Chi tiết hồ sơ

Tên Cây đa Mường Hung
Địa điểm Xã Mường Hung, Sông Mã, Tỉnh Sơn La
Thuộc Huyện/Thành phố Sông Mã Thuộc Xã/Phường/Thị trấn Xã Mường Hung
Mô tả chi tiết

1. Tên gọi

Cây đa Mường Hung

2. Địa điểm phân bố di tích, đường đi đến

- Di tích nằm ở trung tâm xã Mường Hung, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.

- Theo đường quốc lộ 6, từ thị xã Sơn La đi Hà Nội, đến ngã ba Mai Sơn, rẽ tay phải theo đường quốc lộ 4 đi Sông Mã, di tích nằm về phía tay trái đường quốc lộ 4 cách trung tâm huyện Sông Mã 17km.

- Từ đường quốc lộ tới di tích, phải qua cầu treo bắc qua sông Mã (Đó là cầu treo xã Mường Hung), hoặc đi bằng thuyền qua Sông Mã.

3. Sự kiện, nhân vật lịch sử, thuộc tính di tích

           - Năm 1945, Thực dân Pháp tổ chức bộ máy phìa tạo tay sai cai trị vùng Sông Mã, cùng với Mường Lầm, Sốp Cộp và nhiều nơi khác trong vùng. Chúng dựng lên ở Mường Hung bộ máy chính quyền tay sai gọi là phìa tổng Mường Hung do hai tên phìa Cầm Văn Chôm và Cầm Văn Sức đứng đầu.

           - Địa phận cai trị của phìa tổng Mường Hung bao gồm các xã: Nà Nghịu, Chiềng Khoang, Chiềng Cang, Chiềng Khương, Mường Sại và Mường Hung, trụ sở phìa đặt tại bản Mường Hung.

          - Nhiệm vụ của Phìa là giúp Thực dân Pháp bắt phu, bắt lính, phát canh thu tô và duy trì mọi hoạt động trong vùng. Để nhằm duy trì bộ máy chính quyền tay sai làm chỗ dựa cho Thực dân Pháp, ngăn chặn phong trào kháng chiến đang phát triển mạnh. Thực dân Pháp đã chỉ đạo bọn phìa tạo dồn dân, xây dựng đồn, bốt ở bản Mường Hung, tuyển mộ quân lính do tên quan hai Pháp chỉ huy để ngăn chặn và đàn áp phong trào kháng chiến đang phát triển mạnh. Chúng tổ chức các cuộc lùng sục, bắt bớ cán bộ kháng chiến, hà hiếp, vơ vét của cải của nhân dân trong vùng.

         - Cuối tháng 12/1945, cùng với nhiều địa phương trong tỉnh Sơn La, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền cách mạng kháng chiến lâm thời xã Mường Hung đã được thành lập. Chủ tịch lâm thời kháng chiến là ông Vì Văn Ôi, phó chủ tịch là ông Lò Văn Phanh, xã đội trưởng là ông Lò Văn Sam.

         - Năm 1946, Thực dân Pháp đánh chiếm lại Sơn La. Chính quyền kháng chiến vừa mới ra đời đã bắt tay ngay vào xây dựng chính quyền cách mạng, thành lập các tổ chức kháng chiến, tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc trong vùng ủng hộ kháng chiến để đánh đổ thực dân Pháp và tay sai bảo vệ chính quyền cách mạng. Đội du kích xã Mường Hung được tổ chức và rút vào hoạt động bí mật. Thực dân Pháp và tay sai, tiêu biểu là hai tên phìa Cầm Văn Doan và Cầm Văn Đôi điên cuồng đàn áp phong trào kháng chiến ở Mường Hung, chúng tổ chức lùng sục bắt bở cán bộ kháng chiến và những người tham gia, ủng hộ kháng chiến. Nhân dân Mường Hung ngày đêm sống trong vòng vây kìm kẹp của chúng. Chúng tiến hành các cuộc bắt bớ, tra tấn bằng các hình thức rất dã man như chém đầu, mổ bụng, moi gan, chặt bỏ chân tay thả trôi sông Mã, chất củi thiêu sống người,…

           - Với tinh thần yêu nước, được giác ngộ cách mạng cùng với lòng căm thù giặc Pháp và bọn tay sai, mặc dù bị đàn áp tra tấn, bắn giết, nhưng cán bộ và nhân dân Mường Hung vẫn một lòng theo Đảng, theo cách mạng, quyết tâm di theo kháng chiến. Nhiều gương hy sinh anh dũng của đồng bào Mường Hung trước sự tra tấn dã man của kẻ thù kiên quyết không đầu hàng giặc đã thêm lòng trung kiên của họ đối với cách mạng, một lòng thuỷ chung đối với kháng chiến, đó là ông quan Xíp Sắng, người Xinh Mun đã nuôi dấu cán bộ kháng chiến, bị địch bắt, dụ dỗ tra tấn, ông một mực không khai, cuối cùng đã mổ bụng rồi chặt đầu ông, chúng trói chặt hai chân tay rồi ném xuống sông vì ông có tư tưởng đi theo kháng chiến và nuôi dấu cán bộ.

           Bắt bớ, tra tấn, bắn giết nhưng địch không tìm được cán bộ, bộ đội của ta, chúng dồn dân từ Nà Nghịu đến Mường Sại về Mường Hung làm bia đỡ đạn, chúng xây đồn, đắp luỹ, ngăn chặn các cuộc tiến công của ta.

          Do không chịu được cảnh đói khát, bệnh dịch tra tấn, đánh đập và lao động khổ sai, nhiều người dân vô tội đã chết, có ngày lên tới 20 người. Trước tình hình đó, chính quyền kháng chiến bí mật vận động nhân dân đấu tranh công khai với địch chống khủng bố, đòi thả người lao động cho đi làm ruộng, cứu đói lương thực cho dân. Kết quả của cuộc đấu tranh là địch đã phải nhượng bộ, chúng cho dân làm ruộng từ 8h sáng đến 4h chiều, ứng cứu lương thực cho dân, mỗi gia đình được phát một lon gạo trong một ngày.

           Để triệt phá cơ sở cách mạng của ta, địch điên cuồng khủng bố, bắt bớ. Năm 1948 chúng bắt 2 đồng chí Lò Văn Địa và Cầm Văn Lún là hai chiến sĩ quân báo, chúng đã tổ chức hành quyết hai đồng chí bằng cách thiêu sống. Hai đồng chí đã anh dũng hy sinh, gương hy sinh của các đồng chí đã cổ vũ thêm tinh thần ủng hộ kháng chiến, lòng căm thù giặc sâu sắc của nhân dân Mường Hung.

           Không tiêu diệt được cơ sở kháng chiến, chúng bắt bớ tiêu diệt các cơ sở nuôi dấu cán bộ của ta. Cũng thời gian này chúng bắt 3 gia đình ông Inh, ông Linh, ông Số mang ra cây đa cạnh bờ sông Mã cắt cổ rồi thả xác trôi sông nhằm uy hiếp tinh thần kháng chiến của nhân dân ta. Bất chấp sự tra tấn, bắn giết của kẻ địch, phong trào kháng chiến của Mường Hung ngày càng phát triển. Địch hoang mang, chúng tăng quân tiếp viện tại bốt Mường Hung. Chúng điều lính khố đỏ từ Mường Lay - Lai Châu về, bổ xung lính phỉ từ Mường Lầm tăng viện cho Mường Hung hòng triệt phá cơ sở kháng chiến đang phát triển mạnh, ngăn chặn khả năng tiến công của bộ đội chủ lực ta.

           Cùng với khí thế tiến công trên toàn tỉnh, tháng 7/1949, bộ đội chủ lực đã phối hợp chặt chẽ với dân quân du kích, thường xuyên ngăn chặn đánh địch trên các tuyến đường giao thông, uy hiếp tuyến đường Sơn La - Lai Châu.

Ngày 17/7/1949, ta phục kích địch trên đoạn đường Tạ Bú - Mường Bú, chặn đánh quân địch đi khủng bố từ Hua Trai trở về, đã tiêu diệt và làm bị thương 45 tên địch, trong đó có 8 tên Pháp, thu nhiều vũ khí.

Ngày 5/8/1949, một đơn vị phục kích địch trên đường Mai Sơn - Bản Kéo bắt sống một sĩ quan Pháp, thu 9 khẩu súng và làm tan rã một trung đội địch.

            Tháng 9/1949, ta đánh vào Mường Hung, giành thắng lợi. Tháng 11/1949, ta mở chiến dịch Sông Mã nhằm phá vỡ phòng tuyến của địch, mở thông biên giới Việt - Lào và đẩy mạnh công tác xây dựng căn cứ cho chính phủ kháng chiến Lào.

           Cuối 1952, ta chủ trương mở cuộc tấn công giải phóng hoàn toàn Mường Hung. Chính quyền kháng chiến xã Mường Hung được củng cố và tăng cường, nhiều thanh niên trai tráng trong vùng đã tự nguyện tham gia lực lượng vũ trang, các tổ chức kháng chiến sẵn sàng làm tất cả mọi công việc mà chính quyền cách mạng giao phó để kháng chiến thắng lợi.

          Đúng 12h ngày 24/12/1952, bộ đội chủ lực đã phối hợp cùng với dân quân du kích và nhân dân Mường Hung nhất tề đứng lên tấn công đồn Mường Hung, lật đổ chính quyền tay sai Mường Hung. Kết quả trong cuộc tấn công này, ta tiêu diệt tại đồn Mường Hung là: 4 tên quan Pháp, 78 tên lính dõng, 32 tên phỉ, thu 121 khẩu súng các loại cùng toàn bộ quân trang, quân dụng của địch. Mường Hung hoàn toàn giải phóng, chính quyền về tay cách mạng, nhân dân Mường Hung và nhân dân trong vùng thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, kìm kẹp của Thực dân Pháp và tay sai.

           Sau 7 năm kiên trì kháng chiến đi theo cách mạng (1945 - 1954) bất chấp sự nguy hiểm, đàn áp, khủng bố, chém giết của kẻ địch, nhân dân Mường Hung đã một lòng trung thành với cách mạng, cùng với bộ đội chủ lực lập được nhiều chiến công xuất sắc, tiêu diệt được nhiều địch, bảo vệ cơ sở cách mạng, giải phòng hoàn toàn Mường Hung, nhân dân thoát khỏi ách kìm kẹp của phìa tạo và thực dân Pháp.

           Tội ác của bọn tay sai bán nước đã gây ra đối với nhân dân các dân tộc Mường Hung trong thời gian này theo thống kê chưa đầy đủ là: Chúng đã giết 16 cán bộ chủ chốt, 9 đồng chí bộ đội, 365 người dân lương thiện.

4. Giá trị lịch sử của di tích

Di tích cây đa Mường Hung là một chứng tích tố cáo tội ác của thực dân Pháp và bọn tay sai trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đối với nhân dân xã Mường Hung.

Tại nơi đây thực dân Pháp đã hành hình các chiến sĩ cách mạng và nhân dân Mường Hung nhằm tiêu diệt ý chí cách mạng của nhân dân ta.

Loại hình di sản Di tích lịch sử kháng chiến Chuyên đề
Xếp hạng di sản Xếp hạng cấp tỉnh Năm xếp hạng
Kiến trúc Hiện trạng Xuống cấp
Hiện vật trong di sản
Hiện nay tại di tích chỉ còn lại cây đa, ngoài ra không còn gì cả.
Cổ vật Hiện vật mới
Công tác bảo vệ

 

8. Tình trạng bảo quản di tích

Hiện nay di tích chỉ còn cây đa.

9. Các phương án bảo vệ, sử dụng di tích

Hiện nay khu di tích đã lập bản đồ khoanh vùng quy hoạch bảo vệ tránh sự xâm lấn của con người.

Hiện tại cây đa nằm ở cạnh bờ sông Mã, hàng năm, khi nước lũ lên có phần nào làm sói lở đất tại khu vực cây đa. Vì vậy cần có kế hoạch kè đất để giữ cây đa.

Cần cắm biển chỉ dẫn di tich, lập tổ bảo vệ và hướng dẫn khách tham quan tại khu di tích.

10. Cơ sở pháp lý bảo vệ di tích

Hiện nay di tích chưa được xếp hạng, thể theo nguyện vọng của chính quyền và nhân dân địa phương, yêu cầu các cấp, các ngành quan tâm để di tích được xếp hạng. Từ đó sẽ phát huy tốt tác dụng của di tích, giáo dục truyền thống đấu tranh cho thế hệ trẻ.

Công tác tu bổ tôn tạo
Đất đai trong di sản

Di tích là một cây đa mọc tự nhiên nằm ở bờ phải Sông Mã, cách bờ sông Mã 30m (về mùa cạn). Đường kính của cây là 4m.

Tư liệu kèm theo

- Lịch sử đảng bộ huyện Sông Mã tập I.

- Lịch sử tỉnh Đảng bộ Sơn La tập I (1939 - 1954).

- Báo cáo thành tích "Đề nghị nhà nước xét phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể cán bộ, nhân dân xã Mường Hung - huyện Sông Mã - tỉnh Sơn La".

Ảnh cây đa mường Hung:

Ảnh 1, Ảnh 2


https://www.zbet.win/news/soi-keo-bong-da