Chi tiết hồ sơ

Tên Khu căn cứ Mộc Hạ, Mộc Châu trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1947 - 1952).
Địa điểm Bản Cóm, Xã Mường Men, Mộc Châu, Tỉnh Sơn La
Thuộc Huyện/Thành phố Mộc Châu Thuộc Xã/Phường/Thị trấn Xã Mường Men
Mô tả chi tiết

1. Sự kiện, nhân vật lịch sử và thuộc tính di tích

             Mộc Hạ là một vùng đất rộng lớn của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Thuộc vùng Hạ huyện. Trên bản đồ địa lý tỉnh Sơn La. Mộc Hà là mỏm đất cuối cùng nằm ở phía Đông - Nam của tỉnh. Nằm ở phía Đông - Bắc của huyện Mộc Châu. Mộc Hạ tiếp giáp với huyện Phù Yên. Về phía Bắc tiếp giáp với Mường Lý, Mường Lát huyện Quan Hoá (Thanh Hoá) và Mai Châu (Hoà Bình) ở phía Nam, phía tây của Mộc Hạ là Mộc Thượng. Gianh giới giữa Mộc Hạ và Mộc Thượng là đường 136 chạy từ Vạn Yên (Phù Yên) đến Phiêng Luông ở km 64 đường 41 (đường 6). Mộc Hạ giáp Đà Bắc (Hoà Bình) về phía Đông, gianh giới của hai vùng là sông Đà.

           Đường dân sinh của Mộc Hạ chưa phát triển. Trước đây con đường từ trung tâm xã lên Mộc lỵ là con đường duy nhất nhưng cũng chỉ đi ngựa từng quãng. Ngoài ra có nhiều con đường mòn xuyên rừng nối giữa các bản mường. Hai con đường lớn là đường 41 (đường 6) ở phía Nam và đường 136 ở phía tây có ý nghĩa quan trọng về quân sự. Như vậy xét về góc độ địa lý. Mộc Hạ đáp ứng được yêu cầu về việc xây dựng căn cứ địa cách mạng. Từ Mộc Hạ có thể sang Thanh Hoá qua Bản Chiềng (xã Lóng Luông hiện nay) hoặc sang Mai Châu và Đà Bắc của tỉnh Hoà Bình (khi đó huyện Đà Bắc là khu căn cứ kháng chiến của tỉnh Hoà Bình). Từ Mộc Hạ dọc sông Đà lên một đoạn ngắn đến bến Nhạc có đường sang Xuân Đài, Thu Cúc Phú Thọ). Từ đó có thể liên lạc với chiến khu Việt Bắc - Nơi đầu não kháng chiến của Đảng ta.

            Ngoài những thuận lợi có tính chiến lược quân sự vùng Mộc Hạ còn có những điều kiện cơ bản về cơ sở xã hội. Ngoài khả năng thuận lợi có thể sản xuất tự túc, tự cấp, đảm bảo yêu cầu thiết yếu cho cuộc sống, duy trì chiến đấu. Đó là tiền đề và điều kiện thuận lợi về mặt xã hội để Tỉnh uỷ Sơn La chọn Mộc Hạ là cơ sở để xây dựng căn cứ kháng chiến khi thực dân Pháp quay lại xâm lược.

             Từ tháng 5 năm 1947 trước tình hình Sơn La mất dần đất vào tay thực dân Pháp. Do vậy các cơ quan đầu não của tỉnh và huyện Mộc Châu đã rút xuống vùng Mộc Hạ. Để đối phó với tình hình, Tỉnh uỷ đã quyết định mở hội nghị tại Kê Siền (Tô Múa). Hội nghị chủ trương cử cán bộ bó mật toả đi các địa phương tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tin ở kháng chiến, củng cố cơ sở, giữ vững phong trào cứu quốc, chuẩn bị xây dựng lực lượng kháng chiến, chia nhỏ trung đội vệ quốc đoàn thành các tổ công tác ở lại Mộc Hạ để hoạt động, quấy rối địch, diệt tề, trừ gian. Các cơ quan của tỉnh chuyển sang Đà Bắc để bảo toàn lực lượng.

            Thực hiện chủ trương trên, hơn 20 cán bộ trung kiên của tỉnh và huyện Mộc Châu đã ở lại, toả đi các cơ sở vùng Mộc Hạ, vận động nhân dân xây dựng lũng lán bí mật, kho tàng ở sâu trong rừng, tích trữ lương thực, thực phẩm để hoạt động.

            Sau khi đánh chiếm xong một số địa bàn trọng yếu, thực dân Pháp quay trở lại tập trung quân đánh chiếm nốt một số vùng còn lại ở Mộc Châu. Trong tháng 5 năm 1947 đường dây liên lạc giữa vùng Phù Yên với Mộc Châu cũng bị chúng phong toả. Các cán bộ ở lại bám đất, chiến đấu vùng Mộc Hạ cũng bị cắt đứt liên lạc, buộc phải tạm lánh sang Đà Bắc tỉnh Hoà Bình ở bên kia sông Đà. Sau khi ra rút, địch cho quân lính tuần tiễu, sục sạo, hòng tìm kiếm bộ đội, du kích và bắt một số cán bộ của ta gài lại. Được ít lâu chúng rút quân về Mộc Lỵ, đồng thời chúng tiến hành dựng lên bộ máy nguỵ quyền từ châu đến xã, chúng xử dụng bọn tay sai chính quyền cũ, chúng đặt bộ máy tay sai xuống các bản thực hiện chính sách đàn áp, bóc lột, khủng bố nhân dân một cách tàn bạo, bắt nhân dân đi phu, đi lính, tuyển mộ thêm nguỵ quân để thay cho quân chủ lực của chúng ở trong vùng. Đồng thời chúng ra sức vơ vét cướp bóc tài sản của nhân dân, bắt nhân dân cống nạp, làm cho đời sống nhân dân ngày càng điêu đứng. Trước tình cảnh đó, nhân dân vô cùng căm ghét bọn Tây và phìa tạo tay sai, ở một số nơi như Pơ Tào, Bản Lòm, Bản Pảng, các cán bộ vẫn bám trụ nên địch chưa lập được bộ máy tề, nguỵ. Đây là điểm thuận lợi để ta gây dựng phong trào, xây dựng căn cứ kháng chiến.

            Chỉ sau nửa tháng tình hình khủng bố của địch tạm lắng, các cán bộ của tỉnh từ Đà Bắc lại trở về Mộc Hạ hoạt động, bắt liên lạc với các cơ sở trước đây, tiếp tục gây lại cơ sở ở từng bản, từng vùng. Tập trung cán bộ vào hoạt động ở những nơi thuận lợi để gây dựng cơ sở. Cử nhũng quần chúng trung kiên hoặc cán bộ địa phương kiên định, vững vàng ra hoạt động công khai như làm tạo bản, làm phìa để tạo điều kiện che chở cho cán bộ cách Mạng hoạt động. Ta phát động đấu tranh từ bí mật ra bán công khai, rồi công khai.

            Thực hiện chủ trương trên, các cán bộ được giao nhiệm vụ đã trở về hoạt động, để làm tốt công việc đó, ta đã bố trí đồng chí Sa Ngọc Chướng (tức Lê Hoạt) ra làm phìa Mộc Hạ để có điều kiện tìm hiểu âm mưu địch, đồng thời che chở cho ta trong thời kỳ đầu.

            Đầu tháng 7 năm 1947 nhận thấy tình hình tiến triển thuận lợi, nhiều cơ sở phục hồi. Tỉnh Uỷ tiếp tục chủ trương tăng cường cán bộ xuống cơ sở xây dựng lực lượng, đẩy mạnh chiến tranh du kích, hình thành các đơn vị chiến đấu, thống nhất chỉ đạo xây dựng vùng Mộc Hạ trở thành căn cứ kháng chiến: Tỉnh uỷ đã quyết định phân các bản trong vùng Mộc Hạ thành 4 tiểu khu.

Tiểu khu 1 gồm các bản: Nà Bai, To Ngùi, bản Cang do đồng chí Lương Sơn phụt trách.

Tiểu khu 2 gồm các bản: Chiềng Can, Mường Tè, Pơ Tào, bản Háng, bản Nhúng do đồng chí Cầm Liên và đồng chí Hà Thị Hom phụ trách.

Tiểu khu 3 gồm các bản: Chiềng Khoa, bản Pảng, bản men, bản Mòn, Ta Hay do đồng chí Trần Bình phụ trách.

Tiểu khu 4 gồm: Tô Múa, Kê Siền, bản Khảm do đồng chí Tăng Tuân (cán bộ của Cao Bằng phụ trách).

Tiếp đó ta quyết định thành lập thêm tiểu khu 5 gồm: Mường Khủa, Song Khủa, Bó Bụt, Bản Lòm do đồng chí Bình Tĩnh và đồng chí Lân Du phụ trách, phố Hang Miếng giao cho đồng chí Trần Hạnh phụ trách.

            Tỉnh uỷ đã cử Đồng chí Trần Quyết, Bí Thư Tỉnh Uỷ về báo cáo trực tiếp thực trạng Mộc Hạ với khu uỷ 14 và xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên về việc thành lập khu căn cứ kháng chiến Mộc Hạ, đồng thời đề nghị với khu Uỷ bổ sung lực lượng quân sự làm nòng cốt và hỗ trợ Sơn La hình thành khu căn cứ kháng chiến Mộc Hạ, đồng thời đề nghị với khu uỷ bổ sung lực lượng quân sự làm nòng cốt và hỗ trợ Sơn La hình thành khu căn cứ kháng chiến. Khu Uỷ đã nhất chí chủ trương của Sơn La, quyết định điều động một đại đội bộ đội chủ lực do đồng chí Hoàng Cầm trực tiếp chỉ huy về hoạt động tại địa bản, phối hợp với lực lượng dân quân, du kích, phát triển lực lượng vũ trang, tổ chức đánh địch, giữ vững căn cứ kháng chiến Mộc Hạ.

             Để tạo thanh thế, ngày 28 tháng 7 năm 1947 bộ đội phối hợp cùng du kích khu căn cứ tổ chức tập kích kho vũ khí của địch ở Hướng Càn và tiến công Xồm Lồm. Kết quả ta giành thắng lợi: Tiêu diệt một tên quan hai Pháp, một tên lính khố đỏ, thu nhiều vũ khí và lương thực, bắt sống một số tên nguỵ binh phản động. Sau trận Hướng Càn - Xồm Lồm, địch đánh hơi thấy bộ đội chủ lực của ta, đã tập trung quân mở cuộc khủng bố điên cuồng, hòng tiêu diệt được Việt Minh. Chúng nghi có cơ quan châu bộ Việt Minh và cơ quan Tỉnh uỷ Sơn La đóng trên địa bàn Mộc Hạ (thực tế lúc bấy giờ cơ quan Tỉnh uỷ đang đóng tại bản To Ngùi). Do có bọn chỉ điểm dẫn đường, một số cơ sở bị lộ. Địch càn quyét sục sạo vào các lán trong rừng, đốt phá, bắt bớ và bắt giết thường dân một cách dã man. Trước tình hình đó, các đội du kích tạm lánh vào rừng hoạt động, cơ quan Tỉnh uỷ đang đóng ở bản To Ngùi cũng bị lộ, phải tạm thời rút sang Đà Bắc (Tỉnh Hoà Bình).

             Ngày 2 tháng 8 năm 1947 trung đội tuyên truyền vũ trang của tỉnh được thành lập gồm một số thanh niên nhiệt tình gan dạ và một số là công an viên, trung đội gồm 21 chiến sĩ do đồng chí Nguyễn Bá Toản làm trung đội trưởng, đồng chí Trần Quyết, bí thư Tỉnh uỷ làm chính trị viên.

            Ngay chiều ngày 2 tháng 8 năm 1947 đánh hơi thấy có lực lượng Việt Minh ở núi Pu Tên, địch tổ chức hanh quân càn quyét. Các chiến sĩ trung đội vũ trang tuyên truyền dàn thế trận đánh địch. Chặn đường không cho chúng lên núi. Chúng lùng sục khu vực xung quanh rồi rút lui. Như vậy trận đầu ra quân, đội tuyên truyền vũ trang tuy chưa tiêu diệt được sinh lực địch, nhưng đã bảo vệ được lực lượng, bảo vệ được cơ quan của ta.

             Ngày 20 tháng 9 năm 1947 một bộ phận của lực lượng vũ trang tuyên truyền và một số thanh niên trung kiên được cử sang Đà Bắc huấn luyện số còn lại bám đất bám dân, để hoạt động. Từ đó một đội du kích xã, bản, liên bản vùng hạ huyện ra đời. Sau thất bại ở Hướng Càn - Xồm Lồm. Thực dân Pháp rất cay cú, chúng liên tiếp tổ chức các cuộc càn quyét, khủng bố, phá hoại du kích. Chúng đốt phá, bắt bớ khắp vùng Mường Tè và khu vực xung quanh.

             Trung tuần tháng 10 năm 1947, một đơn vị lính Pháp và bọn nguỵ binh gồm 36 tên thất trận từ dốc Cọ, Xuân Đài (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) tháo chạy về Pơ tào. Chúng dừng chân tại bản Lòm, bắt nhân dân phục dịch, nhân cơ hội đó đội du kích bản Lòm đã phối hợp cùng với bà con dân bản đã dùng rượu ngâm của ngàm (một loại củ rừng có chứa độc tố) chuốc cho chúng say và báo cho du kích Pơ Tào để phối hợp tiêu diệt chúng. Do phải vận động xa nên khi du kích Pơ Tào đến thì địch đã tỉnh rượu, nhưng ta vẫn tấn công, diệt 1 tên lính, thu 1 súng máy, 8 khẩu súng trường, bọn chúng hoảng loạn bỏ chạy. Sự kiện "Hũ rượu bản Lòm" chính là sự giác ngộ cách mạng, quần chúng, sự mưu trí dũng cảm của nhân dân, sáng tạo ra cách đánh địch phù hợp. Chiến công bản Lòm có ý nghĩa lớn, cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc Sơn La quyết tâm kháng chiến, giết giặc lập công giải phóng quê hương.

               Ngày 15 tháng 10 năm 1947, Trung Ương ra chỉ thị: phải phá cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp trên các chiến trường, làm cho địch thiệt hại nặng sau chiến dịch mùa đông này, hoạt động quân sự của ta ở các vùng ngày càng khẩn trương buộc địch phải dàn cả quân ứng phó cả Việt Bắc, Bắc Bộ, Trung Bộ. Vì vậy, mục tiêu củng cố Mộc Châu của địch không thực hiện ráo riết như trước. Đó là thời cơ để ta tăng cường củng cố cơ sở, mở rộng căn cứ kháng chiến ở vùng Mộc Hạ, địch đưa Sa Văn Ênh (phó phìa) trực tiếp xuống chỉ huy củng cố đồn Mường Tè để đối phó với hoạt động của ta trong địa bàn này, chúng lập ra tiểu đội lính dõng, xây dựng đồn Mường Tè. Trước phong trào kháng chiến dân cao, phó phìa Ênh rất lo sợ hoang mang, không dám thúc quân càn quyét, nhưng vẫn là một trở ngại cho phong trào cứu quốc ở Mường Tè. Biết rõ giao động của Ênh, ta bố trí cán bộ gặp và thuyết phục, để biến Ênh thành tề hai mặt, làm việc cho địch nhưng vẫn phải chấp nhận một số điều kiện của ta đặt ra.

              Bước sang tháng 11 năm 1194, trước phong trào ở cơ sở ngày càng lan rộng, ta đã củng cố được nhiều cơ sở mới không chỉ giới hạn trong vùng hạ huyện mà còn lan toả nhiều nơi khác. Tỉnh Uỷ đã chỉ đạo thành lập các tiểu khu mới: Hướng Càn, Quy Hướng, (khu 6), Tân Lập, Chờ Lồng (khu 7), Chiềng Đi, Bản Mòn, Bản Áng, Xuân Nha, Kiến Thiết, Lóng Sập (khu 8), A Má, Chiềng Tương, Lóng Phiêng, Tú Nang, Bó Sập, Chiềng Khừa (khu 9), phong trào phát triển tới đâu, ta tăng cường hoạt động vũ trang, vận động nhân dân phá tề, trừ gian, giải tán chính quyền của địch, lập chính quyền dân chủ nhân dân tới đấy.

             Mặt khác, ta tiếp tục đẩy mạnh củng cố và phát triển các tổ dân quân du kích ở các bản, liên bản và các tiểu khu mới thành lập, coi trọng công tác binh vận, lôi kéo giác ngộ lính dõng, nguỵ binh về phía cách mạng. Tỉnh Uỷ chỉ đạo nhân dân tích cực tham gia sản xuất, cất dấu lương thực trên lũng lán, không nộp lương thực cho địch. Mặt khác cán bộ cơ sở còn hướng dẫn nhân dân trì hoãn, khất lần thuế. Địch bắt phu, bắt lính thì vận động thanh niên trốn tránh trong các tiểu khu, các bản ở căn cứ Mộc Hạ. Hướng dẫn nhân dân tăng gia sản xuất để ổn định đời sống, phục vụ kháng chiến.

              Đánh giá bước đầu, sau gần một năm kháng chiến và vận động xây dựng căn cứ Mộc Hạ, ngày 14 tháng 11 năm 1947, Tỉnh Uỷ Sơn La tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm. Hội nghị đã nhận định: Sau chiến thắng của quân dân ở các khu Hướng Càn, Xồm Lồm, bản Lòm cùng với các thất bại liên tiếp của địch Thu - Đông năm 1947 ở Việt Bắc, thực dân Pháp càng tăng cường bắt phu, bắt lính, cướp bóc, vơ vét trắng trợn ở khắp nơi, quần chúng càng căm thù giặc, càng hun đúc ý chí chiến đấu. Nhân dân tin tưởng vào cán bộ và bộ đội, nhiều người đã tình nguyện theo cách mạng, tham gia du kích, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ bản mường.

              Sau khi nhận định bước đầu những thắng lợi, Tỉnh Uỷ đã đề ra nhiệm vụ trong thời gian tới với tình hình, hoàn cảnh cho phép, tiếp tục mở rộng khu căn cứ kháng chiến Mộc Hạ vững chắc hơn, mở rộng khu đấu tranh, khu du kích, bao vây phục kích tiêu diệt nhiều sinh lực địch, đưa cục diện kháng chiến ở Sơn La lên bước phát triển mới.

             Ngày 16 tháng 12 năm 1947, Tỉnh Uỷ đã họp và phân tích tình hình địch, đi đến nhận định: Địch đang dồn mọi nỗ lực vào chiến dịch thu đông 1947 và bị thất bại nặng nề, song trên địa bàn Sơn La chúng vẫn tăng cường khủng bố, càn quyét các địa bàn do chúng kiểm soát, nhưng nhìn chung quân giặc đang phân tán, sơ hở và tinh thần hoang mang. Tỉnh uỷ quyết định phát động quần chúng đấu tranh vũ trang vào ngày 19 tháng 12 năm 1947, nhân kỷ niệm một năm ngày toàn quốc kháng chiến, với khẩu hiệu "chống tập trung thóc" "phá chính quyền địch, lập chính quyền nhân dân". Đó là khẩu hiệu vừa mang tính chính trị, vừa đáp ứng quyền lợi thiết thực của quần chúng. Theo kế hoạch, cuộc đấu tranh đồng thời nổ ra ở các tiểu khu 1, 2 và 5, sau đó là các tiểu khu khác trong vùng Mộc Hạ, tiếp đến vận động sâu rộng các nơi, để cả các vùng địch kiểm soát để gây thanh thế.

              Tỉnh uỷ Sơn La đã chỉ đạo các cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, phân công cán bộ xuống từng địa bàn và tiểu khu, triển khai kế hoạch một cách chu đáo tỉ mỉ chống địch khủng bố. Đặc biệt đội vũ trang tuyên truyền của tỉnh được cử đến các cơ sở hướng dẫn quần chúng tổ chức mít tinh, nói chuyện diễn thuyết. Khí thế ngày toàn quốc kháng chiến sôi sục khắp nơi. Ngày 17 tháng 12 năm 1947 tên bang tá Lò Văn Pậu đem 60 tên lính đến khủng bố Mường Khủa. Chúng bắt tạo bản chỉ đường vào lũng lán lùng bắt cán bộ và dò tìm cơ quan của Việt Minh. Ngay đêm đó ta bố trí lực lượng làm hậu thuẫn cho quần chúng đấu tranh trực diện với chúng. Tên Pậu và quân lính thấy khí thế quần chúng sôi sục, hoảng sợ buộc phải rút lui.

              Đêm 18 rạng ngày 19 tháng 12 năm 1947, ta tổ chức mít tinh tại tiểu khu 1 (xã Quang Minh ngày nay). Cuộc mít tinh có đại diện Uỷ ban hành chính kháng chiến tỉnh Sơn La và huyện Mộc Châu tham dự. Đại diện chính quyền tỉnh nêu rõ những cố gắng và kết quả một năm kháng chiến của tỉnh. Đồng thời kêu gọi nhân dân tham gia đấu tranh vũ trang xây dựng căn cứ kháng chiến, giải phóng nhân dân thoát khỏi ách xâm lược của thực dân Pháp. Mở màn cho cuộc đấu tranh vũ trang ngay đêm 19 tháng 12, các đồng chí ở tiêu khu 2 (Mường Tè) đã lãnh đạo quần chúng đấu tranh thắng lợi, giải tán chính quyền tay sai, bắt ba tên địch, thu 4 khẩu súng, thiết lập chính quyền nhân dân.

              Tiếp đến ngày 21 tháng 12 năm 1947, ta phục kích địch dọc đường Mường Khủa đi Mộc Hạ, chặn đứng cuộc hành quân càn quyét của địch, thu nhiều vũ khí, lương thực, thực phẩm. Ngày 23 tháng 12 năm 1947, đội vũ trang của ta tập kích dồn Mộc Hạ, bắn chết tên chỉ huy. Thực dân Pháp phải điều động thêm một đại đội từ Mộc Lỵ xuống chi viện. Ta phục kích tại Đen Đin, nơi hiểm yếu tiếp giáp giữa vùng Mộc Hạ với Mộc Thượng. Tại trận này, ta tiêu diệt đại bộ phận quân địch, số còn lại hoảng hốt tháo chạy khỏi Mộc Hạ.

               Dưới dự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, cuộc đấu tranh vũ trang vùng Mộc Hạ mở đầu cho phong trào đấu tranh ở địa bàn Sơn La, giành thắng lợi. Đó là hình thức đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, đánh du kích kết hợp với phát động lực lượng quần chúng vùng lên lật đổ chính quyền tay sai, lập chính quyền cách mạng. Liên tiếp sau cuộc đấu tranh ngày 19 tháng 12 năm 1947 một vùng rộng lớn ở các tiểu khu 1, 2, 3, 4, 5 đều được giải phóng, chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập, các đội du kích, xã, bản, liên bản được củng cố, phát triển, nhân dân các dân tộc phấn khởi tin tưởng vào đường lối kháng chiến. Như vậy, ta hoàn toàn kiểm soát vùng Mộc Hạ và Mộc Hạ trở thành Khu căn cứ kháng chiến của tỉnh Sơn La.

              Bước sang năm 1948, khu căn cứ vùng Mộc Hạ đã thực sự trở thanh điểm tựa của nhân dân Sơn La, để phát triển phong trào đấu tranh ra cả Mộc Châu, Phù Yên, Mai Sơn, Mường La, Thuận Châu,… Tuy bị địch thường xuyên uy hiếp, tấn công, song dưới sự lãnh đạo của tỉnh uỷ, được khu uỷ tăng cường cả về quân sự, cán bộ và phương tiện kháng chiến nên mọi hoạt động của ta vẫn được giữ vững. Như vậy, ngay từ những ngày đầu hình thành, khu căn cứ kháng chiến Mộc Hạ, đã là trung tâm đầu não kháng chiến của nhân dân Sơn La, là điều kiện tiên quyết để Đảng bộ Sơn La lãnh đạo nhân dân trong tỉnh vững bước trên con đường kháng chiến trường kỳ, anh dũng và vùng Mộc Hạ trở thành căn cứ kháng chiến sôi động của nhân dân Sơn La trong thời kỳ tiếp theo.

              Xác định rõ vị trí chiến lược của địa bàn Sơn La, Tây Bắc, thực dân Pháp đã dùng mọi thủ đoạn với sự nỗ lực cao nhất về quân sự để đánh chiếm, bình định. Mặt khác Sơn La là "cửa ngõ" trên con đường tiến quân mở rộng địa bàn xâm chiếm của thực dân Pháp xuống phía nam các tỉnh trung du thuộc Tây Bắc. Do đó quân, dân Sơn La phải gặp nhiều yếu tố bất lợi để bảo vệ, giữ vững địa bản. Mặc dù quân dân các dân tộc Sơn La phối hợp với các đoàn quân "Tây Tiến" anh dũng chặn đánh địch, nhưng trong lúc thế địch mạnh hơn gấp bội ta đã không tránh khỏi những tổn thất. Sơn La nhanh chóng bị địch kiểm soát, trừ địa bàn Mộc Hạ (Mộc Châu), Mường Bang, Mường Lang (Phù Yên),

                Chiếm được Sơn La, thực dân Pháp tập trung ngay vào củng cố vị trí, không ngừng mở rộng phạm vi kiểm soát, nhằm cô lập Sơn La, Tây Bắc với Việt Bắc, bảo vệ cứ điểm của chúng ở Thượng Lào.

               Thực hiện âm mưu chia rẽ dân tộc tháng 4 năm 1948, thực dân Pháp thành lập "Xứ Thái tự trị" gồm ba tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Phong Thổ và đặt "Xứ Thái tự trị"  nằm trong khối liên hiệp Pháp với 16 châu Thái. Toàn xứ có ba tiểu đoàn lính Thái, do các sĩ quan Pháp trực tiếp tổ chức, huấn luyện và chỉ huy, ở mỗi châu, thực dân Pháp tổ chức các tiểu đoàn dân binh địa phương. Mỗi châu có một đại đội lính chính quy do Pháp trang bị, huấn luyện và hai đại đội lính địa phương. Dưới các xã có các đơn vị lính dõng, chuyên lo canh gác, khi cần đi áp tải lao công. Trên địa bàn Sơn La: Tại Mộc Châu chỉ còn bản Lòm, Pơ Tào, bản Pảng, ở Phù Yên còn có các xã Mường Cơi, Mường Bang, Mường Lang, Mường Do và ở Thuận Châu có Bản Lầm là địch chưa kiểm soát và chưa lập được tề. Thực dân Pháp lập thêm đồn bốt ở các vị trí quan trọng để dẽ bề kiểm soát. Tại Yên Châu có đồn Mường Vạt và đồn Chiềng Đông do tên quan hai Pháp Guy-Lơ Mi-nô chỉ huy. Vùng dọc sông Mã có các đồn ở bản Pàn, bản Pịn thuộc Mường Lầm: Thuận Châu có đồn Chiềng Pấc, dọc sông Đà có đồn Chiềng Sại…

                Với lực lượng quân sự bố trí như vậy, vùng Mộc Hạ gần như bị cô lập, rất khó khăn trong quá trình liên lạc với các địa phương trong tỉnh, với các khu căn cứ kháng chiến trong khu vực.

              Đặt xong bộ máy thống trị, thực dân Pháp bắt đầu thực hiện chính sách đàn áp, bóc lột nhân dân thậm tệ. Quân Pháp thường xuyên tổ chức các cuộc càn quyét, lùng sục bắt bớ cán bộ, nhân dân trong các vùng tạm chiếm.

               Mặc dù tình hình trên chiến trường Sơn La diễn biến hết sức phức tạp, nhưng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc nói chung, ở khu căn cứ Mộc Hạ nói riêng vừa khẩn trương xây dựng lực lượng, vừa chủ động chiến đấu chống lại mọi âm mưu bình định, hành động tàn bạo của thực dân Pháp, tay sai trong điều kiện hết sức khó khăn gian khổ.

               Để đối phó với lực lượng kháng chiến ngày càng phát triển, địch mở các cuộc càn quyét vào các cơ sở cách mạng trong vùng tạm chiếm. Ngày 1 tháng 1 năm 1948, địch bắt đầu mở cuộc tấn công đánh phá Mộc Hạ - trung tâm Khu căn cứ kháng chiến Mộc Châu. Lực lượng địch huy động 300 tên gồm "Tây đen, Tây trắng" và lính dõng đánh vào từ các hướng: Mộc Lỵ xuống bản Pảng - Tô Múa - Tô Múa đến Mường Tè: Từ suối Rút lên Diềm, vượt sông Đà đánh vào Nà Bai rồi tiến về Mường Tè và tự Vạn Yên đánh sang Quy Hướng, qua Tô Múa tiến vào Mường Tè. Địch dùng hoả lực uy hiếp rất ác liệt, chia quân bao vây, cắt đứt liên lạc giữa các tiểu khu với nhau, tình hình hết sức căng thẳng. Trong khi đó khu căn cứ Mộc Hạ mới được xây dựng, địa bàn nhỏ hẹp, lực lượng quân sự nhỏ bé, du kích ở Mường Tè, Nà Bai, Tô Múa… mới hình thành, giao thông liên lạc trong khu căn cứ gặp nhiều trắc trở, các lũng lán cho dân sơ tán còn sơ sài.

Để đối phó với các cuộc càn quyét dữ dội của địch, nhân dân được triệt để sơ tán, thực hiện tiêu thổ kháng chiến.

              Ngày 19 tháng 1 năm 1948, cuộc khủng bố lần thứ hai do tên phìa Ênh (Sa Văn Ênh) dẫn một trung đội lính dõng về đánh úp cơ quan kháng chiến của tỉnh, một đội viên võ trang tuyên truyền hy sinh và ta bị mất một số lớn tài liệu.

              Ngày 18 tháng 1 năm 1948, cuộc khủng bố lần thứ ba vào khu căn cứ kháng chiến gồm một trung đội lính Tây từ Suối Rút lên qua bản Men vào đóng ở trung tâm xã Mộc Hạ. Từ phía Vạn Yên, có 100 tên vừa lính tây, vừa lính khố đỏ qua Quy Hướng về Mộc Châu. Ngày 2 tháng 2 năm 1948 tên Lò Văn Pậu dẫn 100 lính dõng gồm 10 tên quan Pháp chỉ huy về Mường Tè khủng bố. Mặc dù lực lượng địch đông, hiếu chiến, nhưng quân dân du kích đã phục kích đánh trả quyết liệt, bất ngờ, buộc chúng phải sớm rút lui.

               Ngày 20 tháng 2 năm 1948, địch mở cuộc khủng bố lần thứ tư. Chúng cho từng trung đội đi đóng ở các nơi, lập các cứ điểm nhỏ: Kê Siền, Bản Hào, Mường Tè, Nà Bai nhằm củng cố Mộc Châu và cố thủ ở vùng Mộc Hạ.

               Cuối tháng 4 năm 1948, địch lại từ ba phía: Mộc Lỵ, Suối Rút, Vạn Yên tiến thẳng vào khủng bố khu tự do Mộc Hạ lần thứ năm. Nhưng đi tới đâu giặc Pháp và tay sai đều gặp phải du kích mai phục, đánh bất ngờ. Sau ba hôm càn quyét, bị lực lượng vũ trang và du kích liên tục bao vây nên địch buộc phải rút lui.

                Sau 5 lần tấn công, khủng bố, không thu được kết quả như âm mưu của chúng đề ra, địch đã thay đổi kế hoạch. Chúng bỏ chiến thuật tập kích xông thẳng, mà chuyển sang tập kích bao vây, nhằm cắt đứt liên lạc của tỉnh Uỷ Sơn La với Khu Uỷ, chặn đường tiếp tế, lập nhiều cứ điểm nhỏ quanh vùng tự do. Chúng đóng ở Xuân Đài, Võ Miếu (Phú Thọ) để cắt đứt đường tiếp tế vào khu căn cứ, đóng quân ở Mộc Lỵ, Chiềng Khừa, Chiềng Ve, Cò Nòi để giữ đường liên lạc của chúng vào Lào, Yên Châu và Suối Rút. Để bao vây Mộc Thượng, chúng lập cứ điểm ở Sốp Bưn, Mường Lựm (Yên Châu), để khủng bố nhân dân.

                Nhận rõ vị trí chiến lược Sơn La, Tây Bắc, ngày 20 tháng 1 năm 1948, Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân tự vệ ra chỉ thị số 114/CT-BT và 115/CT-BT nói rõ nhiệm vụ giải phóng đồng bào Tây Bắc và xây dựng căn cứ địa Tây Bắc là nhiệm vụ căn bản của liên khu 10. Để thống nhất lực lượng, thống nhất sự chỉ huy, tác chiến, kịp thời đối phó với âm mưu, thủ đoạn mới của thực dân Pháp, ngày 25 tháng 1 năm 1948, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra Sắc lệnh số 120 sát nhập Khu 10 và Khu 14 thành liên khu 10.

Liên Khu Uỷ 10 ra Chỉ thị về việc thành lập Ban công tác Tây Bắc, phân công đồng chí Lê Trọng Tấn, Quân khu phó phụ trách. Bốn đội vũ trang tuyên truyền của liên khu 10 lần lượt thành lập và được giao nhiệm vụ.

Đội xung phong Quyết Thắng thành lập ngày 31 tháng 3 năm 1948, do đồng chí Hoàng Quy làm đội trưởng.

Đội xung phong Quyết Tiến thành lập ngày 15 tháng 3 năm 1948, do đồng chí Lý Bạch Luân làm đội trưởng.

Đội xung phong Trung Dũng được thành lập ngày 29 tháng 2 năm 1948, do đồng chí Cầm Trung làm đội trưởng.

Đội xung phong Bắc Lào được thành lập ngày 20 tháng 2 năm 1948, do đồng chí Cay-xỏm Phôm-Vi-Hản làm đội trưởng.

            Đội xung phong Trung Dũng đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng, mở rộng khu căn cứ, cán bộ chiến sỹ trong đội phần lớn là người Sơn La. Hướng hoạt động của đội xung phong Trung Dũng xuất phát từ Cẩm Khê (Phú Thọ) qua Mộc Châu, đi Yên Châu, Mai Sơn, Chiềng Khương, Mường Hung lên Điện Biên, lấy Mộc Châu làm chỗ đứng chân. Đây là cơ sở quan trọng giúp cho Sơn La có điều kiện phối hợp tác chiến, đối phó một cách có hiệu quả với âm mưu và thủ đoạn chiến tranh của thực dân Pháp trong địa bàn Sơn La nói chung, bảo vệ vững chắc vùng căn cứ kháng chiến Mộc Hạ nói riêng. Quân dân các dân tộc trong khu căn cứ đã phối hợp chặt chẽ với các đại đội độc lập được điều vào Sơn La tiến hành chiến tranh du kích, chống địch càn quyétm bảo vệ cơ sở cách mạng. Đại đội 860 hoạt động ở Mộc Châu đã cùng quân dân Mộc Châu đánh lui cuộc khủng bố của địch vào khu tranh đấu, hạ đồn, hạ đồn Chiềng Khừa, Mường Khoa. Tháng 3 năm 1948, nhân dân Khu 8 mở cuộc đấu tranh, rồi lan khắp Khu 9, tạo điều kiện thuận lợi cho các đại đội tiến vào Yên Châu, Mai Sơn.

               Phối hợp với cuộc đấu tranh của Mộc Hạ, đầu tháng 5 năm 1948, Phù Yên phát động nhân dân vùng tạm chiếm đấu tranh và phát động chiến tranh du kích trong lòng địch. Phong trào kháng chiến Phù Yên ngày càng phát triển, mở rộng, góp phần tạo thế cho căn cứ Mộc Hạ đứng vững và phát triển vững chắc.

                Khu căn cứ vùng Mộc Hạ được củng cố, mở rộng là điều kiện để Tỉnh uỷ Sơn La quyết định thành lập hai đại đội xung phong Quyết Tiến và Chiến Thắng vào tháng 5 năm 1948, để phối hợp với các đại đội độc lập tiến sâu vào vùng hậu địch gây dựng cơ sở. Hai đội xuất phát từ căn cứ Mộc Hạ, tháng 5 năm 1948, đội xung phong Trung Dũng của khu và đội xung phong Quyết Tiến của tỉnh lên hoạt động và gây cơ sở được ở các địa bàn như Chiềng On, Mu Tươi. Tháng 6 năm 1948, địch tổ chức càn vào Tú Nang, nhưng đã bị đội xung phong Trung Dũng cùng với du kích nhanh chóng, phục kích, cản phá, tiêu diệt 40 tên địch, trong đó có một tên quan Hai chỉ huy đồn Mộc Châu khét tiếng tàn bạo, thu một số vũ khí.

Ngày 5 tháng 9 năm 1948, Tỉnh uỷ Sơn La tiếp tục tổ chức đánh đồn bản Đán giành thắng lợi, toàn bộ vũ khí thu được trang bị cho du kích.

             Bước sang năm 1949, thực dân Pháp đã thực sự lo ngại trước những thất bại không thể tránh khỏi của chúng. Âm mưu lập vành đai trắng của địch đã bị thất bại. Do đó, chúng tập trung cao độ để đối phó về mọi mặt, thực dân Pháp tập trung vào củng cố Sơn La trở thành đại bản doanh của khu Độc lập Tây Bắc, với hệ thống đồn luỹ kiên cố, dầy đặc rào kẽm gai, hầm hào chiến đấu. Ngoại vi các cứ điểm được chúng lập nên là tháp canh, tề điệp. Nhân dân các bản sống xung quanh bị dồn về tập trung quanh đồn luỹ. Các đội tuần tiễu lưu động ngày đêm đi sục sạo, bắt vô cớ những người mà chúng nghi là Việt Minh.

             Phân tích nhận định tình hình, Tỉnh uỷ Sơn La tổ chức Hội nghị tại Mộc Hạ ngày 15 tháng 5 năm 1949, khẳng định: Chúng ta đã làm chuyển biến lực lượng kháng chiến từ thế yếu sang thế mạnh. Lực lượng ba thứ quân của ta ngày càng trưởng thành. Dân quân đã phát triển rộng khắp các cơ sở, có kinh nghiệm đánh giặc. Địa bàn của ta ngày càng được mở rộng.

             Trong hai năm anh dũng chiến đấu Khu căn cứ kháng chiến Mộc Hạ đã giành được nhiều thắng lợi. Phong trào đấu tranh vũ trang của nhân dân phát triển của một số bản của xã Mộc Hạ, Quy Hướng, Hướng Càn đã lan rộng ra toàn Mộc Châ (trừ Xuân Nha). Các đội vũ trang tuyên truyền du kích không ngừng trưởng thành về mọi mặt. Khu căn cứ Mộc Hạ mở rộng đã phát huy được vai trò chỉ đạo phong trào kháng chiến tạo điều kiện để Quân khu tăng cường cho Sơn La các đại đội chủ lực.

             Tuy còn trong hoạt động bí mật, nhưng công tác xây dựng Đảng trong khu căn cứ đã có bước phát triển mạnh. Tháng 3 năm 1948, Ban châu uỷ Mộc Châu được thành lập, gồm có 4 chi Bộ trực thuộc: Chi bộ xã Mộc Hạ, Mộc Thượng, Hướng Càn, Quy Hướng, chính quyền nhân dân trong khu căn cứ Mộc Hạ từ huyện đến xã được thành lập. Ngày 27 tháng 4 năm 1948, Trung ương Đảng quyết định sát nhập hai tỉnh Sơn La và Lai Châu, thành liên tỉnh Sơn - Lai. Sau khi cơ bản kiểm soát được tình hình trong khu căn cứ. Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh được thành lập trong khuc ăn cứ, như Tỉnh đội dân quân, do đồng chí Nguyễn Bá Toản làm tỉnh đội trưởng, đón tại bản Bó Bụt (xã Quang Minh), Ty Liêm phóng (thành lập năm 1949) do đồng chí Cầm Hiền (Bùi Đức Chính) làm trưởng ty, đóng tại bản Bó Bụt, Ty bình dân học vụ, Ty nông chính, Ty Thông tin đóng tại bản Tô Múa,…

              Tháng 9 năm 1948, Hội nghị Tỉnh uỷ mở rộng đã quyết định củng cố Ty bình dân học vụ, tổ chức các trường tểu học trong khu căn cứ, mở các lớp bình dân học vụ. Công tác xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh, bài trừ các hủ tục lạc hậu và mê tín dị đoan, nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân các dân tọc, đã góp phần giáo dục nhân dân nâng cao sự hiểu biết và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.

              Khu căn cứ Mộc Hạ được bảo vệ, xây dựng có ý nghĩa và tác dụng to lớn về mặt quân sự, làm cho chiến tranh du kích ngày càng phát triển, tạo điều kiện đóng góp sức người sức của phục vụ kháng chiến. Căn cứ kháng chiến mộc Châu đã trở thành hậu phương vững chắc của cuộc chiến tranh nhân dân Sơn La.

              Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở Sơn La diễn ra ngày càng ác liệt. Quân và dân các dân tộc Sơn La đã tổ chức ngăn chặn các mũi tấn công từ Tây Bắc xuống đồng bằng Bắc Bộ của thực dân Pháp. Khu căn cứ kháng chiến Mộc Hạ được giữ vững trước mọi cuộc càn quyét, đánh phá ác liệt của địch, được xây dựng củng cố về mọi mặt, phát huy tác dụng to lớn, trở thành nơi đứng chân của các đội xung phong tuyên truyền, các đơn vị bộ đội chủ lực. Khu căn cứ đã góp phần thúc đẩy phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp ở Tây Bắc và ở Thượng Lào.

              Căn cứ vào địa bàn và phương hướng xây dựng căn cứ địa ở Tây Bắc của Bộ Tổng chỉ huy quân đội quốc gia Việt Nam, Quân khu uỷ đã chia toàn bộ căn cứ hâu địch trên chiến trường Tây Bắc thành 4 khu: A, B, C, D, trong đó khu C là vùng Mộc Châu, Yên Châu, Sơn La; khu D là vùng dọc biên giới Việt - Lào. Khu căn cứ Mộc Hạ dù còn nhiều khó khăn, nhưng đã trở thành địa bàn tương đối an toàn cho Tỉnh uỷ Sơn La xây dựng các đội xung phong vũ trang tuyên truyền của tỉnh, các đội xung phong liên Khu, các đại đội chủ lực của liên khu 10 đứng chân, làm bàn đạp tấn công, phát triển vào vùng hậu địch, mở rộng khu tự do, nối liền ba khu thành một phòng tuyến chiến tranh nhân dân trong lòng địch, hướng phát triển lên Lai Châu và Điện Biên Phủ.

              Đội xung phong Trung Dũng đã xuất phát từ Mộc Hạ tiến lên Yên Châu, dọc biên giới Việt - Lào lên Sông Mã, Điện Biên. Trên đường lên Yên Châu đội đã phục kích đánh địch, giành thắng lợi ở Tô Buông, tạo thế lợi cho đội đu kích và nhân dân xã Tú Nang đứng lên đấu tranh đánh đổ bọn việt gian, giành thắng lợi. Khu du kích Tú Nang được thành lập.

              Cuối năm 1948, thực dân Pháp và tay sai tập trung về mọi mặt để đối phó với phong trào kháng chiến của nhân dân Sơn La đang ngày càng mạnh mẽ. Trước diễn biến ngày càng phức tạp, ngày 6 tháng 12 năm 1948, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ra chỉ thị "Phá tấn công của địch ở Yên Châu” , đồng thời phát động phong trào đánh địch dọc đường 41, nhằm gây cản trở giao thông và tiêu diệt một phần sinh lực địch.

               Chấp hành chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đầu tháng 1 năm 1949, lực lượng du kích xã Tú Nang đã phục kích và tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch. Đại đội 818 do đồng chí Quốc Đĩnh và Trí Anh phụ trách, tiến quân từ Tú Nang lên Nà Ngà, phục kích và tiêu diệt bộ phận sinh lực địch. Đơn vị tiếp tục hành quân xuống Lóng Phiêng, Mu Tươi lên Cò Nòi, chuẩn bị kế hoạch đánh địch, sau đó tấn công tập kích đồn Mường Khoa, rồi rút về Mộc Hạ củng cố lực lượng.

               Được đại đội 818 và đội xung phong tuyên truyền Quyết Tiến của tỉnh phối hợp, lực lượng du kích và nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu đã tấn công địch mạnh mẽ, gây cho chúng những tổn thất nặng nề. Ngày 6 tháng 11 năm 1949 Uỷ ban kháng chiến hành chính lâm thời huyện Yên Châu được thành lập. Năm 1949, gây dựng cơ sở cách mạng được 2/5 địa bàn huyện, khu tự do và khu tranh đấu phát triển và mở rộng chiếm 1/3 huyện.

               Phối hợp với đội xung phong Trung Dũng, đội xung phong Quyết Tiến của tỉnh do đồng chí Cầm Van (tức Ngọc Tĩnh) - bí thư Châu bộ Mai Sơn phụ trách gồm 10 đội viên, xuất phát từ Mộc Hạ, phát triển cơ sở theo dọc biên giới Việt - Lào, qua Yên Châu vào Mai Sơn. Cuối tháng 8 năm 1948, đội đã vào gây dựng cơ sở ở Hát Lót, đến tháng 10 năm 1948 vào tới Mường Mần, Mường Sại, Chiềng Khương. Do đó, đến cuối năm 1948, Mai Sơn đã xây dựng được những khu du kích nổi tiếng như: Y Lương, Mường Mần, Hát Lót, Mường Sại và phát triển sang Sông Mã.

                Từ vùng Mộc Hạ, đội chiến thắng do đồng chí Cầm la (tức Vũ Ngọc Thành) phụ trách gồm 10 đội viên bí mật tiến quân lên Đá Đỏ, vượt sông Đà qua Tạ Khoa lên Mường Chùm, Mường Bằng, Mường Bú, châu lỵ Mường La để hoạt động. Đội Chiến Thắng đã gây dựng được cơ sở vững chắc, hình thành khu tranh đấu hữu ngạn sông Đà, Mường La.

                 Đầu năm 1949, Tỉnh uỷ cử đại đội độc lập do đồng chí Phùng Binh, Bộ chỉ huy lên Mường La phối hợp với đội xung phong Chiến Thắng, hoạt động vũ trang tuyên truyền, phương thức hoạt động vừa công khai, vừa bí mật. Ngày 27 tháng 3 năm 1949, huyện Mường La, phát động phong trào đấu tranh tại 3 xã Mường Bằng, Mường Bú, Mường Chùm, chủ động tấn công địch để bảo vệ khu tranh đấu hữu ngạn. Mở đầu lực lượng vũ trang địa phương kết hợp với Đại đội 860 tổ chức đánh úp địch ỏ huyện lỵ, bao vây nhà Bạc Cầm Quý. Đội vũ trang tuyên truyền và đại đội chủ lực tiếp tục tấn công, phát triển thành 3 hướng vào các vùng lân cận của tỉnh lỵ.

               Khu tả ngạn sông Đà - Mường La đến cuối năm 1949 đã phát triển nhiều cơ sở cách mạng Chiềng Công, Chiềng Ân, Nậm Păn… Tháng 6 năm 1949, đồng chí Trần Quyết thay mặt tỉnh uỷ đến lũng Đán Đanh công bố quyết định  thành lập huyện uỷ Mường la, đồng chí Hoàng Cầm la được cử làm bí thư huyện uỷ.

                 Thuận Châu, từ tháng 5 năm 1949, các đại đội 870, 818 được tăng cường và tổ chức tấn công địch ở huyện lỵ. Đội xung phong Quyết Tiến của liên khu 10 đã cùng bộ đội Quỳnh Nhai xây dựng cơ sở ở dọc sông Đà và ba xã Mường É, Long Hẹ, Mường Bám, tiến dàn vào xây dựng cơ sở ở Sốp Cộp (lúc đó thuộc Điện Biên - Lai Châu).

                 Như vậy, Khu căn cứ kháng chiến Mộc Hạ hình thành và phát triển đã trở thành trung tâm lãnh đạo toàn diện phong trào cách mạng trong tỉnh. Do đó đến năm 1949, Sơn La đã có các khu căn cứ du lích tương đối vững mạnh để kháng chiến: Mường Lang, Mường Do, Mường Bang, Đá Đỏ, Bản Thải, Mường Cơi của huyện Phù Yên; Mường Lựm của huyện Yên Châu; bản Mòn, A Má, Bó Sập, Chiềng Khừa, Tú Nang của huyện Mộc Châu. Cùng với lực lượng du kích và các đội vũ trang tuyên truyền địa phương. Sơn La có đủ sức mạnh để bảo vệ, củng cố và phát triển các khu căn cứ kháng chiến, mở rộng vùng tự do. Những thắng lợi đó đã đạp tan âm mưu tấn công khu căn cứ kháng chiến Mộc Hạ, lập vành đai trắng của kẻ địch.

               Là cửa ngõ vào tây Bắc và thượng Lào, khu căn cứ kháng chiến Mộc Hạ đã trở thành cơ sở an toàn, bàn đạp để các tổ, đội làm nhiệm vụ tiến sâu vào sau lưng địch. Sau một thời gian chuẩn bị, đội xung phong Trung Dũng từ Mộc Hạ - trung tâm khu căn cứ kháng chiến lên Mộc Thượng, gây dựng cơ sở dọc biên giới Việt - Lào và từ Yên Châu lên Điện Biên.

                Có đường biên giới giáp với Lào, Sơn La là tỉnh đầu tiên của Tây Bắc được Trung ương và liên khu 10 giao nhiệm vụ giúp đỡ đội xung phong Bắc Lào xây dựng cơ sở cách Mạng ở tỉnh Sầm Nưa. Vào giữa năm 1948, tại Mường Khủa, một bản thuộc hạ huyện Mộc Châu, Tỉnh uỷ Sơn La đã phối hợp với đội xung phong Bắc lào, trực tiếp là đồng chí Cay-Xỏn-Phôm-Vi-Hản, đội trưởng đội xung phong Bắc Lào bàn kế hoạch xây dựng và phát triển cơ sở cách mạng ở Sầm Nưa. Được sự đồng ý của tỉnh uỷ Sơn La, đội xung phong Bắc Lào đã đặt căn cứ ở bản Lao Khô (thuộc xã Chiềng On). Đội đã được nhân dân các dân tộc bản Lao Khô che dấu, bảo mật, giúp đỡ về lương thực, thực phẩm, nhường cơm, sẻ áo, tạo điều kiện để đội đóng quân, hoạt động gây cơ sở. Vào cuối năm 1948, đội xung phong Bắc lào đã xây dựng được căn cứ đứng chân ở Lao Mãng, Lao Hùng thuộc huyện Xiềng Khọ, tỉnh Sầm Nưa - Lào.

               Sự ra đời căn cứ Lao Mãng, Lao Hùng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với khu căn cứ Mộc Hạ, nhất là đối với khu du kích Chiềng Khừa, A Má, Bó Sập thuộc xã Mộc Thượng. Các cuộc càn quyét của địch từ Lào sang các khu du kích của Mộc Thượng đã có căn cứ Lao Mãng, Lao Hùng đánh chặn. Đồng thời khu du kích Chiềng Khừa, A Má, Bó Sập trở thành lá chắn che chở cho phía sau của khu căn cứ Lao Mãng, Lao Hùng.

               Khu căn cứ kháng chiến Mộc Hạ ra đời và phát triển khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của ta đang trogn thời kỳ quyết liệt. Nhưng tại đây là chiếc cầu nối, nối liền Tây Bắc với Việt Bắc, với khu ba, khu bốn, đường liên lạc từ Mộc Châu đã nối liền với Cẩm Thuỷ (tỉnh Thanh Hoá), Hiền Lương (tỉnh Phú Thọ), Đà Bắc, Tu Lý (tỉnh Hoà Bình). Đây chính là đường dây liên lạc nối liền với chiến khu 4, Bình Trị Thiên, giúp cho sự chỉ đạo của Trung Ương và của Bộ Tổng tư lệnh quân đội quốc gia Việt Nam thông suốt. Tháng 7 năm 1947, đoàn cán bộ Liên Khu uỷ khu 5 cùng một số nhân sĩ trí thức ở Huế do đồng chí Hồ Viết Thắng làm trưởng đoàn đã về căn cứ địa Việt Bắc qua con đường mòn này. Đồng chí Bắc Dũng được Khu uỷ Khu 10 cử lên Lai Châu làm nhiệm vụ đã chọn Khu căn cứ Mộc Hạ để dừng chân, tỉnh uỷ Sơn La đã bố trí, chuẩn bị lực lương thực, thực phẩm và người dẫn đường giúp đồng chí vượt qua những vùng địch kiểm soát, lên Pú Nhung, Lai Châu xây dựng cơ sở kháng chiến.

               Căn cứ kháng chiến Mộc Hạ không những là bàn đạp vững chắc cho việc phát động phong trào quần chúng vùng dậy đấu tranh giải phóng Sơn La mà còn là nơi đào tạo, rèn luyện những cán bộ, đảng viên trung kiên, yêu nước người địa phương, bổ sung lực lượng cho cách mạng kịp thời.

               Từ cuối năm 1947, ở Mộc Hạ, tỉnh uỷ đã mở lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ là người địa phương, đến năm 1948, 1949 các lớp huấn luyện tiếp tục được tăng cường mở tại các khu du kích trong tỉnh. Đến năm 1948, căn cứ Mộc Hạ đã thực sự trở thành hậu phương vững chắc, góp phần tích cực vào cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Sơn La.

              Bước sang năm 1950, tình hình trong nước và thế giới có nhiều chuyển biến tích cực có lợi cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của ta. Chiến dịch Biên giới thu đông năm 1950 thắng lợi, mở ra cục diện mới làm thay đổi lực lượng giữa ta và địch.

              Để giữ vững phong trào, Tỉnh uỷ Sơn La đã ra chỉ thị cụ thể cho từng huyện về xây dựng lực lượng, gấp rút củng cố phong trào kháng chiến, riêng Mộc Châu phải giữ vững đường liên lạc và phối hợp chặt chẽ với Bắc Lào, Mai Thuận, Phù Yên và Thanh Hoá. Ban chỉ huy tỉnh đội dân quân được kiện toàn. Một số đội du kích tập trung ở xã, bản được rút lên xây dựng thành hai đại đội chủ lực của tỉnh Liên huyện Mộc - Yên thành lập được 3 trung đội du kích. Mỗi xã vùng tự do có hai tiểu đội du kích tập trung. Bộ đội địa phương và dân quân du kích với đủ các thành phần dân tộc tham gia có tính chiến đấu gan dạ, bền bỉ và quyết tâm vượt qua mọi thử thách, nhưng kỹ chiến thuật còn non yếu, trang bị vũ khí thô sơ và hậu cần thiếu thốn, nên khi quân chủ lực rút lui đi, sức mạnh quân sự của ta gặp nhiều khó khăn.

              Với âm mưu củng cố Sơn La cắt đứt đường liên lạc giữa Tây Bắc với Thượng Lào, quân Pháp lập thêm phòng tuyến sông Đà và củng cố các phòng tuyến 41, sông Mã, tăng thêm phương tiện chiến tranh, chiếm đóng trên 30 cứ điểm lớn, nhỏ trong tỉnh, mở các cuộc càn quyét nhằm phá vỡ các cơ sở chính trị, các khu du kích của ta trong vùng tạm chiếm.

              Địa bàn Mộc-Yên có trên một tiểu đoàn địch chốt giữ ở 5 điểm chính: Mộc Lỵ, Mường Lựm, Yên Lỵ, Chiềng Đông, Tạ Khoa và một số điểm phụ như: Sốp Bưn, Chiềng Ban, Nà Ngà. Ngay từ đầu năm 1950, địch tăng cường càn quyét vùng Yên Châu, Mộc Thượng, Tú Nang, hòng nối lại đường Mộc Lỵ - Yên Lỵ, nhằm cắt đứt đường liên lạc của ta giữa Mộc Châu và Mai - Thuận. Chúng tập trung phá vùng căn cứ Mộc Hạ, tháng 4 năm 1950, từ Mộc Lỵ, Phù Yên, quân Pháp chia làm nhiều mũi với lực lượng khá lớn tấn công vào khu tự do Mộc Hạ. Pháp chia làm nhiều mũi với lực lượng khá lớn tấn công vào khu tự do Mộc Hạ. Bộ đội địa phương và dân quân du kích phối hợp với tiểu đoàn 930 bộ đội chủ lực đã anh dũng chiến đấu đánh trả cuộc càn quét của địch. Sau 15 ngày giao chiến, các cuộc tấn công của địch bị chặn đứng, quân địch phải rút lui khỏi Mộc Hạ. Tháng 6 năm 1950, ta tổ chức phục kích, đánh địch ở Tà Phềnh, tháng 7 năm 1950 ta mở chiến dịch phối hợp với Mặt trận Lào Bắc, đánh mạnh dọc đường 41, giữ vững cơ sở ở Tú Nang, Yên Châu. Từ sau tháng 8 năm 1950, địch chỉ tổ chức những cuộc càn quét lẻ tẻ ở từng địa phương. Đầu tháng 9 năm 1950, chúng rút quân từ Mộc - Yên sang phối hợp càn quét ở Lào Bắc. Chiến dịch Biên giới phía bắc (tháng 10 năm 1950) thắng lợi vẻ vang làm cho quân địch ở Sơn La hoang mang chúng rút hết quân về đồn chính, thực dân Pháp tăng cường củng cố Sơn La, đặc biệt là phòng quyến sông Mã và đường 41, nhằm giữ liên lạc giữa Sơn La với Thượng Lào. Chúng dời sở chỉ huy từ Lai Châu về Sơn La và củng cố tinh thần nguỵ binh, đồng thời tăng cường các hoạt động quân sự, tiếp tục mở các cuộc càn quét có tính chất thăm dò vùng tự do ngoại vi Mộc Hạ, tấn công vào các khu căn cứ của ta.

              Để quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2 năm 1951), Đảng bộ tỉnh Sơn La tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ nhất tại khu căn cứ Mộc Hạ. Đại hội tiến hành từ ngày 20 tháng 3 đến ngày 2 tháng 4 năm 1951 với sự có mặt của 76 đại biểu thay mặt cho hơn 300 đảng viên trong toàn tỉnh. Trong khi đại hội đang họp, quân địch tổ chức cuộc tập kích qui mô lớn vào Mộc Hạ, nhằm đánh úp cơ quan đầu não kháng chiến của tỉnh. Khi được tin địch chuẩn bị càn quét, Tỉnh uỷ Sơn La yêu cầu Liên khu Việt Bắc tăng cường cán bộ vũ khí cho Mộc Hạ để tổ chức chống càn. Liên khu Việt Bắc tăng cường cán bộ vũ khí cho Mộc Hạ để tổ chức chống càn. Liên khu Việt Bắc điều đại đội 428, 310 và đại đội vũ trang tuyên truyền của tỉnh. Tổng số quân của ta có đến 600 người (kể cả quân du kích) bằng 2/5 lực lượng địch.

              Từ ngày 16 tháng 3 năm 1951, địch tập trung quân ở các châu phía bắc dồn về Vạn Yên và Mộc Lỵ. Ngày 28 tháng 3 năm 1951, địch tổ chức cuộc tổng càn quét vào khu tự do Mộc Hạ với lực lượng khoảng 1.500 quân và 500 dân phu, trong đó có 5 tên quan hai và một quan ba thầy thuốc, do quan tư Vô-Đơ-Rây, chỉ huy. Lực lượng chủ yếu của chúng là lính Thái Lai Châu, khố đỏ, lính dõng và lính Âu-phi, vũ khí có 15 súng máy, 10 khẩu Morchre, súng trường, tiểu liên và trang bị vô tuyến điện. Chúng chia làm nhiều mũi tiến vào Mộc Hạ.

Mũi thứ nhất: Theo đường 41 đánh vào Phù Mẫu.

Mũi thứ hai từ: Đà Bắc (Hoà Bình) vượt sông Đà đánh lên Nà Bai ra Bó Bụt và đóng ở đó.

Mũi thứ ba: Theo đường dây thép cũ đánh thọc vào bản Men.

Mũi thứ tư: Từ Mộc Lỵ đánh vào Kê Siền, Mường Khủa.

Mũi thứ năm: Từ Vạn Yên theo dọc sông Đà đánh vào Bó Hoi, Bó Bụt.

            Quân địch chia làm nhiều tốp, mỗi tốp từ một đến hai trung đội. Với chiến thuật luồn rừng, leo núi, tấn công nhiều mũi, sục sạo từng bản, từng lũng nhằm đánh úp các cơ quan và lực lượng của ta. Chúng luồn rừng đánh úp một số cơ quan của ta ở Mường Khủa, Bó Bụt. Một bộ phận quân địch vượt sông Đà sang Đức Nhàn (Đà Bắc) càn quét một số bản ven sông.

              Lúc này, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất đang diễn ra tại bản Men. Vừa tổ chức Đại hội vừa chỉ đạo chống càn. Tỉnh uỷ Sơn La đã vạch ra các kế hoạch đánh địch, chỉ thị cho các cơ sở triển khai công tác chống càn. Các đại biểu vừa tranh thủ họp vừa tham gia chỉ huy lực lượng vũ trang và dân quân du kích các xã bản, kiên quyết đánh địch.

              Ngày 3 tháng 4 năm 1951, trung đội 78 thuộc đại đội 310 phối hợp với du kích Quang Minh, Song Khủa, Mường Tè, Quy Hướng chặn đánh bọn địch từ Suối Rút lên Bản Pảng, sau gần một tiếng đồng hồ ta diệt được 4 tên và làm bị thương nhiều tên khác. Quân địch tháo chạy lên Mường Khoa.

             Đại đội 428 phối hợp với du kích bám sát địch, tổ chức phục kích, bắn tỉa ở khu vực Mường Khủa, Bó Bụt, Nà Bai, tại Bó Bụt, một quan hai Pháp bị thiệt mạng và ở Mường Tè 10 lính khố đỏ bị tiêu diệt. Khu vực Mường Khủa ta tiêu diệt 3 lính Pháp. Trước tình thế bị ta liên tiếp tấn công và tiêu diệt nhiều sinh lực, quân địch phải rút lui. Dự đoán chúng sẽ rút từ Nà Bai qua Mường Tè về Tô Múa quân ta gồm hai đại đội chủ lực, một trung đội của huyện Mộc Châu cùng với du kích Mường Tè, Tô Múa, Mường Men tổ chức ở đoạn đường hiểm yếu, ngày 7 tháng 4 năm 1951 gần 200 tên từ Nà Bai lên Tô Múa bị lọt vào trận mai phục. Ta tiêu diệt và làm bị thương 30 tên, trong đó có hai sĩ quan Pháp, phá huỷ 3 súng máy và nhiều lương thực, thực phẩm, địch cướp được của dân.

              Các toán địch đi đến đâu cũng vấp phải sự chống trả quyết liệt của dân quân du kích. Với cách đánh linh hoạt, dũng cảm, suốt 17 ngày đêm kiên cường chống càn, quân và dân khu du kích đã chặn đánh trên 30 trận lớn nhỏ, đẩy lùi bước tiến của địch ở tất cả các hướng, gây cho địch nhiều thiệt hại: Hơn 100 tên vừa bị chết và bị thương, trong đó có 5 tên chỉ huy Pháp. Bị thất bại liên tiếp, quân địch buộc rút khỏi các vị trí chiếm đóng ở Mộc Hạ về Mộc Lỵ, Vạn Yên và một bộ phận đóng quân tại Nà Mường. Âm mưu càn quét nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến tỉnh Sơn La của thực dân Pháp bị thất bại. Ta bảo vệ được khu căn cứ và bảo toàn lực lượng, tạo điều kiện thúc đẩy chiến tranh du kích phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên trong trận càn này, ta cũng bị thiệt hại: Hy sinh 1 người, bị thương 5 người, mất một số tài liệu của Uỷ ban hành chính kháng chiến, về kinh tế, địch gây cho ta những thiệt hại về hoa màu, nhà cửa và cướp đi gần 100 con trâu, bò.

               Mặc dù trong lúc địch tập trung càn quét ác liệt, nhưng đại hội đại biểu tỉnh Đản bộ lần thứ nhất vẫn tổ chức thành công. Đại hội đã đánh giá quá trình vận động và lãnh đạo cách mạng của Đảng bộ từ khi thành lập tới lúc này. Đề ra phương hướng nhiệm vụ, phương pháp lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Sơn La trong thời kì tới. Đại hội đã bầu 7 đồng chí vào Ban Chấp hành Tỉnh uỷ và 2 đồng chí uỷ viên dự khuyết. Đồng chí Bùi Thọ Chuyên được bầu làm Bí thư Tỉnh, đồng chí Trần Quyết được điều động về liên khu Uỷ Việt Bắc. Đồng chí Thường làm Bí thư liên huyện Mộc - Yên.

               Tháng 6 và tháng 7 năm 1951, địch lại mở hai cuộc hành quân nhưng tính chất thăm dò lực lượng của ta, phá hoại kinh tế, khủng bố nhân dân và chuẩn bị cho cuộc tấn công mới. Tuy nhiên cục diện chiến tranh giữa ta và địch trên phạm vi toàn quốc đã thay đổi, quân ta đã nắm quyền chủ động trên các chiến trường nên chúng không còn cơ hội để tấn công vào Mộc Hạ. Từ đó căn cứ địa Mộc Hạ và vùng tự do Mộc Châu ngày càng được mở rộng và phát triển.

               Bị thất bại liên tiếp trong các cuộc khủng bố khu tự do, nhằm phá vỡ cơ sở của ta nhưng bị ta phục kích, tiêu diệt buộc địch phải thay đổi quân, bổ sung quân số hao hụt, tuyển mộ thêm lính. Đầu năm 1952, chúng tập trung quân đóng ở Mộc Lỵ, Nà Mường, Pa Khôm, Pa Háng, đặt bốt gác ở Cò Nòi và khủng bố phá vỡ cơ sở của ta ở Tú Nang, tăng cường lực lượng ở đồn Pa Khôm, Pa Háng, đặt bốt gác ở Cò Nòi và khủng bổ, phá vỡ cơ sở của ta ở Tú Nang, tăng cường lực lượng ở đồn Pa Khôm, bổ sung quân cho Pa Háng, thay đổi chỉ huy và củng cố đồn Nà Mường. mặt khác chúng tập trung bắt lính, sửa sân bay Mộc Lỵ, xây đắp công sự, sửa đường Mộc Lỵ- Nà Mường, Mộc Lỵ- Sầm Nưa (Lào). Đồng thời mở các cuộc hành quân khủng bố vùng suối Sôi (Đoàn Kết), tung biệt kích, do thám vào Tô Má, Tân Tiến và Xuân Nha nhằm lùng bắt cán bộ và nắm bắt tình hình của ta nhưng đã bị lực lượng du kích kiểm soát và phục kích chặn đánh. Ta tiếp tục mở những cuộc tấn công nhằm tiêu hao sinh lực địch, bộ đội Mộc Châu gồm có đại đội 403 cùng du kích Mộc Thượng, Mộc Hạ, Tú Nang đã phục kích địch trân các con đường chúng thường qua lại, bắn chết và làm bị thương một trung đội địch, thu một trung liên và ba súng trường Mỹ, 54 dù và một số đạn dược quân dụng.

               Nhằm tiếp tục củng cố thế và lực, tạo ra những thắng lợi mới, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư Lệnh Tây Bắc nhận định: Tây Bắc là chiến trường miền núi là địa bàn chiến lược quan trọng ở Tây Bắc bộ nước ta, là cầu nối giữa các tỉnh Liên khu III và Liên khu IV. Đặc điểm thế bố trí của địch ở Tây Bắc là ngoài phân khu Nghĩa Lộ, còn lại các phân khu khác hình thành một tuyến chạy dọc đường 41 song song với sông Đà. Bên trong tuyến sông Đà-Đường 41, càng đi sâu về phía Tây, thế bố trí địch càng mỏng, so với chiến trường khác, Tây Bắc là chiến trường địch yếu, sơ hở nhưng lại địa bàn chiến lược hiểm yếu, khi tấn công ta sẽ có lợi thế hơn địch. Từ nhận định đúng đắn trên, Đảng và Bác Hồ đã quyết định một chiến lược mới đó là chuẩn bị tấn công, giải phóng vùng Tây Bắc của Tổ quốc.

               Tháng 9 năm 1952, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Tây bắc nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch và giải phóng nhân dân khỏi ách kìm kẹp của thực dân Pháp. Nhận rõ vị trí quan trọng của chiến dịch đối với Sơn La, để phối hợp hành động giữa địa phương và bộ đội chủ lực. Tỉnh uỷ đã ra Nghị quyết "Nhận rõ tình hình, tích cực làm tròn nhiệm vụ", khẩn trương thực hiện nhiệm vụ do khu Tây Bắc giao, chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt cho chiến dịch. Tham gia chiến dịch Tây Bắc gồm các đại đoàn bộ binh 308, 312, 316, Trung đoàn công binh 151 thuộc Đại đoàn công pháo 315, tiểu đoàn 910 (Trung đoàn Sơn La) và 10 đại đội bộ đội địa phương. Riêng Sơn La có 3 đại đội bộ đội địa phương và các đơn vị du kích phối hợp chiến đấu và phục vụ hậu cần.

                 Ngày 14 tháng 10 năm 1952, chiến dịch Tây Bắc bắt đầu bằng các trận tấn công của bộ đội chủ lực vào phân khu Nghĩa Lộ, tiểu khu Phù Yên. Sau 11 ngày đêm liên tục chiến đấu, ngày 23 tháng 10 năm 1952, đợt I của chiến dịch kết thúc ta đánh tan đại đội bộ phận địch ở phân khu Nghĩa Lộ và tiểu khu Phù Yên, giải phóng một vùng rộng lớn từ hữu ngạn sông Thao đến tả ngạn sông Đà. Riêng Sơn La từ Vạn Yên lên Quỳnh Nhai.

                Sau khi rút kinh nghiệm đợt I và củng cố lực lượng, Bộ chỉ huy chiến dịch Tây Bắc quyết định bước vào đợt II của chiến dịch với nhiệm vụ vượt sông Đà tiến công khu Tạ Khoa, Ba Lay, Mộc Châu nhằm phá vỡ tuyến phòng thủ của địch ở sông Đà, tạo điều kiện giải phóng Sơn La, Lai Châu. Đợt tấn công này ta tập trung 6 trung đoàn: 88, 102 (Đại đoàn 308), 209, 141 (Đại  đoàn 312), 98, 174 (Đại đoàn 316) và đại đoàn công pháo 315.

               Ngay khi bước vào đợt II, địch ở đồng bằng tổ chức hành quân lên Phú Thọ nhằm phá vỡ hậu phương của ta, kéo chủ lực của ta ở Tây Bắc về để đối phó. Tuy vậy, cuộc hành quân của địch đã bị bộ đội chủ lực khu 10 và bộ đội địa phương Phú Thọ chặn đứng.

              Đêm 17 tháng 11 năm 1952, các đơn vị bộ đội vượt sông Đà, vận động tấn công tiêu diệt đồn bản Hoa (Tân Lập - Mộc Châu), loại khỏi vòng chiến đấu hơn 300 tên địch. Đêm 18 tháng 11 năm 1952, Trung đoàn 141 tập kích đánh tan tiểu đoàn lính Ma - Rốc tại Ba Lay (Qui Hướng - Mộc Châu). Thừa thắng quân ta truy kích địch từ Qui Hướng dọc theo đường 136 lên Phiêng Luông. Vùng Hạ huyện của Mộc Châu hoàn toàn giải phóng.

               Đại đoàn 316 có nhiệm vụ tấn công tiêu diệt cứ điểm Mộc Châu. Mọc Châu là vị trí then chốt hết sức quan trọng, là cửa ngõ tiến vào Tây Bắc và Thượng Lào, vì vậy thực dân Pháp xây dựng các cứ điểm bảo vệ Mộc Châu rất kiên cố. Cứ điểm quan trọng nhất của địch ở cao nguyên Mộc Châu là đồn Mộc Lỵ, án ngữ trên ngã ba đường 41 từ Hà Nội lên Sơn La và từ Mộc qua Pa Háng sang Lào. Đồn Mộc Lỵ được xây dựng trên một ngọn núi đá tai mèo hiểm trở, nhiều vách đá dựng đứng. Từ đây địch có thể quan sát khá xa, dễ dàng phát hiện mục tiêu ở 4 phía. Lợi dụng các mỏm đá nhấp nhô, địch bố trí một hệ thống công sự, lô cốt rất kiên cố, có nhiều tầng hoả lực nhằm phát huy hết hiệu quả của các loại vũ khí, yểm trợ đắc lực cho nhau khi bị tấn công. Hầm chỉ huy và các hầm cố thủ đều được xây dựng bằng bê tông cốt thép. Phía ngoài đồn được bao bọc bởi 4 hàng rào dây théo gai chằng chịt, dưới đất chôn dày đặc các loại mìn. Ngoài khu đồn chính, địch còn xây dựng thêm 2 tháp canh, mỗi nơi có khoảng 1 tiểu đội vừa làm nhiệm vụ tiền tiêu, vừa tạo thế phòng ngự tuyến ngoài. Địch còn tổ chức khu tập trung hàng ngàn gia đình cách phía Tây nam đồn khoảng 500 mét, ngày đêm có lính tuần tra canh gác. Lực lượng địch ở đồn Mộc Lỵ có hơn một tiểu đoàn, cả Tây đen lẫn Tây trắng và lính nguỵ do tên quan ba Pháp Vanh - Xăng chỉ huy. Chúng được trang bị đầy đủ vũ khí cá nhân như tiểu liên, súng cối 81 ly và 60 ly, 3 đại liên, 27 trung liên, chúng còn thường xuyên được bổ xung lương thực, thực phẩm dự trữ và đạn dược đảm bảo cho chiến đấu dài ngày. Đồn Mộc Lỵ được quân Pháp mệnh danh là "Chiếc áo giáp" bất khả xâm phạm ở phân khu Sơn La, tướng Đờ-ly-na-rét đã đích thân tới kiểm tra và giao nhiệm vụ cho sĩ quan, binh lính phải chống giữ đến cùng khi bị tấn công. Bộ chỉ huy quân đội Pháp còn rút nhứng toán biệt kích ác ôn được huấn luyện kỹ từ Phát Diệm (Ninh Bình) lên để tăng cường cho đồn Mộc Lỵ.

               Đối với ta, việc chiếm được đồn Mộc Lỵ có ý nghãi rất quan trọng bởi nó khai thông tuyến hậu cần từ Hoà Bình lên. Ngày 17 và 18 tháng 11 năm 1952, các binh đoàn chủ lực của ta đã bí mật đào công sự quanh đồn, chiếm lĩnh trận địa. Các tiểu đoàn 888 và 439 luồn rừng theo dòng suối lên phía tây bắc, hình thành thế bao vây, chặn tiếp viện của địch từ Sơn la xuống. Ngày 19 tháng 11 năm 1952, quân ta xiết chặt vòng vây. Khoảng giữa trưa, một toán lính và ngựa thồ của địch từ Chiềng Ban theo đường 41 về Cò Nòi thu thóc, bị tiểu đoàn 888 chặn đánh và tiêu diệt gọn. Hai toán lính từ đồn chính đi tuần ra phía Tây và phía Tây nam bị ta dánh bật trở lại đồn. Ngay đêm đó ta đột nhập vào trại tập trung đưa gần 1000 dân đến nơi an toàn. Địch báo động toàn khu vực 23 giờ 30 phút ta nổ súng tân công mạnh mẽ vào đồn Mộc Lỵ.

               Sau hơn 3 tiếng đồng hồ chiến đấu quyết liệt, đồn Mộc Lỵ bị tiêu diệt. Ta đánh địch ở đồn Pa Khôm, Pa Háng. Địch hoảng sợ rút chạy lên Yên Châu và sang Lào. Ngày 20 tháng 11 năm 1952, Mộc Châu hoàn toàn giải phóng. Nhứng trận đánh mở đầu đợt II của chiến dịch vào tuyến phòng thủ cao nguyên Mộc Châu giành thắng lợi to lớn. Sau khi giải phóng Mộc Châu, Đại Đoàn 316 chia làm 3 mũi tiến lên truy kích địch qua Yên Châu - Cò Nòi, giải phóng tỉnh lỵ Sơn La, Thuận Châu. Các mũi tấn công khác vào Mường La, Quỳnh Nhai cũng giành thắng lợi lớn. Quân địch ở các vị trí còn lại trước nguy cơ bị tiêu diệt đều rút về Nà Sản (Mai Sơn), đợt II của chiến dịch kết thúc, tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản) và một số huyện phía nam Lai Châu được giải phóng. Ta bắt và tiêu diệt hơn 3000 tên địch giải phóng 17.700km2 đất đai, nhân dân các dân tộc thoát khỏi ách thống trị của thực dân phong kiến.

                Bị thiệt hại nặng nề, thực dân Pháp gấp rút củng cố Nà Sản, biến Nà Sản thành cứ điểm mạnh nhất lúc bấy giờ. Tập đoàn cứ điểm Nà Sản bao gồm 17 cứ điểm liên hoàn với 8 tiểu đoàn lính dù, một tiểu đoàn pháo binh, 8 đại đội độc lập, một tiểu đoàn công binh và có sân bay ở trung tâm. Từ ngày 30 tháng 11 năm 1952, Đại đoàn 308 liên tiếp mở các cuộc tấn công vào Nà Sản nhưng không thành công do ta chưa nắm chắc được tình hình địch và bộ đội ta chưa có kinh nghiệm đánh tập đoàn cứ điểm lớn, hơn nữa quân chủ lực của ta đã mệt mỏi và thương vong sau hai tháng tiến hành chiến dịch. Ngày 10 tháng 12 năm 1952, Bộ chỉ huy quyết định kết thúc chiến dịch.

                Chiến dịch Tây Bắc kết thúc thắng lợi, đã giải phóng một vùng đất đai rộng lớn của Tây Bắc (28.500 km2) và 25 vạn dân, tiêu diệt 6000 quân địch, căn cứ kháng chiến được mở rộng, tạo bàn đạp chắc chắn để ta mở rộng hoạt động tác chiến quân sự sang các khu vực Lai Châu và Thượng Lào.

                Để giữ vững vùng mới giải phóng và quyết tâm chiến đấu tiến tới giải phóng toàn tỉnh, Sơn La đã kiên quyết hoàn thành kế hoạch xây dựng tiểu đoàn bộ đội địa phương và dân quân du kích; Tích cực chống địch càn quét, lấn chiếm, diệt do thám, gián điệp, tích cực phục vụ tuyền tuyến.

                 Tháng 4 năm 1953, ta mở chiến dịch Thượng Lào với mục tiêu giải phóng toàn bộ lưu vực sông Nậm Hu từ Phong Xa Lỳ đến Pắc Xèng, đẩy lùi địch vào sát cửa ngõ Luông Pha Băng, nối liền vùng biên giới Tây Bắc Việt Nam với Thượng Lào. Trung đoàn Sơn La đã tích cực, chủ động và chiến đấu anh dũng góp phần tích cực vào chiến thắng Thượng Lào.

                Tại Sơn La, phối hợp với chiến trường Thượng Lào, 6 tháng đầu năm 1953, ngoài việc bẻ gẫy nhiều cuộc hành quân càn quét, nhổ các đồn bốt mà địch đánh lấn ra và mới dựng lên ở vùng mới giải phóng, ta còn tiêu diệt nhiều ổ phỉ, biệt kích, do thám trong kế hoạch "hậu chiến"  của thực dân Pháp gài lại mưu toan quay trở lại chiếm Sơn La.

               Chiến dịch Thượng Lào thắng lợi đã làm thất bại âm mưu chiếm giữ Nà Sản, cứ điểm Nà Sản được mệnh danh là "con đê ngăn sóng" bị phá sản hoàn toàn. Những nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp nhằm xoay chuyển tình thế ở Sơn La đã bị thất bại. Tháng 8 năm 1953, toàn bộ lực lượng của địch ở Nà Sản rút về đồng bằng, bằng đường không. Các cơ quan lãnh đạo kháng chiến của Sơn La chuyển dần về tỉnh lỵ Sơn La, tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến, đưa Sơn La cùng cả nước đẩy mạnh cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

                Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Sơn La đã xây dựng nên căn cứ kháng chiến Mộc Hạ vững chắc, từ đó toàn tỉnh đã dấy lên phong trào xây dựng khu căn cứ rộng khắp, Phía Phù Yên có Mường Do, Mường Bang, Mường Lang, Mường Cơi; Yên Châu có Mường Lựm, Mường Khoa, Tạ Khoa; Mộc Châu có Bản Mòn, A Má, Bó Sập, Chiềng Khừa, Tú Nang; Mai Sơn có Y Lương, Mường Mần, Hát Lót, Mường Sại và phát triển sang sông Mã; Mường La có Mường Bằng, Mường Bú, Mường Chùm và nhiều cơ sở cách mạng ở Chiềng Công, Chiềng Ân, Nậm Păm, Ngọc Chiến; Ở Thuận Châu có Mường É, Long Hẹ, Mường Bám,… Thực tiễn đó đã khẳng định đường lối kháng chiến xây dựng căn cứ địa hậu phương của Đảng là đúng đắn và sáng tạo, đáp ứng yêu cầu khách quan của lịch sử và trở thành lực lượng vật chất to lớn, biến hậu phương của địch thành tiền phương và hậu phương của ta. Căn cứ kháng chiến là sản phẩm tất yếu của chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện.

 

2. Giá trị lịch sử, khoa học, nghệ thuật

                Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân Sơn La là một bộ phận quant trọng và có vị trí chiến lược trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta nói chung và chiến dịch Tây Bắc - giải phóng Sơn La nói riêng. Mỗi bước phát triển, mỗi một thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên chiến trường cả nước, chiến trường Tây Bắc, chiến trường Sơn La, có tác dụng thúc đẩy, tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển khu căn cứ kháng chiến vùng Mộc Hạ. Đồng thời, mỗi một bước phát triển, mỗi một thắng lợi của khu căn cứ kháng chiến Sơn La đề có ảnh hưởng và tác động đến cục diện chung của cuộc kháng chiến. Thắng lợi mà quân và dân ở khu căn cứ kháng chiến vùng Mộc Hạ nói riêng và toàn tỉnh Sơn La nói chung của những năm tháng kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp có tầm quan trọng và có ý nghĩa lịch sử sâu sắc đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và đổi mới hiện nay.

Loại hình di sản Di tích lịch sử kháng chiến Chuyên đề
Xếp hạng di sản Xếp hạng cấp tỉnh Năm xếp hạng
Kiến trúc Hiện trạng Xuống cấp
Hiện vật trong di sản
Trong khu di tích hiện nay không còn hiện vật gì
Cổ vật Hiện vật mới
Công tác bảo vệ

 

8. Tình trạng bảo quản hiện vật

Hiện nay khu di tích không còn nguyên vẹn như trước. Trải qua quá trình thời gian một số cây to không còn, chỉ còn lại rừng tái sinh.

9. Các phương án bảo vệ di tích

Hiện tại di tích cần được qui hoạch khu bảo vệ để tránh sự xâm chiếm, lấn đất của con người và cần bảo tồn giữ lại rừng của khu di tích.

Cấp chính quyền và nhân dân sở tại có trách nhiệm bảo vệ để tránh sự phá hoại của con người đối với di tích.

10. Cơ sở pháp lý bảo vệ di tích

Là di tích có một ý nghĩa quan trọng trogn lịch sử, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân tỉnh Sơn La nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung và nước bạn Lào. Do vậy các cơ quan liên ngành cần sớm qui hoạch và xếp hạng cho khu di tích, để di tích có tính pháp lý cao hơn nữa. Cần phát huy tốt tác dụng của di tích để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Công tác tu bổ tôn tạo
Đất đai trong di sản

 

Di tích thuộc một khu rừng rậm tại xã Mường Men huyện Mộc Châu. Nơi đây trước kia là một khu rừng rậm, đến nay chỉ còn lại là khu rừng tái sinh, chủ yếu là tre nứa.

Tư liệu kèm theo

 - Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La tập I (1939-1954).

- Lịch sử Đảng bộ huyện Mộc Châu.

- Cuốn "Khu căn cứ Mộc Hạ - Mộc Châu, trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1947-1952)" NXB-Chính trị Quốc Gia - Hà Nội - 2006.

- Ảnh

Ảnh 1, Ảnh 2, Ảnh 3, Ảnh 4, Ảnh 5,


https://www.zbet.win/news/soi-keo-bong-da