Chi tiết hồ sơ

Tên Di tích lịch sử Cầu trắng Sơn La
Địa điểm Tổ 4, Phường Tô Hiệu, Thành phố Sơn La, Tỉnh Sơn La
Thuộc Huyện/Thành phố Thành phố Sơn La Thuộc Xã/Phường/Thị trấn Phường Tô Hiệu
Mô tả chi tiết

1. Địa điểm, đường đi đến di tích:

              Di tích lịch sử Cầu trắng nằm trên trục đường quốc lộ 6 thuộc trung tâm thị xã Sơn La, cầu nằm ở vị trí thuộc tổ 2 phường Tô Hiệu, cầu được xây dựng vắt qua dòng suối Nậm La, đây là đoạn đường rất quan trọng nối mạch giao thông từ thị xã Sơn La đi Điện Biên và xuôi Hà Nội, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ có vị trí chiến lược, cho quân và dân ta đánh bại kẻ thù.

2. Sự kiện, nhân vật thuộc tính của di tích.

               Sơn La là một tỉnh miền núi phía Tây Bắc của Tổ quốc có địa hình đa đạng phức tạp, từ những năm đầu thế kỷ XX hệ thống giao thông chưa phát triển, giao thông đi lại rất khó khăn cho việc thông thương ra bên ngoài chủ yếu là giao thông đường bộ và một phần đường thủy nội địa. Về đường bộ người Pháp cho mở tuyến đường 41 (nay gọi là Quốc lộ 6) nối liền Hà Nội lên Điện Biên . Trục đường này chủ yếu là phục vụ mục đích chuyên trở binh lính và đàn áp phong trào yêu nước, đưa các chiến sỹ cách mạng lên giam cầm đầy ải giết dần, giết mòn ở Nhà tù Sơn La và phục vụ hậu cần cho chế độ thực dân. Đường đất nhỏ, hẹp đảm bảo cho xe có trọng tải 1- tấn đi lại, nói đến con đường 41 trước đây đã gắn với một sự kiện lịch sử về một cuộc vượt ngục của 4 tù nhân chính trị ở Nhà tù Sơn La thành công tốt đẹp do anh Lò Văn Giá dẫn đường năm 1943.

              Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp TƯ Đảng đã đặt nhiệm vụ củng cố và mở rộng tuyến đường 41 huyết mạch nối liền Việt Bắc với các vùng giải phóng Tây Bắc được đặt ra rất cấp bách. Một mặt là củng cố, xây dựng lực lượng, cơ sở kinh tế, quốc phòng ở các vùng này; Mặt khác ta còn bí mật chuẩn bị đường vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm phục vụ cho chiến dịch Điện Biên phủ.

             Đặc biệt là vùng ngã ba Cò Nòi, nơi giao điểm của 2 con đường 13 và 41 ra mặt trận Điện Biên Phủ hầu như ngày nào cũng có bom Napan, bom Bi, bom bướm, bom mổ chậm… Nhưng ở đây có bộ đội, thanh niêm xung phong, công nhân, nhân dân các dân tộc đã chiến đấu dũng cẳm để bảo vệ, kịp thời tu sửa, khai thông toàn bộ tuyến đường, đảm bảo giao thông tuyệt đối cho con đường huyết mạch này, góp phần quan trọng cho quân và dân ta giành chiến thắng trên mặt trận Điện Biện Phủ.

              Năm 1955-1964, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, tỉnh Sơn La đã tập trung và nâng cấp Quốc lộ 6 theo tiêu chuẩn đường cấp V miền núi. Bước đầu tỉnh đã chỉ đạo ngành Giao thông vận tải xây dựng một số công trình vĩnh cửu: Cầu Vòm đá, cầu bê tông cốt thép (Cầu Tà Vài, cầu Chiềng Đông, cầu 308, cầu Suối Muội) đó là những công trình mang tính kỹ thuật cao.

              Năm 1964, trước những thất bại ngày càng lớn của đế quốc Mỹ trong “Chiến lược chiến tranh đặc biêt” ở Miền Nam. Đế quốc Mỹ ngày càng đẩy mạnh các hoạt động phá hoại ở Miền Bắc nhằm ngăn chặn sự chi viện ở hậu phương Miền Bắc đối với Miền Nam.

              Trong âm mưu chiến trnah phá hoại Miền Bắc; Tây Bắc được coi là địa bàn trọng điểm đối với quân xâm lược vì Tây Bắc là vùng đất đai rộng lớn, có đường biên giới giáp với nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Là một tỉnh miền núi của Tây Bắc, Sơn La có vị trí chiến lược quan trọng trong thời chiến cũng như thời bình, có hệ thống đường giao thông quan trọng đối với việc phát triển kinh tế cũng như việc phục vụ nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc trong vùng về mọi mặt: Kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời cũng rất quan trọng trong việc củng cố quốc phòng và làm nghĩa vụ Quốc tế đối với nước bạn Lào anh em.

              Mạng lưới giao thông chính của Sơn La đều ở thế độc tuyến, hai bên đường vực sâu, núi cao, sông suối vào mùa mưa lũ nước lớn xe không thể qua được. Nếu bị phá hoại thì việc đảm bảo giao thông rất khó khăn, vấn đề vận chuyển vũ khí, lương thực, hàng hóa sẽ bị đình trệ làn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và phát triển kinh tê, văn hóa, củng cố quốc phòng của Khu tự trị nói chung, Sơn La nói riêng cũng ảnh hưởng lớn tới chiến trường Lào.

               Sơn La là thủ phủ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của Khu tự trị Tây Bắc. Do vậy, Sơn La trở thành một trong những trọng điểm bị hủy diệt của không quân Mỹ. Chúng đánh phá vào các vị trí quân sự, các phương tiện giao thông vận tải, các cơ sở kinh tế, văn hóa, các lâm, nông trường, trục quốc lộ 6, cầu cống nhằm cắt đứt liên lạc giữa địa phương và trung ương, giảm sút ý trí chiến đấu của quân và dân các dân tộc trong tỉnh.

               Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ phát động cuộc chiến tranh bằng không quân ra Miền Bắc xã hội chủ nghĩa hòng cứu vãn sự thất bại thảm hại và sa lầy chiến lược “chiến tranh đặc biệt” ở Miền Nam. Mở đầu cho cuộc chiến tranh bắn phá Miền Bắc chúng tăng cường ném bom bắn phá một số địa bàn thuộc khu 4 cũ và thị xã Hòn Gai – Quảng Ninh.

               Ngày 14/6/1965, máy bay Mỹ bắn phá Mộc Châu, mở đầu cuộc chiến tranh bắn phá Sơn La – Tây Bắc. Từ đây nhân dân các dân tộc Sơn La thực sự bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

              Mục tiêu quan trọng nhất của không quân Mỹ trước hết là đánh phá hệ thống giao thông nhằm triêt đường viện trợ, cắt nguồn tiếp tế cho chiến trường. Do vậy chính phủ đã quyết định lúc này công tác giao thông vận tải là nhiệm vụ trọng tâm của toàn dân. Thực hiện nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy Sơn La huy động lực lượng nhân dân các dân tộc trong tỉnh, lấy lực lượng chuyên nghiệp làm nòng cốt, lực lượng thanh niên làm xung kích. Hưởng ứng cuộc phát động của tinh ủy, hàng ngàn thanh niên các dân tộc Sơn La nô nức lên đường làm nhiệm vụ ở những nơi gian khổ, mở đường, phá bom đảm bảo giao thông kịp thời phục vụ cho sản xuất và chiến đấu.

              Trong chiến tranh phá hoại của Mỹ, chúng đã đánh vào các công trình giao thông vận tải tỉnh Sơn La, các công trình lớn, các tuyến đường trong tỉnh và 10 cây cầu các loại đều bị phá hủy nặng nề. Mục tiêu của đế quốc Mỹ đánh phá hệ thống cầu cống dọc tuyến Quốc lộ 6 và các trục đường giao thông trong tỉnh nhằm ngăn chặn chi viện cho tiền tuyên, gây khó khăn lớn cho đời sống của nhân dân, ngăn chặn sự cơ động của lực lượng chiến đấu. Chúng không chỉ tăng cường bắn phá ban ngày mà còn cả ban đêm. Tuyến đường quốc lộ 6 có nhiều hệ thống cầu cống như: Cầu Sắt, Cầu Tà Vài, cầu Chiềng Đông (Yên Châu), cầu Trắng (thị xã Sơn La), cầu Nà Hày (Thuận Châu).

               Cầu Trắng, cây cầu giao thông huyết mạch tại thị xã Sơn La là một trong những trọng điểm bắn phá ác liệt của bom Mỹ, chỉ tính từ năm 1965-1968 cầu Trắng phải hứng chịu tới 34 trận bom với 870 quả bom các loại, làm hư hại hoàn toàn hệ thống bê tông cốt thép dài 50m và hỏng nhiều đoạn đường hai bên đầu cầu.

              Thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy về việc đẩy mạnh phòng không nhân dân và phát động phong trào toàn dân bắn máy bay địch.Tháng 5-1965, công tác phòng không nhân dân được hoàn thiện thêm một bước, chế độ trực báo động máy bay ở các trọng điểm được thực hiện; Việc bảo vệ kho tàng và phân tán hàng hóa lương thực, thực phẩm vật tư được dân quân du kích triển khai nhanh chóng đảm bảo an toàn, khẩu hiệu thường trực thể hiện sự quyết tâm của mỗi người lúc này là: Tích cực phòng chống hạn chế tới mức thấp nhất dự thiệt hại về người và của cải do địch gây ra, đồng thời kiên quyết bắn trả máy bay địch.

             Để tăng cường lực lượng phòng không cho Sơn La, Bộ Tư lệnh quân khu Tây Bắc điều Đại đội pháo phòng không thuộc Tiểu đoàn 24 (Sư đoàn 316) tăng cường cho Sơn La, đơn vị được giao nhiệm vụ bảo vệ các địa điểm quan trọng của Sơn La, Mộc Châu, Yên Châu, thị xã để sẵn sàng chiến đấu.

            Nhận được chỉ đạo của Bộ Tư lệnh quân khu, Tỉnh ủy, ủy ban hành chính tỉnh Sơn La quyết định thành lập đại đội pháo cao xạ 37 ly và các trung đội dân quân tự vệ có trang bị vũ khí; Đại liên, trung liên, được bố trí sẵn sàng ở những trọng điểm. Khu vực cầu Trắng thị xã Sơn La có Đại đội cao xạ cùng dân quân, lực lượng thanh niên xung phong 118, lực lượng công nhân cung 5, Hạt giao thông 6 do đ/c Nguyễn Kim Tiến là cung trưởng ngày đêm bán trụ vật lộn với với mưa lũ, bom đạn của kẻ thù, bắc cầu, phá đá, tháo mìn, mở đường ngâm mình dưới nước, đổ mồ hôi xương máu để nối liền mạch máu giao thông. Nhân dân đã phải hy sinh tháo gỡ cả cột nhà, tre, gỗ, nứa làm đường ngầm cho xe qua làm lán trại cho bộ đội, giúp bộ đội đào hầm trú ẩn trên trận địa, quyết tâm cùng nhau bảo vệ huyết mạch giao thông vùng Tây Bắc. Địch phá hỏng đường, hỏng cầu nhưng tinh thần của quân dân ta không hề nao núng mặc cho bom rơi, đạn nổ, máy bay gầm rú nhưng vẫn hăng hái sửa đường san lấn hố bom cho xe cho qua với khẩu hiệu “Tiếng hát át tiếng bom” “Địch phá ta sửa ta đi, địch phá ta cứ đi”.

             Lực lượng bảo vệ cầu Trắng và Quốc lộ 6 còn có 120 dân quân du kích, trong đó có 70 người là công nhân của cung 5 hạt 6 do đ/c Nguyễn Kim Tiến chỉ huy. Chỉ trong 3 ngày đêm từ 3/7 đến 6/7 năm 1965 ta đã mở được đoạn đường tránh bom từ bản Giảng đến phố Chiềng Lề dài 2km. Trong nhiều đợt địch bắn phá ác liệt, cán bộ chiến sỹ và các lực lượng dân quân, du kích, công nhân, nhân dân các dân tộc trên mặt trận này với trí thông minh và lòng dũng cảm không sợ hy sinh gian khổ, bám cầu, bán đường để quan sát theo dõi từng đợt bắn phá của không quân Mỹ, nắm chắc các khu vực địch bắn phá loại bom gì để kịp thời tổ chức rà soát tháo bom khắc phục hậu quả nhanh chóng để phục vụ tốt cho sản xuất và chiến đấu.

             Để đối phó với địch, ta đã lập trận địa trên quả đồi xung quanh khu vực cầu Trắng bố trí sẵn sàng phòng thủ bắn máy bay địch với quy mô tương đối hiện đại. Nhiều trận địa pháo cao xạ 37 ly, pháo phòng không liên tục chiến đấu với các đợt bắn phá ác liệt của địch. Hàng ngày địch cho máy bay địch ra soát việc di chuyển của bộ đội, dân công trên dọc tuyến đường quốc lộ 6, máy bay địch đã tập chung oanh tạc dữ dội, liên tục ở địa điểm cầu Trắng. Đặc biệt là trận đánh ngày 18-7-1965, tại khu vực Cầu Trắng thị xã Sơn La quân và dân ta đã bắn rơi 9 chiếc máy bay F105D của đế quốc Mỹ. Với những chiến công xuất sắc bảo vệ cầu, đường quốc lộ 6, các chiến sỹ dân quân tự vệ, công nhân, thanh niên xung phong đã có nhiều sáng tạo trong chiến đấu như: Tháo gỡ mìn, bom đảm bảo an toàn, thông xe, thông đường mặc cho bom Mỹ ngày đêm rình dập bắn phá giữ dội trên các tuyến đường. Tại địa điểm này xuất hiện nhiều tấm gương quên mình vì nhiệm vụ tiêu biểu như đ/c Nguyễn Kim Tiến cung trưởng cung 5 Hạt 6 đã xuất sắc trong 6 lần chui xuống gầm cầu tìm cách phá một loại bom mới của địch rất thành công. Năm 1967 tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc của ngành Giao thông vận tải đ/c được phong tặng “Chiến sỹ thi đua Toàn quốc”.

               Các chiến sỹ, công nhân, cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong và nhân dân các dân tộc trong vùng đã dũng cảm chiến đấu và nhanh chóng kịp thời san bằng, sửa chữa những nơi bị máy bay địch bắn phá, phát huy cao độ tính tính thông minh sáng tạo đã có nhiều biện pháp linh hoạt để giữ vững mạch máu giao thông vận tải phục vụ cho sản xuất và chiến đấu. Với tinh thần “Sống bám cầu, bám đườn, chết kiên cường dũng cảm” khi cầu đường đang bị bắn phá khói bom chưa tan đã lập tức được sửa chữa “Chỉ có thể tắc giờ, không thể tắc ngày; Chỉ có thể tắc tuyến, không thể tắc hướng…”

              Để đảm bảo cho giao thông được thông suốt kiph thời vận chuyển hàng hóa lương thực. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngành Giao thông vận tải cùng cán bộ chiến sỹ, công nhân, thanh niên xung phong và nhân dân các dân tộc Sơn La đã phải nhanh chóng làm một con đường ngầm dài 2km bằng đá hộc đủ chịu cho xe có trọng tải khoảng 3 tấn đi qua.

             Năm 1972, đế quốc Mỹ ngừng ném bom chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Tỉnh Sơn La cùng với nhân dân cả nước nhanh chóng hàn gắn lại vết thương chiến tranh, đồng thời  khẩn trương xây dựng lại cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải nhằm phục vụ cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc và làm hậu phương vững chắc cho cuộc cách mạng giải phóng Miền Nam. Cùng với ngành giao thông vận tải tỉnh Sơn La, cán bộ, công nhân, thanh niên xung phong và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã anh dũng kiên cường dũng cảm không sợ hy sinh gian khổ vẫn bám cầu, bám trụ bảo vệ giao thông vận tải được thông suốt góp phần quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giải phóng Miền nam thống nhất đất nước. Hòa bình lập lại, Cầu Trắng được sửa sang và xây dựng lại đáp ứng nhu cầu thông thương từ miền xuôi lên Tây bắc trong công cuộc xây dựng vùng Tây bắc của Tổ quốc ngày càng giàu mạnh.

3. Giá trị lịch sử của di tích:

              Di tích lịch sử Cầu Trắng là nơi ghi dấu những giá trị lịch sử trong hao cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của quân dân các dân tộc Sơn La – Tây bắc, là nơi thể hiện tình đoàn kết, lòng yêu nước và chiến đấu kiên cường dũng cảm, chiến thắng vẻ vang của quân và dân các dân tộc thị xã nói riêng và quân dân Sơn La nói chung. Vượt qua mọi khó khăn gian khổ kiên trì bám trụ để kịp thời khai thông tuyến đường vận chuyển lương thực thực phẩm, vũ khí cho vùng Tây Bắc và tiếp viện cho vùng Thượng Lào.

              Đây cũng là bằng chứng tố cáo tội ác dã man của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong hai cuộc chiến tranh phá hoại ở Tây bắc.

             Tại di tích này có nhiều tấm gương lao động hăng say, thông minh, sáng tạo, chiến đấu dũng cảm để đảm bảo giao thông thông suốt. Tiêu biểu là chiến sỹ thi đua toàn quốc Nguyễn Kim Tiến. Nơi đây sẽ trở thành một di tích lịch sử khắc ghi và minh chứng cho tinh thần yêu nước, dũng cảm chiến đấu chống giặc ngoại xâm của nhân dân các dân tộc Sơn La.

Loại hình di sản Di tích lịch sử kháng chiến Chuyên đề
Xếp hạng di sản Xếp hạng cấp tỉnh Năm xếp hạng
Kiến trúc Hiện trạng Xuống cấp
Hiện vật trong di sản
Cầu Trắng hiên nay được xây dựng lại trên địa điểm ban đầu, ghi dấu thời kỳ oanh liệt của nhân dân các dân tộc Sơn La trong cuộc kháng chiến giữ nước.
Cổ vật Hiện vật mới
Công tác bảo vệ

 

1. Tình trạng bảo quản di tích:

Di tích lịch sử cầu Trắng xây dựng bắc qua con suối Nậm La. Đặc biệt ở Sơn La mùa mưa lũ nhiều vì vậy ngành giao thông vận tải phải thường xuyên quan tâm bảo dưỡng theo định kỳ hàng năm.

2. Các biện pháp bảo vệ và sử dụng:

Với nội dung ý nghĩa lịch sử của di tích; trình UBND tỉnh sếp hạng.

Di tích cầu Trắng nằm trên một vị trí khá thuận lợi, nơi đây cũng là một trọng điểm nối các di tích thị xã để hình thành điểm thăm quan du lịch của tỉnh, vì vậy cần có phương án bảo vệ như sau:

1-     Cắm biển báo di tích.

2-     Xây dựng tóm tắt nội dung, ý nghĩa lịch sử di tích

3-     Lập bản đồ quy hoạch khu vực bảo vệ di tích tránh sự xâm hại của con người

3. Cơ sở pháp lý và bảo vệ di tích:

Bảo tàng Sơn La sưu tầm hiện vật, tư liệu, nhân chứng lịch sử, nghiên cứu lập hồ sơ khoa học trình UBND tỉnh sếp hạng cho di tích.

Công tác tu bổ tôn tạo
Đất đai trong di sản
Tư liệu kèm theo

1-     Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La (1954-1972), Nxb Chính trị Quốc gia

2-     Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 -1972), Nxb Quân đội nhân dân

3-     Lịch sử ngành Giao thông vận tải (1954 -1972), Nxb Giao thông vận tải.

4-     Báo cáo Đại hội thi đua yêu nước trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ của tỉnh Sơn La

5-     Tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ trong chiến tranh phá hoại (Tài liệu mật)

6-     Lời kể của các nhân chứng lịch sử trong đọi pháo 

Ảnh: ảnh cầu trắng bị ném bom, ảnh cầu trắng, ảnh 3

Ảnh cầu trắng: 

Ảnh 1, Ảnh 2, Ảnh 3, Ảnh 4, Ảnh 5, Ảnh 6, Ảnh 7, Ảnh 8, Ảnh 9, Ảnh 10, Ảnh 11, Ảnh 12


https://www.zbet.win/news/soi-keo-bong-da