Chi tiết hồ sơ

Tên Hang Nhả Nhung
Địa điểm Trạm Hốc, Xã Chiềng On, Yên Châu, Tỉnh Sơn La
Thuộc Huyện/Thành phố Yên Châu Thuộc Xã/Phường/Thị trấn Xã Chiềng On
Mô tả chi tiết

  I. TÊN GỌI:

          Hang Nhả Nhung (Tên gọi theo tiếng địa phương)

         Tiếng phổ thông: Hang bãi cỏ

II. ĐỊA ĐIỂM PHÂN BỐ, ĐƯỜNG ĐI ĐẾN DI TÍCH:

          - Di tích thắng cảnh hang Nhả Nhung thuộc bản Trạm Hốc, xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.

          - Từ trung tâm thành phố Sơn La xuôi theo QL6 về Hà Nội, tới Ngã ba Cò Nòi  rẽ tay phải theo đường tỉnh lộ 104 khoảng 25 km là tới bản Trạm Hốc. Rẽ trái 400m nữa là đến di tích, di tích cách trụ sở UBND xã Chiềng On 2km.

          Đường vào di tích thuận tiện đi được bằng mọi phương tiện: Đi bộ, ôtô, xe máy.

III. SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ, THUỘC TÍNH DI TÍCH.

          Yên Châu là một huyện miền núi của tỉnh Sơn La. Nằm trên trục quốc lộ 6, cách thủ đô Hà Nội 255km về hướng Đông - Nam, cách thành phố Sơn La 66km về phía Tây bắc.

          Huyện Yên Châu giáp với huyện Mộc Châu, Bắc Yên, Mai Sơn, có 47km đường biên giới giáp với nước CHDCND Lào. Địa hình Yên Châu khá phức tạp chia thành hai tiểu vùng khác biệt. Vùng lòng chảo và vùng dọc núi cao biên giới. Vì vậy, khí hậu của Yên Châu cũng chia thành hai tiểu vùng rõ rệt: vùng lòng chảo khô, nóng, và vùng núi cao biên giới mát mẻ.

          Bản Trạm Hốc thuộc xã Chiềng On, huyện Yên Châu. Thắng cảnh hang Nhả Nhung là một hang đá tự nhiên nằm dưới dãy núi đá vôi trùng điệp có tên là A Liếng (Theo tiếng địa phương có nghĩa là: Nương Đá). Dãy núi chạy dài theo hướng Đông - Tây.

          Chuyện kể rằng: Từ xa xưa, vùng đất này là vùng đất chung giữa Mường trời và Mường đất, tại nơi đây có giống cỏ quý chỉ dành chăn thả những con vật quý ăn cỏ do Mường trời và Mường đất quản lý. Từ đó  có tên gọi "Nhả Nhung" nghĩa là vùng cỏ chăn thả những con vật ăn cỏ có nhung quý. Đường nối giữa hai vùng đất này là đường Cầu Vồng có bẩy sắc mầu. Bình thường giữa Chúa Mường trời và Chúa Mường đất, thỉnh thoảng vẫn qua lại hỏi thăm nhau bằng con đường Cầu Vồng đó và những đàn gia súc quý của Mường trời cũng xuống Mường đất ăn cỏ bằng con đường đó.

          Rồi có một lần bỗng chốc cả vùng đất "Nhả Nhung" tối sầm và bắt đầu có những trận mưa không ngớt kéo dài suốt ngày đêm, những cơn mưa đó làm cho chim trên trời ngừng tiếng hót, đàn vật quý không có cỏ mà ăn, vạn vật như chìm trong giấc ngủ, mặt đất chìm trong làn nước trắng xoá tưởng chừng như không còn sự sống...Đến một ngày bỗng dưng mưa ngớt và tạnh hẳn, le lói có ánh mặt trời, nước bắt đầu rút và cạn dần, vạn vật như bừng tỉnh. Từng đàn bướm đủ màu sắc bay lượn khắp thung lũng và các cánh rừng, chim rời tổ bay lượn cất tiếng hót. Qua đợt ngập nước, đất được tạo một lớp phù sa đầy màu mỡ, từng vạt cỏ qúy đua nhau đâm chồi, nảy lộc, chẳng mấy chốc đã xanh tươi tốt. Đường cầu vồng được nối lại, lúc này những đàn vật quý từ Mường trời theo đường cầu vồng xuống vùng đất “Nhả Nhung” ăn cỏ.

          Nói về Mường Trời: Trên Mường Trời có chàng Hoàng Tử được Vua cha vô cùng yêu quý, mọi người chiều chuộng, chàng đi đâu Vua cha cũng cho người đi theo cùng. Một hôm Vua cha đi vắng, hoàng tử cùng đàn vật quý xuống Mường đất “ Nhả nhung” ăn cỏ. Chàng đi mãi, đi mãi, mải mê ngắm nhìn phong cảnh nơi đây quên mất đường về. Ở Mường trời vua cha về tới nhà không thấy Hoàng Tử đâu, biết hoàng tử xuống mường đất, tạo trời bèn tức giận chém đứt đường cầu vồng. Từ đó vùng đất “Nhả nhung” và vùng Mường trời không còn đường qua lại nữa.

          Còn chàng Hoàng Tử chàng đi mãi và lạc vào một cái hang, trong hang có dòng suối chảy tạo thành một đường đi dài vô tận, rộng thênh thang, trong hang có nhiều cảnh đẹp (hang đó tức là hang Nhả nhung bây giờ).

IV. LOẠI HÌNH DI TÍCH

          Di tích hang Nhả Nhung thuộc loại hình di tích danh lam, thắng cảnh.

V. KHẢO TẢ DI TÍCH: 

          Di tích thắng cảnh hàng Nhả nhung, là một hang đá tự nhiên nằm trong dãy núi A liêng, chạy dài theo hướng Đông - Tây. Cửa hang quay về hướng Tây - Bắc có hình gần Elíp, có độ rộng là 5m, cao khoảng 13 - 14m và cách mặt bằng của thung lũng khoảng 12m. Hiện nay nhân dân đã cải tạo đường lên hang  theo đường vát. Do vậy lên hang được dễ dàng, thuận lợi.

          * Cửa hang:

          Cửa hang là một hình Elíp có độ rộng 5m, cao khoảng 13 -14m, nằm trong một vách đá thẳng đứng, trần của hang phẳng nhẵn, nền đất phẳng. Từ cửa hang vào sâu 4m, được thắt lại hình quả bầu đựng nước có độ rộng là 3m, rồi lại phình ra 4m kéo dài vào trong.

          Từ cửa hang vào khoảng 30m, ta rẽ tay trái là vào khoang 1 của hang.

          Đường vào khoang 1 có độ rộng là 1m, cao 1,40m, dài 7m. Người đi vào phải cúi khom lưng.

          * Khoang 1:

          Rộng khoảng 60m2 cao từ 2,5 – 3,5m2. Trên trần và dưới nền hang có hàng trăm nhũ đá to nhỏ, với những hình thù khác nhau mang đặc trưng những con vật dưới thủy cung, cho nên mới có tên là động Rùa Vàng.

          Tương truyền khi nước trên mặt đất của khu vực “Nhả Nhung” rút đi, Hoàng tử đi vào hang, lúc bấy giờ trong hang còn đầy nước tại nơi đây có con Rùa Vàng như đã chờ sẵn chở Hoàng Tử. Về sau này, biết chuyện của Hoàng Tử, Rùa Vàng đã ở với Hoàng Tử và biến thành đá để tỏ lòng yêu mến chàng.

          Khi du khách bước chân vào khoang 1, gặp ngay khối thạch nhũ có hình Rùa. Đầu Rùa quay ra phía đường vào như đón chào du khách: Đi sâu vào khoảng  20m về phía tay trái bên vách hang ta bắt gặp một khối nhũ đá chạy liên hoàn như đàn Hải Cẩu đang nô đùa trên bờ biển.

          Đi sâu vào 10m về phía tay phải, trên trần hang vô số những thạch nhũ hình “Bầu sữa mẹ” ngày đêm nhỏ xuống những hạt nước tí tách trong suốt. Ở vách hang có mảng thạch nhũ hình đàn cá đang vòng lượn tự nhiên như ở dưới nước, thật là tạo hóa khéo sắp đặt. Đứng ở dưới nhìn lên trần hang giống như hình chóp nón, những nhũ đá rủ xuống có chỗ có thể với tay tới. Càng đi sâu vào trong càng thấy nhiều ngóc ngách và ta không thể khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp không thể thốt nên lời. Cả một rừng thạch nhũ treo lơ lửng có chỗ như sơ khai lởm chởm lại có chỗ nhẵn lì như có người mài dũa. Càng nhìn kĩ ta lại càng tưởng tượng ra biết bao hình thù khác nhau.

          * Khoang 2.

          Tiếp giáp khoang 1 là khoang 2, khoang này thực chất là đường đi xuống khoang 3.

          Khoang 2 diện tích tương đối hẹp, trần cao khoảng 2m, rộng1,5m, xung quanh và trên trần nhiều thạch nhũ rủ xuống, mang nhiều hình thù khác nhau, ở giữa hang có một cột đá mang dáng hình một tượng  người đàn ông với đầy đủ bộ phận “phồn thực”, theo truyền thuyết đây là Hoàng Tử “hóa đá”.

          * Khoang 3:

           Từ khoang 2 ta đi xuôi xuống rẽ bên tay phải vào tới khoang 3. Khoang này có tên là ruộng bậc thang, cao khoảng 5m, rộng 17m, dài khoảng 80m. Nền hang phía ngoài tương đối bằng phẳng, càng đi sâu vào trong những cảnh đẹp càng hiện ra, những viên nhũ đá dưới nền hang được tạo ra như những làn sóng từ cao xuống thấp, ta tưởng tượng như những ruộng bậc thang, trong những thửa ruộng đó đều có nước. Chuyện kể lại rằng: Mặc dù giận Hoàng Tử nhưng tạo Mường trời vẫn yêu thương Hoàng Tử. Do vậy tạo mường trời đã tạo ra những cánh đồng để Hoàng Tử sinh sống.

          * Khoang 4:

         Từ khoang 3 ta đi xuôi xuống khoảng 10m là tới khoang 4. Khoang 4 có tên là hang công chúa, trần hang cao khoảng 40m, lòng hàng rộng khoảng 600m2 nền hang bằng phẳng, phía bên tay trái có một ngách rộng trên vách hang có nhiều nhũ đá rủ xuống tạo ra nhiều hình thù khác nhau, nước nhỏ xuống một số nhũ đá trong động rơi nhẹ nhàng, đều đặn, hữu tình, thánh thót quanh năm hợp thành những âm thanh êm dịu của bản nhạc độc đáo ngàn đời. Nhiều khối đá trong động khi gõ vào phát ra những âm thanh trầm bổng của tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng khánh, tiếng mõ…Đó là những tiếng thạch cầm của tạo hóa được đánh trong động, vang vọng tưởng như không dứt tạo nên một bản nhạc kỳ thú.

         Ở giữa hang về phía tay phải có khối thạch nhũ mang hình đụn thóc lớn nói lên sự no đủ của muôn dân. Từ đụn thóc đi sâu rộng vào 10m là “buồng” Công Chúa. Buồng này rộng khoảng 100m2, trước cửa có 5 cột đá tạo thành những cây cột. Buồng công chúa với sự trang trí cầu kỳ, sang trọng của tạo hóa đó là muôn vàn những tia đá lấp lánh như cẩm thạch được tuôn chảy từ trần hang xuống tạo thành những đường diềm trang trí muôn màu sắc óng ánh.

         Đi tiếp vào sâu bên trong là một dòng nước chảy lâu ngày ăn sâu vào trong đá, khiến ta liên tưởng đến một dòng suối trong mát vẫn đang chảy suốt ngày đêm. Bên cạnh đó là buồng tắm của Công Chúa với sự kiến tạo của dòng nước tạo thành những đường diềm bao quanh uốn cong mềm mại. Từ cửa buồng Công Chúa về phía tay phải khoảng 30m có khối thạch nhũ hình đôi sư tử như đang ngồi canh giữ.

        Trên trần có nhiều mảng thạch nhũ với những hình thù khác nhau, theo trí tưởng tượng của du khách là những đàn dơi đang bay kiếm mồi, có hình là những chú Cầy đang sải cánh trên trần hang, đầu quay xuống phía dưới như đang bắt mồi; những đám mây mềm mại như đang trôi lững lờ. Đặc biệt trên trần hang còn có hai khối thạch nhũ hình “Đại Bàng” có ba móng vuốt và hình chú “Bạch Mã” đang đuổi theo Đại Bàng.

         Truyền thuyết kể lại rằng: “có một lần Công Chúa với Ngựa Bạch ra ngoài dạo chơi, vui đùa với cảnh vật thiên nhiên khi mùa xuân đến, vạn vật như được thức tỉnh sau một thời gian dài ngủ đông. Công Chúa không để ý tới có một con Đại Bàng đang bám theo sát, bỗng dưng Công Chúa thấy mình rời khỏi yên ngựa và bay lên, lúc này Ngựa Bạch thấy lưng mình nhẹ bỗng, bèn quay đầu lại thấy Đại Bàng đã cắp công chúa bay lên trời. Tức tốc ngựa bạch bay lên đuổi theo Đại Bàng và cướp lại Công Chúa. Dấu ấn đó còn tồn tại cho đến ngày nay”.

          *  Khoang 5:

          Từ khoang 4 ta rẽ tay phải là tới khoang 5. Trong khoang 5, một bên là dòng suối ngầm chảy trong lòng hang. Còn một bên khô ráo, có hàng trăm nhũ đá to, nhỏ rủ xuống từ trần hang xuống tận nền hang. Ta thấy một cảnh sắc diệu kỳ đầy mới lạ hiện ra trong ánh sáng mờ ảo phô ra những vẻ đẹp kỳ thú như tạo hóa đã có cảm tình riêng với nơi đây. Trần hang rủ xuống những giải thạch nhũ lấp lánh đủ 7 sắc cầu vồng, nhiều khối nhũ đá như rễ cây đa cổ thụ to lớn thả xuống mặt đất. Ngoài ra còn có rất nhiều nhũ đá đủ mọi hình dáng không cần đẽo gọt, đây là cây đồng tiền, cây thóc, kia là ông tiên, cô tiên, voi, sư tử, hổ, kỳ đà, rồng, đại bàng, chim và cả những đám mây cao thấp đang bay lượn lung linh. Với trí tưởng tượng phong phú, du khách có ngay những nhũ đá để đặt tên, mỗi tên gọi đều ghi nhận một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tài hoa của tạo hóa Nó gợi hình, gợi cảm đầy quyến rũ mà không bàn tay con người nào có thể  thay thế được. Xung quanh thành hang cũng toàn nhũ đá, rất ít hang đầy ắp những nhũ đá. Ở đây thiên nhiên đã tạo những công trình kiến trúc tuyệt vời. Đường nét những nhũ đá như được chạm trổ vừa phóng khoáng, vừa tỉa tót rất tài hoa, tinh xảo và sống động.

          Ngoài ra, còn vô số những nhũ đá nhỏ được rủ từ trần hang xuống, mảnh mai như những sợi thủy tinh, khi ánh sáng chiếu vào lấp lánh đủ màu.

          Đi sâu vào 15m về phía tay trái giáp bờ suối là một dải đất dài có những khối nhũ đá mang dáng hình của những chú cá sấu đang phơi mình tắm nắng.

          * Khoang 6:

          Từ khoang 5 ta đi thẳng là tới khoang 6. Khoang này có diện tích khoảng 500m2, trong hang có nhiều nhũ đá mọc từ đất lên, mang nhiều dáng vẻ khác nhau. Đặc biệt đi sâu khoảng 20m về phía tay phải có một khối thạch nhũ to lấp lánh như những ánh kim cương. Đi sâu vào trong, hai bên thành hang là những mảng đá với những kích thước khác nhau, có những cái như cây măng vừa nhũ khỏi đất, có những cây vươn dài tựa như cây tre.

         

          * Khoang 7:

          Từ khoang 6 ta đi thẳng vào là tới khoang 7. Khoang này lòng hang được thắt lại, lối đi tương đối nhỏ từ 1,5 - 2m, phía trên được phình ra tới 30m, khoang dài khoảng 200m, khoang này có ít nhũ đá, chủ yếu là những nhũ đá mang hình bầu sữa mẹ, suốt năm tháng nhỏ những giọt nước trong vắt không ngừng.

          Cuối khoang 7 là một khoảng rộng, cao vút lên như vòm của một thánh đường, trên trần hang có hàng trăm nhũ đá rủ xuống. Một số nhũ đá tạo ra nhiều hình thù khác tạo ra một cảnh hoang sơ vốn có từ ngàn xưa.

          * Khoang 8:

          Tiếp theo là đến khoang 8, có diện tích khoảng hơn 300m2. Đứng    trước hang nhìn vào, thoạt đầu ta có cảm nhận đây chỉ là một khoang nhỏ, tối. Nhưng càng vào sâu trong hang chúng ta mới thực sự ngỡ ngàng, càng bị quyến rũ trước sự kỳ vĩ lộng lẫy của thiên nhiên: Một loạt các cột nhũ rủ từ trần hang xuống tận mặt đất, có cột khi soi đèn vào tạo nên ánh sáng lấp lánh như dát bạc; ở bên trái đi vào có một cột đá giống như thần vệ nữ, có nhũ tạo dáng như một vệ sĩ đang đứng canh cổng, có nhũ được nước chảy tạo thành khe, rãnh kiểu rễ cây si, cây đa và có rất nhiều nhũ như những hình người đứng nhấp nhô, cao thấp khác nhau.

          Kỳ lạ hơn, có nhóm nhũ như một gia đình đứng bên nhau gồm ba thế hệ: ông bà, cha mẹ và con cái; vách hang có chỗ giống như bức tường xây cao rộng được bàn tay của tạo hóa quét lên một lớp màu lam tím, điểm loáng thoáng những vân dọc màu gạch non nền nã. Ở phía cuối của vách hang, khi có một vệt sáng lọt qua kẽ đá chiếu thành một đường chỉ nhỏ. Vệt sáng nhỏ vậy thôi mà cũng đủ làm rực lên mầu trắng ngà của những nhũ đá. Trong hang còn có vô số mảng đá, cột đá với biết bao hình thù kỳ dị, cái thon thả mảnh mai, cái khỏe khoắn vạm vỡ, cái tinh tế liên kết với nhau tạo thành một bức chạm khổng lồ trên vách hang. Dưới con mắt của du khách những mảng thạch nhũ như bức chạm khắc nổi  hiện lên biết bao hình ảnh vừa quen thuộc, vừa xa lạ, vừa thật, vừa ảo, càng đi sâu vào trong, càng ngắm kỹ,  ta cảm tưởng như mình lọt vào động tiên vậy.

          * Khoang 9:

          Bước vào khoang 9, lúc đầu ta thấy đường hẹp đi vào hơi khó, chiều ngang khoảng 1,5m và độ dài khoảng 15m, càng đi sâu vào trong lòng hang càng rộng. Với diện tích khoảng 200m2, phía bên vách bên tay phải là những nhũ đá mang hình nậm rượu và những nhũ đá rủ xuống từ trần hang mang nhiều hình dáng khác nhau, khi được gõ vào thì phát ra âm thanh tiếng chiêng, tiếng trống.

          Cuối khoang 9, về phía tay trái có 3 hồ nước lớn quanh năm suốt tháng đều đầy ắp nước với tạo hóa của ngàn năm. Trong hồ có những khối nhũ đá hình đàn vịt đang bơi lội, lặn ngụp, co chân rỉa lông. Phía xa xa là những khối nhũ đá mang hình dáng của những đàn cá đang bơi lội. Xung quanh hồ là tầng tầng, lớp lớp những khối nhũ đá mang hình cây măng, cột đá… đã tạo nên như những rừng cây quanh hồ. Du khách đến nơi đây không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh trữ tình, nên thơ.

          Trên trần hang là những mảng thạch nhũ được rủ xuống mặt nước, có những hình được treo lơ lửng trên cao, có những hình như những đám mây đang bay lượn quanh hồ, có những hình rủ xuống như chim, Bói cá đang buông mình xuống mặt nước để bắt mồi.

          Đi sâu vào trong phía tay phải có một khối nhú đá mang hình chú đà điểu đang nằm phủ phục, ngẩng đầu lên cao, khi ánh sáng chiếu vào toàn bộ được phát lên màu ngà vàng; tiếp đến là hình khối nhũ đá giống như hình một thiếu nữ đang bồng con.

          * Khoang 10:

          Đi hết khoang 9 là đến khoang 10, đường vào khoang 10 phải đi qua 1 cửa nhỏ, cửa có chiều rộng 1,2m , cao 3m, dài 1m, qua khỏi cửa này lòng hang được hiện ra. Trần hang  vút cao tới 50m.Chiều rộng có chỗ lên tới 40m nền hang bằng phẳng, những nhũ đá ở đây không nhiều mà được tập trung ở hai bên vách hang, chủ yếu là những khối nhũ đá  lớn, mang đủ hình loại dáng tùy theo trí tưởng tượng của du khách.

          Với sự độc đáo đó, rất nhiều du khách đã tìm thăm nhiều hang động đẹp trong nước khi đến thăm nơi đây đã để lại nhận xét rằng “Có lẽ đây là động đẹp nhất trời phía Tây”.

VI. CÁC HIỆN VẬT TRONG DI TÍCH

          Toàn bộ khu di tích hiện nay đang được giữ nguyên hiện trạng, các nhũ đá trong hang được giữ nguyên, không có sự xâm hại của con người.

VII. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ - KHOA HỌC- NGHỆ THUẬT

          Di tích danh lam thắng cảnh hang Nhả Nhung có giá trị về danh lam thắng cảnh, phản ánhvẻ đẹp của thiên tạo càng làm thêm lòng yêu quê hương đất nước của mỗi con người chúng ta.

Trong những năm chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Tại đây, từ năm 1965 đến 1972 Trường Bổ túc Khu Biên giới đã dùng học tập và sinh hoạt.

Ngoài ra, di tích còn nằm trong quần thể của di tích danh thắng hang Ta Búng, hang Chi Đảy tạo thuận lợi cho du khách tham quan.

VIII. TÌNH TRẠNG BẢO QUẢN DI TÍCH

           Hiện nay di tích còn nguyên vẹn, không có sự phá hoại của con người và thiên nhiên.

          Hiện nay địa phương đang quản lý di tích và phục vụ khách tham quan.

IX. CÁC PHƯƠNG ÁN VÀ BẢO VỆ DI TÍCH

          Một danh lam thắng cảnh của địa phương, phản ánh vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất và con người nơi đây. Với địa bàn thuận lợi, là cửa ngõ của biên giới và nằm trong quần thể của một số di  tích danh lam thắng cảnh, nên rất thuận lợi cho tuyến tham quan, du lịch của tỉnh.

          Cần bảo vệ và giữ nguyên hiện trạng cảnh quan môi trường sinh thái quanh khu vực di tích, không làm tổn hại và vi phạm đến di tích.

          1. Tạm thời giao quyền quản lý, bảo vệ hang "Nha Nhung" cho các hộ dân bản Trạm Hốc.

          2. Thường xuyên phối hợp với phòng VHTT huyện Yên Châu, UBND xã Chiềng On, các tổ chức, đoàn thể bản Trạm Hốc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ di tích trong khi hoàn thiện hồ sơ và trình UBND tỉnh ký quyết định xếp hạng.

            Hiện nay địa phương đã thành lập tổ quản lý di tích để tránh sự phá hoại của con người, giữ nguyên hiện trạng không làm hư hại cảnh vật mà thiên nhiên tạo ra.

Loại hình di sản Danh lam thắng cảnh Chuyên đề chuyên đề Di Tích
Xếp hạng di sản Xếp hạng cấp tỉnh Năm xếp hạng
Kiến trúc Hiện trạng Xuống cấp
Hiện vật trong di sản
Trong di tích không có hiện vật gì
Cổ vật Hiện vật mới
Công tác bảo vệ

Một danh lam thắng cảnh của địa phương, phản ánh vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất và con người nơi đây. Với địa bàn thuận lợi, là cửa ngõ của biên giới và nằm trong quần thể của một số di  tích danh lam thắng cảnh, nên rất thuận lợi cho tuyến tham quan, du lịch của tỉnh.

Cần bảo vệ và giữ nguyên hiện trạng cảnh quan môi trường sinh thái quanh khu vực di tích, không làm tổn hại và vi phạm đến di tích.

1. Tạm thời giao quyền quản lý, bảo vệ hang "Nha Nhung" cho các hộ dân bản Trạm Hốc.

2. Thường xuyên phối hợp với phòng VHTT huyện Yên Châu, UBND xã Chiềng On, các tổ chức, đoàn thể bản Trạm Hốc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ di tích trong khi hoàn thiện hồ sơ và trình UBND tỉnh ký quyết định xếp hạng.

 Hiện nay địa phương đã thành lập tổ quản lý di tích để tránh sự phá hoại của con người, giữ nguyên hiện trạng không làm hư hại cảnh vật mà thiên nhiên tạo ra.

Công tác tu bổ tôn tạo
Đất đai trong di sản

Di tích thắng cảnh hàng Nhả nhung, là một hang đá tự nhiên nằm trong dãy núi A liêng, chạy dài theo hướng Đông - Tây. Cửa hang quay về hướng

Tư liệu kèm theo

- Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Châu (1945 - 1995)NXB Chính trị Quốc Gia Hà Nội Năm 2001.

- Theo truyền thuyết của nhân dân địa phương trong vùng.

Ảnh 1, Ảnh 2, Ảnh 3, Ảnh 4, Ảnh 5, Ảnh 6, Ảnh 7, Ảnh 8, Ảnh 9


https://www.zbet.win/news/soi-keo-bong-da