Chi tiết hồ sơ

Tên Hang Ta Búng (vũng nước)
Địa điểm Bản Trạm Hốc, Xã Chiềng On, Yên Châu, Tỉnh Sơn La
Thuộc Huyện/Thành phố Yên Châu Thuộc Xã/Phường/Thị trấn Xã Chiềng On
Mô tả chi tiết

I. LỊCH SỬ TÊN GỌI:

            - Tên gọi theo tiếng phổ thông: Hang Ta Búng ( vũng nước)

            Trước cửa hang là một khu đất trũng thường bị ngập nước vào mùa mưa. Người dân địa phương gọi khu đất này là Ta Búng theo tiếng dân tộc. Hang Ta Búng gắn với địa danh vùng đất trũng trước cửa hang.

            - Tên dân tộc: Thẩm Búa Nặm

            -  Tên gọi khác: Hang Pẩng

            Trước đây núi đá này có rất nhiều ong khoái về làm tổ, người dân địa phương khi phát hiện ra hang đã lấy đặc điểm của núi đá đặt tên cho hang là hang Pẩng.

            Hang thuộc địa bàn: Bản Trạm Hốc, xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.

            * Trước đây nơi này là một khu rừng tre hốc ( Mạy Hốc), một loại tre thân thẳng, lá to không có gai. Người Xinh Mun thấy địa thế thuận lợi cho việc dựng bản, lập mường đã định cư và lấy tên rừng tre Mạy Hốc làm tên bản. Bản Trạm Hốc nghĩa là bản ở gần rừng tre hốc.

II. ĐỊA ĐIỂM PHÂN BỐ, ĐƯỜNG ĐI ĐẾN DI TÍCH:

            Di tích hang Ta Búng thuộc địa bàn bản Trạm Hốc, xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Đường đi đến di tích đi bằng hai con đường:

            - Từ ngã ba Cò Nòi rẽ phải theo tỉnh lộ 104 khoảng 25 km là tới bản Trạm Hốc, rẽ phải 700m là tới hang.

            - Từ thị trấn Yên Châu đi ngược lên hướng thành phố Sơn La theo quốc lộ 6 khoảng 20km, rẽ trái theo tỉnh lộ 104 khoảng 21km là vào tới di tích.

            Đường đi đến di tích thuận tiện bằng các phương tiện ôtô, xe máy, xe đạp. Hai bên đường cảnh quan rất đẹp, đường rải nhựa uốn theo sườn đồi với màu xanh của những nương ngô, mận cánh rừng xanh ngút ngàn quanh năm.

III. SỰ KIỆN, NỘI DUNG CỦA DI TÍCH:

            Yên Châu là một huyện miền núi của Sơn La nằm trên trục đường quốc lộ 6 cách thủ đô Hà Nội 225km về phía Tây Bắc và cách thành phố Sơn La 66km về phía Đông. Yên Châu giáp với huyện Mộc Châu, Mai Sơn, Bắc Yên và có 47km đường biên giới giáp với nước CHDCNH Lào. Địa hình Yên Châu khá phức tạp chia làm hai tiểu vùng khác biệt: Vùng lòng chảo với khí hậu khô nóng và vùng núi cao biên giới với khí hậu mát mẻ. Yên Châu là một vùng đất có lịch sử lâu đời, người dân sinh sống ở đây chủ yếu là người Thái, người Xinh Mun, người Hmông và người Kinh. Là một vùng đất có truyền thống lịch sử lâu đời, có nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Trong suốt tiến trình lịch sử các dân tộc Yên Châu đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Ngày nay truyền thống đó đang được phát huy trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

            Mường Vạt là tên gọi cổ xưa nhất của vùng đất Yên Châu. Tên gọi này có nhiều ý kiến giải thích khác nhau. Có người cho rằng Mường Vạt là mường nhỏ như vạt áo, có ý kiến lại cho rằng tên gọi này xuất phát từ truyện cổ tích nàng Phồm Hom (nàng Tóc Thơm) hay Mường vạt là mường có người đàn ông mặc áo xẻ nách có miếng vạt bên trong gọi là vạt theo tiếng Thái gọi là Mường Vạt.

            Chuyện kể rằng  (nàng Tóc Thơm) hay nàng Phồm Hom là con út trong một gia đình giàu có, dân bản thường gọi nàng là nang Lả. Nàng có sắc đẹp mê hồn, đặc biệt nàng có mái tóc dài khắp 9 quả núi, lượn khắp 9 quả đèo và thơm ngào ngạt. Sắc đẹp của nàng khiến bọn nhà giàu trở nên ghen ghét và tranh giành chiếm đoạt. Thấy vậy “Then” cho người xuống bắt nàng về trời để giữ bình yên cho bản Mường. Một hôm Nàng đang cấy lúa ở khu ruộng bản Nà Và (xã Viêng Lán), bỗng nhiên có một đám mây đen xà xuống cuốn nàng lên trời, Nàng xé vội vạt áo ném xuống bản Mườn. Vạt áo rơi xuống ruộng nàng đang cấy. Nhân dân thấy vậy đóng 2 cọc gỗ lim vào đám ruộng để tưởng nhớ Nàng. Từ đó mường này có tên là Mường Vạt (Vạt áo). Yên Châu có nhiều tên gọi khác nhâu trong lịch sử, nhưng tất cả các tên gọi đó đều chỉ mảnh đất Yên Châu một miền đất có từ lâu đời gắn liền với giải đất miền Tây Bắc của Tổ quốc.

            Xã Chiềng On huyện Yên Châu là một xã miền núi biên giới có 13,5km đường biên giới Việt - Lào. Xã có ba dân tộc Hmông, Kinh và Xinh Mun cùng chung sống. Bản Trạm Hốc cách trung tâm huyện Yên Châu 30km về phía Tây Bắc, phía Nam giáp với bản Kim Sơn, phía Tây giáp với bản Teng Luông xã Phiêng Khoài, phía Bắc là xã Chiềng On (xã Yên Sơn trước đây thuộc xã Chiềng On, năm 1998 được tách thành xã Yên Sơn).

            Dưới chế độ của thực dân phong kiến đời sống của nhân dân ở đây vô cùng cực khổ, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy, săn bắt hái lượm, kinh tế thiếu thốn quanh năm. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nhân dân các dân tộc Chiềng On đã đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến. Từ khi đất nước độc lập kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng của bản Trạm Hốc ngày càng được cải thiện. Đặc biệt những năm gần đây, thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đồng bào đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi áp dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, sử dụng các giống ngô mới, lúa mới cuộc sống của người dân trong bản đã đổi mới trong mọi lĩnh vực. Con người nơi đây luôn giữ được ý thức đoàn kết dân tộc tự hào với truyền thống của cha ông. Thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Chiềng On hôm nay và mai sau mãi mãi xứng đáng với truyền thống yêu nước, bất khuất tự lực, tự cường của các thế hệ đi trước đã đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng mảnh đất Chiềng On ngày càng vững mạnh, bảo vệ vùng biên giới an toàn hữu nghị.

            Theo người dân nơi đây kể lại, hang Ta Búng được phát hiện rất lâu qua việc họ vào hang bắt dơi và lấy phân làm thuốc súng. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, hang Ta Búng còn là nơi nhân dân vùng này vào sơ tán. Xã Chiềng On là xã vùng cao biên giới, để đảm bảo an ninh trật tự vùng biên nên hang động này không được khai thác phục vụ khách tham quan. Những năm gần đây khu vực các hang động này được các cấp chính quyền từ huyện, xã va nhân dân địa phương rất quan tâm, mong muốn hang động này sẽ trở thành một thắng cảnh của địa phương nói riêng và của tỉnh Sơn La nói chung để sớm được khai thác, phát huy giá trị phục vụ nhu cầu du lịch của tỉnh.

IV. LOẠI HÌNH DI TÍCH:

            Di tích danh lam thắng cảnh.

V. KHẢO TẢ DI TÍCH:

            Xã Chiềng On là một trong những xã nằm trong dãy núi đá vôi của huyện Yên Châu. Trải qua hàng triệu năm dưới sự tác động  của kiến tạo địa chất và dòng chảy của mạch nước ngầm trong lòng núi, trên đỉnh núi xuống đã tạo nên nhiều hang động tại nơi này. Bên cạnh hang Ta Búng cách 100m là  hang Nhả Nhung . Hang Ta Búng là một hang đá tự nhiên, có rất nhiều cảnh quan kỳ thú, là món quà quý giá do thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Cửa hang quay về phía Tây cao 17m, rộng 9m, từ cửa hang đi vào có độ dốc thoai thoải mặt hang lô nhô từng tảng đá lớn, nhỏ rơi xuống từ trần hang do chấn động địa chất. Bước vào hang như bước vào ngôi nhf mát mẻ thoáng đãng làm cho du khách có cảm giác nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ. Hai bên vách hang là hai dòng suối nhỏ chay róc rách suốt ngày đêm. Trần hang là hình thù của những con vật to như voi, hươu, rồng, phượng, rùa, các loại chim… đang ẩn mình trong thảm thực vật được tạo bwoir những nhũ đá từ trần hang nhỏ xuống tạo thành. Ẩn khuất đâu đó là những thửa ruộng bậc thang, những rừng hoa, rừng cây. Hang Ta Búng có chiều dài 2000m, chiều rộng nhất khoảng 40m có chỗ trần hang cao 40 - 50m. Hang gồm 7 khoang, mỗi khoang có một vẻ đẹp kỳ thú khác nhau do thiên nhiên sắp đặt.

            Khoang 1: Đi hết phần cửa hang khoảng chừng 5m là tới khoang 1, khoang này chia làm 2 ngách, ngách tay phải có chiều dài khoảng 30m, rộng 10m, nền hang ẩm ướt bởi có một dòng suối nhỏ có nước vào mùa mưa, suối cạn vào mùa khô. Chính vì vậy, khoang này có nhiều nũ đá chen lẫn nhau muôn hình muôn vẻ ở hai vách hang và trên trần hang. Ngách bên trái ẩm thấp hơn, lòng hang sâu hơn, có một dòng nước chảy lâu ngày ăn sâu vào vách hang khiến ta liên tưởng đến một dòng suối mát chảy suốt ngày đêm. Tại ngách này có những khối nhũ đá trắng, vàng, xám… Đứng tại nơi này du khách tưởng tượng đến những tán lá rậm rạp, xanh tốt của những cây si, cây đa với những bộ rễ dài rủ xuống, giữa rừng cây là những dòng suối nhỏ với thác nước chảy tung bọt trắng xóa. Trong rừng cây nguyên sinh rậm rạp đó là những con thú như: chỗ này là sư tử đang đớp mồi, chỗ kia là đàn voi đang uống nước, đại bàng đang bay lượn.

            Khoang 2: Khoang này có diện tích khoảng 200m2, độ cao của hang khoảng 20m. Hệ thống nhũ đá ở đây khá phong phú, những trần nhũ đá vôi rủ từ trên trần hang xuống mềm mại như những tà áo dài của các cô thiếu nữ, một số chỗ của trần hang có những thạch nhũ nhỏ dài như thiên nhiên gắn hàng ngàn bóng điện vào đó trông xa như một dàn đèn khổng lồ của một khách sạn sang trọng nào đó. Những giọt đá vôi từ trần hang nhỏ xuống mặt đất suốt ngày đêm tạo nên những khối nhũ đá đồ sộ hoành tráng khiến cho du khách có cảm giác như lạc vào một khu rừng. Đứng từ vị trí giữa lòng hang chúng ta thấy một quang cảnh hết sức đặc biệt một khối măng đá giống như hình ảnh Phật bà quan âm hiện ra trong mây trắng bồng bềnh ngồi trên đài sen. Trần hang tương đối bằng phẳng như được dát một lớp mây mỏng khi ánh sáng chiếu vào ta thấy lấp lánh những ánh kim, đi tiếp vào cuối hang nhìn sang bên tay trái du khách sẽ thấy hình ảnh ông Bụt, ông Tiên đang chống gậy dang tay đón chào và ban những điều tốt lành cho quý khách. Tại phần hang này có một khối đá, trông giống như một lư hương khổng lồ, nếu như du khách giàu trí tưởng tượng sẽ có cảm giác nơi đây do những bàn tay khéo léo sắp đặt như những mâm lễ, mâm xôi, gà, nậm rượu, bánh dày, quả na, quả chuối, quả phật thủ, cây nến… Đây là lễ cúng trời đất cầu cho mưa thuận gió hòa một khung cảnh rất thực mà ta thấy như trong mơ, cái thực và cái hư như đan xen hòa quyện vào nhau tưởng như sự giao hòa giữa trời và đất.

            Khoang 3: Đường xuống khoang 3 quanh co uốn lượn với những cột đá khúc khuỷu. Khoang này có diện tích 250m2, lòng hang rộng có chỗ 30m, trần hang được phủ bằng lớp nhũ đá với các hình: Voi, hải cẩu, hoa ,lá như mở ra một thế giới cổ tích, khoang này cách biệt với khoang 2 qua một lối nhỏ hẹp. Đi tiếp du khách như bước vào cửa động thiên cung, lòng hang đột ngột mở ra không gian có tiết diện hình tứ giác với những măng đá như một đền đài mỹ lệ. Vách hang rộng cao thẳng đứng được bao bọc bởi những nhũ đá và trên mỗi vách động thiên nhiên ấy đã khảm nhiều hình thù kỳ diệu, lạ mắt hấp dẫn người xem. Đó là cột trụ lớn giữa lòng hang từ chân cột tới đỉnh cột đều được chạm nổi nhiều hình thù như chim, cá, cây cảnh, hoa lá. Trần hang với những hình tượng: Người, chim, bướm, hoa cỏ, muông thú như đang dự tiệc. Đây là những tác phẩm điêu khắc do bàn tay tài hoa của tạo hóa tác thành qua hàng vạn năm. Ngước mắt sang bên cạnh du khách có thể thấy hiện ra cảnh tượng một thành phố nguy nga, lộng lẫy với những ngôi nhà cao tầng. Trên trần hang những dải nhũ mềm mại buông từ trên cao xuống, xếp vào nhau trông như một dải đá khổng lồ, nếu ta dùng dùi gõ vào sẽ phát ra âm thanh trầm bổng, thánh thót như dàn nhạc giao hưởng do thiên nhiên tạo thành.

            Khoang 4: Là khoang trung tâm của hang có diện tích khoảng 600m2, lòng hang rộng rãi, trần hang cao 30m, trên trần hang có những vết lồi lõm khiến chúng ta dễ dàng hình dung như những dấu chân trên cát. Hai bên vách hang có rất nhiều vách đá xếp chồng lên nhau hết lớp này đến lớp khác trông xa như những quyển sách đầy bí ẩn chưa ai được đọc một lần. Khoang này chia làm ba ngăn chính. Ngăn phía ngoài hình vòm cuốn, trần hang như một bức tranh khổng lồ vẽ phong cảnh thiên nhiên hoang sơ với những đàn voi, những chú hươu sao, sư tử trong tư thế rất sinh động, phía dưới là những rừng măng đá nhiều màu hình thù tùy theo trí tưởng tưởng của mỗi người. Đặc biệt ở ngăn này có 4 trụ đá vững chắc tạo nên thế tứ trụ (Tứ trụ triều đình), mỗi trụ đá như có một bàn tay nghệ nhân trạm khắc, các trụ được kết nối với nhau bằng những dải nhũ đá dài quẩn quanh như những con rồng tượng trưng cho sức mạnh, quyền lực. Xung quanh là vô vàn những tác phẩm nghệ thuật  được trạm trổ rất công phu tỉ mỉ, tới đây đu khách chỉ còn biết mải mê ngắm nhìn, bên cạnh đó là hình ảnh chúa sơn lâm oai hùng, khí phách như đang tung bờm, thể hiện sức mạnh quyền uy, đồng thời thể hiện sự thống trị tuyệt đối với muôn loài vật tại nơi đây.

            Ngăn giữa là một trụ đá khổng lồ đến hàng chục người ôm, từ phía dưới chân cột lên trên là những hình mây bay, long phi, phượng vũ, hoa lá dây leo. Ở đây du khách còn bắt gặp nhiều hình ảnh như một cô gái đang ngồi gội đầu, mái tóc dài đen bóng trải dài, làn da trắng mịn khuôn mặt  trái xoan với bộ áo Thái có hai hàng cúc bướm, một bà mẹ bồng con đang đứng chờ chồng cũng được thiên nhiên tác tạo tại nơi này. Một khối thạch nhũ được phủ một lớp rêu xanh kết cấu thành bờ có những dòng nước trong vắt chảy tràn từ trên cao xuống thấp. Khung cảnh đó gợi cho ta liên tưởng tới hình ảnh quen thuộc của những thửa ruộng bậc thang của núi rừng Tây Bắc.

            Ngăn thứ ba bằng một khe cửa hẹp, lòng hang mở ra với ánh sáng chiếu vào mờ ảo, những bức tranh đá trở nên lung linh như những chùm hoa lúc ẩn, lúc hiện. Tại nơi này du khách trải rộng tầm mắt khi thấy một làng người Việt với những bờ tre, ao chuôm, những ruộng đồng màu mỡ. Đặc biệt nơi đây các khối núi đá kiến tạo có đủ bộ tứ linh: Long, ly, quy, phượng. Bên cạnh đó là một con rồng nằm uốn khúc bên một thửa ruộng, một con rùa đang bơi trên mình mang một bầy con, con Phượng Hoàng đang sải cánh bay về phía chân trời xa. Xung quanh là những cánh đồng có những người nông dân đang lội ruộng cày cấy không khí mát mẻ bên cạnh những hồ nước trong cùng với cảnh quan đẹp tạo cho du khách liên tưởng đến sự bình yên của một làng quê Việt. Vẫn theo đường vòng của khoang 4, du khách đến gần một khối thạch nhũ, những tác phẩm được tạo hóa tuyệt tác, nhìn xa xa lóng lánh như kim cương đó là cây vàng, cây bạc. Ở gần đó có một khối măng đá lớn trông như bầu sữa mẹ đang nhỏ tí tách từng giọt, hình ảnh này gợi cho ta nhớ về truyền thuyết  Âu Cơ - Lạc Long Quân. Toàn bộ vách hang bên phải là một hệ thống rèm, cột và nhũ đá đã kết tạo với nhau như một bức tranh hoành tráng, là những tác phẩm điêu khắc, những trạm trổ về thiên nhiên hùng vĩ tượng trưng cho cảnh núi rừng Tây Bắc với những đường nét tinh tế đến kỳ lạ. Tiếp tục cuộc hành trình du khách đi dọc theo hành lang là những khối măng đá màu trắng ngà lấp lánh ánh kim mọc sát nhau như một bức thành vững chắc, lối đi hẹp ta phải len lỏi qua từng vách đá, luồn mình qua từng khối đá, ta thấy cảnh vật ở đây càng trở nên huyền bí đó là những nhũ đá rủ trên trần hang xuống giống như những chiếc áo nâu sòng của các vị tu hành với những nếp áo dài mềm mại, trên nếp áo đó là vòng tràng hạt đeo cổ với những viên đá như ngọc màu vàng sẫm. Trên đỉnh của những khối nhũ đá lớn là những bông hoa mào gà màu vàng đang đua nhau nở rộ, khoe sắc. Tiếp theo đó du khách sẽ phải sửng sốt vì những gi đang được chiêm ngưỡng, một bãi cột đá như những cây bụt mọc cao, cây cao, cây thấp, nhiều tầng làm cho ta liên tưởng đến một thánh địa ở vùng giáo dân nào đó. Trên trần hang vô số những nhũ đá nhỏ chi chít như một bầu trời đầy sao vào những đêm trăng rằm, khi ánh sáng rọi vào ta thấy lung linh huyền ảo, sờ tay vào đó ta vẫn thấy giọt  nước nhỏ xuống tay mát rượi. Chỗ khác là những nhũ đá nhọn hoắt dày đặc tượng trưng như những mũi giáo từ trần hang xuyên tạo thành một bãi chông khổng lồ.

            Khoang 5: Đường vào khoang 5 nhỏ và hẹp lại có độ dốc cao, du khách phải luồn qua một khe nhỏ có chiều dài là 2m, chiều ngang 0,7m chỉ đủ cho từng người một qua ngách nhỏ. Khoang 5 có chiều dài 200m, chiều dài 20 - 30m, trần hang cao 40m, khoang này có nhiều tảng đá to, lòng hang ẩm ướt, hai bên vách hang có hai dòng suối nhỏ. Dòng nước bên tay phải chảy suốt ngày đêm, gần cuối khoang 5 bên phải có một ngách hang giống như một buồng của công chúa với sự trang trí cầu kỳ, sang trọng đó là muôn vàn những tia đá cẩm thạch được phun ra từ vách hang tạo thành những đường diềm trang trí muôn màu sắc óng ánh. Bên cạnh buồng công chúa là những cây cột đá được trang trí bằng những cột đá được trang trí cầu kì bằng những tia đá cẩm thạch nối từ trần hang xuống tận lòng hang, đây thực sự là một kiến tạo độc đáo của thiên nhiên mà chắc chắn ít hang động nào có được. Cuối hang là một bãi rộng trông giống như một cánh đồng , với một khu ruộng bậc thang đất đai màu mỡ và nhiều loại hoa màu được tạo nên bởi vo vàn những viên cuội nhỏ. Cánh đồng bên trái như một sân thóc , những hạt thóc mẩy căng đang được phơi dưới nắng thể hiện sự no đủ của người nông dân. Cánh đồng bên phải là những củ khoai tây vừa được thu hoạch nhưng chưa được chọn lựa nên củ to, củ nhỏ nằm đan xen nhau. Bên cạnh đó là các loại hoa quả vừa đượcj thu hái về với những quả bưởi, quả na, quả cam…. Do dòng chảy của nước, của thời gian mài mòn thành những viên cuội lớn, nhỏ xếp chồng lên nhau tạo nên một nét đặc biệt cho hang động này. Trên trần hang du khách sẽ thấy một khối nhũ đá lớn như ngai vàng của một ông vua, bên trên có lọng che ông vua đang mỉm cười nhìn xuống cánh đồng vui vẻ, phấn khởi vì sự no ấm của muôn dân.

            Khoang 6: Nối khoang 5 với khoang 6 là khoang nhỏ hẹp dần chiều dài 150m, chiều rộng 10 - 15m, trần hang cao 20 - 25m. Ngước nhìn lên trần hang du khách bắt gặp ở đây có nhiều nhũ đá nhỏ hẹp tạo thành nhiều tia nhỏ rủ xuống. Điểm độc đáo của hang này là có nhiều cột đá đá đẹp, cột to nhất ở giữa lòng hang có chiều cao 2m, đường kính khoảng 7cm đến 16cm. Ở giữa lòng hang có một khối đá hình con đại bàng, xung quanh là những cây nấm nhỏ được xếp chồng lên nhau, hai bên vách hang là những khối nhũ đá hình con sứa biển, con bạch tuộc với nhiều xúc tua dài màu trắng ngà.

            Khoang 7: Là khoang cuối cùng của hang Ta Búng, đường vào khoang 7 rộng thoáng, khoang có hình dáng như mai con rùa, đây thực sự như một ngôi nhà lớn, lòng hang có một bãi đất bồi rộng bằng phẳng có sức chứa khoảng 1000 người. Bên phải có một dòng suối nhỏ chiều ngang khoảng 1m chạy dọc theo hệ thống của vách hang. Nhũ đá ở đậy không nhiều, khoang 7 là khoang nghỉ ngơi của du khách sau buổi thưởng ngoạn đầy lý thú.

            Thắng cảnh hang Ta Búng rất đẹp có cảnh quan bên trong với những khối nhũ đá độc đáo, hiếm thấy ở các hang khác, hầu hết các hang đều có diện tích rộng. Đường vào khu hang động này cũng giống như cảnh quan xung quanh, với những rừng cây nguyên sinh, khí hậu mát mẻ, trong lành phù hợp với du lịch sinh thái. Đến với thắng cảnh Ta Búng du khách còn được thưởng thức những đặc sản của vùng đất Yên Châu với chuối ngọt, xoài thơm, lễ hội cầu mùa, những điệu xòe, lời khắp của các cô gái Thái làm say đắm lòng người.

VI. GIÁ TRỊ CỦA DI TÍCH:

            Di tích danh lam thắng cảnh hang Ta Búng là một thắng cảnh đẹp, nằm trong một vùng đất có lịch sử lâu đời, với hệ thống nhũ đá nguyên sơ, hình tượng phong phú đã được thiên nhiên kiến tạo qua hàng chục vạn năm và ngày nay vẫn đang được tiếp tục bồi đắp. Đồng thời là tác phẩm nghệ thuật tạo hình vĩ đại của thiên nhiên với sự hiện diện của hàng ngàn nhũ đá, muôn hình muôn vẻ như một bức tranh hoành tráng mà thiên nhiên ban tặng. Ngoài cảnh đẹp trong hang động, xung quanh di tích này có rừng cây nguyên sinh xanh tốt quanh năm với nhiều loại gỗ quý, khí hậu mát mẻ trong lành. Cùng với hang động ở vùng này, nơi đây sẽ trở thành khu du lịch sinh thái của huyện Yên Châu nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung.

Loại hình di sản Danh lam thắng cảnh Chuyên đề
Xếp hạng di sản Xếp hạng cấp tỉnh Năm xếp hạng 2011
Kiến trúc Hiện trạng Xuống cấp
Hiện vật trong di sản
Hiện nay di tích còn nguyên sơ, các nhũ đá còn được giữ gìn nguyên vẹn
Cổ vật Hiện vật mới
Công tác bảo vệ

 

TÌNH TRẠNG BẢO QUẢN:

            Hiện nay di tích danh lam thắng cảnh hang Ta Búng và cảnh quan thiên nhiên núi đá vôi, thảm thực vật quanh hang. Được UBND xã Chiềng On giữ gìn rất tốt, xã đã giao cho 20 hộ gia đình ở bản Trạm Hốc đầu tư kéo đường điện vào hang để phục vụ cho khách tham quan.

            Di tích danh lam thắng cảnh là tài sản quốc gia có giá trị về lịch sử, văn hóa phải được quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phục vụ lợi ích và nhu cầu của nhân dân. Vì vậy cần phải tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng theo luật di sản văn hóa.

            Sở văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp với Sở tài nguyên và môi trường với các ban ngành của huyện có liên quan cần phải nhanh chóng việc cắm mốc giới, quy hoạch cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích.

            Hiện nay UBND xã Chiềng On dự kiến quy hoạch 20hecta đất cho khu vực di tích.

CÁC BIỆN PHÁP BẢO VỆ VÀ SỬ DỤNG DI TÍCH:

            Là di tích có ý nghĩa về danh lam thắng cảnh của địa phương, phản ánh vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng cho nơi này. Kết hợp với vị trí địa lý, kinh tế, xã hội là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch ở địa phương.

            1. Xây dựng quy chế hoạt động, tổ chức bảo vệ di tích.

            2. Thành lập Ban quản lý di tích của xã, xây dựng biển chỉ dẫn di tích, biển tóm tắt di tích.

Công tác tu bổ tôn tạo
Đất đai trong di sản

 Xã Chiềng On là một trong những xã nằm trong dãy núi đá vôi của huyện Yên Châu. Trải qua hàng triệu năm dưới sự tác động  của kiến tạo địa chất và dòng chảy của mạch nước ngầm trong lòng núi, trên đỉnh núi xuống đã tạo nên nhiều hang động tại nơi này. Bên cạnh hang Ta Búng cách 100m là  hang Nhả Nhung . Hang Ta Búng là một hang đá tự nhiên, có rất nhiều cảnh quan kỳ thú, là món quà quý giá do thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Cửa hang quay về phía Tây cao 17m, rộng 9m, từ cửa hang đi vào có độ dốc thoai thoải mặt hang lô nhô từng tảng đá lớn, nhỏ rơi xuống từ trần hang do chấn động địa chất. Bước vào hang như bước vào ngôi nhf mát mẻ thoáng đãng làm cho du khách có cảm giác nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ. Hai bên vách hang là hai dòng suối nhỏ chay róc rách suốt ngày đêm. Trần hang là hình thù của những con vật to như voi, hươu, rồng, phượng, rùa, các loại chim… đang ẩn mình trong thảm thực vật được tạo bwoir những nhũ đá từ trần hang nhỏ xuống tạo thành. Ẩn khuất đâu đó là những thửa ruộng bậc thang, những rừng hoa, rừng cây. Hang Ta Búng có chiều dài 2000m, chiều rộng nhất khoảng 40m có chỗ trần hang cao 40 - 50m. Hang gồm 7 khoang, mỗi khoang có một vẻ đẹp kỳ thú khác nhau do thiên nhiên sắp đặt.

Tư liệu kèm theo

1. Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Châu (1945 - 1995) NXB Chính trị quốc gia Hà Nội năm 2001.

 2. Lịch sử Đảng bộ huyện Mộc Châu (1945 - 2000) NXB Chính trị quốc gia.

3. Người Thái ở Tây Bắc (xuất bản năm 1978), tác giả Cầm Trọng, NXB Khoa học - xã hội.

Ảnh hang ta búng:

Ảnh 1, Ảnh 2, Ảnh 3, Ảnh 4, Ảnh 5, Ảnh 6, Ảnh 7, Ảnh 8, Ảnh 9, Ảnh 10, Ảnh 11, Ảnh 12


https://www.zbet.win/news/soi-keo-bong-da