Chi tiết hồ sơ

Tên Thác Dải yếm
Địa điểm Vặt, Xã Mường Sang, Mộc Châu, Tỉnh Sơn La
Thuộc Huyện/Thành phố Mộc Châu Thuộc Xã/Phường/Thị trấn Xã Mường Sang
Mô tả chi tiết

1. Tên gọi:

       Tên thường dùng: Thác Dải Yếm

       Tên địa phương: Thác Ta Lét: Trươn tuột, trơn trượt

                                      Thác nước bản Vặt

      Các dòng tạo nên thác dải yếm:

           * Suối Vặt được tạo bởi dòng nước từ khe Bó Co Lắm và Bó Tá Cháu

          - Dòng suối thứ nhất chảy từ Bó Co Lắm (Mó nước này ngày xưa có cây đa to gọi là co lắm)

          - Dòng suối thứ hai chảy từ  khe Bó Tá Cháu (Nước mó sạch dùng để lấy nước về chùa Vặt Hồng tắm cho tượng phật)

          - Thác còn được tạo bởi từ dòng suối Huổi Lùn (Suối chảy qua bản Lùn)

 2. Địa điểm và đường đi đến di tích.

           Di tích danh lam thắng cảnh Thác Dải Yếm thuộc bản Vặt xã Mường Sang, tỉnh Sơn La. Du khách đến thác Dải Yếm đi theo hai hướng: Từ trung tâm huyện lỵ hướng Hà Nội Sơn La theo quốc lộ 6 lên Thành phố Sơn La 3km tới ngã ba Lóng Sập rẽ trái đi đường 43 khoảng 5km là tới di tích.

          Từ trung tâm huyện lỵ Mộc Châu hướng Sơn La Hà Nội khoảng 1km tới ngã ba đường đi Lóng Sập theo hướng tay phải đường 43 đi khoảng 5km là tới di tích. Đường đến di tích rất thuận lợi du khách có thể đi bằng mọi phương tiện xe máy, xe ô tô. Hai bên đường cảnh quan thiên nhiên và khu dân cư rất đẹp, đường trải nhựa uốn theo các sườn đồi với mầu xanh của ngô, lúa. Đặc biệt đây là con đường biên giới Việt Lào với 33km là sang nước cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.

3. Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm của di tích

          Mộc Châu với tên gọi thân thương chính thức có từ thời nhà Lê (Thế kỷ XV) là cửa ngõ của tỉnh Sơn La, thuộc địa hình núi cao của miền Tây Bắc. Cao nguyên Mộc Châu có độ cao trung bình là 1.150-1.300m so với mặt nước biển, trong đó núi đá vôi của Mộc châu có độ cao trung bình từ 1.050m. Mộc Châu là miền đất có địa hình catxtơ, hệ thống núi đá vôi trùng điệp ôm lấy những quả đồi lớn nhỏ như những chiếc bát úp khổng lồ nằm gối kề nhau chạy theo hướng tây bắc đông nam, xen lẫn các vùng cao nguyên rộng lớn là những vùng bình nguyên,lòng chảo, những khe suối sâu, vực thẳm làm cho địa hình Mộc Châu trở nên đa dạng. Với kiểu hình núi đá vôi tạo cho Mộc Châu có nhiều hệ thống hang động, thác nước cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ và ở độ cao như vậy nên Mộc Châu là vùng có khí hậu mát mẻ rất tốt cho sức khoẻ của con người, động, thực vật. Mộc Châu là vùng đất có lịch sử lâu đời, có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống: Thái, Mông, Mường, Kinh, nuôi cải thiện đời sống. có nền văn hoá mang đậm bản sắc tộc người. Trong suốt tiến trình lịch sử các dân tộc Mộc Châu đã có những đóng góp to lớn trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, Ngày nay truyền thống đó đã và đang được phát huy trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.Trong văn hoá tinh thần, nghệ thuật dân gian được thể hiện qua các câu chuyện, những làn điệu dân ca, những tác phẩm nghệ thuật,điệu xoè, câu ca dao tục ngữ, các lễ hội xên bản, xên mường, lễ hội cầu mưa... Mỗi dân tộc đều có kho tàng văn học nghệ thuật riêng chứa đựng những tâm tư tình cảm nhận thức của họ về tự nhiên, xã hội và con người cũng như tài năng sáng tạo văn hoá trong lịch sử tộc người.

          Mộc Châu xưa, tên tiếng thái gọi là Mường Sang. Người thái ở Mộc Châu là một nhóm thái di cư từ Lào sang khoảng thế kỷ XIV. Có một câu chuyện kể về sự thiên di của người thái từ Lào sang đất Mường Sang" ...Ngày xưa vua đất Viên Chăn sinh được người con trai đặt tên là Pa Nha Nhọt Chom Cằm. Chàng trai khi lớn lên thường ngày ra sông Nậm Khoong tắm (Sông Mê Công) tình cờ một hôm chàng lấy được một hòn đất quý có nhiều mầu sắc đêm về làm vật bảo bối. Khi chàng trai trưởng thành Pa Nhọt Chom Cằm được phép của vua cha cho đi tìm đất mới để lập bản, lập mường, cùng đi với chàng có nhiều tướng lĩnh binh sỹ và dân bản. trước khi lên đường vua cha trao cho đoàn quân của Pa Nhọt Chom Cằm 800 cây mác đồng đỏ với hàng chục con voi chiến và nhiều lương thực, thực phẩm. Chàng mang theo hòn đá quý trong người, chàng bắt đầu khởi quân từ vùng đất Viên chăn đi về Mường Thanh (Điện Biên) xuống Mường Húa (Tuần Giáo) lên Mường So (Phong Thổ), Mường Là (Thuộc Vân Nam Trung Quốc).Chàng lại tiếp tục kéo quân về mạn sông Hồng đến mường Mả, Mường Sát Cam Đường (Lai Châu) đoàn người lại xuôi về Mường Cúc, Mường Át

(Phú Thọ) điểm cuối cùng đoàn dừng chân ở Hoà Bình. Với danh nghĩa đoàn sứ giả của vua Lào, đoàn Pa Nhọt Chom Cằm đi đến đâu cũng được nhân dân ủng hộ và đón tiếp rất chu đáo. Không ngờ hòn đá quý của Pha Nha Nhọt Chom Cằm mang theo cứ ngày một lớn, khi đến đất Mường Mùn(Mai Châu- Hoà Bình) thì hòn đá đó đã phải dùng tới Tám người nghiêng mới có thể tiết tục đem đi được. Khi tới đất Phiêng Luông (Mộc Châu), hòn đá bỗng thốt lên" Chỗ đất này tốt" (Trong tiếng thái tốt là đi) Pha Nha Nhọt Chom Cằm)đặt tên cho vùng đất đó là Chiềng Đi. Đoàn lại tiếp tục khiêng hòn đá qua núi Kèm Cọ, đến một bãi bằng  đá lại nói" Cho tôi xuống đây" tiếng thái gọi là (Khỏi Chi Lống) chiều theo ý đá Pha Nha Nhọt Chom Cằm bền đặt hòn đá ở đó và đặt tên hòn đá là Chi Lống (Chi Lống được phiên âm thành Chờ Lồng) hòn đá được mang tên là "sửa hin lái" (với ý nghía là hồn mường có màu sặc sỡ). Từ đấy đất Chi Lống làm nơi trú ngụ của "hồn Mường" (Mường Sang).

          Qua nghiên cứu, khảo sát thực tế tại di tích và theo lời kể của nhân dân địa phương, thác Dải Yếm được gắn  với hai câu chuyện truyền thuyết.

          - Câu chuyện tình hữu nghị Việt – Lào ở vùng biên giới Tây bắc

          -  Câu chuyện Quá trình kiến tạo địa chất của vùng đất Mộc Châu

          Thác dải Yếm nằm tại trung tâm bản Vặt, xã Mường Sang, Mộc Châu, tỉnh Sơn La, trên trục đường Quốc Lộ 43 đi cửa khẩu Lóng Sập sang nước CHDCND Lào.

          Câu chuyện thứ nhất; "Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa không ai còn nhớ ngày, nhớ năm, vùng đất này còn vô cùng hoang sơ, núi cao sừng sững, rừng bạt ngàn cây cối, muông thú đầy rừng

          Chủ nhân vùng đất này là một vài xóm nhỏ của dân tộc Thái, Xá. Nguồn sinh sống của họ chủ yếu dựa vào săn bắn, hái lượm nhặt quả trong rừng, bắt cua, cá dưới suối. Cuộc sống tuy vất vả nhưng họ sống với nhau đầm ấm và hạnh phúc. Ngày đó bên nước bạn Lào có quân giặc từ phương bắc tràn xuống, cướp của, bắn giết dân lành tại các bản mường, hai nước sẵn có truyền thống hữu nghị từ lâu đời, thanh niên trai tráng ở bản Vặt hăng hái tòng quân sang giúp Lào đánh giặc. Ở bản Vặt lúc đó có một đôi trai giá rất yêu nhau, nhưng chàng trai phải tạm biệt cô gái lên đường cùng các chàng trai khác trong bản đi đánh giặc. Ngày chia tay, cô gái tiễn người yêu tới núi Pú Hạng Méo (nơi bé như đuôi con Mèo trên đường quốc lộ 43), tới đây cô gái nói với chàng trai: "Anh đi đánh giặc xong sẽ trở về với em, chúng ta sẽ chờ và đón nhau tại đỉnh của dòng thác này, nếu anh hi sinh em sẽ biến thành con ếch ở ruộng Nai Sa nhìn về phía anh đi. Chàng trai dặn cô gái anh đi đánh giặc xong sẽ trở về đỉnh dòng thác này, chúng mình sẽ cưới nhau. Họ chia tay nhau chỉ có dòng thác chứng kiến cùng với tiếng thác nước rì rầm hoà cùng tiếng xào xạc của rừng cây, tiếng chim hót líu lo như tiếp nối lời ca tiếng đàn của sơn nữ xinh đẹp thuỷ chung. Chàng trai đi đánh giặc cô gái trở về bản sớm hôm tần tảo ruộng vườn. Nhiều mùa trăng đã trôi qua, các chàng trai ở bản lần lượt trở về duy chỉ có chàng trai là người yêu cô gái không về, thời gian trôi đi hết ngày này qua ngày khác mà người chẳng thấy về, chiều nào cũng vậy khi xong việc nhà hoàng hôn buôn xuống cô gái lại ra thác nước nơi hai người hẹn hò nên duyên vợ chồng xoã tóc xuống dòng nước tắm ngóng chờ người yêu với niềm hy vọng. Nhân dân trong bản rất yêu thương và lo sức khoẻ cho cô, nhiều chàng trai trong bản đem lòng yêu thương muốn lấy cô về làm vợ, nhưng cô cương quyết từ chối chờ đợi chàng. Một hôm trời đổ cơn giông, gió ào ào thổi, mây đen kéo đến phủ kín cả bầu trời, trời đất tối đen như mực sống chớp ầm ầm, trời bắt đầu mưa to, nước dâng ngập cả một vùng. Ngày hôm sau nước rút, dân bản đi tìm cô gái nhưng không thấy chỉ tìm được một dải lụa mà cô gái thường dùng hàng ngày vương trên cành cây trên đỉnh thác ,xem kỹ dải lụa có thêu tên của cô gái và chàng trai. Xúc động trước tình yêu và lòng chung thuỷ của cô gái đối với chàng trai. Từ đó bà con trong bản đặt tên cho thác là thác Dải yếm. Nhất là khi đứng từ Pú Hạng Méo nơi cô gái và chàng trai chia tay nhìn về dòng thác ta sẽ thấy dòng thác tựa như một dải lụa mềm mại, mái tóc dài óng mượt thơ mộng được gắn lên mối tình thuỷ chung bi tráng.

          * Câu chuyện thứ hai: "Thưở ấy đã lâu lắm rồi, vùng đất này còn vô cùng hoang sơ, rừng bạt ngàn cây cối, muông thú đầy rừng. dân tộc ở đây là bản làng nhỏ bé gồm dân tộc thái, xá.. nguồn sống chính của họ là hái lượm, một ngày đẹp trời mọi người trong xóm nhỏ toả vào các cánh rừng để kiếm sống.trong đó có chàng trai và cô gái ở hai gia đình rất thân nhau, cả hai đang ở độ tuổi trăng tròn cũng vào rừng để kiếm sống như mọi người khác. Cảnh vật nơi đây thật là tuyệt đẹp dưới chân họ là cánh rừng và dòng suối trong vắt , trên đầu họ là rừng xanh và mây trắng lững lờ trôi, hai bên bờ suối từng đàn bướm với đủ màu sắc rực rỡ bay lượn dập dờn, lá cây lay động khi làn gió thổi qua, tất cả những thứ đó hoài quyện vào nhau tạo cho nơi đây một cảnh đẹp thiên thần.

          Bất chợt gió ào ào thổi, mây đen kéo đến phủ kín cả bầu trời đất trời tối đen như mực báo hiệu một trận đại hồng thuỷ sắp đổ xuống nơi này. Quả nhiên, bầu trời đen kịt như bị xé rách bởi tiếng sấm ầm ầm và chớp lóe lên nhằng nhịt. Một thác nước từ trên trời bỗng đổ ập xuống nơi này, mưa rất to, trời đất vẫn tối sầm, sét đánh ngang dọc bầu trời mưa vẫn tiếp tục đổ xuống ngày một to hơn, cả vùng đất này như biển nước mênh mông. Chàng trai và cô gái cũng như các người dân khác đang kiếm ăn trong rừng thấy trời mưa  họ tìm một nơi trú ẩn cho mình, không ngờ trời mưa quá to, nước mỗi ngày càng dâng cao hơn nữa mọi người ai cũng đều lo sợ. Đột nhiên mặt đất rùng rùng chuyển động như trời long đất lở đất bỗng toác ra, sụp xuống thành một khe rất sâu kéo dọc theo sườn núi cả một vùng bị nước dâng đầy như biển cả tạo thành một dòng nước chảy xiết hung dữ.

          Chàng trai và cô gái cũng chọn chung số phận như những người khác trong vùng bị gập nước, tất cả đều bị cuốn trôi theo dòng nước xiết đang chảy về phía miệng vực, mọi người đều tuyệt vọng, họ kêu cứu và cầu mong có một ai đó đến cứu họ thoát chết. Càng gần đến miệng vực sâu, nước chảy càng mạnh hơn, miệng vực há ra như muốn nuốt chửng mọi thứ, chàng trai và cô gái cũng cùng chung số phận như những người khác nhưng may mắn hơn họ bị nước cuốn dạt sang một dòng chảy khác, khi bị nước cuốn đến khu vực bản Vặt họ bám vào một cành cây cổ thụ cả hai người cùng trèo lên cây nhìn và thương xót cho mọi người đang bị nước cuốn trôi về phía vực thẳm, dưới chân thác là một đám dây và cây rừng dày đặc giăng ngang như một chiếc võng để họ bám vào không bị nước cuốn sâu xuống dòng suối hung dữ đang ào ào chảy xiết.Trời bắt đầu tạnh, nước rút dần, chàng trai và cô gái xuống mặt đất đi về phía khe đất nứt để xem có còn ai sống xót không, họ vừa đi vừa gọi hy vọng còn ai đó cũng may mắn như họ, văng vẳng gần thác có tiếng người kêu cứu cả hai vội vã chạy đến, họ thấy một nhóm người đang bám víu lơ lửng trong đám dây và cây rừng gần đáy thác nước. Trên đỉnh thác nước vẫn chảy xiết. đá và đất lở xuống tạo thành đáy thác rất sâu và, độ dốc gần như thẳng đứng nên mọi người không có cách gì bám để trèo lên được. Chàng trai và cô gái tìm dây rừng để thả xuống cứu họ lên nhưng tất  cả đều bị cuốn trôi, chàng trai đang tìm cách cứu mọi người. Chợt nghe cô gái kêu lên” Tìm được cách rồi”, cô thả mái tóc dài đen mượt của mình xuống thác để cứu dân bản, nhưng những sợi tóc của cô không đủ dài để cứu được họ cô phải lấy thêm dải thắt lưng nối vào. Nhờ có những sợi tóc và dải thắt lưng bện vào nhau thành một dây dài thả xuống thác và mọi người đã được cứu lên đỉnh thác.

          Chính nơi có mặt đất nứt ra tạo thành một vực sâu rộng như ngày nay đã trở thành một thác nước rất đẹp. Để cảm ơn cô gái và chàng trai dân bản cùng nhau tát thành cho họ thành đôi vợ chồng, họ sống với nhau rất hạnh phúc, sinh con đẻ cái và thành lập nên bản, tụ họp con cháu sống ở nơi cây to mà họ may mắn bám vào không bị nước cuốn trôi từ đó họ đặt tên bản là Vặt, tên  bản Vặt xuất hiện từ đó, nghĩa là nơi người đã cứu dân trong vùng khỏi một tai hoạ lớn. Từ đó thác nước mang tên là thác nước bản Vặt, thác nàng, thác Dải yếm"...

4. Loại hình:

               Di tích danh lam thắng cảnh

5. Sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng liên quan đến di tích:

          Bản Vặt, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn la, nơi đây  còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể đặc sắc của dân tộc nuôi dưỡng và bảo tồn cho đến ngày nay.

          Lễ hội “Xên bản” bản Vặt, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La thường được tổ chức vào ngày 29/8 đến ngày 1/9 hàng năm. Nhằm tôn vinh các hoạt động văn hoá dân gian, những nét đẹp văn hoá tiêu biểu nhất, những sản phẩm văn hoá có giá trị, những làn điệu dân ca, điệu múa dân gian và các loại hình nghệ thuật, hoạt động văn hoá cộng đồng, những giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc đồng thời khẳng định những nét đẹp văn hoá từ bao đời của nhân dân các dân tộc Mộc Châu. Qua hoạt động lễ hội "Xên bản" du lịch Thác Dải Yếm xã Mường Sang góp phần tích cực vào việc sưu tầm, khai thác bảo tồn giới thiệu những giá trị văn hoá lịch sử của các dân tộc, là dịp nhân dân các dân tộc trong huyện gặp gỡ giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, thông qua đó tuyên truyền tới mọi người dân phát huy nội lực năng động, sáng tạo đoàn kết một lòng tạo nên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng huyện Mộc Châu phát triển bền vững. Yêu cầu của lễ hoọi phải nghiêm túc trang trọng không phô trương tạo ra nét đẹp văn hoá, không khí viu tươi phấn khởi, đoàn kết tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, pháp luật của nhà nước. Tổ chức lễ hội phải thu hút được khách trung Ương, khách địa phương và các khách du lịch, gây ấn tượng tốt với nhân dân các dân tộc trong tỉnh, huyện, xã và đặc biệt giữ gìn lễ nghi cơ bản của lễ hội. Đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội và vệ vệ sinh môi trường. Các đối tượng tham gia là nghệ nhân, diễn viên quần chúng của xã, không phân biệt nghề nghiệp, tuổi tác, thành phần, chức vụ. Nhân vật thầy mo- chủ lễ phải chọn người có hiểu biết và có uy tín trong vùng, thành phần tham dự gồm các đại biểu và nhân dân.

          * Công tác chuẩn bị: Phân công cho các thành viên trong ban tổ chức, chuẩn bị làm ba sàn tre, hai cột lắc mương; các món ẩm thực: Cá, thịt nướng...10 đôi đũa, 10 cái chén, hai bát nước lã, 01 bất gạo, 01 địa muối, 02 ép xôi, 02 kiếm, vải thổ cẩm, vòng bạc và một kiệu mô hình nhà sàn đồng thời mời nghệ nhân biết làm các loại dụng cụ dân tộc, nhạc cụ, dệt thổ cẩm, đan lát... để trình diễn trong các  ngày của lễ hội và phục vụ khách tham quan du lịch.

          *Lễ hội gồm hai phần chính:

           + Phần lễ: Lễ rước bắt đầu từ 8h sáng, địa điểm xuất phát từ di tích chùa Vặt Hồng tới thác Dải Yếm. đi đầu là hai thanh niên cầm kiếm được buộc chỉ xanh, chỉ đỏ mặc quần áo đen dân tộc thái, lưng thắt khăn thổ cẩm mầu đỏ, đầu quấn khăn đen vừa đi vừa múa kiếm,tiếp theo là hai thanh niên cầm cờ tổ quốc và cờ hội, bốn thanh niên khiêng kiệu mô hình nhà sàn có bọc giấy xanh, đỏ , tím. vàng. Ông mo, bà Một mặc áo dài dân tộc Thái  vừa đi, vừa cúng ra địa điểm tổ chức lễ hội “xên Phi bản phi mương”(Cúng ma bản, ma mường). Phần lễ phải chọn được một cô gái xinh đẹp, khoẻ mạnh nhất trong bản, hai tay nâng bộ áo của thầy mo mầu đỏ, đội trống chiêng vừa đi vừa đánh trống theo nhạc xoè. Đặc biệt trong lễ hội phải có một con trâu đen khoảng 3-4 năm tuổi béo khoẻ được tắm rửa sạch sẽ, sừng bọc giấy bạc óng ánh, trán và mông dán giấy trắng cắt hình hoa ban. đi sau là các ông bà già trong bản mặc trang phục dân tộc và các tổ chức đoàn thể, đàn ông đeo kiếm hoặc dao, phụ nữ cầm cờ , hoa...

           Khi lễ chuẩn bi xong ông Mo bắt đầu cúng, Nội dung lời cúng như sau:     

Cầu cho bản Mường yên vui

Trong năm mưa thuận gió hoà

Mùa màng bội thu

Lành ở, dữ đi, nhà nhà yên vui

Người già, con trẻ được mạnh khoẻ

Thanh niên ngoan hiền, chăm chỉ làm ăn

Nhân dân được ấm no, hạnh phúc

Đất nước được giầu mạnh vững bền

          Khi cúng xong ông mo ra hiệu cho hai thanh niên chuẩn bị làm thủ tục hoá kiếp cho con trâu, sau khi hai thanh niên trở về trên tay cầm chậu tiết trâu đặt lên sàn. Ông Mo lấy chiếc áo đỏ nộp lại cho ông chủ mường và lấy sợi chỉ đen buộc vào cổ tay ông chủ mường và nói: “ Khắp sại bán nhá lương, khắp sại mương nhá sau có nghĩa: "Chúc ông giữ Mường đừng để mường úa, nắm dây mường đừng để mường tàn, khoẻ như nai đỏ, chắc như voi đang độ”. Cuối cùng ông Mo, bà Một, ông chủ mường cùng uống rượi vui vẻ hát, múa xoè"

        + Phần hội:

        Tại lễ hội diễn ra nhiều các hình thức: Thi nấu món ăn dân tộc, chơi ném còn, bắn nỏ, văn nghệ.... Sau khi thi xong ông Mo mời các đại biểu vào mân để thưởng thức các món ăn như vậy gọi là ăn lấy may, lấy lộc. Tiếp theo đó ông Mo ra hiệu nổi trống chiêng và mời mọi người cùng khách du lịch tham dự vòng xoè, cứ như vậy phần hội kéo dài cho đến hết ngày.

6. Khảo tả di tích:

          Bản Vặt xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La có lịch sử từ  lâu đời, theo sử sách ghi lại thì Mường Sang trước kia được hình thành thời Lê sơ. Tháng 5/1998 Mường Sang được tách thành 2 xã Đông Sang và Mường Sang. Xã Mường Sang hiện nay có 4 dân tộc anh em cùng sinh sống: Thái, Kinh, Mông, Mường chia làm 10 bản và hai tiểu khu, dân số 1.343 người, chủ yếu đồng bào sản xuất bằng nông nghiệp. Là một xã nằm ở phía Bắc thị trấn Mộc Châu, phía đông giáp xã Đông Sang, phía nam giáp xã Lóng Sập, phía Tây giáp xã Chiềng Khừa, phía Bắc giáp xã Chiềng Hặc. Khí hậu mùa hè mát mẻ, mùa Đông giá lạnh, địa hình xã Mường Sang nằm giữa thung lũng đá vôi, có diện tích 9.074ha.

           Dưới chế độ thực dân phong kiến đời sống nhân dân vô cùng cực khổ, chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy, săn bắn, hái lượm, kinh tế thiếu thốn quanh năm. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ nhân dân các dân tộc Mường Sang đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến. Từ khi đất nước được độc lập, kinh tế, văn hoá xã hội ngày càng được phát triển đặc biệt là trong những năm thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, đồng bào đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, sử dụng các giống lúa mới, cuộc sống của người dân trong bản được đổi mới trong mọi lĩnh vực. Con người và mảnh đất nơi đây luôn giữ được ý thức đoàn kết dân tộc, tự hào truyền thống lịch sử của cha ông. Thế hệ các cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Mường sang hôm nay và mai sau mãi mãi xứng đáng với truyền thống yêu nước, bất khuất tự lực tự cường của các thế hệ đi trước đã đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng mảnh đất Mường Sang ngày càng vững mạnh, bảo vệ vùng biên giới an toàn, hữu nghị. Những tài nguyên, thiên nhiên phong phú nơi đây sẽ thành khu du lịch nổi tiếng của xã Mường sang nói riêng và huyện  Mộc Châu nói chung. Theo sách "Dư địa chí" của Nguyễn Trãi, thời Lê Sơ Mường Sang là tên gọi cổ xưa nhất của vùng đất Mộc Châu, Mường Sang còn gọi là "Mường Mok" (tức là Mường có nhiều mây mù phủ quanh năm), có giả thiết cho rằng, Mường Sang là tên phát âm chệch của Mường Khang nghĩa là Mường gang thép, sau này Mường Khang chuyển âm thành Mường Sang. Bên cạnh thác Dải Yếm còn có Chùa Vạt Hồng cách khoảng 600m, thác Dải Yếm là thác tự nhiên, có rất nhiều cảnh quan kỳ thú, là món quà quí giá do thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này.

           Thác Dải Yếm được hình thành từ dòng Suối Vặt. Điểm khởi nguồn của dòng suối này là từ hai khe nước bó Tá Cháu và bó Co Lằm ở bản Vặt cách thác 600m về phía tay trái của thác cùng nằm trên trụ con đường quốc lộ 43. Khi chảy đến khu "Na Sai" (vườn trồng hoa lan hiện nay) được chia thành hai thác cách nhau khoảng 200m. Cả hai dòng chảy đều bị chặn lại bởi một bức tường đá vôi, nước dâng lên và tràn về bờ thấp hơn đổ xuống từng bậc đá, tung bọt trắng xoá, tạo thành những bức tranh sinh động, huyền ảo mang vẻ đẹp thật thuần khiết, hoang sơ giữa khung cảnh yên vắng của núi rừng.

            Muốn xuống thác tham quan du khách phải đi theo hai con đường:

           Đường thứ nhất do doanh nghiệp tư nhân Phiêng Luông xây dựng năm 2010. Từ mặt đường xuống khoảng 14m là con dốc nhỏ có độ nghiêng là 300 qua cầu bê tông dài 30m, rộng 1,3m bắc qua dòng suối Vặt, qua cầu bê tông là một khu đất rộng tương đối bằng phẳng, du khác vẫn theo con đường đó khoảng 50m rẽ trái là tới thác thứ nhất. Đường xuống thác hình chữ chi với 23 bậc xi măng độ dốc 500 hai bên đường mầu xanh của nương ngô và cây ăn quả, các loại cây thân leo mọc rậm rạp um tùm xanh ngút ngàn quanh năm. Nơi đây là vùng đất khiêm nhường lặng lẽ, ẩn chứa bao điều kỳ diệu của các cảnh sắc thiên nhiên, phong cảnh núi rừng tự nhiên được kết hợp với sức sáng tạo và bàn tay khéo léo của con người cùng địa hình núi đồi trùng điệp như những bức tranh sắp đặt bố cục hài hoà thơ mộng, chìm trong làn mây của hơi nước bay lên bồng bềnh như một thành phố cổ tích khiến cho du khách cảm thấy thoả mái dễ chịu khi đến thăm nơi này.

             Đường thứ hai: Do dự án tập đoàn Đông Dương xây dựng tháng 8/2011, đường xuống thác nước dài 285m gồm 113 bậc xi măng uốn khúc theo sát sườn đồi được bố trí một cách hợp lý.

            Thác nước thứ nhất:

            Đứng trên đỉnh thác du khách phóng tầm mắt ra xa ta có thể thấy được cả một vùng núi rừng bao la và cảm nhận sự hùng vĩ của mảnh đất nơi đây. Một dòng thác lớn dội nước xuống vực sâu từ độ cao khoảng 70m, kết hợp với nhiều dòng thác nhỏ tạo thành màn sương trắng bao quanh chân núi đá. Dưới chân thác là cả một khoảng rộng mênh mông nước và vô vàn những mô đá nhấp nhô dọc theo bờ suối còn có rất nhiều những tảng đá bằng phẳng, những thảm thực vật xanh mướt, những cây cổ thụ to hơn một người ôm và các cây dây leo mọc đan xen nhau thành từng tầng hoà quyện vào dòng chảy  trông như một bức tranh hoành tráng. Thác được chia làm 3 tầng.

           Tầng thứ nhất nước chảy từ trên đỉnh thác xuống một thung lũng gần như thẳng đứng có độ sâu khoảng 40m, độ rộng khoảng 70m, độ cao khoảng 50m. Đặc biệt ở tầng này nước đổ thẳng từ trên cao xuống tạo thành hồ chứa nước rất  sâu, trên đỉnh thác là những cây to cổ thụ với những bộ rễ rủ xuống hoà quyện vào làn nước chảy tung bọt trắng xoá.

           Tầng thứ hai cách đó chừng 5m, sâu khoảng 20m, rộng khoảng 50m, mùa mưa lượng nước nhiều chảy tràn qua những tảng đá đất lâu năm tạo thành một bờ đi từ bên này sang  bên kia dài khoảng 30m. Đứng từ dưới chân thác nhìn lên lấy đường xuống thác làm chuẩn thác có 7 dòng chảy, mỗi dòng chảy cách nhau không xa ở độ cao gần như thẳng đứng. Từ trên đỉnh thác những dòng chảy của nước đổ xuống va đập vào những gờ đá nhô ra của vách đá tạo nên những giọt nước bắn tung toé, khi khúc xạ của ánh nắng mặt trời chiếu qua các lùm cây, thảm thực vật khiến cho du khách liên tưởng đến nơi đây giống như những dải cầu vồng trải dài dưới dòng suối Sập.

           Tầng thứ ba cách tầng hai khoảng 7m du khách đứng trên bờ nhìn theo dòng suối được tận mắt nhìn thấy hàng trăm hòn đá lớn nhỏ có hình dáng khác nhau nằm dưới dòng suối hoặc nép mình dưới những lùm cây chảy róc rách suốt ngày đêm. Nơi đây du khách có thể soi mình xuống dòng suối mát lạnh đón những giọt nước li ti từ trên lưng chừng thác bay xuống. Thảm thực vật ở khu vực thác này rất phong phú, mật độ các cây leo dài đặc hơn và có rất nhiều các cây to cổ thụ buông rễ xuống tận mặt nước, hai bên bờ suối là những nương ngô, cây ăn quả của đồng bào canh tác quanh năm. Từ thung lũng tầng ba kéo thoải xuống dòng suối Sập dài khoảng 70m, rộng khoảng 40m là các dòng chảy nhỏ với các cung bậc cao thấp khác nhau, độ chảy khác nhau, kiểu dáng khác nhau giữa một thảm thực vật đa dạng, những bậc thang đá tự nhiên, nước chảy giữa những vòm cây xanh tựa như giàn hoa quanh năm che chở cho dòng thác êm đềm, dịu ngọt.

            Diện tích toàn bộ thác một khoảng 4.000m2.Vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 9, toàn bộ đập tràn đỉnh thác được nước bao phủ, tràn qua và tạo thành một dải nước trắng xoá chảy tập trung xuống hồ nước. Do lưu lượng nước đầy, độ cao lớn nên các dòng chảy rất mạnh tràn qua nền đá vôi dưới chân thác nước và tạo ra những dòng thác to, nhỏ kiểu dáng cao thấp khác nhau hàng chảy dài theo dòng suối.

           Thác nước thứ hai  

           Từ ngã ba đường xuống thác một, rẽ về tay phải gần 50m là thác nước hai có diện tích khoảng 3.000m2

         Đỉnh thác nước hai cách thác nước một gần 200m lui về phía tay phải đường xuống thác nước hai, thác này cũng được tạo bởi dòng chảy suối Vặt bị chặn lại ở cuối thác một, dâng lên và chảy qua một khe núi đá vôi tạo thành thác nước hai khoảng 80m.

          Đường xuống thác nước thứ hai có độ dốc lớn rất khó đi, du khách phải đứng từ dưới chân thác nhìn lên. Phía ngoài cùng của đỉnh thác vào mùa nước cạn nhìn lên chỉ có duy nhất một dòng chảy tạo thành thác có độ cao khoảng 40m. Về mùa mưa do lưu lượng nước lớn nước chảy xuống khoảng 20m thì có một gờ đá đất vôi nổi lên ở giữa, nước đổ tràn qua đây tạo thành hai dòng chảy.

         Ngay dưới chân thác hai là một hồ nước có diện tích khoảng 49m (nhỏ hơn hồ nước chân thác một). Hồ nước này cũng được tạo ra bởi dòng chảy của nước ở độ cao 40m. Qua thời gian nền đá vôi chân thác bị bào mòn xuống tạo nên hồ nước này

          Vào mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9 .Nước chảy tràn trên toàn bộ mặt nền đá vôi trên đỉnh núi xuống chân vách đá tạo nên một dòng thác hùng vĩ. Từ chân thác nước hai (hồ nước) là một mặt nền đá vôi khá bằng phẳng có diện tích gần 30m2, từ hồ nước này kéo dài xuống lòng suối Bó Sập là 100m.

          So với thác nước một, thảm thực vật và các cây cổ thụ ở khu vực thác nước hai phong phú hơn, mật độ dày đặc hơn. Từ chân hồ nước thác hai kéo thoải xuống chân suối Bó Sập các dòng thác nước nhỏ với các cung bậc cao thấp khác nhau, kiểu dáng, độ chảy khác nhau giữa một thảm thực vật đa dạng gần như nguyên sinh làm cho cảnh quan nơi đây có vẻ hoang sơ, u tịch hơn.

           Về mùa mưa lưu lượng nước nhiều phần ngoài cùng đỉnh thác hai từ phía dưới lên còn một thác phụ rất đẹp. Phần thác phụ này bị ngăn cách với thác hai bởi một gờ đá nổi cao hơn ở mép trên cùng của núi tạo nên một dòng thác nhỏ mỏng manh phía ngoài cùng, dưới chân thác nước này có một hồ nước nhỏ khoảng 25m khá đẹp. Hồ nước này cũng được tạo ra như hai hồ nước ở thác một và hai.

           Điểm chung của thác.

          Đều bắt nguồn từ sự ứ tràn nước của suối Vặt cả 2 mùa mưa và khô đều có thác nước chảy, thảm thực vật cả hai khu thác này còn tương đối nguyên vẹn. Đường xuống dốc và nguy hiểm; trong toàn bộ khu vực thác nước đọng rất nhiều thân cây, mùn đất trôi từ trên xuống, đi lại trong khu vực thác rất khó khăn?

 7. Các hiện vật trong di tích

          Hiện nay di tích còn nguyên sơ

 8. Giá trị lịch sử, khoa học thẩm mỹ của di tích.

          Di tích danh lam thắng cảnh thác Dải yếm là một thắng cảnh đẹp của hai dòng suối Bó co lắm và Bó Ta Cháu nằm trong khu vực thiên nhiên, ẩn chứa bao điều kỳ diệu gắn với câu chuyện tình của đôi trai gái và đặc biệt là mỗi quan hệ Việt-Lào ở vùng biên giới phía Tây Bắc, Thác Dải Yếm nằm trong quần thể các di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh  của khu du lịch Quốc gia Mộc Châu như: Đồn Mộc Ly. Hang Dơi, Trung đoàn 52 Tây Tiến...Đến đây du khách còn được đắm mình trong lễ hội xên bản, xên mường, được thưởng thức các điệu xoè, lời ca, tiếng hát truyền thống làm say đắm lòng người của các dân tộc Mộc Châu nói riêng và nhân dân các dân tộc Sơn La nói chung.

  9. Thực Trạng bảo vệ và phát huy giá trị di tích

          Di tích danh lam thắng cảnh thác Dải Yếm là một cảnh quan sinh thái  hiện đang giữ được các yếu tố tự nhiên rừng, núi, dòng chảy tạo nên thác nước. Đây là một tài sản quốc gia có giá trị về mặt lịch sử, kết hợp với các giá trị văn hoá truyền thống của nhân dân các dân tộc ở bản Vặt và xã Mường Sang đã và đang được lưu giữ, bảo tồn và phát huy phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là loại hình kinh tế du lịch.          

10. Các biện pháp bảo vệ và sử dụng di tích

          - Điều tra, khảo sát, lập hồ sơ khoa học, lập bản đồ quy hoạch, khoanh vùng bảo vệ cấp giấy chứng nhận QSDĐ trình UBND tỉnh xếp hạng.

           - Phòng văn hoá phối hợp với cấp uỷ chính quyền xã Mường Sang xây dựng phương án bảo vệ nguyên trạng hạn chế mức thấp nhất những tác động sấu ảnh hưởng tới di tích. UBND xã Mường Sang cần phải quan tâm bảo vệ nguyên trạng các yếu tố cấu thành di tích gốc. Hạn chế thấp nhất các hành vi xâm hại, lấn chiếm làm ảnh hưởng đến di tích.

          - Sau khi được xếp hạng, danh thắng thác nước bản Vặt và những bản sắc văn hoá tộc người sẽ là những điều kiện rất cơ bản phục vụ cho phát triển kinh tế. Góp phần vào việc xây dựng và phát triển một nền văn hoá Việt nam tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc như Nghị quyết TƯ V khoá VIII đã đề ra.

11. Kết Luận:

           Là một di tích danh lam thắng cảnh đẹp ở Mộc Châu, nơi đây gắn với dự án khu du lịch sinh thái và cũng là nơi phát triển mục tiêu kinh tế, văn hoá xã hội của nhân dân các dân tộc Mường Sang nói riêng và Mộc Châu nói chung. Vì vậy UBND xã Mường Sang kính đề nghị Sở VHTT&DL xem xét, lập hồ sơ khoa học trình UBND tỉnh xếp hạng năm 2011.

Loại hình di sản Danh lam thắng cảnh Chuyên đề chuyên đề Di Tích
Xếp hạng di sản Xếp hạng cấp tỉnh Năm xếp hạng 2011
Kiến trúc Hiện trạng Nguyên vẹn
Hiện vật trong di sản
Hiện nay di tích còn hoang sơ
Cổ vật Hiện vật mới
Công tác bảo vệ

 

          - Điều tra, khảo sát, lập hồ sơ khoa học, lập bản đồ quy hoạch, khoanh vùng bảo vệ cấp giấy chứng nhận QSDĐ trình UBND tỉnh xếp hạng.

           - Phòng văn hoá phối hợp với cấp uỷ chính quyền xã Mường Sang xây dựng phương án bảo vệ nguyên trạng hạn chế mức thấp nhất những tác động sấu ảnh hưởng tới di tích. UBND xã Mường Sang cần phải quan tâm bảo vệ nguyên trạng các yếu tố cấu thành di tích gốc. Hạn chế thấp nhất các hành vi xâm hại, lấn chiếm làm ảnh hưởng đến di tích.

          - Sau khi được xếp hạng, danh thắng thác nước bản Vặt và những bản sắc văn hoá tộc người sẽ là những điều kiện rất cơ bản phục vụ cho phát triển kinh tế.Góp phần vào việc xây dựng và phát triển một nền văn hoá Việt nam tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc như Nghị quyết TƯ V khoá VIII đã đề ra.

Công tác tu bổ tôn tạo
Đất đai trong di sản

 

Bản Vặt xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La có lịch sử từ  lâu đời, theo sử sách ghi lại thì Mường Sang trước kia được hình thành thời L

Tư liệu kèm theo

     Lịch sử Đảng bộ huyện Mộc Châu tập 1 (1945- 2000) NxB chính trị Quốc Gia.

Người Thái ở Tây Bắc (xuất bản năm 1978) Tác giả Cầm Trọng NxB khoa học xã hội

Theo lời kể của nhân dân địa phương tại bản Vặt xã Mường Sang, huyện Mộc Châu.

Theo lời kể của ông Sa Phong 85 tuổi tại bản Nà Ngà xã Mường Sang, huyện Mộc Châu.

     Theo lời kể của bà Lường Thị Chức dân tộc thái 89 tuổi, bản Nà Bó, xã Mường sang huyện Mộc Châu.

Ảnh về thác Dải Yếm:

Ảnh 1, Ảnh 2, Ảnh 3, Ảnh 4, Ảnh 5, Ảnh 6, Ảnh 7, Ảnh 8, Ảnh 9, Ảnh 10, Ảnh 11, Ảnh 12, Ảnh 13, Ảnh 14, Ảnh 15, Ảnh 16, Ảnh 17, Ảnh 18, Ảnh 19, Ảnh 20, Ảnh 21


https://www.zbet.win/news/soi-keo-bong-da