- Khung cửi là công cụ dệt vải, là dụng cụ cuối cùng trong qui trình làm vải của dân tộc Mường.
- Khung cửi có hình hộp chữ nhật có 4 cột trụ và các thanh nối ngang dọc tạo cho khung cửi có tính chất vững chắc. Khung cửi có nhiều bộ phận:
1) Khung làm bằng gỗ với 4 cột trụ to, chắc, có các thanh dọc, ngang nối với nhau tạo cho khung có tính chất vững vàng.
2) Trục để cuốn vải kéo cho mặt vải dệt có độ phẳng để dệt vải mịn, trục là 1 thanh gỗ tròn nằm ngang khung cửi từ 1/3 phía người ngồi lại, thanh gỗ gắn lên trên 2 cọc gỗ có mấu để giữ trục gỗ không bị di chuyển.
3) Phưm: giống như chiếc lược được làm hình chữ nhật bằng khung. Gỗ chắc, bên trong đan bằng nan tre vót nhỏ, đều nhau, phưm có tác dụng chia đều các sợi vải dọc và dập chặt các sợi vải ngang để cho mặt vải mịn đều.
4) Go: thường thì có 2 bộ go chính, go dùng để chỉnh sợi, khổ vải rộng hay hẹp, dùng để cải hóa. Ngoài 2 go chính nếu dệt thổ cẩm thì cần phải dùng nhiều go phụ để dệt Hoa. Go là bộ phận chính trong khung cửi.
5) Bàn đạp: là 2 thanh gỗ để đạp chân lên, buộc 2 sợi dây đính với go để điều chỉnh sợi lên xuống để đưa thoi vào dệt sợi ngang.
6) Thanh ngáng sợi: Thanh ngáng sợi là 1 thanh gỗ to bề ngang khoảng 10cm bet để ngang giữa 2 làn sợi dọc cho cao lên để đưa thoi qua dễ dàng.
- Với quan niệm của dân tộc Mường thì các cô gái nào dệt được nhiều vải, chăn đệm thì cô gái ấy càng được coi trọng, nên từ khi còn nhỏ tuổi các cô đã phải tập làm bông dệt vải để chăm lo cho cái mặc cho gia đình cũng như tích lũy để làm của hồi môn đi nhà chồng. Ngoài ra vải còn có cả tác dụng trong tín ngưỡng, nên mỗi gia đình đều phải có khung cửi.
|