Chi tiết hồ sơ

Tên Di chỉ mái đá bản Mòn
Địa điểm Bản Mòn, Tỉnh Sơn La
Thuộc Huyện/Thành phố Thuộc Xã/Phường/Thị trấn
Mô tả chi tiết

1. Sự kiện, nhân vật lịch sử, thuộc tính di tích

              Những dấu ấn văn hoá cổ xưa nhất từ thuở bình minh của loài người đượng tìm thấy ở Sơn La đã khẳng định trên đất Sơn La có người Việt cổ sinh sống. Đó là hàng trăm di tích, hàng ngàn di vật thuộc các thời đại đá cũ, đá mới và thời đại kim khí. Điều đó đã khẳng định rằng cư dân cổ Sơn La có sự phát triển liên tục từ thời đại nguyên thuỷ cách ngày nay hàng vạn năm đến những ngày đầu của thời đại văn minh.

           Văn hoá tiền và sơ sử của Sơn La là một trong những mảng màu văn hoá đặc sắc của cư dân cổ ở miền Tây Bắc của Việt Nam, những phát hiện khảo cổ học cho thấy vết tích cư trú rõ nhất của người Việt cổ ở Sơn La là các mái đá bản Mòn thuộc xã Thôn Mòn, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.

          Di chỉ mái đá bản Mòn được nữ học giả người Pháp, bà M.Côlani phát hiện và khai quật vào tháng 5 và tháng 6 năm 1927. Trong 6 mái đá của di chỉ này chỉ có 2 mái đá phía Tây và phía Đông có vết tích cư trú của con người.

+ Mái đá Phía Tây:

Trên mặt của mái đá, có lớp vỏ ốc tạo thành tầng dầy: 0,30m chứa chủ yếu là ốc nước gọt Melania. Dưới đáy dọc theo thành vách là khối dăm kết vôi, vỏ nhuyễn thể và các vật liệu khác khá vững chắc.

             Vết tích tiền sử ở đây khá nghèo nàn gồm: 01 chày nghiền bằng cuội, 02 viên đá có vết ghè đẽo, 01 chiếc rìu mài đã bị vỡ, 01 đục đá nhỏ mài, 01 dùi xương nhỏ mài, một vài mảnh tước có dấu cưa và một số mảnh gốm cổ.

+ Mái đá Phía Đông:

             Mái đá cao hơn xung quanh một chút, lối lên dễ dàng, rộng 20m, sâu vào 5m, cửa hướng về phía Đông, khuất gió. Tầng văn hoá ở đây tương đối nguyên vẹn, trong diện tích khoảng 16m2 (2m x 8m). Tầng văn hoá nằm ở dưới lớp bụi mịn, rồi đến lớp đất cứng chắc dầy 0,50m. Trầm tích khảo cổ ở đây chỉ dầy vài chục cm, có chỗ đào sâu tới 1,5m, trong đó tìm thấy vỏ ốc nước ngọt Melania.

            Trong tầng văn hoá này đã tìm thấy 01 rìu đồng, 01 vật đồng chưa rõ công dụng. Những chiếc đục mài, những đồ trang sức nhỏ, những mảnh vòng khoan tách lõi, rất nhiều gốm thô. Đặc biệt là những phác vật và mảnh tước đều làm bằng đá xanh lấy từ núi phía Bắc bản Mòn. Những hiện vật có dấu cưa chủ yếu gặp dưới một tảng đá lớn rơi từ trần hang xuống. Trong mái đá còn tìm được di cốt người chôn không sâu lắm, các xương bị vỡ mủn.

Một số hiện vật tiêu biểu ở 2 mái đá này là rìu có chuôi tra cán, rìu mài toàn thân chế tác tinh xảo. Đục tứ giác mài toàn thân lưỡi vát một mặt. Những mảnh vòng khoan tách lõi làm từ đá phiến (Schiste).

            - Trong sưu tập này, rìu tứ giác, dục hình thang chiếm số lượng nhiều hơn rìu có vai, trong đó một số ít chế tác hoàn chỉnh, còn đa số ở dạng phác vật hoặc chế tác dở dang. Những chiếc rìu này được làm từ đá phún xuất, màu xanh xám được khai thác tại chỗ. Người xưa đã xẻ đá thành khối chữ nhật nhỏ và dài, rồi cưa cắt ra từng đoạn, ghè đẽo tạo lưỡi và mài toàn thân rìu hoặc bôn. Như vậy, rõ ràng di chỉ bản Mòn là một di chỉ xưởng chế tác rìu, bôn tứ giác. Rìu, bồn ở bản Mòn có đặc điểm: Đốc hơi thu nhỏ, lưỡi con lồi, mặt cắt ngang hình thấu kính hai cạnh thẳng. Loại công cụ này còn thấy khá phổ biến ở nhiều địa điểm khảo cổ học khác tại Sơn La. Như vậy, có thể nói rằng, công xưởng chế tác rìu bản Mòn giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp công cụ lao động đá cho nhóm cư dân trong vùng thông qua việc trao đổi.

          - Đồ trang sức tìm thấy ở di chỉ này, ngoài 01 chuỗi hạt gần hình trụ khoan lỗ từ hai đầu, một mảnh vòng tay bằng đá phiến màu xám có mặt cắt ngang hình nửa ô van, phần lớn là những phác vật ở dạng chế tác dang dở, hoặc các phế loại do bị vỡ. Với những hiện vật thu được như vậy, di chỉ bản Mòn không những chỉ là xưởng chế tác công cụ rìu tứ giác, bôn mà còn có thể là nơi chế tác đồ trang sức. Loại vòng khoan tách lõi này khá phổ biến ở di chỉ Thoọc Kim (Yên Châu), Hồng Đà (Phú Thọ) và cả hai địa điểm này đã được xác định là xưởng chế tác đồ trang sức.

- Đồ xương tìm thấy ở bản Mòn có 01 dùi xương với vết mài cẩn thận ở một đầu, 01 nạo nhỏ và mảnh dao xương với vết chế tác của con người.

            - Đồ gốm thu được ở di chỉ bản Mòn thuộc loại gốm thô pha cát, xương gốm có những vảy mi ca nhỏ xíu, một lượng ít những mảnh cát vàng, mặt ngoài mảnh gốm đôi khi cũng gặp những vảy cát như vậy. Hoa văn được trang trí là văn thừng trải, văn thừng dập, văn thừng lăn cạnh văn thừng mịn, có căn thừng thô không xe. Bên cạnh đó còn có văn khắc vạch que 3 răng tạo các đường gấp khúc trong 2 đường thẳng gần song song nhau tạo thành dải băng. Có loại hoa văn tạo bằng que nhiều răng (4 răng) với các mô típ các đoạn cung ngắn hơi cong kế tiếp nhau, nhiều lớp liên tiếp.

           - Hiện vật đồng ở đây gồm: 01 rìu và một miếng đồng; Rìu lưỡi xoè cân có họng tra cán, dài 9,5cm, rộng tối đa 7cm, họng tra cán rộng 3,7cm, dầy 1,5cm. Mặt lớn của rìu phẳng, một mặt cong, hơi vồng: Trên mặt có trang trí hai đường gờ nổi gần song song nằm ngang gần giữa thân; Gần họng có thêm một đường gờ nữa, gần họn có một lỗ thủng (Chốt hãm) nhỏ. Trên mặt vồng của rìu cũng có một đường gờ nổi nằm ngang, có một lỗ chốt hãm.

          Tháng 10 năm 2004, Bảo tàng Sơn La trong khi điều tra để xếp hạng di tích đã phát hiện thêm tại mái đá phía Bắc gồm: 30 mảnh gốm về chất liệu và hoa văn giống với gốm ở mái đá phía Đông. Một số vỏ ốc nước ngọt được chặt đít ở sâu dưới mặt đất 0,40m; 01 phác vật rìu tay có chiều dài 13,4cm, lưỡi có hình tương đối nhọn, chỗ rộng nhất là 6cm, vuốt về đầu lưỡi là 2cm, đốc rìu 5cm, thân rìu 4,5cm. Chất liệu là đá xanh sáng, một mặt phủ lớp can xi và một chày nghiền chất liệu là cuội suối màu xanh hạt mịn.

Theo nhận xét của bà M.Colani thì di chỉ bản Mòn là một di chỉ xưởng chế tác công cụ lao động và đồ trang sức có niên đại hậu kỳ đá mới.

Di chỉ bản Mòn không những có giá trị khảo cổ học về văn hoá tiền sử mà còn có ý nghĩa lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

           Sau khi chiến dịch Tây Bắc kết thúc thắng lợi, quân và dân ta đã tập trung sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Để đảm bảo nguồn lương thực và thực phẩm phục vụ cho bộ đội, tại di chỉ bản Mòn này (ở mái đá phía Đông) đã được chọn làm nơi tập kết lương thực, thực phẩm phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ 1953 - 1954.

Trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ 1965 - 1968, đây là nơi sơ tán để đảm bảo an toàn và bí mật của các cơ quan của huyện Thuận Châu.

2. Khảo tả di tích

             Đứng từ xa nhìn vào núi đá, di tích trông giống tựa như một con đại bàng khổng lồ đang đậu trên núi, đầu quay về hướng Bắc, vai phải quay về hướng Đông, vai trái quay về hướng Tây tựa như đang giữ một báu vật linh thiêng.

             Dưới chân núi đá này là cả một hệ thống di chỉ của người tiền sử. Địa hình ở đây khá bằng phẳng, trước mặt là một cánh đồng rộng lớn và dòng suối Muội. Những di chỉ ở đây đều nằm trong các mái đá ở chân núi dạng kiểu hàm ếch được khoét sâu vào núi.

            Theo truyền thuyết kể lại rằng: Từ xa xưa, vào một ngày đẹp trời giữa tháng 3, có một con gà bằng vàng bay từ phương Bắc về phương Nam, khi qua khu vực bản Mòn thấy ở đây có cảnh đẹp, địa hình bằng phẳng, có dòng suối Muội hiền hoà chảy qua, ở giữa có một quả núi lớn cây cối xanh tốt, đứng ở đây có thể quan sát được tất cả mọi phía, gà vàng liền hạ cánh xuống đỉnh núi và có ý định trú ngụ lại đây.

            Ở bản làng gần đó, có một chàng trai nhà rất nghèo. Hàng ngày, chàng phải vào rừng đốn củi, đem về đổi lấy gạo để nuôi mẹ già. Hôm đó, khi đang đốn củi, chàng trai thấy có tiếng vỗ cánh lạ, khác với tiếng vỗ cánh của chim rừng. Chàng trai ngẩng mặt lên thì thấy trên đỉnh núi có một vầng sáng rực, chàng trai bèn leo lên đỉnh núi thì nhìn thấy một con gà bằng vàng đang đậu ở đó. Thấy động, con gà liền bay xuống chân núi và chui vào một chiếc hang nhỏ. Chàng trai liền theo xuống và đào, bới mong bắt được gà vàng. Nhưng vì hang quá sâu, lại một mình chàng trai không đào được, chàng liền chạy về bản gọi dân bản đến cùng đào để bắt gà vàng.

            Dân bản ngày qua ngày đào quanh chân núi cho tới một hôm họ cũng đào được tới chỗ cửa hang, nơi con gà vàng chui vào nhưng tiếc thay cửa hang đã bị lấp kín không thể đào được nữa. Dân bản vừa tiếc công sức mình bỏ ra, vừa tiếc không bắt được gà vàng và vẫn mong một ngày nào đó sẽ lại thấy gà vàng, cho nên đã đặt ngọn núi là Mon nghĩa là trông mong mòn mỏi và từ đó bản có hang này cũng được đặt tên là bản Mòn. Dấu vết đào gà vàng của dân bản xưa đã trở thành những mái đá rộng, mà các nhà khảo cổ học cho rằng đó nơi cư trú của cư dân thời tiền sử.

Chân núi bản Mòn được tạo thành bởi 6 mái đá chạy xung quanh tạo thành thế tương đối liên hoàn.

           - Mái đá phía Bắc được tạo gần như một cái hang, miệng hang dài 25m, cao 24m, độ sâu vát vào bên trong là 10m. Trước cửa hang có 2 cột nhũ đá to mọc ở giữa đứng từ trong hang nhìn ra ta tưởng tượng như đây là miệng của con rồng khổng lồ. Trên trần hang các nhũ đá to đủ mọi hình thù kỳ thú: Đây là hình chú cầy bay đang treo chân vào trần hang xoè hai cánh như đang chuẩn bị bắt mồi, kia là nhũ đá hình bầu sữa mẹ suốt ngày nhỏ những hạt nước trong vắt xuống nền hang, rồi hình nhũ đá như con thạch sùng to lớn đang há miệng bắt mồi.

            - Đi từ mái đá phía Bắc theo hướng tay phải ta sẽ gặp mái đá phía Tây, mái đá có chiều dài khoảng 15m, cao 20m, sâu vào hơn 3m, nền bằng phẳng, tại đây đã phát hiện các di vật thời tiền sử.

            - Từ mái đá phía Tây, đi tiếp 20m về phía tay phải, ta gặp mái đá phía Nam. Mái đá này có chiều dài 40m, cao 7m, sâu vào 4m. Đây là một mái đá chạy dài có hình 1/2 ống dưới nền là đá nhẵn, phần cuối hang có những cột đá nhũ đủ mọi hình thù được thiên nhiên tạo nên: Cây thóc, cây đồng tiền,…

          - Từ mái đá phía Nam ta đi tiếp khoảng 10m gặp mái đá phía Đông. Mái đá này có chiều dài khoảng 20m, cao 15m, sâu vào 8m, có ngách lên trên thông với tầng trên rộng khoảng 40m2. Nền mái đá ở đây cao hơn mặt đất 3m cho nên nền khô ráo. Ở nền hang này đã phát hiện ra các hiện vật khảo cổ học thời tiền sử. Trên trần của mái đá, thạch nhũ tạo ra đủ mọi hình thù. Du khách đến thăm quan có thể nhìn những thạch nhũ mà tự đặt tên: Đây là những bông hoa, những cái cây đang treo lơ lửng trên cành rồi những cánh chim đang rập rờn dưới những đám mây, những cột đá đủ mọi hình thù được thả từ trên trần xuống nền. Du khách đến đây tựa như đang bước vào "Buồng công chúa" được trang hoàng lộng lẫy.

            Đến với di chỉ mái đá bản Mòn, du khách không những được tham quan, hiểu biết thêm về lịch sử phát triển của loài người mà còn được ngắm những cảnh đẹp của những mái đá, những mái nhà của người Việt cổ. Không những thế, du khách còn được tận hưởng cảnh quan và không khí trong lành. Xung quanh di tích hiện nay là những khu vườn trồng cây thoáng mát, sạch sẽ, là nơi nghỉ chân cho du khách khi thăm quan di tích. Bản Mòn là bản của đồng bào Thái với văn hoá truyền thống đặc sắc còn được bảo lưu đậm nét, những nghề thủ công truyền thống với sản phẩm phong phú … Du khách tới đây được hoà mình vào điệu xoè truyền thống và ngất ngây trong hương rượu cần, sẽ là nơi tham quan cho những người muốn tìm hiểu về văn hoá tộc người.

3. Giá trị lịch sử, khoa học, nghệ thuật của di tích

Di tích có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng trong ngành khảo cổ học nước ta nói chung và Sơn La nói riêng. Đây là một di chỉ khảo cổ học được phát hiện sớm nhất của khu vực Tây Bắc.

Qua khảo sát và thu thập hiện vật thì đây là một địa điểm đã có cư dân cổ cư trú cách ngày nay khoảng 3.000 năm. Không những thế, đây còn là một công xưởng chế tác công cụ lao động và đồ trang sức.

Ngoài ra, di tích có địa hình thuận lợi, cảnh quan môi trường sạch đẹp gắn với văn hoá dân tộc truyền thống, thuận lợi cho khách thăm quan.

4. Cơ sở pháp lý bảo vệ di tích

            - Với giá trị lịch sử của di tích như đã nêu ở trên, di tích cần được công nhận xếp hạng cấp tỉnh dể bảo vệ và phát huy tốt công tác nghiên cứu khoa học thời tiền sử ở Sơn La và phát huy tốt công tác giáo dục truyền thống cho các thế hệ nhân dân các dân tộc Sơn La.

Loại hình di sản Khảo cổ học - Danh Lam - Sinh thái Chuyên đề
Xếp hạng di sản Xếp hạng cấp tỉnh Năm xếp hạng 28/4/2006
Kiến trúc Hiện trạng Xuống cấp
Hiện vật trong di sản
Ngoài những hiện vật đã thu được qua các đợt khảo sát điền dã. Hiện nay ở mái đá phía Đông và phía Tây, dưới nền còn có trầm tích vỏ ốc nước ngọt về diện tích còn tương đối nguyên vẹn, di vật công cụ đá thời tiền sử và những tầng văn hoá chưa được khảo sát.
Cổ vật Hiện vật mới
Công tác bảo vệ

Hiện nay di tích còn tốt, không có sự xâm hại của con người

- Trước mắt để bảo vệ di tích tránh sự xâm hại của con người, di tích cần được sớm qui hoạch khu vực bảo vệ.

- Ngành chức năng kết hợp với chính quyền địa phương bảo vệ di tích để giữ nguyên hiện trạng của di tích.

Công tác tu bổ tôn tạo
Đất đai trong di sản
Tư liệu kèm theo

- Khảo cổ học tiền sơ sở Sơn La - NXB khoa học xã hội Hà Nội năm 2003.

- Báo cáo điền dã khảo cổ học năm 1992.

- Theo truyền thuyết của nhân dân bản Mòn, xã Tông Lệnh, huyện Thuận Châu.


https://www.zbet.win/news/soi-keo-bong-da