Chi tiết hồ sơ

Tên Đồn Mộc Lỵ
Địa điểm Tiểu khu I, Thị trấn Mộc Châu, Mộc Châu, Tỉnh Sơn La
Thuộc Huyện/Thành phố Mộc Châu Thuộc Xã/Phường/Thị trấn Thị trấn Mộc Châu
Mô tả chi tiết

 

1. Sự kiện, nhân vật lịch sử và thuộc tính di tích

Sau cách mạng tháng 8, phong trào cách mạng của nhân dân các dân tộc Mộc Châu có những thuận lợi cơ bản có chính quyền dân chủ nhân dân, sức mạnh đoàn kết, truyền thống đấu tranh anh dũng của đồng bào được khơi dậy mạnh mẽ.

Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 6 tháng 1 năm 1946 nhân dân các dân tộc Mộc Châu nô nức phấn khởi tham gia tổng tuyển cử Quốc hội trong cả nước. Đây là lần đầu tiên người dân Việt Nam nói chung và người dân Mộc Châu nói riêng được hưởng quyền lợi tự do dân chủ của một nước độc lập, được thực hiện quyền làm chủ của một nước độc lập, được thực hiện quyền làm chủ của mình.

Ngay sau đó, Uỷ ban nhân dân huyện Mộc Châu chính thức ra đời. Khác với nhiều huyện trong cả nước. Tại Mộc Châu chính quyền cách mạng ra đời trước Đảng bộ huyện khá lâu. Ngay sau khi Uỷ ban nhân dân cách mạng các cấp ở Mộc Châu mới được củng cố một bước. Ngày 8 tháng 2 năm 1946 thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Lai Châu quyết tâm xâm lược đất nước ta một lần nữa.

Tháng 4 năm 1946, Thực dân Pháp từ Tuần Giáo (Lai Châu) đánh xuống Sơn La, gặp phải sự đánh trả quyết liệt của lực lượng ta. Chúng phải dừng lại ở Thuận Châu để chờ quân tiếp viện.

Ngày 3 tháng 1 năm 1947, thực dân Pháp từ Chiềng Pấc (Thuận Châu) đánh áp Mường Chanh, Mường la và Thị xã Sơn La.

Ngày 7 tháng 1 năm 1947, chúng cho phi cơ oanh tạc cơ quan đầu não của tỉnh tại Hát Lót. Trước sự tấn công dồn dập của địch mặc dù đã được liên khu 14 tăng cường cho mấy tiểu đoàn chủ lực, nhưng so với địch, lực lượng của ta còn yếu, vũ khí thô sơ, lại phải dàn mỏng để chống địch. Do vậy ta mất dần địa bàn.

Để đối phó với tình hình ngày càng bất lợi Tỉnh uỷ đã kịp thời mở một cuôc họp tại Mộc Châu và nhận định tình hình:

- Địch sẽ tiến đánh Mộc Châu hòng tiêu diệt lực lượng và cơ quan đầu não của ta. Chúng có thể cùng một lúc tiến đánh theo mấy hướng.

+ Từ Yên Châu đánh xuống, từ suối rút đánh lên.

+ Từ Lào đánh sang.

+ Cho quân nhay dù xuống cao nguyên Mộc Châu đánh úp các cơ quan của ta.

Do vậy Tỉnh uỷ chủ trương:

- Đưa 2 đại đội chủ lực chốt chặt làm chậm bước tiến của địch tại Xuân Nha, Pa Háng và Chiềng On.

- Các cơ quan đầu não của tỉnh, huyện rút xuống Mộc Hạ.

- Khẩn trương cử cán bộ xuống cơ sở giúp dân sơ tán vào rừng hướng dẫn xây dựng lũng lán, lập kho lương thực dự trữ nằm sâu trong rừng.

Đúng như nhận định của ta: Ngày 22 tháng 4 năm 1947 địch đánh vào Mộc Châu bằng 3 hướng:

- Từ Yên Châu đánh xuống.

- Từ Lào qua Pa Háng đánh sang.

- Cho quân nhảy dù xuống cao nguyên Mộc Châu hòng đánh từ trong đánh ra.

Ngày 28 tháng 7 năm 1947 ta bất ngờ nổ súng đánh vào 2 kho lương thực Hướng Càn và Xồm Lồm. Ở Hướng Càn ta thắng lớn. Diệt 1 quan hai Pháp và toàn bộ lính khố đỏ thu nhiều vũ khí và lương thực trong kho Xồm Lồm. Ngay đêm đó ta tổ chức vây đánh tiếp đồn Nà Mường ta diệt thêm 3 tên chỉ huy Pháp và 2 lính.

Thắng lợi Hướng Càn - Nà Mường đã phá vỡ đường tiếp tế của địch giữa Mộc Châu - Vạn Yên, Mộc Châu - Suối Rút (Hoà Bình).

Trung tuần tháng 10 năm 1947, 36 tên địch gồm cả lính Pháp và lính nguỵ thất trận từ Dốc Cọ (Xuân Đài - Phú Thọ) về Mộc Lỵ khi đến bản Pơ Tào thì trời tối quân lính vừa sợ, vừa mệt mỏi. Tổ du kích bản Pơ Tào và nhân dân đã lập mưu cùng nhau giết giặc. Mang rượu bỏ thuốc độc và thức ăn ra cho chúng đánh chén, chẳng mấy chốc tất cả bọn chúng bị say mềm. Ta diệt tại chỗ toàn bộ lực lượng gồm 2 chỉ huy Pháp thu toàn bộ vũ khí trong đó có một trung liên.

Cuối tháng 12 năm 1947, Thực dân Pháp phải điều 1 đại đội tăng viện cho đồn Mộc Hạ, nhưng chúng đi vừa đến dốc Đin Đen thì bị quân ta phục kích diệt gọn đại bộ phận.

Cũng thời gian này, đội du kích Xuân Nha tổ chức phục kích toán địch trên đường Xuân Nha sang Lào. Diệt 1 quan hai Pháp và 7 lính thu toàn bộ vũ khí và tài liệu quan trọng.

Với khí thế thắng lợi của ta. Thực dân Pháp điên cuồng tìm mọi cách hòng đối phó với ta. Chúng ra sức bắt lính, dồn dân, lập vành đai trắng, xây dựng thêm các căn cứ đồn bốt: Đồn Mộc Lỵ, Chiềng Ve, Chiềng Khừa.

Đồn Mộc Lỵ được xây dựng năm 1951 có một vị trí then chốt và hết sức quan trọng là cửa ngõ tiến vào Tây Bắc và thượng Lào và vậy Thực dân Pháp rất chú ý xây dựng các cứ điểm bảo vệ Mộc Châu, nhất là đồn Mộc Lỵ nhằm mục đích ngăn chặn quân ta tiến đánh giải phóng Tây Bắc và vùng thượng Lào. Địch xây dựng đồn Mộc Lỵ trên một núi đá tai mèo hiểm trở, độc lập, có nhiều vách đứng án giữ trên ngã ba đường từ Hà Nội lên Tây Bắc, từ Việt Nam sang vùng Thượng Lào. Do có địa thế hiểm trở, mức độ kiên cố cao, có hoả lực dày đặc nên đồn Mộc Lỵ được chúng mệnh danh là: "Chiến sỹ áo giáp sắt" bất khả xâm phạm ở phân khu Sơn La.

Lực lượng của địch ở đồn Mộc Châu gồm hơn một tiểu đoàn Thái tăng cường gồm cả Tây đen, Tây trắng, lính nguỵ, ngoài trang bị vũ khí cá nhân đầy đủ như tiểu liên, súng trường. Địch ở đây còn được trang bị một pháp 94 ly, 6 súng cối 81 và 60ly, 3 đại liên, 27 trung liên, lương thực, thực phẩm đạn dược thường xuyên được bổ sung dự trữ đảm bảo cho chiến đấu dài ngày. Đồn do tên quan ba Pháp Vanh - Xăng chỉ huy.

Nắm được đồn Mộc Lỵ là một vị trí then chốt hết sức quan trọng ngay từ khi ta bắt đầu mở chiến dịch tướng Đờ - Ly - Na - Rét đã đích thân tới đây để kiểm tra việc bố phòng và giao nhiệm vụ cho sĩ quan, binh lính, phải chống giữ đến cùng khi bị tấn công. Bộ chỉ huy quân đội Pháp còn rút từ Phát Diệm lên tăng cường cho đồn Mộc Lỵ những toán biệt kích, ác ôn được lựa chọn và huấn luyện kỹ để tung vào hoạt động các vùng mà chúng nghi là căn cứ giấu quân của ta.

- Về phía ta: Việc đánh chiếm đồn Mộc Lỵ quyết định tới việc triển khai toàn bộ tuyến hậu cần cho chiến dịch từ Hoà Bình lên. Các binh đoàn chủ lực của ta đã tiến sâu vào vùng hậu phương. Lúc này việc đảm bảo gạo, đạn đang là một trong những vấn đề cấp bách có tầm quan trọng hàng đầu trong việc quyết định các phương án tác chiến. Vì vậy ngày 17 và 18 các đơn vị bí mật chiếm lĩnh trận địa, đào công sự. Các tiểu đoàn 349 và 888 luồn rừng theo dòng suối tiến lên phía Tây Bắc hình thành thế bao vây chặn quân tiếp viện của địch từ Sơn La xuống.

Ngày 19 tháng 11 năm 1952, quân ta xiết chặt vòng vây quanh vị trí đồn. Khoảng giữa trưa một toán lính và ngựa thồ của địch từ Chiềng Ban theo đường quốc lộ 41 về Cò Nòi thu thóc bị tiểu đoàn 888 chặn đánh tiêu diệt gọn. Hai toán tuần tiễn địch từ đồn chính tiến ra phía Tây và Tây Nam thăm dò đồn bị ta đánh bật trở lại đồn. Đêm đó ta đột nhập giải tán trại tập trung đưa gần 1000 dân ra vùng an toàn.

23 giờ 30 phút đêm 19 tháng 11 quân ta nổ súng tiến công sau đúng 3 giờ chiến đấu vô cùng ác liệt. Trận đánh đồn Mộc Lỵ kết thúc thắng lợi. Ta tiêu diệt và bắt sống 350 tên trong đó có tên (quan ba Vanh - Xăng cùng một số sĩ quan) thu hơn 500 khẩu súng các loại cùng toàn bộ kho tàng vũ khí, quân trang, quân dụng và lương thực, thực phẩm, giải phóng trên 1000 dân. Phối hợp với bộ đội chủ lực, các đội du kích Tú Nang, A Má, Chiềng Khừa, Pa Háng tổ chức bao vây tiến công đồn Pa Khôm, Pa Háng. Địch hoảng sợ vội vã mở đường máu rút chạy lên Yên Châu và sang Lào. Sau khi giải phóng Mộc Châu, đại đoàn 316 chia làm 3 cánh quân tiếp tục tiến lên giải phóng Mộc Châu, đại đoàn 316 chia làm 3 cánh quân tiếp tục tiến lên giải phóng Sơn La. Ngày 10 tháng 12 năm 1952 chiến dịch Tây Bắc kết thúc, thắng lợi ròn rã.

 

2. Khảo tả di tích

Do Mộc Châu có một vị trí then chốt và hết sức quan trọng cho nên thực dân Pháp rất chú ý về địa hình xây dựng đồn. Đồn Mộc Lỵ được xây dựng trên toàn bộ quả núi đá tai mèo (đây là ngọn núi đá hiểm trở so với mặt bằng không cao lắm khoảng 150m) và có nhiều vách đá đứng, vị trí này được án ngữ trên ngã ba đường từ Hà Nội lên Sơn La và từ Mộc Châu sang Lào. Lợi dụng những mỏm đá nhấp nhô, địch bố trí một hệ thống công sự, lô cốt rất kiên cố và nhiều tầng hoả lực nhằm phát huy hết hiệu quả của các loại vũ khí và yểm trợ cho nhau mỗi khi bị tấn công. Hầm chỉ huy và các hầm cố thủ được xây bằng bê tông cốt thép.

Phía ngoài đồn được bao bọc bởi 4 hàng rào thép gai chằng chịt. Ngoài khu đường chính địch còn xây dựng thêm 2 khu tháp canh. Mỗi nơi có khoảng một tiểu đội canh gác, vừa tạo thế phòng ngự tuyến ngoài.

- Toàn bộ hệ thống lô cốt được xây cất theo quanh chân núi. Gồm 6 lô cốt.

+ Phía Tây một lô cốt.

+ Phía Bắc hướng ra ngã ba là hai lô cốt.

+ Phía Đông hai lô cốt hướng ra đường từ Hà Nội lên Sơn La.

+ Lô cốt trung tâm chỉ huy ở trên đỉnh núi.

Riêng lô cốt hướng Tây hiện nay còn khá nguyên vẹn lô cốt được thiết kế phía bên trong được lợi dụng vào vách đá tự nhiên. Phía bên ngoài được xây dựng bằng đá.

Lô cốt phía Bắc và phía Đông được xây dựng độc lập lô cốt có hình tròn với diện tích 25m2. Được xây dựng bằng đá hộc, phía trên đổ bằng bê tông cốt thép.

Tường lô cốt tất cả thiết kế như nhau. Dày 0,50m, có lỗ châu mai.

Tất cả các lô cốt này đều có giao thông hào ăn thẳng với lô cốt chỉ huy phía trên đỉnh núi.

3. Giá trị lịch sử, khoa học, nghệ thuật

Là một di tích có giá trị về mặt lịch sử trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta nói chung và của nhân dân Sơn La nói riêng.

Việc quân và dân ta đánh tan đồn Mộc Lỵ có một ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhất là trong việc giải phóng Tây Bắc tiến tới giải phóng Điện Biên Phủ.

Đánh và giải phóng đồn Mộc Lỵ còn có một ý nghĩa rất to lớn với ta. Ta đã mở được đường giao thông về hậu cần từ Hoà Bình lên Sơn La. Tạo thuận lợi cho việc giải phóng Tây Bắc và giải phóng Điện Biên Phủ, ngăn chặn và cắt đứt giao thông đối với vùng Thượng Lào.

Việc chiến thắng đồn Mộc Lỵ còn có một ý nghĩa về mặt chiến lược ta rút ra được bài học, với vũ khí thô sơ ta đã đánh tan được một loại hình công sự kiên cố.

Loại hình di sản Di tích lịch sử kháng chiến Chuyên đề
Xếp hạng di sản Xếp hạng quốc gia Năm xếp hạng 24/1/1998
Kiến trúc Hiện trạng
Hiện vật trong di sản
- Hiện nay di tích còn lại một hệ thống lô cốt chỉ huy trên đỉnh núi - hiện nay đã mất nóc. - Lô cốt phía Bắc - còn tương đối nguyên vẹn. - Lô cốt phía Tây - còn tương đối nguyên vẹn.
Cổ vật Hiện vật mới
Công tác bảo vệ

 

Hiện nay di tích còn lô cốt phía Tây, phía Bắc và lô cốt chỉ huy.

Là một di tích có ý nghĩa lịch sử gắn liền với lịch sử trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Thực dân Pháp của dân tộc ta.

Đối với Tây Bắc, việc giải phóng đồn Mộc Lỵ đã tạo điều kiện và thuận lợi cho quân và dân ta tiến về giải phóng Tây Bắc 1952 và giải phóng Điện Biên Phủ 1954.

Do có ý nghĩa lịch sử như vậy. Địa phương có phương án bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng để khu đồn Mộc Lỵ gắn liền với lịch sử địa phương.

Cải tạo con đường lên di tích được thuận lợi. Hiện nay di tích đang được địa phương đưa vào sử dụng, ngày lễ hàng năm địa phương tổ chức đưa khách tham quan.

Công tác tu bổ tôn tạo
Đất đai trong di sản
Tư liệu kèm theo

 

- Tài liệu lịch sử huyện Mộc Châu. Tập I 1940 - 1975 Ban tuyên giáo huyện uỷ xuất bản 1988.

- Tài liệu lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La.

- Video di tích đồn mộc lỵ :  Xem video


https://www.zbet.win/news/soi-keo-bong-da