Chi tiết hồ sơ

Tên Hang Hua Bó
Địa điểm Nang Phai, Xã Mường Bú, Mường La, Tỉnh Sơn La
Thuộc Huyện/Thành phố Mường La Thuộc Xã/Phường/Thị trấn Xã Mường Bú
Mô tả chi tiết

I. Lịch sử tên gọi.

- Tên gọi theo tiếng phổ thông: Hang Hua Bó

- Tên dân tộc: Thẳm Hua Bó: Đầu nguồn nước

- Tên dân tộc: Nang Phai (Nghĩa là một góc mương phai).

II. Địa điểm và đường đi đến di tích:

Di tích hang Hua Bó thuộc bản Nang Phai, xã Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Đường đến di tích thuận lợi bằng các phương tiện giao thông đường bộ.

Từ trung tâm thành phố Sơn La đi theo tỉnh lộ 106 hướng Mường La 18km là tới bản Nang Phai. Từ bản Nang Phai rẽ trái 3km là tới di tích.

Từ Mường La đi theo tỉnh lộ 106 hướng thành phố Sơn La cách 19km rẽ phải khoảng 3km là tới di tích.

III. Phân loại di tích

            Căn cứ vào kết quả khảo sát, nghiên cứu di tích, theo quy định tại điều 11, Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa thì hang Hua Bó thuộc loại hình di tích danh lam thắng cảnh.

IV. Sự kiện và nội dung của di tích.

           Mường La là một huyện miền núi của tỉnh Sơn La, cách trung tâm thành phố Sơn La 37km về phía Tây Nam. Phía bắc giáp với huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái; phía Nam giáp Mai Sơn, phía Đông giáp với huyện Bắc Yên, phía Tây giáp với huyện Thuận Châu, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

           Theo sử cũ ghi lại, từ xa xưa trong lịch sử dân tộc, Mường La là một  bộ phận không thể tách rời của quốc gia Đại Việt. Thời Trần, Mường La thuộc lộ Đà Giang; thời Lê, Mường La là một châu thuộc phủ Gia Hưng (Trấn Hưng Hoá); thời Nguyễn, trấn Hưng Hoá đổi thành tỉnh Hưng Hoá, châu lỵ Mường La có tên là Chiềng An. Năm 1904, Mường La là một châu của tỉnh Vạn Bú. Tháng 1/1963 tỉnh Sơn La chính thức được thành lập, Mường La là một huyện của tỉnh Sơn La.

            Huyện Mường La nằm ở độ cao trung bình từ 500m đến 700m so với mặt nước biển. Toàn huyện có diện tích 134.435ha đất tự nhiên, hầu hết là đất rừng, Mường La có con sông Đà chảy qua theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Sông Đà là phụ lưu lớn nhất trong hệ thống sông Hồng, bắt nguồn từ độ cao 2400m của núi Ngụy Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Diện tích lưu vực sông Đà là 52.62km2, tổng chiều dài sông Đà 980km. Với những đặc điểm về khí hậu, nhiệt độ, điều kiện khí tượng thuỷ văn, điều kiện địa chất công trình và thuỷ năng thuỷ lợi kinh tế năng lượng. Nên dòng sông Đà thuộc địa phận Mường La được chọn để xây dựng công trình thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á.

            Ngày 02/12/2005, Chính Phủ khởi công công trình xây dựng nhà máy thuỷ điện Sơn La với nhiệm vụ chủ yếu để chống lũ về mùa mưa; cung cấp nước về mùa kiệt cho đồng bằng Bắc Bộ và cung cấp điện năng để phát  triển kinh tế - xã hội phụ vụ công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước; tạo thế lực mới cho sự nghiệp phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hoá, xã hội ở vùng Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng. Tỉnh Sơn La nơi đặt nhà máy thuỷ điện lớn nhất cả nước có ba huyện: Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Muờng La nằm trong hệ thống vùng ngập với diện tích là 16.000ha và phải di chuyển 12.500 hộ dân. Trong đó huyện Mường La phải di chuyển 5 xã; Xã Ít Ong, xã Hua Trai, xã chiềng Lao, xã Nậm Giôn; xã Mường Trai với 7 tiểu khu, 44 bản, 3.525 hộ dân. Song song với việc xây dựng thuỷ điện Sơn La, việc triển khai thực hiện dự án sưu tầm trục vớt các di sản văn hoá; di dời, xử lý các di tích khảo cổ học vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La gồm có 17 điểm khai quật di chỉ thuộc 03 huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La với tổng số hiện vật thời tiền sơ sử thu thập được là 6.171 hiện vật và dự án sưu tầm dân tộc học 4 dân tộc: Thái, La Ha, Khơ Mú; Kháng, sưu tầm được 726 hiện vật.

             Địa hình Mường La khá phức tạp chia làm 3 tiểu vùng khác biệt. Vùng thị trấn, huyện Mường La là vùng lòng chảo khí hậu khô và nóng; vùng lòng hồ sông Đà với khí hậu nóng, vùng Ngọc Chiến với khí hậu mát mẻ. Toàn huyện có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống: Thái, Kinh, Mường, H’mông, Dao, Khơ Mú, La Ha với nền văn hoá đa dạng mạng đậm bản sắc tộc người. Trong suốt tiến trình lịch sử, các dân tộc Mường La  đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, ngày nay truyền thống đó đã và đang được bảo tồn, phát huy trong sự nghiệp phát triển kinh tế văn hoá - xã hội và góp phần xây dựng huyện Mường La giầu mạnh.

            Xã Mường Bú là xã cửa ngõ của huyện Mường La, nằm trên trục đường tỉnh lộ 106 cách trung tâm huyện Mường La 19km về phía Tây Nam. Phía Bắc và Tây giáp với Mường Khiêng và xã Bó Mười của huyện Thuận Châu; phía Đông và Đông Nam giáp với xã Tạ Bú và Mường Chùm, phía Nam giáp xã Chiềng Sung và xã Mường Bằng của huyện Mai Sơn; phía Tây và Tây Nam giáp với Chiềng Xôm và Chiềng Ngần của thành phố Sơn La. Địa hình của xã Mường Bú là dạng địa hình lòng chảo thuận lợi cho việc canh tác Nông nghiệp.

           Xã có diện tích tự nhiên, 8.839 ha, được chia thành 27 bản và 3 tiểu khu với 10.799 nhân khẩu, gồm 5 dân tộc anh em sinh sống: Thái, Kinh, H’mông, La Ha, Mường. Đồng bào ở đây chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước kết hợp nương rẫy, chăn nuôi gia súc gia cầm, có nền văn hoá đa dạng, mang đậm bản sắc tộc người. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ nhân dân các dân tộc Mường Bú đã đóng góp sức người sức của cho kháng chiến. Từ khi đất nước được độc lập, kinh tế, văn hóa xã hội, anh ninh quốc phòng của xã ngày càng được cải thiện. Đặc biệt là những năm gần đây, thực hiện chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đồng bào đã tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, sử dụng các giống ngô, lúa mới, cuộc sống của người nông dân trong xã đã đổi mới trong nhiều lĩnh vực, con người và mảnh đất nơi đây luôn giữ được ý thức đoàn kết dân tộc, tự hào truyền thống lịch sử của cha ông. Thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Mường Bú hôm nay và mai sau vẫn xứng đáng với truyền thống yêu nước, bất khuất tự lực, tự cường của các thế hệ đi trước đã đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng mảnh đất Mường Bú ngày càng vững  mạnh. Bên cạnh đó, Mường Bú còn được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh. Trong đó, phải kể đến danh thắng hang Hua Bó.

             Hang Hua Bó bản Nang Phai được nhân dân phát hiện từ rất lâu qua việc họ đi làm nương, rẫy, được chính quyền, nhân dân trong xã đã có ý thức gìn giữ và bảo vệ nguyên trạng. Việc phát hiện ra di tích Thắng cảnh hang Hua Bó có một ý nghĩa trong hệ thống di tích tại huyện Mường La. hiện tại toàn huyện có 7 di tích trong đó có 3 di tích khảo cổ học đã được di dời khỏi khu vực lòng hồ Thuỷ điện Sơn La, còn lại 4 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh. Di tích hang Hua Bó là một quần thể hang động thiên tạo từ trong lòng dãy núi đá vôi trùng điệp, gồm 3 hang nằm cạnh nhau dưới chân một dãy núi đá vôi hàng ngàn năm tuổi. Hệ thống hang được bao bọc bởi khu rừng cây nguyên sinh và nương rẫy của bà con nhân dân. Hang gắn liền với một câu chuyện truyền thuyết của nhân dân địa phương vùng này. Chuyện kể rằng: "Nàng Nọi là con gái út của Vua Tát Toong trên bản Và Si (thuộc xã Mường Bú ngày nay giáp với Mường Bằng của huyên Mai Sơn). Nàng có sắc đẹp mê hồn, nổi tiếng xinh đẹp nhất vùng, nàng hát hay, đàn giỏi, múa đẹp,dịu dàng nết na, chăm chỉ dệt vải và được mọi người bản trên bản dưới ai cũng thương yêu qúy mến. Chính vẻ đẹp mê hồn của nàng đã làm nức lòng bao chàng trai trong vùng, tranh nhau thi tài muốn hỏi nàng về làm vợ. Tiếng lành đồn xa đã đến tai vua Khâu Pha (thuộc xã Mường Bú ngày nay) và hoàng tử Cầm Phưa con trai vua Bằng Quài (thuộc xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn ngày nay) cả hai đều muốn hỏi cưới nàng về làm vợ. Vua Khâu Pha là người thông minh, tài giỏi, vừa đẹp người lại đẹp nết. Vì vậy Vua cha Tát Toong bằng lòng gả con gái cho Vua Khâu Pha, đặc biệt Nàng Nọi cũng yêu say đắm Vua Khâu Pha và hẹn ngày mang lễ vật đến hỏi và cưới nàng về làm vợ. Được tin Nàng Nọi đồng ý làm vợ vua Khâu Pha,  chàng hoàng tử Cầm Phưa đùng đùng nổi giận, đem quân đi đánh vua Khâu Pha để cướp Nàng Nọi. Biết trước chuyện chẳng lành Vua Khâu Pha đã cho quân lính chuẩn bị vũ khí, lương thực để giao chiến với quân của Cầm Phưa. Khi quân của Cầm Phưa đến, Vua Khâu Pha đưa vợ vào hang Hua Bó để ẩn náu, quân của Cầm Phưa đến gặp ngay quân của Khâu Pha đã được bố trí để chặn đánh, họ dùng nỏ có tẩm thuốc độc chờ sẵn chỗ (chặm lặp, chỗ lấp, khép kín) cạnh hẻm đá khuất cách cửa hang chừng 100m, khi quân lính của Cầm Phưa tới đã bị chặt đánh tan tác và Cầm Phưa cũng bị bắn chết tại đây. Từ đó dân bản được yên vui hạnh phúc, để tỏ lòng biết ơn dân bản và quân lính đã có công lớn trong việc cứu Nàng Nọi, Vua Khâu Pha đã cho san ủi núi để làm ruộng cày cấy trồng ngô tăng gia sản xuất và đào mương phai làm mó nước. Ngày nay cả một vùng cánh đồng bằng phẳng, phì nhiêu rộng lớn và đặc biệt khu đầu nguồn con suối, mương phai nằm trong thung lũng của bản Nang Phai nói riêng và của xã Mường Bú nói chung là nhờ công ơn của vua Khâu Pha và Nàng Nọi. Vì vậy hang Hua Bó còn được dân bản đặt tên là Thẳm Nàng Nọi (Hang Nàng Nọi)"

V. Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng liên quan đến di tích

             Bản Nang Phai xã Mường Bú có 5 dân tộc anh em cùng sinh sống là dân tộc:Thái, Kinh, Hmông, Mường, La Ha gồm 120 hộ gia đình. Nơi đây, còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của dân tộc, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, nuôi dưỡng và bảo tồn cho đến ngày nay.

            Qua nghiên cứu sưu tầm và gặp những người già trong bản được họ kể lại, lễ hội “xên bản” không tổ chức lớn nhưng hàng năm vào tháng 4 hoặc tháng 5 nhân dân trong bản chuẩn bị lễ "Cúng đầu nguồn" (gọi nước về) với các lễ vật như: 1 con lợn, một mâm xôi, trầu cau, tiền. Thầy mo ở bản tổ chức lễ cúng lễ, nội dung lời cúng như sau "cúng ma bản, ma mường để cầu cho bản làng yên vui, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, lành ở dữ đi, nhà nhà yên vui, người già con trẻ được mạnh khỏe, nhân dân được ấm no hạnh phúc, đất nước được phồn vinh".

VI. Khảo tả di tích:

            Bản Nang Phai, xã Mường Bú nằm trong dãy núi đá vôi thuộc huyện Mường La. Trải qua hàng triệu năm dưới sự tác động của kiến tạo địa chất và dòng chảy của mạch nước ngầm trong lòng núi đã tạo nên nhiều hang động tại nơi này. Hệ thống 3 hang động nằm  kề  nhau kéo dài từ Đông sang Tây, mỗi hang đều có vẻ đẹp riêng biệt và được nhân dân địa phương ở vùng này đặt tên cho từng hang.

Hang thứ nhất: Có tên Thẳm Bú, là một hang tự nhiên có nhiều cảnh quan kỳ thú, là món quà của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Cửa hang quay về phía Tây cao 20m, rộng 12m, từ cửa hang vào du khách phải luồn qua một khe nhỏ dài khoảng 7m có độ dốc thoai thoải, mặt hang lô nhô, có nhiều tảng đá lớn rủ xuống từ trần hang do chấn động địa chất tạo thành. Bước vào hang như bước vào ngôi nhà mát mẻ, lòng hang đột ngột mở ra một khoảng hình tứ giác với chiều dài 130m, càng vào trong hang ta càng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hết sức sinh động và lộng lẫy do thạch nhũ tạo nên. Trên vách hang phía Đông là một bức tranh hoành tráng đồ sộ, trong đó nổi lên những nhân vật trong chuyện cổ tích xưa, đường nét mềm mại uyển chuyển và vô cùng tinh tế sắc sảo tới từng chi tiết nhỏ. Những tác phẩm điêu khắc dù là nhỏ hay đồ sộ đều được bàn tay của tạo hoá trau chuốt tỉ mỉ, công phu kỳ thú. Trần hang là những nhũ đá hình các con vật như: Voi, hươu, rồng, phượng, rùa, các loại chim… đang ẩn mình trong thảm thực vật được tạo ra bởi những nhũ đá. Ẩn khuất đâu đó ở các khoang hang là những thửa ruộng bậc thang, những rừng hoa, những rừng cây. Hang Thẳm Bú có diện tích khoảng 1.800m, chỗ rộng nhất khoảng 30m, mỗi khoang có một vẻ đẹp kỳ thú khác nhau do thiên nhiên sắp đặt.

Khoang 1: Đi vào khoảng 7m hết phần cửa hang, khoang được chia thành hai ngách, ngách trái rộng khoảng 10m, trần hang cao chừng 30m - 40m, nền hang có nhiều đất đá lồi lõm, khoang này có nhiều nhũ đá chen lẫn nhau muôn hình muôn vẻ ở hai vách hang và trần hang. Ngách phải có đường xuống khoảng 15m, ngách này ẩm thấp, lòng hang sâu hơn, tại đây có những khối nhũ đá vôi màu trắng ngà tạo cho du khách như lạc vào khu rừng nguyên sinh hàng ngàn năm tuổi, đó là những nhũ đá vàng, xám, trắng…Đứng tại nơi này du khách tưởng tượng đến những tán lá rậm rạp, xanh tốt của những cây đa, cây si  cổ thụ tới những bộ rễ dài rủ xuống. Trong rừng cây đó có những con thú như: chỗ này là con sư tử đang đớp mồi, chỗ kia đàn voi đang uống nước, đại bàng đang bay lượn  về phía chân trời xa.

Khoang 2: Đi hết khoang 1, du khách sẽ tiếp tục vào khoang 2, đây là khoang trung tâm của hang. Khoang này có diện tích khoảng gần 800m2, vòm hang cao 50m, nền hang khô, toàn bộ khoang này như một nhà hát lớn rộng thênh thang; trần hang và vách hang được phủ một lớp thảm nhung óng mượt, vô số những chùm đèn treo rực rỡ, có những tượng đá, voi đá, hải cẩu, mâm xôi, hoa quả như: Na, chuối, nậm rượu, gà…Từ vị trí giữa lòng hang chúng ta thấy một quang cảnh hết sức đặc biệt: Một khối đá lớn hình con rùa, đang bơi lội, mồm ngậm một thanh kiếm gợi cho chúng ta nhớ lại câu chuyện về truyền thuyết Hồ Gươm. Đi vào trong, cảnh trí còn nhiều điều kỳ lạ như nhũ đá hình lư hương khổng lồ; nếu như du khách giàu trí tưởng tượng sẽ thấy nơi đây như có bàn tay khéo léo sắp đặt những mâm lễ cúng tế trời đất, cầu cho mưa thuận gió hoà. Tất cả dường như đang chuyển động trong thế giới huyền ảo, như thực như mơ; cái thực, cái hư như đan xen hoà quyện vào nhau tưởng như sự giao hoà giữa trời và đất. Hệ thống nhũ đá ở đây khá phong phú với những nhũ đá vôi nhỏ xuống từ trần hang trông mềm mại như những tà áo dài của các cô thiếu nữ; một số nơi ở trần hang có những thạch nhũ nhỏ như thiên nhiên gắn hàng ngàn bóng điện vào đó, trông xa như một giàn đèn khổng lồ. Trên trần hang có một cửa lộ thiên, khi ánh sáng chiếu vào làm cho cảnh vật thêm rực rỡ. Bên cạnh đó là một khối măng đá giống như hình ảnh Phật Bà Quan Âm ngồi trên đài Sen hiện ra trong mây trắng bồng bềnh. Đi tiếp vào cuối khoang, du khách ngước mắt nhìn lên trên sẽ thấy một ông Bụt, ông Tiên với chòm râu bạc phơ bay trong gió đang chống gậy, dang tay đón chào và ban những điều tốt lành cho quý khách. Vào khoang 2, bất chợt ta dừng bước chân, lặng nghe đâu đó vang lên những âm thanh trầm bổng như tiếng đàn T’rưng, đàn đá thánh thót như những bản tình ca quen thuộc. Nối với khoang 3 là một bức tranh khổng lồ vẽ phong cảnh thiên nhiên hoang sơ với những đàn voi, những chú hươu sao, đà điểu, chim ưng.. trong những tư thế rất sinh động nhiều màu, nhiều hình thù theo trí tượng tưởng của mỗi người, đặc biệt ở ngăn này có các trụ đá nhiều hình thù khác nhau, bên cạnh đó là một khối đá hình một con Sư Tử màu vàng do chính thiên nhiên tạo nên với khí thế oai hùng như đang tung bờm thể hiện quyền uy, đồng thời cũng thể hiện sự thống trị tuyệt đối với muôn loài vật nơi đây.

Khoang 3: Đường vào khoang 3 thuận lợi, với diện tích khoảng 600m2, chiều rộng có chỗ 20m đến 30m; trần hang cao 40m, lòng hang ẩm ướt, hai bên vách hang có hệ thống nhũ đá và các hình ảnh quen thuộc với cuộc sống như: Trăn, chim đại bàng, gà chọi, khỉ, voi…Đặc biệt đứng ở giữa khoang nhìn sang bên trái là một ngách giống như buồng công chúa với những trang trí cầu kỳ, sang trọng, đó là muôn vàn những tia đá cẩm thạch phun ra từ vách hang tạo thành những đường diềm trang trí nhiều màu sắc óng ánh; bên cạnh buồng công chúa là những cột đá được trang trí cầu kỳ, đây thực sự là một kiến tạo độc đáo của thiên nhiên ban tặng, cuối khoang là một bãi rộng trông như một cánh đồng với một khu ruộng bậc thang đất đai màu mỡ cùng nhiều loại hoa màu được tạo nên bởi những viên cuội nhỏ trông giống như những loại củ quả mới được thu hoạch; những khối thạch nhũ được phủ một lớp rêu xanh kết cấu thành bờ, có những dòng nước trong vắt chảy tràn từ cao xuống thấp, khung cảnh đó gợi cho ta liên tưởng tới hình ảnh quen thuộc những thửa ruộng bậc thang của núi rừng Tây Bắc. Tất cả là dòng chảy của nước và thời gian mài mòn thành những viên cuội lớn nhỏ chồng xếp lên nhau, tạo nên một nét đặc biệt cho hang này. Cuối khoang 3 là một nhũ đá lớn giống như ngai vàng của một ông vua bên trên có lọng che, ông vua như đang mỉm cười vui vẻ phấn khởi vì sự no đủ của muôn dân.

 Hang thứ 2 có tên là thẳm Nàng Nọi; đường xuống hang thuận lợi; cửa hang quay về hướng Tây chếch Bắc; diện tích khoảng 1.600m2, trần hang cao 40m đến 50m, hang có hình dáng như mai rùa. Đây thực sự là một ngôi nhà lớn, lòng hang có một bãi đất bồi rộng bằng phẳng có sức chứa khoảng 700 người; đi tiếp vào trong, du khách như bước vào cửa động thiên cung, không gian huyền ảo, vô vàn những mẫu đá cẩm thạch mang dáng vẻ của Đức mẹ Maria và các thiên thần bay lượn, những bầy sư tử, cá sấu và hàng ngàn những tuyệt tác được hình thành tạo hoá với vô số hình ảnh kỳ lạ và hấp dẫn. Đặc biệt ở đây có 4 trụ đá vững chắc, mỗi trụ đá được kết nối với nhau bằng các nhũ đá dài quấn quanh như những con rồng thể hiện cho sức mạnh quyền uy. Bên cạnh là một trụ đá khổng lồ trang trí trên đó là những hình mây bay, long, ly, phượng vũ, hoa lá và dây leo…Ở đây du khách còn bắt gặp nhiều nhũ đá hình những cô gái đang ngồi gội đầu, với mái tóc bóng trải dài óng mượt, làn da trắng mịn, khuôn mặt trái xoan, với bộ áo Thái có hai hàng cúc bướm, một bà mẹ bồng con đang đứng chờ chồng được thiên nhiên trạm trổ cực kỳ tinh xảo. Ngước lên trần hang ta gặp những hình tượng: Người, chim, bướm, hoa cỏ, muông thú... như đang dự tiệc. Đây là những tác phẩm điêu khắc do bàn tay tài hoa tác thành qua hàng vạn năm.

 Đặc biệt ở hang này, vòm hang rộng và cao, mỗi khi có ánh sáng chiếu vào bức tranh đá trở lên lung linh như những chùm hoa lúc ẩn, lúc hiện. Tới đây du khách trải rộng tầm mắt và ra sức tưởng tượng ở đây có các khối nhũ đá tạo có đầy đủ bộ tứ linh: Long, ly, quy, phượng. Một con rồng nằm uốn khúc, một con rùa đang bơi trên mình đang mang theo bầy con, con phượng hoàng sải cánh bay về phía chân trời xa, bên cạnh là những tác phẩm hội hoạ nhìn xa lóng lánh như kim sa. Đó là cây vàng, cây bạc; xung quanh đó là một khối măng đá lớn như một bầu sữa mẹ đang nhỏ tý tách từng giọt xuống lòng hang. Toàn bộ vách hang bên phải là một hệ thống rèm, cột đá và nhũ đá  kết tạo với nhau như một bức tranh hoành tráng, đó là những tác phẩm điêu khắc, những bức tranh trạm trổ về thiên nhiên hùng vĩ tượng trưng cho cảnh núi rừng Tây Bắc với những đường nét tinh tế đến kỳ lạ. Đặc biệt hơn ở đây ta còn nhìn thấy nhóm nhũ đá khắc họa như một gia đình bao gồm nhiều thế hệ quây quần bên nhau; vách hang bên cạnh giống những bức tường xây cao rộng như có bàn tay nào đó quét lên một lớp màu lam tím, điểm loáng thoáng những vân gạch màu nền nã; mỗi khi có một vệt sáng lọt qua kẽ đá chiếu thành một đường chỉ nhỏ làm rực lên màu trắng ngà của nhũ đá rủ từ trần hang xuống ta dùng đèn pin soi vào tạo lên ánh sáng lấp lánh như dát bạc. Điểm độc đáo  ở hang này là có nhiều cột đá to và đẹp, cột to nhất cao  khoảng  2,5m, đường kính khoảng 7-10cm xung quanh là những cây nấm, cây bụt được xếp chồng lên nhau như vườn hoa khoe sắc. Trên đỉnh của những khối nhũ đá lớn là những bông hoa mào gà tím đang đua nhau nở rộ, hai bên vách hang là những con sứa biển, con bạch tuộc với nhiều xúc tua dài màu trắng ngà.

Hang thứ ba

Hang có tên gọi là thẳm Kia (hang Dơi) nằm cách hang thứ hai khoảng 700m, cửa hang quay về phía Tây, vòm hang cao khoảng 20m, cửa hang rộng 30m, trần hang cao 50m. Theo nhân dân kể lại hang này ngày xưa có rất nhiều dơi trú ngụ, bà con còn vào hang này để bắt dơi và lấy phân về làm thuốc súng. Đường xuống hang quanh co uốn lượn với những tảng đá to, nhỏ lô nhô. Hang này khác biệt với hang thứ nhất và hang thứ hai, hang có độ sâu chừng 40m và đặc biệt rất ít nhũ nhưng lại có nhiều tảng đá to ở cửa hang, lòng hang hẹp, dài, ẩm ướt có dòng suối dài chạy suốt chiều dài của hang, hang được chia làm 2 ngách

Ngách phải: Có chiều dài khoảng 15m, rộng 20m lòng hang ẩm có nhiều tảng đá kích cỡ khác nhau, đi vào 2m có tảng đá hình con ngựa vằn, trần hang thấp, vách hang thưa thớt điểm những khóm nhũ đá mang hình thù các con vật.

Ngách trái: Ẩm thấp hơn, lòng hang sâu thắt lại ở giữa có dòng suối nhỏ chạy dài khoảng 150m chảy suốt ngày đêm. Hai bên vách hang là những tảng đá như được bào nhẵn chạy dài theo lòng hang, trần hang ít nhũ đá chủ yếu là những khóm nhũ đá mang hình bầu sữa mẹ ngày đêm cần mẫn rỏ những giọt nước trong vắt.

VII. Các hiện vật trong di tích

            Hiện nay di tích còn nguyên sơ, các nhũ đá trong các hang được giữ gìn rất tốt.  Xã Mường Bú tạm giao cho 10 gia đình ở bản Nang Phai đầu tư kéo đường điện vào hang để phục vụ cho nhân dân và du khách đến thăm quan.

           Quá trình điều tra, khảo sát lập hồ sơ khoa học di tích, cán bộ Bảo tàng Sơn La đã phát hiện tại hang thứ nhất dấu tích người Việt cổ sinh sống, trên bề mặt của hang đã thu lượm được 5 hiện vật bằng đá. Theo đánh giá bước đầu, đây là những hiện vật của cư dân hậu kỳ đá cũ - sơ kỳ đá mới, có niên đại 7.000 - 10.000 năm cách ngày nay

           Việc phát hiện ra dấu vết cư dân cổ tại hang Hua Bó có giá trị lớn về mặt lịch sử. Đây là loại hình cư trú hang động của những cư dân cổ phổ biến ở miền núi phía Tây Bắc, nhất là tỉnh Sơn La. Di chỉ hang Hua Bó về loại hình và niên đại được gắn liền với những di chỉ khảo cổ học vùng lòng hồ Thuỷ điện Sơn La ( khu vực huyện Mường La).Di chỉ hang Hua Bó là một trong những đại diện cho các di chỉ thời đại đá tại huyện Mường La không bị ngập nước, lại gắn với danh lam thắng cảnh.

VIII. Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích

            Theo kết quả khảo sát, nghiên cứu về thực trạng của di tích và các nguồn tài liệu, hiện vật đào thám sát tại hang và đặc biệt những lời kể của nhân dân ở vùng này. Danh lam thắng hang Hua Bó là quần thể hang động nằm cạnh nhau dưới một chân núi đá vôi được bao bọc bởi một khu rừng nguyên sinh trong một thung lũng rộng, cảnh quan nơi đây hoang sơ, gắn với vùng đất có lịch sử từ lâu đời, với hệ thống nhũ đá nguyên sơ, hình tượng phong phú đã được thiên nhiên kiến tạo qua hàng chục vạn năm và ngày nay vẫn đang tiếp tục bồi đắp. Đồng thời, là tác phẩm nghệ thuật tạo hình vĩ đại của thiên nhiên với sự hiện diện của hàng ngàn nhũ đá, muôn hình, muôn vẻ như những bức tranh hoành tráng mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất nơi này. Ngoài cảnh đẹp trong hang động như đã khảo tả ở trên xung quanh di tích còn có khu rừng nguyên sinh, bao bọc cả một thung lũng bản làng trù phú với cánh đồng lúa, nương ngô, hoa quả suốt bốn mùa, đặc biệt vùng này được xây dựng một thủy điện có tên gọi Nậm La với công suất 27 MW, hòa cùng mạng lưới thủy điện Sơn La một công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Di tích hang Hua Bó nằm trong quần thể các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh của huyện Mường La: Di tích danh lam thắng cảnh hang con Noong, di tích lịch sử đồn Pom Pát, di tích lịch sử đồn Ngọc Chiến...Đến đây du khách còn được tắm suối nước nóng Mường La, được hòa cùng trong lễ hội xên bản, được thưởng thức các điệu xòe, lời ca tiếng hát làm say đắm lòng người của các dân tộc Mường La nói riêng và nhân dân các dân tộc Sơn La nói chung. Với những giá trị cơ bản nêu trên, di tích danh lam thắng cảnh được cơ quan chuyên môn nghiên cứu trình UBND tỉnh Sơn La xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.

IX. Phương hướng bảo vệ và phát huy giá trị di tích:

             Hiện nay danh lam cảnh hang Hua Bó, bản Nang Phai, xã Mường Bú và cảnh quan thiên nhiên, núi đá vôi, khu rừng nguyên sinh… đã được UBND xã giữ gìn rất tốt, xã giao cho 10 hộ gia đình đầu tư kéo đường điện vào hang để phục vụ cho bà con nhân dân và du khách đến thăm quan. Di tích có giá trị về mặt lịch sử kết hợp với các hiện vật khảo cổ học tìm thấy ở trong hang cần phải quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị phục vụ cho văn hoá du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy cần phải tăng cương công tác quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng theo Luật di sản văn hóa.

             Việc quản lý, sử dụng và bảo vệ di tích trực tiếp giao cho cơ sở, chính quyền quan tâm chỉ đạo theo đúng luật di sản văn hóa.

            Tuyên truyền các nội dung đã được ghi chép trong hồ sơ về giá trị ý nghĩa lịch sử của di tích để cho các cấp, các ngành nhận thức rõ hơn và cộng đồng trách nhiệm cùng với cơ quan chuyên môn để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.

            Nghiêm cấm mọi hành vi làm tổn hại đến di tích như: Chặt phá, đào bới xâm hại đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên khu vực di tích.

X. Các biện pháp bảo vệ và sử dụng di tích

             -  Điều tra, khảo sát, lập hồ sơ khoa học, lập bản đồ quy hoạch khoanh vùng bảo vệ các khu vực của di tích; cấp giấy chứng nhận QSDĐ và trình UBND tỉnh xếp hạng.

            - Phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp với cấp ủy chính quyền xã Mường Bú xây dựng phương án bảo vệ nguyên trạng hạn chế mức thấp nhất những tác động xấu ảnh hưởng tới di tích. UBND xã Mường Bú cần quan tâm bảo vệ nguyên trạng các yếu tố cấu thành di tích gốc, hạn chế thấp nhất các hành vi xâm hại, lấn chiếm làm ảnh hưởng đến di tích.

             - Sau khi được xếp hạng, di tích danh lam thắng cảnh hang Hua Bó và những bản sắc văn hóa tộc người huyện Mường La nói riêng và Sơn La nói chung sẽ là những điều kiện rất cơ bản phục vụ cho sự phát triển kinh tế, góp phần vào xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắn dân tộc như nghị quyết TW V khóa VIII đã đề ra.

XI. Kết luận:

              Căn cứ vào đơn xin xếp hạng của UBND xã Mường Bú và công văn số 411/UBND ngày 22/4/2011 của UBND huyện Mường La đề nghị cơ quan chuyên môn khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ khoa học để trình UBND tỉnh xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh hang Hua Bó, bản Nang Phai, xã Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

             Được sự nhất trí của Sở VHTT&DL, Bảo tàng tỉnh Sơn La đã khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ khoa học, tạo cơ sơ pháp lý cho việc bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích. Qua quá trình khảo sát và nghiên cứu, chúng tôi thấy di tích danh lam thắng cảnh hang Hua Bó có giá trị văn hóa;  cảnh quan môi trường đẹp gắn với các hiện vật khảo cổ học đã tìm thấy ở hang 1. Đối chiếu với Luật di sản văn hóa, quy chế quản lý và sử dụng di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh, chúng tôi xác định danh lam thắng cảnh hang Hua Bó, bản Nang Phai, xã Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La có đủ điều kiện và cơ sở pháp lý để trình UBND tỉnh Sơn La ra quyết định và cấp bằng xếp năm 2012.

Loại hình di sản Danh lam thắng cảnh Chuyên đề chuyên đề Di Tích
Xếp hạng di sản Xếp hạng cấp tỉnh Năm xếp hạng
Kiến trúc Hiện trạng Xuống cấp
Hiện vật trong di sản
Hiện nay di tích còn nguyên sơ, các nhũ đá trong các hang được giữ gìn rất tốt. Xã Mường Bú tạm giao cho 10 gia đình ở bản Nang Phai đầu tư kéo đường điện vào hang để phục vụ cho nhân dân và du khách đến thăm quan. Quá trình điều tra, khảo sát lập hồ sơ khoa học di tích, cán bộ Bảo tàng Sơn La đã phát hiện tại hang thứ nhất dấu tích người Việt cổ sinh sống, trên bề mặt của hang đã thu lượm được 5 hiện vật bằng đá. Theo đánh giá bước đầu, đây là những hiện vật của cư dân hậu kỳ đá cũ - sơ kỳ đá mới, có niên đại 7.000 - 10.000 năm cách ngày nay Việc phát hiện ra dấu vết cư dân cổ tại hang Hua Bó có giá trị lớn về mặt lịch sử. Đây là loại hình cư trú hang động của những cư dân cổ phổ biến ở miền núi phía Tây Bắc, nhất là tỉnh Sơn La. Di chỉ hang Hua Bó về loại hình và niên đại được gắn liền với những di chỉ khảo cổ học vùng lòng hồ Thuỷ điện Sơn La ( khu vực huyện Mường La).Di chỉ hang Hua Bó là một trong những đại diện cho các di chỉ thời đại đá tại huyện Mường La không bị ngập nước, lại gắn với danh lam thắng cảnh.
Cổ vật 5 hiện vật bằng đá Hiện vật mới
Công tác bảo vệ

 

-  Điều tra, khảo sát, lập hồ sơ khoa học, lập bản đồ quy hoạch khoanh vùng bảo vệ các khu vực của di tích; cấp giấy chứng nhận QSDĐ và trình UBND tỉnh xếp hạng.

- Phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp với cấp ủy chính quyền xã Mường Bú xây dựng phương án bảo vệ nguyên trạng hạn chế mức thấp nhất những tác động xấu ảnh hưởng tới di tích. UBND xã Mường Bú cần quan tâm bảo vệ nguyên trạng các yếu tố cấu thành di tích gốc, hạn chế thấp nhất các hành vi xâm hại, lấn chiếm làm ảnh hưởng đến di tích.

- Sau khi được xếp hạng, di tích danh lam thắng cảnh hang Hua Bó và những bản sắc văn hóa tộc người huyện Mường La nói riêng và Sơn La nói chung sẽ là những điều kiện rất cơ bản phục vụ cho sự phát triển kinh tế, góp phần vào xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắn dân tộc như nghị quyết TW V khóa VIII đã đề ra.

Công tác tu bổ tôn tạo
Đất đai trong di sản
Tư liệu kèm theo

 

1. Lịch sử Đảng  bộ huyện Mường La (1940-1990) Nxb Chính trị Quốc Gia, 1996.

2. Theo lời kể của nhân dân địa phương tại bản Nang Phai, xã Mường Bú, huyện Mường La.

3. Lời kể của ông Cầm Vui, cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường La: "Dịch câu chuyện truyền thuyết  từ tiếng Thái sang tiếng Việt".

4. Lời kể của ông Vì Văn Phụi, 86 tuổi, bản Nang Phai, xã Mường Bú huyện Mường La.


https://www.zbet.win/news/soi-keo-bong-da