tâm thị trấn Bắc Yên. Từ thị trấn Bắc Yên ngược về Sơn La 1km vào UBND xã Hồng Ngài khoảng 9km. Từ UBND xã Hồng Ngài theo con đường dân sinh đến di tích hang Thẳm Cốp khoảng 3,5km.
2.2. Các điểm còn lại:
a. Bản Mống Vàng, xã Tà Xùa:
- Từ trung tâm thị trấn Bắc Yên theo đường liên xã vùng cao khoảng 15km đến UBND xã Tà Xùa. Từ trung tâm xã đi khoảng 2km là tới bản Mống Vàng.
b. Bản Ngài Trò, xã Tà Xùa
Từ UBND xã Tà Xùa đi thêm 12km km về hướng Đông - Nam tới bản Ngài Trò. Hiện nay được phân thành 2 bản Trò A, Trò B, di tích thuộc bản Trò B.
c. Bản Háng Bla, xã Tà Xùa (hiện nay thuộc xã Háng Đồng)
Bản nằm cách trung tâm UBND xã Háng Đồng 20km về phía Tây Bắc (cách trung tâm UBND xã Tà Xùa 5 km).
d. Bản Háng B, xã Làng Chếu:
- Từ xã Tà Xùa theo theo đường liên xã 7km đến UBND xã Làng Chếu. Di tích cách trung tâm xã 400m về phía Đông - Nam.
e. Bản Hang Chú, xã Hang Chú:
- Từ xã Làng Chếu theo đường liên xã vùng cao hơn 40km tới UBND xã Hang Chú. Từ UBND xã đến di tích khoảng 1,5km.
f. Bản Cao, xã Phiêng Ban (hiện nay thuộc bản Cao Đa 2)
- Từ trung tâm thị trấn Bắc Yên theo Quốc lộ 37 ngược về Sơn La khoảng 4km đến địa bàn bản Cao Đa 2.
- Từ trung tâm thị trấn Bắc Yên theo Quốc lộ 37 đi huyện Phù Yên khoảng 3km đến UBND xã Phiêng Ban. Bản Cao Đa 2 cách trung tâm xã Phiêng Ban khoảng 7km về phía Đông - Nam.
g. Đồn Phiêng Ban, tiểu khu 3 thị trấn Bắc Yên
Đồn Phiêng Ban thuộc Tiểu khu III, trung tâm thị trấn Bắc Yên.
3. Phân loại di tích:
Di tích lịch sử
4. Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm của di tích
Bắc Yên là một huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Sơn la. Phía Bắc giáp huyện Trạm Tấu (Yên Bái), phía Đông giáp huyện Phù Yên, phía Tây giáp huyện Mai Sơn, phía Nam giáp huyện Mộc Châu, Yên Châu. Toàn huyện có 1.090,8 km2 diện tích đất tự nhiên được chia thành 1 thị trấn, 13 xã, 139 bản với 43.303 nhân khẩu. Ở Bắc Yên có 7 dân tộc anh em cùng chung sống: Dao, Mông, Kinh, Tày, Khơmú, Mường, Thái. Trong đó dân tộc Mông có 2,1 vạn người, chiếm gần 50 % dân số, sinh sống rải rác khắp địa bàn toàn huyện, nhưng tập trung chủ yếu tại các xã vùng cao như: Hang Chú, Xím Vàng, Tà Xùa, Làng Chếu...Đồng bào các dân tộc Bắc Yên tuy khác nhau về thành phần dân tộc. Nhưng ở họ có đặc điểm chung là ý chí tự lập, tự cường, cần cù chất phác trong lao động sản xuất, đoàn kết, anh dũng trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương đất nước. Từ xa xưa, trong lịch sử dựng nước, đồng bào các dân tộc Bắc Yên đã kề vai, sát cánh bên nhau tạo nên khối cộng đồng đa sắc tộc bền vững ở địa phương, đoàn kết xây dựng Bắc Yên ngày càng văn minh, giàu mạnh.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, truyền thống quý báu đó tiếp tục được vun đắp và phát huy huy một cách cao độ. Nhân dân các dân tộc Bắc Yên đã đứng lên cùng với nhân dân Sơn La, đồng bào Tây Bắc quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược, giành lại nền độc lập tự do. Chính vì thế, ngay từ buổi đầu đặt chân đánh chiếm Sơn La và đặc biệt sau Cách mạng tháng Tám 1945 thực dân Pháp đã gặp phải sự kháng cự quyết liệt của đồng bào các dân tộc nơi đây dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành chính kháng chiến, cũng như các địa phương khác, dựa vào địa hình đồi núi hiểm trở, rừng rậm hoang vu khu căn cứ kháng chiến 99 được thành lập. Phương thức hoạt động chủ yếu của khu căn cứ là vận động tuyên truyền những cá nhân, hộ gia đình tốt làm cơ sở để thu tập thông tin, vận động nhân dân đấu tranh chống bắt phu, bắt lính. Xây dựng các lũng, lán bí mật để cất giấu lương thực, tránh địch càn quét và nuôi giấu cán bộ. Tại các bản hình thành lực lượng tự vệ bán vũ trang để phối hợp với các đội công tác vũ trang bảo vệ dân, chống càn... Tiêu biểu là Đội vũ trang tuyên truyền Pắc Pắc (gọi tắt là Đội công tác Khu 99), thành lập cuối tháng 5/1950. Đội gồm có 10 đồng chí được chọn từ cán bộ du kích cốt cán ở địa phương trong các xã, bản do đồng chí Cầm Ngoan làm đội trưởng, dưới sự chỉ huy của Tỉnh đội Sơn La.
4.1. Quá trình thay đổi địa giới hành chính và sự thành lập huyện Bắc Yên
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, huyện Phù Yên bao gồm các xã: Quang Huy, Tân Phong, Tường Phong, Tường Phù, Gia Phù (Các xã hiện nay của huyện Bắc Yên như: Song Pe, Chim Vàn, Pắc Ngà, Phiêng Ban, Hồng Ngài, Hang Chú, Xím Vàng, Tà Xùa, Làng Chếu thuộc hai xã Tường Phù, Gia Phù)
Tháng 10 năm 1952, tỉnh Sơn La chỉ đạo thành lập một số xã mới: Ngũ Lão, Quyết Thắng và Quang Vinh (Khu đầu cầu Suối Sập và Khu 99) thuộc Phù Yên. Tháng 9 năm 1953 theo quyết định của chính phủ 3 xã này tách thành 8 xã: Phiêng Ban, Song Pe, Chim Vàn, Xím Vàng, Tà Xùa, Hang Chú, Làng Chếu, Pắc Ngà (các xã thuộc huyện Bắc Yên sau này)
Năm 1962, tỉnh Nghĩa Lộ được thành lập, huyện Phù Yên thuộc tỉnh Nghĩa Lộ.
Ngày 17 tháng 8 năm 1964 thực hiện quyết định số 128-CP của Chính Phủ, huyện Phù Yên được chia thành 2 huyện Bắc Yên và Phù Yên. Huyện Bắc Yên lúc thành lập có 8 xã: Phiêng Ban, Song Pe, Chim Vàn, Xím Vàng, Tà Xùa, Hang Chú, Làng Chếu, Pắc Ngà.
Ngày 27 tháng 12 năm 1975 theo quyết định của Chính phủ bỏ cấp Khu Tự trị trong hệ thống đơn vị hành chính, hợp nhất Yên Bái, Lào Cai, Nghĩa Lộ thành tỉnh Hoàng Liên Sơn, chuyển huyện Bắc Yên, Phù Yên thuộc tỉnh Nghĩa Lộ cũ về tỉnh Sơn La.
Ngày 16 tháng 1 năm 1979 theo quyết định 18-CP của Chính phủ, xã Phiêng Ban của huyện Bắc Yên tách thành 2 xã Phiêng Ban và Hồng Ngài.
4.2 Sự kiện lịch sử
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Nhưng dân tộc Việt Nam hưởng độc lập chưa được bao lâu thì thực dân Pháp lấy danh nghĩa quân đồng minh vào giải giáp quân Nhật để thực hiện âm mưu tái xâm lược nước ta một lần nữa.
Tháng 2 năm 1947 chúng cho quân từ Chiềng Pấc (Thuận Châu) đánh úp vào thị xã Sơn La, Mường La, Mai Sơn...Đến tháng 5 năm 1947 về cơ bản thực dân Pháp đã thiết lập xong bộ máy nguỵ quân, nguỵ quyền tại Sơn La.
Tại Bắc Yên địch xây dựng một hệ thống đồn bốt tại các địa bàn trọng yếu từ Pắc Ngà xuống Chim Vàn, Song Pe lên vùng rừng bản Muỗng, thẳng tay đàn áp, trả thù dã man những người đi theo kháng chiến. Đồng thời chúng thực hiện triệt để chính sách "chia để trị", "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh" nhằm gây mâu thuẫn dân tộc, gieo rắc tư tưởng hận thù giai cấp, hiềm khích nghi kỵ lẫn nhau trong nhân dân.
Bấy giờ các xã vùng cao hiện nay của huyện Bắc Yên (gọi tắt là khu 99) như Song Pe, Hang Chú, Tà Xùa, Làng Chếu, Pắc Ngà, Chim Vàn, Xím Vàng, Hồng Ngài (thuộc Phiêng Ban) rơi vào tình thế 4 bên đều có địch. Chúng thiết lập nhiều cứ điểm nhỏ và tổ chức các cuộc càn quét vào khu căn cứ kháng chiến 99 với âm mưu đàn áp, khủng bố, tiêu diệt lực lượng kháng chiến của nhân dân ta trên địa bàn.
Trước tình hình đó, để bảo vệ thành quả cách mạng và đối phó với âm mưu tái xâm lược của kẻ thù. Trung ương Đảng, Chính phủ chủ trương tăng cường phát triển lực lượng vũ trang cho các chiến trường. Từ đó quyết định thành lập các chiến khu để tổ chức lãnh đạo và chỉ huy chiến đấu. Sơn La thuộc Chiến khu II.
Tại Sơn La, ngày 7 tháng 2 năm 1947 Tỉnh uỷ lâm thời đã triệu tập cuộc họp có sự tham gia của đại diện Chiến khu II, nhận định tình hình và đề ra nhiệm vụ trong thời gian trước mắt. Nhằm hỗ trợ cho các khu căn cứ, Trung đoàn Sơn La (mang phân hiệu Trung đoàn 148) thành lập vào ngày 22/12/1945 với số quân ban đầu là 600 người, được điều về giữ các điểm xung yếu bố trí theo kiểu chân kiềng: Yên Châu-Mộc Châu-Phù Yên. Trên địa bàn Bắc Yên có 2 Tiểu đoàn trực thuộc Trung đoàn 148: Tiểu đoàn Kim Anh đóng quân tại Phiêng Ban, phối hợp với Tiểu đoàn Sắt phối hợp vừa chặn đánh địch, vừa rút lui từ Tạ Bú xuống, tập trung lực lượng tại Phù Yên. Một tuyến phòng thủ chặn địch được thiết lập, kéo dài từ Mộc Châu đến Phù Yên. Các xã Tạ Khoa, Phiêng Ban là những điểm mẫu chốt trong tuyến phòng thủ này.
Tháng 3 năm 1947 quân Pháp theo đường 41 cũ (Quốc lộ 6 ngày nay) đánh vào Tạ Khoa dọc sông Đà, từ Pắc Ngà xuống Chim Vàn, Song Pe, Phiêng Ban. Trước sức tấn công ồ ạt của quân địch, Tiểu đoàn Kim Anh buộc phải rút khỏi Song Pe, Phiêng Ban lên vùng bản Muỗng để củng cố lực lượng. Đến cuối tháng 4 năm 1947 quân Pháp tiếp tục mở rộng địa bàn kiểm soát, chiếm đóng các vị trí còn lại của Bắc Yên, Phù Yên.
Đối với chính quyền địa phương:
Thực hiện chủ trương của Trung ương và Tỉnh uỷ lâm thời Sơn La về việc tổ chức các đội vũ trang đưa vào hoạt động ở vùng địch hậu, đồng thời phân công cán bộ hoạt động bí mật để xây dựng cơ sở kháng chiến lâu dài. Đồng chí Nguyễn Tuấn Hạnh - Thường vụ huyện uỷ Yên Châu được phân công làm Bí thư Châu uỷ và Châu bộ Việt Minh Phù Yên, các đồng chí Trần Duy Nhạc, Cầm Ngoan được phân công phụ trách tổ công tác bí mật ở xã Tường Phù. Trong công tác chuẩn bị xây dựng cơ sở, tập trung vào một số khâu như tích trữ lương thực, thực phẩm đề phòng địch khống chế không tiếp tế được. Chọn địa điểm liên lạc bí mật an toàn trong các xã, đảm bảo sự liên lạc giữa các xã với Châu. Xây dựng cơ sở quần chúng kiên trung, cất giữ lương thực, nhu yếu phẩm, nuôi giấu cán bộ hoạt động bí mật. Đến tháng 7 năm 1947 ở Bắc Yên đã xây dựng được một số cơ sở kháng chiến vững chắc tại địa bàn rừng núi, vùng cao. Phục hồi nhanh chóng các cơ sở kháng chiến tại Đá Đỏ, tả ngạn sông Đà, bản Chanh, bản Nguồn....Trong đó Khu 99 được xây dựng thành một khu căn cứ vững chắc, phục vụ cho công cuộc kháng chiến lâu dài.
Với địa thế chiến lược hết sức quan trọng, đáp ứng được những yêu cầu của việc xây dựng căn cứ địa "Tiến có thể đánh, lui có thể giữ". Khu căn cứ kháng chiến 99 đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, là đầu não lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức hoạt động kháng chiến ở khu vực này. Như: Tổ chức các đội vũ trang đưa vào hoạt động tại vùng địch hậu. Cử cán bộ bám sát nhân dân để xây dựng cơ sở kháng chiến lâu dài. Đồng thời tích cực tích trữ lương thực, thực phẩm, xây dựng lũng lán bí mật, lựa chọn các địa điểm liên lạc nhằm đảm bảo liên lạc thông suốt trong khu căn cứ và với các khu căn cứ trong tỉnh. Ngoài ra khu căn cứ 99 còn là con đường bộ độc đạo nối liền các khu căn cứ kháng chiến tại Sơn La, Lai Châu, Nghĩa Lộ, Yên Bái, Phú Thọ. Đến tháng 7/1947 Khu căn cứ kháng chiến 99 đã phục hồi về cơ bản các cơ sở kháng chiến tại Đá Đỏ, tả ngạn Sông Đà...
Về phía địch:
Trong những năm 1947-1948 chúng tập trung tuyển mộ nhiều do thám, tìm mọi cách chia rẽ giữa đồng bào các dân tộc với cán bộ Việt Minh. Đồng thời địch cho xây dựng lần lượt các đồn bốt tại nhiều cứ điểm quan trọng. Đầu tiên là đồn Phiêng Ban, tiếp đến là đồn Pe (xã Song Pe), đồn Đung Cang (xã Chim Vàn), Đồn Hang Chú (đồn Haluvan, xã Hang Chú), đồn Tạ Khoa (xã Tạ Khoa), đồn Co Phách (Chiềng Sại)...Trong đó các đồn như Đung Cang, Co Phách chúng xây dựng tạm bợ, đóng quân một thời gian ngắn. Vật liệu chủ yếu là tre, nứa, mái lợp gianh, bờ tường bằng đất, đá xếp chồng lên nhau, xung quanh có thành, hào. Số lượng địch đóng tại các đồn này phổ biến khoảng 1 Trung đội. Các đồn còn lại như đồn Phiêng Ban, Hang Chú, đồn Pe do nằm tại các vị trí then chốt, nên được chúng cho xây dựng kiên cố, tập trung nhiều quân lính, số quân địch đóng chốt tại đây có hẳn một đại đội. Việc xây dựng các đồn trải khắp các xã vùng cao nhằm mục đích kiểm soát địa bàn hoạt động và khống chế các cuộc đấu tranh của ta, vơ vét, cướp bóc tài sản của nhân dân.
Ngoài ra để phá vỡ các cơ sở bí mật của ta, chúng đã thành lập một loạt toán Phỉ ở các xã vùng cao. Giai đoạn 1947-1948, các xã Hang Chú, Xím Vàng là những địa phương có phong trào đấu tranh của nhân dân diễn ra mạnh mẽ. Bởi vậy thực dân Pháp xây dựng lực lượng quân Phỉ lớn nhất tập trung tại đây với hơn 80 tên do Lầu A Phử người Mông cầm đầu. Lực lượng này được sử dụng và hoạt động tại các vùng tự do và khu tranh đấu để dò xét tình hình, dẫn đường cho địch đánh úp vào các khu căn cứ của ta, giết hại nhân dân, uy hiếp lực lượng kháng chiến.
Cuối tháng 2 năm 1948 Khu uỷ Tây Bắc đã điều 36 chiến sỹ Trung đội 88 (thuộc Trung đoàn 148) do đồng chí Phạm Ngũ Lão làm đội trưởng, tăng cường cho Phù Yên. Tại Tường Phù đội đã tổ chức hướng dẫn lực lượng du kích địa phương phục kích chặn đánh tiêu hao sinh lực địch, thu vũ khí. Tháng 7 năm 1948 sau trận đánh đồn Phiêng Ban đội vũ trang tuyên truyền 88 được tăng cường cho tổ du kích ở các xã, bản khu căn cứ 99. Được sự chỉ đạo kịp thời của tỉnh uỷ và huyện Phù Yên, Yên Châu phong trào đấu tranh du kích tiếp tục được khôi phục và phát triển. Tiêu biểu là các đội du kích Tà Sại, Tạ Khoa. Các đội du kích này đã chủ động phối hợp với bộ đội chủ lực và nhân dân địa phương tổ chức phục kích đánh địch trên các địa bàn từ Mường Lựm ra Lái Ngài đến Mường Khoa...kết quả là đã góp phần chống địch càn quét, bảo vệ và sơ tán dân, bảo vệ khu căn cứ, nuôi giấu cán bộ.
Trước tình hình đó, thực dân Pháp ra sức củng cố nguỵ quân, nguỵ quyền, lập "Xứ Thái tự trị", chiếm được tới đâu, chúng thực hiện âm mưu "Tát nước bắt cá" dồn dân các bản lên sống tập trung xung quanh các đồn binh, lập vành đai trắng. Trong các vùng chiếm đóng, chúng ráo riết bắt lính bổ sung cho lực lượng nguỵ quân, bắt phu vận chuyển vũ khí, đạn dược... chúng gây ra nhiều tội ác đẫm máu với đồng bào các dân tộc Bắc Yên như bắt người vô cớ, hãm hiếp phụ nữ, giết trâu bò, tra tấn, giết hại những người đi theo cách mạng.
Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh uỷ Sơn La, cuối tháng 5 năm 1950 tại bản Píp, Mường Bang, Phù Yên, Huyện uỷ họp kiểm điểm về chiến dịch phá tề, đánh giá chiến dịch đạt kết quả tốt và quyết định thành lập Đội vũ trang tuyên truyền Pắc Pắc (gọi tắt là Đội công tác Khu 99). Đội gồm có 10 đồng chí được chọn từ cán bộ du kích địa phương trong các xã, bản do đồng chí Cầm Ngoan làm đội trưởng. Đội có nhiệm vụ gây dựng cơ sở cách mạng và hướng dẫn, tổ chức cho nhân dân đấu tranh du kích tại địa bàn vùng cao Tường, Gia Phù. Đồng thời bắt liên lạc với Ban cán sự huyện uỷ Mường La đích đến là vùng Pắc Ngà, Pắc Lừm với mật danh là “PP” viết ngược là 99. Đội Pắc Pắc tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đơn giản, linh hoạt, trà trộn vào dân, di chuyển nhanh chóng, có thể tập trung, phân tán dễ dàng. Hình thức tác chiến kết hợp giữa tuyên truyền, vận động nhân dân với chiến tranh du kích mọi lúc, mọi nơi. Nhằm tiêu hao sinh lực địch, bảo vệ dân, làm áp lực cho hoạt động chính trị.
Ngay sau khi thành lập, tháng 6/1950 Đội vũ trang tuyên truyền Pắc Pắc đã xuất phát từ bản Thải lên Suối Ngang, Pà Chò, Làng Sáng qua Trạm Tấu (Yên Bái), trong đó Xím Vàng, Hang Chú, Phiêng Ban là địa bàn hoạt động chính để gây dựng cơ sở. Đội vũ trang đã nắm chắc địa bàn hoạt động, tuyên truyền vận động đồng bào Mông, Thái đoàn kết chống thực dân Pháp. Đặc biệt với cách vận động khéo léo và hiệu quả, nhiều Phìa, Tạo, Thống lý đã được giác ngộ, ngả theo cách mạng. Trong đó phải kể đến như Thống lý Mùa Chống Lầu ở Hang Chú, Tạo Mơ, Tạo Mong ở Song Pe...Các Tạo, Phìa này đã tích cực ủng hộ kháng chiến, giúp đỡ cán bộ, nắm bắt tình hình địch tại địa bàn. Phối hợp với các Tạo, Phìa, Thống lý ủng hộ và theo kháng chiến, đội du kích 99 đã vận động và tận dụng tối đa sự ủng hộ quần chúng, nhanh chóng xây dựng khu căn cứ kháng chiến rộng lớn từ Chim Vàn lên Pắc Ngà, từ Tà Xùa đến Hang Chú bắt liên lạc với Ban cán sự Mường La và Tỉnh uỷ. Ngoài ra Đội du kích 99 còn tạo điều kiện giúp tổ cán bộ từ hậu địch của huyện Văn Chấn ở Trạm Tấu theo đường của đội vũ trang 99 về Yên Bái an toàn. Do vậy khu 99 tuy nằm trong vùng kiểm soát của địch nhưng đồng bào đã đấu tranh theo sự chỉ đạo của ta, trở thành cơ sở kháng chiến ngay trong lòng địch. Các đội vũ trang chính quy, vũ trang bán chính chính quy đã cùng nhân dân trong khu căn cứ thường xuyên tổ chức đánh du kích, tấn công các đồn lẻ gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Đồng thời phục kích chống càn, chống khủng bố, bảo vệ và cải thiện đời sống nhân dân trong khu căn cứ vì vậy khu căn cứ 99 ngày càng được mở rộng, thu hẹp dần phạm vi kiểm soát của địch. Cuối năm 1950, Tỉnh uỷ Sơn La cử đồng chí Đinh Văn Tôn đang làm công tác dân vận, gây dựng cơ sở bí mật từ Mai Thuận (Mai Sơn, Thuận Châu) xuống phụ trách Khu 99 thay đồng chí Cầm Ngoan để tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng, bắt liên lạc với các đội du kích Tà Sại, Chiềng Khoa và "Đội Chiến Thắng" của đồng chí Vũ Ngọc Thành tại Mường La. Nối thông các cơ sở của các đồng chí Chi Mai, Thanh Giang tạo thành đường dây liên lạc về tỉnh ở Mộc Hạ sang Thu Cúc, Xuân Đài (Phú Thọ).
Trước sự lớn mạnh của phong trào kháng chiến ở Sơn La, hòng bình định lại Sơn La. Trong thời gian cuối năm 1950 đầu 1951 thực dân Pháp tập trung lực lượng mở nhiều cuộc hành quân càn quét, chiếm đóng, khủng bố ác liệt các khu căn cứ của ta. Tại Bắc Yên chúng tăng cường lực lượng các điểm thuộc Khu 99 trong đó có những điểm chúng càn đi, quét lại, thực hiện chính sách phá sạch, đốt sạch các lũng, lán là nơi cất giấu thóc gạo, đồ dùng của nhân dân. Tháng 7 năm 1950 chúng tấn công sang Đá Đỏ, bản Ngâm dồn dân tập trung lập vành đai trắng. Tháng 12 năm 1950 lực lượng lính nguỵ có sỹ quan Pháp chỉ huy đánh lên Pắc Ngà. Đặc biệt sau chiến dịch Lý Thường Kiệt của ta tại Mường La (1951). Thực dân Pháp và tay sai đã thẳng tay tàn sát, trả thù dã man những gia đình, cơ sở nuôi giấu cán bộ, hoặc có người đi theo kháng chiến. Trước tình hình đó, để bảo toàn lực lượng, tránh sự lục soát của quân địch, các cơ quan đoàn thể, chính quyền huyện Mường La quyết định di chuyển sang tạm trú tại bản Pá Đông, xã Hang Chú. Với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, cán bộ, nhân dân trong khu 99 đã vận động bà con nhân dân ủng hộ trâu, bò, lợn gà, và hàng chục tấn gạo để nuôi giấu cán bộ chiến sỹ khu căn cứ kháng chiến Mường La trong thời gian 4 tháng. Đây là một thành tích cực kỳ quan trọng, góp phần giữ vững, củng cố phát triển lực lượng của ta. Thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc ở các khu căn cứ trong tỉnh cùng đánh đuổi kẻ thù chung.
Song song với việc xây dựng cơ sở kháng chiến, lực lượng chiến đấu thì công tác phát triển Đảng là nhiệm vụ xuyên suốt, quyết định đến mọi thắng lợi của phong trào cách mạng ở khu căn cứ. Mặc dù là địa bàn phức tạp khó khăn, dân trí thấp lại bị chiếm đóng, đánh phá ác liệt. Từ năm 1947- 1950 lần lượt các chi bộ đảng ra đời như: Chi bộ Tường Phù, Gia Phù, Mường Khoa, số lượng đảng viên của các chi bộ này không ngừng gia tăng. Ngày 8/2/1951, tại bản Háng Bla, xã Tà Xùa, Chi bộ Pắc Pắc được thành lập gồm có 4 đảng viên: Đinh Văn Tôn, Đinh Văn Ong, Đinh Văn Mát, Đinh Văn Cương, do đồng chí Đinh Văn Tôn làm Bí thư. Nhiệm vụ hàng đầu của Chi bộ lúc này là tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, giúp đỡ bộ đội, cán bộ Việt Minh hoạt động tại địa bàn để gây dựng cơ sở bí mật. Đầu năm 1951 các Chi bộ vừa lãnh đạo nhân dân chống càn, vừa tiến hành đại hội, chuẩn bị cho đại hội lần thứ nhất Đảng bộ huyện. Ngày 20/2/1951 Đại hội lần 1 của Đảng bộ huyện Phù Yên tổ chức tại bản Píp, Mường Bang. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ huyện gồm 6 đồng chí do đồng chí Phạm Quốc Lương làm Bí thư, đồng chí Cầm Ngoan-Người đảng viên trung kiên của Khu kháng chiến 99 được bầu vào Ban thường vụ Huyện uỷ. Đánh dấu một bước phát triển mới của phong trào đấu tranh cách mạng trong toàn huyện nói chung và tại địa bàn vùng cao Bắc Yên nói riêng.
Tháng 9-1952 Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Tây Bắc. Khu uỷ Tây Bắc triển khai công tác chuẩn bị chiến dịch và động viên toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân vùng tự do, vùng tạm chiếm, huy động mọi khả năng, nhân lực, vật lực phục vụ cho chiến dịch. Theo chủ trương của Khu và tỉnh tiếp tục củng cố và phát triển các khu căn cứ đã có, xây dựng cơ sở kháng chiến nối liền từ Vạn Yên vào Quang Huy, từ bản Chanh lên bản Pe, từ bản Pe vào Phiêng Ban, cơ sở phát triển rộng rãi ở khu 99 và vùng đồng bằng của Phù Yên.
Đặc biệt tại khu 99, chi bộ Pắc Pắc đã vận động quần chúng khắp các bản tham gia tích cực vào việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược cho chiến trường, theo dõi và cung cấp tình hình địch ở các đồn bản Trai, Vạn Yên, đưa đường cho bộ đội quân báo vào vùng địch hậu... Trước tình hình đó, thực dân Pháp và tay sai ráo riết, tổ chức nhiều trận càn quét, gây tội ác, hòng uy hiếp tinh thần đấu tranh của nhân dân ta khắp địa bàn các xã, bản trong toàn huyện. Đặc biệt chúng tăng cường lực lượng chiếm đóng, càn quét tại các địa phương có phong trào đấu tranh mạnh mẽ, tích cực ủng hộ kháng chiến như Tà Xùa, Làng Chếu, Hang Chú, Phiêng Ban... Đầu tháng 10/1952 một số binh lính tay sai dưới sự chỉ huy của một tên sỹ quan Pháp đã bất ngờ đột nhập càn quét, bắn giết, bắt bớ, cướp bóc tài sản nhân dân tại bản Mống Vàng, xã Tà Xùa. Lúc đó, đồng chí Đinh Văn Tôn-cán bộ phụ trách khu 99 đang vận động bà con bản Mống Vàng tích cực tham gia, ủng hộ sức người, sức của cho chiến dịch Tây Bắc. Nhờ sự giúp đỡ của ông Lềnh-một người dân trong bản Mống Vàng, nên đồng chí đã kịp thời thoát khỏi sự vây bắt của địch. 5 ngày sau tại bản Cao thuộc xã Phiêng Ban, trong lúc đồng chí Đinh Văn Tôn và đồng chí Trần Hạnh-Thường vụ Huyện uỷ Yên Châu đang họp bàn tại nhà ông Úa, hướng dẫn nhân dân cất dấu lương thực, vũ khí, tìm cách đối phó khi địch càn quét thì một toán địch có sự chỉ điểm của bọn tay sai bất ngờ kéo đến gây tội ác. Chúng thẳng tay vơ vét, cướp bóc tài sản, đốt phá nhà cửa của nhân dân...Nhưng trước đó nhờ một số người dân trong bản phát hiện và kịp thời báo tin nên hai đồng chí đã nhanh chóng vào rừng trú ẩn an toàn.
Trong thời gian chuẩn bị chiến dịch Tây Bắc năm 1952, tại Hồng Ngài đã diễn ra một sự kiện hết sức quan trọng. Đại đội quân báo của Bộ Tổng tham mưu do đồng chí Việt - Đại đội trưởng chỉ huy, trên đường hành quân từ Tường Phù qua Đung Cang đã dừng lại tại đây trong hai ngày để chuẩn bị lương thực và tìm cách vượt sông Đà. Dựa vào địa hình hiểm trở, được bao bọc xung quanh bởi các dãy núi và rừng cây nguyên sinh rậm rạp. Đại đội đã tạm trú tại hang Thẳm Cốp (hang vợ chồng Aphủ) thuộc bản Hồng Ngài, cách đồn Phiêng Ban hơn 1giờ đi đường rừng. Tại đây, chính quyền địa phương đã vận động bà con tích cực ủng hộ lương thực, thực phẩm, bí mật nuôi giấu Đại đội trong hai ngày với hơn 200kg gạo, 1 con lợn, 50kg rau củ quả.
Chiến dịch Tây Bắc mở màn ngày 14/10/1952. Tại Bắc Yên chiến dịch bắt đầu bằng cuộc tấn công đồn Bản Trai (Gia Phù), Tiểu đoàn 439 (Trung đoàn 83) với sự tham gia tích cực của nhân dân địa phương đã phối hợp diệt đồn, bắt sống một Trung đội địch, thu toàn bộ vũ khí. Tại Khu căn cứ 99, sau khi nhận được lệnh phát động chiến dịch của Bộ Chính trị, du kích địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực tổ chức phục kích, chặn đánh bẻ gãy nhiều đợt hành quân, càn quét của địch. Các đợt phục kích này đã gây ra cho địch nhiều tổn thất nặng nề, thu được nhiều vũ khí, quân trang quân dụng. Dựa vào địa thế hiểm trở, dân cư thưa thớt, thuận lợi cho việc tổ chức các trận đánh du kích nhỏ lẻ với hình thức đánh phủ đầu chớp nhoáng, rút lui an toàn. Từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11/1952 được sự ủng hộ của nhân dân địa phương, đội du kích khu 99 liên tiếp tổ chức 3 trận đánh lớn tại địa bàn các xã Tà Xùa, Làng Chếu, Hang Chú. Đây là những địa phương tích cực ủng hộ kháng chiến, nuôi giấu cán bộ...Chính vì vậy thực dân Pháp và tay sai thường xuyên tổ chức càn quét, gây tội ác hòng uy hiếp tinh thần đấu tranh của nhân dân.
Trận đánh thứ nhất:
Xảy ra tại bản Ngài Trò (xã Tà Xùa hiện nay). Được sự giúp đỡ của bà con địa phương, đội du kích 99 với trang bị vũ khí thô sơ đã bất ngờ chặn đánh một Trung đội địch đang đi càn quét, cướp bóc, vơ vét của cải nhân dân. Kết quả đã thu 3 khẩu Tiểu liên, bắt sống 2 tên và tiêu diệt 1 tên.
Trận đánh thứ hai:
Xảy ra tại bản Háng B, xã Làng Chếu. Sau khi nhân dân địa phương báo tin có một toán địch đang gây tội ác ngay tại địa bàn. Đội du kích 99 đã nhanh chóng bí mật chọn địa điểm phục kích tại khu rừng nơi có con đường chính vào bản. Lợi dụng lúc địch sơ hở, mải cướp phá, đội du kích bất ngờ nổ súng tấn công làm cho chúng tháo chạy toán loạn. Kết quả thu 1 khẩu tiểu liên, bắn chết 1 tên.
Trận đánh thứ 3
Xảy ra tại bản Hang Chú, xã Hang Chú. Dựa vào các sườn đồi, địa hình hiểm trở, vào một đêm tối trời, Đội du kích 99 được sự hỗ trợ của nhân dân địa phương đã bí mật tấn công vào đồn Hang Chú (đồn Haluvan). Kết quả thu 1 súng trường, bắn chết 1 tên.
Những trận đánh trên của đội du kích khu căn cứ kháng chiến 99 đã góp phần tiêu hao sinh lực địch, thu chiến lợi phẩm, cổ vũ tinh thần kháng chiến của nhân dân, làm cho kẻ địch vô cùng hoang mang, dao động, buộc chúng phải rút quân ở một số đồn lẻ, không dám mở các cuộc càn quét lớn.
Sau khi tiêu diệt tiếp đồn bản Mo-cứ điểm mạnh của địch, các đội du kích và nhân dân địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực thuộc Trung đoàn 98 tiếp tục bao vây, gây áp lực và đêm 18 rạng ngày 19/10/1952 quân địch đóng tại các đồn Phiêng Ban, Song Pe phải tháo chạy sang hữu ngạn sông Đà, cố thủ tại Tạ Khoa. Trên đường tháo chạy bị quân ta truy kích làm cho chúng toán loạn, một số khác phải ra hàng, hai chiếc thuyền bị quân ta bắn chìm.
Đầu tháng 11/1952 bộ đội chủ lực phối hợp dân quân du kích đã bẻ gãy múi tấn công của địch từ Tạ Khoa đánh sang bản Chanh (Song Pe) và buộc chúng phải rút lui khỏi Tạ Khoa giữ vững vùng tả ngạn sông Đà.
Quân và dân khu căn cứ kháng chiến 99 đã góp phần tích cực vào thắng lợi chung của chiến dịch Tây Bắc. Bắc Yên hoàn toàn giải phóng.
Như vậy sau 6 năm trực tiếp chiến đấu kiên cường, anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược và bọn tay sai, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc huyện Bắc Yên nói chung và khu căn cứ 99 nói riêng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Tiếp tục tham gia và có những đóng góp to lớn vào công tác tiễu phỉ ở địa phương, chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, giải phòng hoàn toàn miền Bắc.
Chiến dịch Tây Bắc kết thúc thắng lợi đã mở ra một thời kỳ mới cho nhân dân các dân tộc Bắc Yên.
Sau khi được giải phóng đồng bào còn phải đối diện nhiều khó khăn về kinh tế, văn hoá xã hội, dịch bệnh hoành hành...Bên cạnh đó bọn thổ phỉ, phản động được thực dân Pháp cài cắm nhằm chống phá phong trào cách mạng đã tiến hành nhiều hoạt động phá hoại, gây mất ổn định ở nhiều nơi. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Uỷ ban hành chính các cấp, nhân dân các dân tộc trong khu từng bước khắc phục mọi khó khăn, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Chính lòng tin và sự quyết tâm là nguồn lực to lớn để các dân tộc Bắc Yên vững bước đi lên.
Sau ngày giải phóng, thực hiện nghị quyết của Uỷ ban hành chính kháng chiến tỉnh Sơn La, khu đầu cầu Suối Sập và Khu 99 của hai xã Gia Phù, Tường Phù được tách thành 3 xã: Ngũ Lão, Quyết Thắng và Quang Vinh. Tháng 9/1953 theo quyết định của Chính phủ, 3 xã này tiếp tục tách thành 8 xã: Phiêng Ban, Song Pe, Chim Vàn, Pắc Ngà, Xím Vàng, Hang Chú, Tà Xùa và Làng Chếu. Việc thành lập các xã mới làm cho sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương được tăng cường, chủ trương, chính sách của Đảng, tỉnh Sơn La được nhanh chóng quán triệt đến đồng bào các dân tộc. Đồng bào vững tin hơn khi thấy chính quyền ở gần, quan tâm, chăm lo đến đời sống cho nhân dân. Các xã mới thành lập đều thành lập các tổ chức quần chúng, cử ra Uỷ ban hành chính kháng chiến lâm thời để tiện điều hành công việc. Tập trung vào công tác khôi phục, phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, giáo dục chính trị tư tưởng, vận động nhân dân tham gia đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm, thực hiện chính sách thuế nông nghiệp đóng góp cho Nhà nước.
Song song với việc thiết lập bộ máy chính quyền, đẩy mạnh phát triển toàn diện về mọi mặt. Việc củng cố, xây dựng lực lượng du kích tiếp tục được chính quyền mới quan tâm. Khắp nơi nhiều tiểu đội, trung đội tự vệ được thành lập đóng tại các bản. Lực lượng vũ trang được xây dựng đã cùng bộ đội chủ lực và nhân dân chặn đánh các cuộc đột kích của địch giữ vững nền độc lập tự chủ.
Chiến công lớn của quân dân Bắc Yên thời kỳ này là phối hợp với bộ đội tiểu phỉ thắng lợi. Đập tan âm mưu của thực dân Pháp, tay sai nhằm chuẩn bị nội ứng hòng chiếm lại các vùng giải phóng của ta. Sau giải phóng, thực dân Pháp sử dụng một lực lượng Phỉ thường xuyên quấy phá ở nhiều nơi. Tại các xã vùng cao khu 99 như Hang Chú, Làng Chếu, Xím Vàng, quân phỉ do bố con nhà thống lý Nậm Khắt Giàng Páo Của chỉ huy từ Nậm Khắt chiếm Ngọc Chiến (Mường La) tràn vào. Bọn phỉ ở đây đã phát triển khá nhanh từ 44 tên cuối 1953 đã lên 1.000 tên vào đầu năm 1954. Tại khu vực chiếm đóng, bọn phỉ đã gây ra nhiều tội ác như cướp của, bắt bớ, giết hại nhiều người dân vô tội. Trước nạn phỉ hoành hành dữ dội, Khu uỷ Tây bắc thành lập một ban tiễu phỉ gồm bộ đội chủ lực khu, Tiểu đoàn 76 phối hợp với nhân dân các xã quyết tâm loại trừ thổ phỉ.
Công tác tiểu phỉ thực hiện theo phương châm kết hợp giữa tuyên truyền vận động với cưỡng chế bằng quân sự đã thu lại nhiều kết quả tích cực: 80 tên thổ phỉ bị bắt, đầu hàng, thu lại gần 100 khẩu súng các loại (trong đó 1 khẩu tiểu liên, 1 khẩu Trung liên, 2 khẩu súng ngắn). Cùng thời gian trên toán phỉ do tên Phú cầm đầu, ngoan cố hoạt động tại xã Làng Chếu cũng bị tiêu diệt. Công tác tiễu phỉ thắng lợi đã đem lại sự ổn định về chính trị, cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Tháng 12/1953, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo chủ trương của tỉnh, cán bộ đảng viên, nhân dân khu 99 đã cùng đồng bào các dân tộc Bắc yên tích cực, hăng hái đóng góp sức người, sức của cung cấp cho chiến dịch. Kết quả đã cung cấp 157 tấn gạo, 252 con trâu, bò, 389 con lợn, đóng góp 7.740 ngày công làm đường 13A... Sự đóng góp quan trọng này của đồng bào Bắc Yên góp phần cùng nhân dân trong tỉnh, Khu Tây Bắc quét sạch bóng quân thù, giành lại nền độc lập tự chủ, đưa miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thể hiện tinh thần, khả năng cách mạng to lớn cũng như khát vọng độc lập của toàn thể nhân dân ta.
5. Khảo tả di tích
Khu căn cứ kháng chiến 99 trải rộng khắp địa bàn các xã vùng cao huyện Bắc Yên. Qua thời gian dưới tác động của con người và thiên nhiên hiện nay các đồn bốt của thực dân Pháp không còn nữa. Hoạt động của đội du kích 99 chủ yếu dựa vào dân, tổ chức các trận đánh nhỏ lẻ. Vì vậy không để lại nhiều dấu tích, phần lớn diện tích khu căn cứ hiện nay là rừng tái sinh, đất thổ cư và nương rẫy của bà con nhân dân.
Từ những sự kiện, nhân vật lịch sử liên quan đến quá trình lãnh đạo, hoạt động của Chi bộ Pắc Pắc và đội du kích 99 - Để minh chứng cụ thể cho các sự kiện diễn ra trong địa bàn di tích, tập trung vào một số địa điểm trọng tâm như sau:
Địa điểm thứ nhất: Hang Thẳm Cốp (hang vợ chồng A phủ). Thẳm Cốp theo tiếng Thái có nghĩa là hang Ếch, cửa phía Đông của hang trông giống như miệng một con Ếch đang đớp mồi.
Hang nằm trong dãy núi U Bò thuộc bản Hồng Ngài, xã Hồng Ngài. Xung quanh hang là khu rừng nguyên sinh, khí hậu thoáng đãng, mát mẻ. Trước cửa hang là nương rẫy của bà con nhân dân được bao trùm khắp 4 mùa một màu xanh hoa trái.
Hang gồm có 2 cửa nằm ở 2 phía Đông, Tây nối thông với nhau chia hang làm 3 khoang. Tổng chiều dài của hang từ Tây sang Đông khoảng 200m. Cửa phía Tây cao khoảng 2m, rộng 1,5m, lối vào hang nhỏ hẹp, hạn chế ánh sáng. Càng đi sâu lòng hang càng mở rộng, trần hang cao trung bình từ 20-40m, độ rộng trung bình 15-30m. Nền hang gồ ghề và hơi dốc, có nhiều hòn đá nằm rải rác khắp trên nền hang. Trần hang có nhiều nhũ đá khá đẹp hình các loại muông thú, rừng cây...Trong khoang thứ 2, 3 còn có nhiều ngách hẹp chạy dọc theo vách hang, sâu trung bình 10-15m, có thể chứa được 30 - 40 người. Đi hết khoang 3 là đến cửa phía Đông. Cửa hang hình bầu dục cao khoảng 50m-60m, chiều rộng khoảng 20m, ở phần giữa cửa hang phình ra với độ rộng khoảng 30m.
Đây là nơi Đại đội quân báo thuộc Bộ Tổng Tham mưu đã tạm trú hai ngày để tìm cách vượt sông Đà chuẩn bị cho chiến dịch Tây Bắc 1952. Thời gian đóng quân tại hang, Chi bộ Pắc Pắc đã vận động nhân dân địa phương tích cực đóng góp lương thực, thực phẩm nuôi dấu Đại đội đảm bảo an toàn, bí mật. Theo lời kể của các nhân chứng lịch sử, hang Thẳm Cốp nằm xa trung tâm huyện, địa hình phức tạp, rừng rậm bao quanh. Nên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược thì đây cũng là nơi đóng quân và cất giữ vũ khí của quân và dân ta.
Ngoài ra hang Thẳm Cốp đã đi vào văn học, để lại trong dân gian với một tên gọi khác là hang Vợ chồng A Phủ. Theo tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài, Mỵ và A Phủ (hai nhân vật chính trong tác phẩm) sau khi khỏi kiếp trâu ngựa trong gia đình Thống lý Pá Tra. Trên đường bỏ trốn, họ đã dừng chân trú ẩn tại đây một thời gian để tránh sự lục soát của bọn tay sai Thống lý. Tình yêu mãnh liệt đã đưa họ vượt qua gió mưa, ngọn lửa trong hang đá đã nâng bước chân hai người theo ánh sáng của Đảng đến với khu du kích Phiềng Sa tham gia phong trào cách mạng.
Cách hang Thẳm Cốp khoảng 20m về phía Nam có một hang nước. Đây là nơi Đại đội quân báo thường đến lấy nước uống và dùng cho sinh hoạt trong thời gian tạm trú ở hang Thẳm Cốp. Cửa vào hang nằm sâu dưới lòng đất khoảng 5m. Đường xuống hang dốc, nhiều tảng đá gập ghềnh, rất nguy hiểm. Hang có chiều dài khoảng 300m. Lòng hang tối, có độ rộng khoảng 7m, từ nền hang đến trần hang cao trung bình khoảng 10-12m, có chỗ chỉ cao 4-5m. Nền hang là một dòng suối chảy dọc theo hang từ Tây sang Đông. Qua điều tra, khảo sát bước đầu, ta thấy: Đây là hai hang đá tự nhiên, chưa có sự tác động của con người. Cần phải được gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị, ý nghĩa lịch sử.
Các điểm còn lại:
a. Bản Mống Vàng xã Tà Xùa
Đây là địa điểm diễn ra sự kiện quân địch càn quét gây tội ác cho nhân dân.
Bản nằm cách trung tâm UBND xã Tà Xùa 2km về phía Đông. Phía Đông giáp bản Bẹ, phía Tây giáp bản Tà Xùa A, phía Nam giáp bản Bụa B (xã Phiêng Ban), phía Bắc giáp xã Háng Đồng. Hiện nay toàn bản có 17 hộ dân sinh sống, 100% là dân tộc Kinh.
b. Bản Ngài Trò, xã Tà Xùa.
Đây là nơi đội du kích 99 tổ chức trận đánh thứ 1: Với trang bị vũ khí thô sơ Đội du kích đã bất ngờ chặn đánh một Trung đội địch đang đi càn quét, cướp bóc, vơ vét tại địa bàn
Bản Trò B nằm cách trung tâm UBND xã 12 km về phía Đông nam, Phía Tây giáp bản Bản Bẹ, phía Đông giáp bản Trò A, phía Nam giáp xã Phiêng Ban, phía Bắc giáp xã Háng Đồng. Hiện nay có 43 hộ sinh sống, 100% là dân tộc Mông.
b. Bản Háng Bla, xã Tà Xùa (hiện nay thuộc xã Háng Đồng)
Đây là nơi diễn ra Đại hội chi bộ Pắc Pắc ngày 8/2/1951. Hiện nay là khu rừng phòng hộ, đất nương, đất thổ cư của bà con nhân dân.
Bản nằm cách trung tâm UBND xã Háng Đồng 20km về phía Tây Bắc (cách trung tâm UBND xã Tà Xùa 5 km. Phía Tây giáp bản Sồng Trống-xã Xím Vàng, phía Đông giáp bản Trống Tra, phía Nam giáp bản Tà Xùa C-xã Tà Xùa , phía Bắc giáp Huyện Trạm Tấu Yên Bái. Hiện nay có 23 hộ sinh sống 100% là dân tộc Mông.
d. Bản Háng B, xã Làng Chếu
Đây là nơi đội du kích 99 phối hợp nhân dân địa phương phục kích một toán địch đang gây tội ác với bà con trong bản (trận đánh thứ 2)
Bản nằm cách trung tâm UBND xã Làng Chếu 400m về phía Đông Nam. Phía Đông giáp bản Păng Khúa, phía Tây giáp bản Suối Lộng, phía Nam giáp bản Háng C, phía Bắc giáp bản Cáo A. Hiện nay có 40 hộ sinh sống, 100% dân tộc Mông.
e. Bản Hang Chú, xã Hang Chú
Đây là địa điểm diễn ra sự kiện đội du kích 99 phối hợp với nhân dân địa phương tập kích đánh đồn Haluvan tháng 11/1952 (trận đánh thứ 3)
Bản nằm ngay trung tâm UBND xã Hang Chú. Phía Đông giáp bản Cúa Mang (xã Xím Vàng), phía Tây giáp bản Pá Đông, phía Nam giáp bản Chim Thượng (xã Chim Vàn), phía Bắc giáp huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái). Hiện nay có 83 hộ sinh sống gồm có 100% dân tộc Mông.
f. Bản Cao, xã Phiêng Ban (hiện nay thuộc bản Cao Đa 2)
Đây là nơi diễn ra sự kiện địch tổ chức càn quét, gây tội ác đẫm máu đối với nhân dân bản Cao đầu tháng 10/1952. Trong trận càn này của địch, ông Đinh Văn Tôn-Bí thư chi bộ Pắc Pắc và đồng chí Trần Hạnh-Thường vụ Huyện uỷ Phù Yên đã kịp thời chuyển di chuyển sang địa điểm khác tránh sự vây bắt của địch.
Bản nằm cách trung tâm UBND xã Phiêng Ban khoảng 7km về phía Đông Nam, phía Tây giáp bản Cải A, phía Đông giáp bản Cao Đa 1, phía Nam giáp bản Pe (xã Song Pe), phía Bắc giáp bản Păng Khúa (xã Làng Chếu). Hiện nay có 88 hộ dân thuộc 2 dân tộc Thái, Mường sinh sống.
g. Đồn Phiêng Ban, Tiểu khu III, thị trấn Bắc Yên
Trong những năm 1947-1948 chúng tập trung tuyển mộ nhiều do thám, tìm mọi cách chia rẽ giữa đồng bào các dân tộc với cán bộ Việt Minh. Đồng thời địch cho xây dựng lần lượt các đồn bốt tại nhiều cứ điểm quan trọng. Đồn Phiêng Ban là một trong những đồn được thực dân Pháp xây dựng đầu tiên.
Sau khi quân địch rút đi, chúng đã cho quân đốt, phá xóa hết tất cả các dấu vết còn lại cuae đồn. Địa điểm đó hiện nay thuộc tiểu khu III, thị trấn Bắc Yên, đằng sau Huyện ủy, HĐND -UBND huyện Bắc Yên.
Phía Tây giáp Tiểu khu 2, phía Đông giáp Bản Phiêng Ban 1; phía Nam giáp QL 37, tiểu khu 1 và tiểu khu 4; phía Bắc xã Phiêng Ban. Hiện nay có 203 hộ sinh sống
6. Các hiện vật trong di tích
Hiện nay trong di tích không có hiện vật gì; chỉ là địa điểm ghi nhớ các sự kiện lịch sử liên quan.
7. Giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, thẩm mỹ của di tích
Khu 99 là một trong những khu căn cứ kháng chiến đầu tiên trong phong trào cách mạng tại Bắc Yên thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ địa điểm này, các cơ sở cách mạng lần lượt được gây dựng tại Bắc Yên. Tạo nên thế liên hoàn giữa các địa bàn trong huyện, nối liền tận Mường La, Than Uyên thành đường dây liên lạc về tỉnh tại Mộc Hạ. Đồng thời đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho sự chỉ đạo và phát triển phong trào kháng chiến trong phạm vi khá rộng của Liên khu Việt Bắc.
Đây là một di tích có ý nghĩa lịch sử đặc biệt, đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc huyện Bắc Yên nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Sơn La. Nằm trong hệ thống các khu căn cứ cách mạng của tỉnh Sơn La, góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng quê hương đất nước.
Đặc biệt, khu 99 không những nổi tiếng là một trong những cái nôi của phong trào cách mạng tại Sơn La trong thời ký kháng chiến chống Pháp mà địa danh lịch sử này được công chúng biết đến là quê hương của Vợ chồng A phủ. Một tác phẩm văn học nổi tiếng in trong tập truyện ngắn Tây Bắc-1953 của nhà văn Tô Hoài. Đồng thời tác phẩm này đã được các nhà làm phim xây dựng thành kịch bản bộ phim cùng tên sản xuất vào năm 1969, công chiếu rộng rãi trên truyền hình.
Với ý nghĩa và giá trị lịch sử, văn học nêu trên, di tích này cần được nghiên cứu, bảo vệ và khai thác phát huy phục vụ cho phát triển du lịch, giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân địa phương, đặc biệt là thế hệ trẻ.
8. Thực trạng bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Phần lớn diện tích khu căn cứ 99 hiện nay là rừng tái sinh, nương rẫy của bà con nhân dân. Số diện tích này hiện nay đang được UBND huyện giao cho các địa phương, các hộ gia đình sống trên địa bàn khai thác, sử dụng và quản lý, bảo vệ tốt.
Riêng hang Thẳm Cốp (hang Vợ chồng A Phủ) hiện đang nằm trong khu vực phòng thủ quân sự. UBND xã Hồng Ngài trực tiếp quản lý, diện tích quy hoạch dự kiến khoảng 10 ha. Hàng năm, vào các dịp lễ tết Đoàn trường THCS, trường tiểu học Hồng Ngài thường tổ chức cho các em học sinh đến tham quan, giáo dục truyền thống và dọn vệ sinh tại khu di tích.
9. Các biện pháp bảo vệ di tích.
- Hoàn thiện hồ sơ khoa học trình UBND tỉnh công nhận xếp hạng
- Thực hiện kế hoạch 64/KH-UBND, ngày 01/9/2008 của UBND tỉnh v/v quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2008-2015 và định hướng đến 2020
- Quyết định 801/QĐ-UBND ngày 07 tháng 4 năm 2011 của UBND tỉnh Sơn La v/v phê duyệt danh mục các di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2010.
- Phòng VH & TT huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã: Hang Chú, Làng Chếu, Xím vàng, Tà Sùa, Phiêng Ban, Hồng Ngài, Song Pe xây dựng phương án bảo vệ hợp lý. Hạn chế thấp nhất việc lẫn chiếm, phá hoại làm ảnh hưởng đến di tích
- Lập bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ, quy hoạch cấp giấy CNQSD đất cho di tích.
10. Cơ sở pháp lý bảo vệ di tích
- Khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích.
- Báo cáo và trình UBND tỉnh công nhận xếp hạng di tích
- Xây dựng bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích.
|