Thông tin chi tiết của di sản

Tên Lễ hội cầu mưa
Địa chỉ Nà Ngà, Xã Chiềng Hặc, Yên Châu, Tỉnh Sơn La
Huyện/Thành phố Yên Châu Xã/Phường/Thị trấn Xã Chiềng Hặc
Mô tả chi tiết

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH LỄ HỘI CẦU MƯA

I. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ.

1. Xác định thời gian tổ chức lễ hội.

          Việc xác định thời gian tổ chức lễ hội phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thiên nhiên, không phải năm nào cũng tổ chức lễ hội mà phải do thời tiết hạn thật nặng mới tổ chức lễ hội. Năm nào gió Lào kéo dài, nhiệt độ lên tới 39 - 400 c, với một thời gian dài không có mưa. Trong khi đó lúa dưới ruộng đã cấy, cây trên nương đã gieo trồng nhưng không mọc lên nổi thì phải tổ chức lễ hội cầu mưa. Ngày tổ chức thường được chọn dựa vào lịch Thái, khoảng tháng 3 - 4. Ngày tổ chức phải được chọn là ngày Rồng (Xi) vì họ quan niệm ngàu này là ngày tốt nhất trong lịch Thái, tổ chức vào ngày này Rồng mới phù hộ cho mưa… Ngoài ra đề phòng thời tiết sớm muộn, enne người ta xem hoa ít ương đã tàn chưa, nếu hoa ít ương đã tàn là đang hạn nặng (đây là loại hoa của cây dây leo có 3 màu: xanh, đỏ, vàng người Thái hay lấy về đồ lên để ăn) và phải nghe tiếng chim cu rúc (pờ lốc) kêu trên ngọn cây cao. Khi đó đã hội đủ những yếu tố để làm lễ hội cầu mưa.

          Sau khi các già bản có uy tín (quảng bản) xem ngày, xem hoa chọn ngày xong bàn bạc với nhau xin phép Tạo bản. Tạo bản gọi các già bản về giao việc, bàn công việc chuẩn bị cho lễ cầu mưa, tìm ra người phụ nữ chửa hoang về để phạt và chửi trong ngày lễ hội (Trong trường hợp không tìm được người phụ nữ chửa hoang, người ta chọn một gốc cây to trên nương tượng trưng cho người chửa hoang để chửi).

2. Lịch tổ chức lễ hội

          Lễ hội cầu mưa (Xên xó phốn) chính thức diễn ra trong một ngày và một đêm. Nhưng việc chuẩn bị diễn ra từ ngày hôm trước. Tạo bản và các già bản họp phân công công việc cho ngày hôm sau như: Làm kiệu, làm con thuồng luồng, dọn bãi tắm, chuẩn bị các đồ dùng trong cúng lễ, áo quần, chiêng trống các gia đình thì chuẩn bị lễ vật và nước gạo để té.

          - Ngày chính thức:

                   + Từ sáng sớm đoàn người đi xin lễ vật (xó phắc xổm xiểm) tập trung giữa bản để đi xin lễ, khoảng 50 người.

                   + 9 giờ sáng (giờ rồng) ra bãi tắm để làm lễ cúng.

                   + 10 giờ thả thuồng luồng và thức ăn xuống suối, té nước, vỗ nước (Thum nắm).

                   + Tổ chức trò chơi bịt mắt đánh trống (Ốt ta ti công)

                   + 12 giờ trưa ăn cơm mừng lễ hội

                   + Buổi chiều uống rượu bói số (Lẩu thành khon)

                   + Buổi tối hát ngồi mẹt (Khắp nang đổng).

3. Thành phần tham gia:

          Đây là một lễ hội của bản, bản Nà Ngà có trên 100 hộ sẽ có 100 người tham gia chính thức, số còn lại là đi xem, cổ vũ, tham gia các trò chơi, hát, xòe múa. Kể cả các bản khác, xã khác cũng mời tham dự, vì vậy số người có khi lên tới vài trăm người.

          a. Gìa bản, tạo bản:

          - Lễ hội do một tại bản chỉ huy chung ( Bây giờ là trưởng bản)

          - 1 già bản (Quảng bản) trong nom các dụng cụ phục vụ lễ hội, chuẩn bị lễ vật, lo thức ăn cho lễ hội.

          - 1 bà góa đức hạnh (mè mải đả) người cúng lễ chính trong lễ cầu mưa (Sở dĩ chọn bà góa vì người Thái cho rằng: bà góa là người bất hạnh, khổ sở, nghèo khó, vất vả, không có người chồng giúp đỡ, ăn ở đức hạnh nên thuồng luồng và trời sẽ thương, lời cúng xin đạt hiệu quả cao hơn).

          - 1 già bản chỉ huy đoàn xin lễ sau đó rước thuồng luồng ra suối.

          - 1 cô gái giỏi hát Thái để làm người ngồi mẹt (nang đổng)

          - 1 bà làm chủ sự cho hội hát ngồi mẹt.

          b. Trai gái (báo sao)

          - Chọn 40 nam nữ thanh niên khỏe mạnh, nhanh nhẹn, có tư cách đạo đức tốt để khiêng đồ lễ, rước thuồng luồng, làm nòng cốt cho các trò chơi, ca hát khi vào hội. Trong đám rước còn có một số đàn bà và trẻ em. Đoàn này là đoàn đi xin lễ (xó phắc xổm xiểm) do bà góa dẫn đầu (Me mải đả).

          - 8 người con trai khiêng kiệu thuồng luồng (thay nhau 4 người 1 lượt)

          - 6 người khiêng 3 sọt (bung) đựng đồ xin lễ.

          - 14 người khiêng chiêng trống, nạo bạt và đánh chiêng trống, nạo bạt.

          c. Người trung tuổi

          - 10 người chuẩn bọ chặt cành lá cây thì (co sáy) làm mâm cúng.

          - 10 người dọn bãi cúng, dọn khúc suối đã chọn sạch sẽ để làm nơi cúng và giúp thanh niên thả thuồng luồng … thả thức ăn sau khi cúng xong.

4. Chuẩn bị đồ lễ:

          - 01 kiệu làm bằng tre, 2 đoạn tre dài 4m để làm đòn khiêng, 6 đoạn tre 2m làm thành bè, xung quanh có phên đạn hình mắt cáo (ta leo) chắn cao 30cm.

          - 1 con thuồng luồng (Tô ngược) làm bằng 4 cây xương rồng to bó lại.

          - 8 cây tre dài 2m để khiêng trống, chiêng, nạo bạt.

          - 20 - 30 nón Thái cho đoàn đi xin lễ đội.

          - 1 áo cóm trắng, 1 khăn trắng (bằng vải trắng người Thái tự dệt).

          - 2 cái mẹt, 2 cái muôi bằng vỏ quả bầu khô để hát ngồi mẹt.

          - 100 gói rau me chua đất (phắc xổm xiểm), rau khoai, ớt, muối, cơm (cá gia đình tự chuẩn bị) để trao cho đoàn xin lễ đến.

          - 100 chậu nước gạo hoặc nước lã để té lên đoàn xin lễ sau khi cho lễ vật.

          - 3 cái khăn xanh, đỏ, trắng để bịt mắt trong trò chơi bịt mắt đánh trống.

          - 2 trống, 4 chiêng, 2 nạo bạt

          - 1 ghế mây (Tăng vái) cho bà goa ngồi cúng

          - 1 bàn gỗ (Phan)

          - 5 gói cá nướng, 5 gói cá hấp.

          Đồ lễ cúng rất đơn giản: Chỉ có rau chua, cơm, cá, muối, ớt bởi vì lúc này thời tiết hạn hán, khắc nghiệt, đang là mùa đói, rau cỏ không mọc được, lương thực, thực phẩm thiếu thốn nhưng người dân cũng mong có một chút lễ mọn dâng lên cúng trời và thuồng luồng, mong trời bớt giận mà cho mưa. Lễ vật cúng được xin ở tất cả các gia đình trong bản thể hiện lễ hội mang tính chất cộng đồng rất cao, mọi người, mọi nhà đều muốn đóng góp một chút cho lễ hội, thể hiện tấm lòng của mình với trời, với thần linh mong trời cho mưa.

5. Trang phục:

          - Bà góa: mặc đồ tang chồng, áo cóm trắng bằng vải tự dệt, 1 khăn trắng dài 1 sải (1,5m) rộng 40cm không bện gấu và diềm viền khưn, đầu đội nón Thái, ngồi trên ghế mây, bà là người cúng chính trong lễ cầu mưa. Sau này bà góa mặc áo dài đen, đội mũ, đeo túi (trang phục cúng).

          - Chủ sự hát ngồi mẹt (khắp nang đổng) mặc áo dài Thái. Cô gái ngồi mẹt mặc áo cóm, váy kẻ, đội piêu đẹp.

          - Trang phục của người tham gia lễ hội phải là trang phục Thái truyền thống: Phụ nữ mặc áo cóm, váy kẻ đen, đội khăn piêu; nam quần dài, áo màu đen, đội khăn đen thắt kiểu đầu rìu. Nếu mặc trang phục dân tộc khác sẽ bị chê cười. Trong quá trình lễ hội, ai có chồng phải búi tóc ngược (tẳng cẩu), nếu không búi tóc ngược bị coi là phạm vào điều cấm kỵ, coi như xúc phạm tới chồng và họ hàng nhà chồng, người nào chồng chết mới được bỏ búi tóc xuống.

6. Chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho buổi liên hoan:

          - 1 con lợn 100kg

          - Gạo tẻ: 100kg

          - Gạo nếp: 100kg

          - Rượu cần: 12 chum

          - Rượu trắng: 60 lít

          - Rau các loại: 100kg

          Và một số gia vị khác như gừng, tỏi, ớt, muối, xả, mák khén số thực phẩm này không dùng để cúng mà dùng cho bữa liên hoan mừng sự thành công của lễ cúng cầu mưa vào buổi trưa.

II CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH LỄ HỘI

1. Xin lễ (xó phắc xổm xiểm)

          Từ tinh mơ, một hồi trống của nhà Tạo bản vang lên, cả bản tỉnh giấc, nhộn nhịp: Tiếng chày giã gạo, tiếng xối nước vào ninh xôi, tiếng chân người đi lại, gọi nhau chuẩn bị.

          Tảng sáng, theo sự phân công từ hôm trước thì ai vào việc nấy. Nhóm làm kiệu và thuồng luồng khiêng về nhà tạo bản. Những người đi xin lễ chuẩn bị các dụng cụ đựng lễ, thay trang phục. Các gia đình chuẩn bị lễ gói sẵn: rau, muối, ớt, cơm, hạt giống, chậu nước gạo. Bà góa mặc đồ tang chồng, đội nón. Ông già bản phụ trách đoàn xin lễ chuẩn bị xong, báo lại với Tạo bản. Tạo bản kiểm tra lại một lượt thấy đầy đủ dụng cụ theo sự phân công, trang phục đầy đủ, không có ngừoi chửa hoang đi trong đoàn, bà góa mặc đúng đồ tang lễ. Thì ông Tạo bản nổi một hồi trống báo cho đoàn đi xin lễ vật bắt đầu đi, báo cho các gia đình chuẩn bị sẵn lễ vật, báo cho người phục vụ lễ cúng, dân bản vui chơi ra bãi tắm của bản.

            Đoàn đi xin lễ hình thành do bà góa dẫn đầu, tiếp theo là người khiêng sọt và các thành viên đi theo. Họ đi đến từng nhà xin lễ, nhà đầu tiên là nhà Tạo bản. Bà góa đọc lời xin lễ (Xó phắc xổm xiểm):

Khoam xó phắc xổm xiểm, xó phổn

(lời xin rau chua, xin mưa)

1. Du hươn đe o, mè lua chẩu

2. Xó khẩu nằng e mè lua nang

3. Xó thênh hay khâu mạ

4. Xó thênh ha phốn lin

5. Phắc xổm xiểm khó xó

6. Phắc xổm xánh khó xó

7. Canh bon chựt khó xó

8. Xổm chựt xổm manh khanh khó xó

9. Khính khanh cắp xay huồn khó xó

10. Nuồn khẩu bai ướt khoa cưa khó xó

11. Xó thênh ướt xà nứa

12. Xó thênh cưa xà tảu

13. Bồ hảư phú bồ mi

14. Thanh pi phú léo ma léo tẩu

15. Tưn sáo phú léo pay léo ma

16. Khảu du hày tai phói

17. Hói du na tai lánh

18. Pảnh du xà huôm khoăn

19. Măn du khúm tai ẩu

20. Bao thẩu tai dạc pa

21. Bao ba tai dac niểu dạc niêng

22. Lục lun xó nắm phá

23. Lục lả xó nắm phốn

24. Xó nắm phốn lông háy ta cả

25. Xó nắm phá lông háy na hon

26. Háy na mua nhăng hay lá

27. Háy ta cả hay lá háy đai

28. Xó nắm phốn thò nuôi mắc coọc

29. Xó mịt moọk thò nuôi mắc muổi

30. Huổi nắm nói hảư thum noong đanh

31. Huổi xúm khèo hảư nhương

32. Pết nói xay lắng khà

33. Pay na phó nắm phốn xù xà

34. Pay thà phó nắm thum noong đanh

35. Ma hươn pa tết phặt tin đay

36. Pa nay phạt nả táng

37. Pa xảm háo ma pơn cưa mú

38. Pa hươn nứa tá pha dải

39. Pa hươn tảư tá pha phá phốn

40. Phả ma giơ phốn lin ma giơ.

 

Lời xin rau chua, xin mưa

1. Ở nhà đấy à bà thím ơi!

2. Xin cơm ở cô thím nàng

3. Xin cả chậu gạo ngâm

4. Xin cả cơn mưa rào

5. Rau chua xiểm cũng xin

6. Rau chua me đất cũng xin

7. Canh bon nhạt cũng xin

8. Chua nhạt như chua bọ xít cũng xin

9. Gừng cốm cùng trứng ung cũng xin

10. Nắm cơm ớt trộn muối cũng xin

11. Xin cả ớt gác trên

12. Xin cả muối gác dưới

13. Không cho chúng tôi không có

14. Cả quanh năm chúng tôi hết đi lại về

15. Sáng ra chúng tôi hết về lại đi

16. Lúa nương chết héo như phoi tre

17. Ốc ở ruộng chết khô

18. Men rượu trên gác bếp ám khói

19. Củ trong hố chết oi

20. Trai già chết thèm cá

21. Trai ruộng chết thèm con bã trầu, con niểng

22. Con muộn xin nước trời

23. Con út xin nước mưa

24. Xin nước mưa xuống làm ruộng mạ

25. Xin nước trời xuống làm ruộng lớn

26. Cày ruộng mùa cũng cày để không

27. Làm đất mạ cũng làm để đấy

28. Xin cho hạt mưa bằng quả coọc

29. Xin cho hạt sương bằng quả muổi

30. Suối dù nhỏ vẫn ngập nước đỏ

31. Suối nhánh nhỏ cũng có nước dâng

32. Vịt con tim ăn trên nóc nhà

33. Đi ruộng gặp trời mưa rào

34. Đi suối gặp lũ nước đỏ

35. Về nhà cá chày đẻ chân thang

36. Cá chép đẻ trước cửa sổ

37. Cá sám nhảy giã cho lợn ăn

38. Bác gái nhà trên phơi chăn tơ

39. Bác gái nhà dưới phơi chăn trời mưa

40. Mây kéo về, mưa dầm cũng về!

          Người chủ nhà, thường là phụ nữ đem gói lễ vật đã để sẵn: Rau chua me đất, ớt, muối, cơm, hạt bông, vừng, tỏi, lúa mạch đem ra chân thang đưa cho đoàn xin lễ và nói:

          - Ngày cúng chủ nước chủ sông, tôi có chút lễ bằng rau, bằng cỏ xin để cầu mưa (ơ ừ mí nứ mí xứ hau xến xó phốn chẩu nắm chẩu văng. Khỏi mi nói phắc nhả au ma xến xó phốn).

          - Cám ơn nhé chủ nhà này (ơn giơ chẩu hươn ní) Bà góa đáp lời.

 

Khoam ơn

1. Ơn giơ chẩu hươn ní

2. Xú mi lục chết xai

3. Xú mi khoai chết xư

4. Xoóng xư mi kháu ả

5. Hả xư mi kháu lém

6. Kháu lém pan đưa cay

7. Mè khoai đon oóc lục kháu khăm

8. Mè khoai đăm oóc lục kháu kẻo

9. Sáng hay na kin khảu

10. Tin đay oóc bo pa

11. Khăn ma oóc ba khảu

12. Cỏn sảu oóc bo khăm khéo

13. Thênh húa chôn ngân đỉnh

14. Coỏng hỉnh chôn háy khanh

15. Coỏng làng chôn khỉ khoai

16. Pai sàn chôn khỉ mán

17. Coỏng làng són hang mú

18. Pa tết phặt tin đay

19. Pa nay phặt nả tang

20. Pa giảng háo ma pơn

21. Pay thà đảy xay pết

22. Túc pết đẩy ngân đăm

23. Đẩy khăm đanh khó xú

24. Du tang nghĩa khái khẩu

25. Du pạc lau khăm điêng

26. Du pạc lau an khóng

27. Tu ắt mi ngân kẻo

28. Tu ẻo mi ngân khắu

29. Xắng khó chẩu hươn ní

30. Ơn giơ chẩu hươn ní.

 

Lời cám ơn

1. Ơn nhé chủ nhà này

2. Người có bảy con trai

3. Người có bảy con trâu cái

4. Hai con có sừng ngà

5. Năm con có sừng nhọn

6. Sừng nhọn như cựa gà

7. Trâu trắng cái đẻ con sừng vàng

8. Trâu đen cái đẻ con sừng bạc

9. Khéo làm ruộng ăn cơm

10. Chân thang ra mó cá

11. Bờ ruộng ra mó lúa

12. Vua bếp ra mỏ vàng xanh

13. Phía đầu sàn ngập bạc thỏi

14. Gầm chạn dầy chum vại

15. Gầm sàn đầy cứt tằm

16. Cuối sàn đầy cứt tằm

17. Gầm sàn đầy máng lợn

18. Cá chày đẻ chân thang

19. Cá chép đẻ cửa sổ

20. Cá khô phơi đầy cót

21. Ra bến được trứng vịt

22. Câu cá được đồng đen

23. Đi câu được vàng đỏ

24. Ở cửa kho bán gạo

25. Ở miệng kho cầm cân

26. Ở miệng kho lấy của

27. Cửa chính có bạc nén

28. Cửa phụ có tiền đúc

29. Tất cả chủ nhà này

30. Cám ơn chủ nhà nhé.

          Lời cám ơn vừa dứt, chủ nhà đột ngột té nước gạo lên đoàn người. Đoàn người ù té chạy sang nhà khác, miệng kêu:

          - Trời mưa đi, mưa dầm về đi (Phả ma giơ, phốn lin ma giơ)

          Họ chạy nhanh nhưng vẫn giữ đội hình, vẫn luôn miệng kêu: Mưa dầm về đi (Phốn lin ma giơ) để thách thức chủ nhà té nước nhiều hơn. Hết nước gạo, họ lấy cả nước lã đứng trên sàn dùng tay té xuống, giống như những hạt mưa (Không đổ cả chậu). Đoàn người đến nhà khác thì chủ nhà cũ dừng té nước và việc xin lễ nhà thứ nhất coi như đã kết thúc.

          Đến nhà tiếp theo, bà góa lại đọc lời xin lễ vật, cảnh tượng cũ lại tiếp tục diễn ra, càng ngày càng sôi nổi. Các lễ vật xin được xếp vào sọt khiêng đi theo, còn chiêng, trống, thuồng luồng vẫn để ở nhà tạo bản. Khi đoàn người xin nếu bản quá đông thì chỉ xin khoảng 10 - 15 nhà, còn lại chủ nhà tự mang lễ vật đến đặt vào sọt của đoàn đi xin và họ cũng mang sẵn một chậu nước để té vào đoàn người đi xin, một số nhà tự mang lễ đến cho già bản sắp xếp. Tất cả các gia đình đểu góp đủ lễ vật, nhà nào cũng được cho và nhà nào cũng được té nước, ai cũng vui coi như đã có phúc có lộc. Nhưng khi đoàn người đến nhà có người chửa hoang thì mọi người trong nhà không có quyền cho lễ và không có quyền té nước. Trong đoàn có người chửi lên thậm tệ và họ cho rằng ông trời ghét người chửa hoang nên không cho mưa và cũng thương xót cho đứa bé ra đời sẽ không có bố, không ai làm nhà cho ở, không có nơi nương tựa vững chắc.

 

Lời chửi người chửa hoang

1. Á à á phà ơi!

2. Chẩu văng nắm văng cha

3. Chẩu văng cha văng phái

4. Phiêng Ngược du xai văn

5. Phiêng Ngu du cuông thẳm

6. Nha phăng koam cay cỏm

7. Ma đây?

8. Cay cỏm bồ mi háng

9. Man thang bồ mi phò

10. Xíp phò nhăng pay khá

11. Hả phò du non hươn

12. Phò nửng khửn đay xia

13. Phò nửng khửn đay quản

14. Phò nửng khửn ắt ẻo

15. Phò nửng nhăng non đai

16. Xú chẩu nắm chẩu văng

17. Nha phăng măn pương bẻn

18. Măn ỉn xú xỉn khạt thang máy

19. Xai phăng măn pương bẻn

20. Mặc căn nằng thiếng hày

21. Lộc pay khó hê bai

22. Lặc mặc căn pha tép

23. Lặc mặc căn cỏm pha lai

24. Mi lục nhinh lục xai

25. Lục xắng bồ mi ải

26. Te xáo boóc bồ phăng

27. Khôn têm mường ma boóc

28. Bồ mi nhớ pánh chẩu

29. Xơ ní t ai mua phá bôn

30. Xáo pên mè phá lánh

31. Pảnh du xà huôm khoăn

32. Măn du khúm tai ẩu

33. Bao thẩu tại dạc pa

34. Bao na tai dạc niểu

35. Nha phăng khoam muột man thang

36. Man tang bồ mi phò

37. Chắc bẻn co phớ lau

38. Chắc khuây pau phớ xục

39. Chảu văng nắm văng cha

40. Nha phăng khoam cay cỏm

41. Nha phăng khoam muột man thang

42. Ma đảy!

 

Lời dịch

1. Á à á trời ơi!

2. Chủ của nước của sông

3. Chủ bến to bến bé

4. Bãi rồng có cát mịn

5. Bãi rắn ở trong hàng

6. Chớ nghe lời gà cụt

7. Nhớ đấy!

8. Gà cụt k có đuôi

9. Chửa hoang không có đực

10. Mười đực còn đi đường

11. Năm đực ngủ nhà đợi

12. Một đực lên thang rộng

13. Một đực lên thang hẹp

14. Một đực lên ngủ nhiều

15. Ngài chủ nước chủ sông

16. Chớ nghe đứa chửa hoang

17. Nó rách váy đường chỉ

18. Trai nghe nó tốn cặc

19. Nó thích nhau lều nương

20. Lối đi còn chưa cào

21. Trộm thích trong chăn lép

22. Trộm thích trong chăn nhọ

23. Có con gái con trai

24. Con nào cũng không bố

25. Ngày nhỏ dạy không nghe

26. Người đầy mường về bảo

27. Chẳng có ai quý mình

28. Bây giờ mất mùa trời hạn

29. Gái thành bà già khô

30. Men trên gác bếp ám khói

31. Củ trong hố chết oi

32. Trai già chết thèm cá

33. Trai ruộng chết thèm con bã trầu

34. Chớ nghe đứa chửa hoang

35. Chửa hoang không có đực

36. Chẳng biết cặc ai chơi

37. Không biết cặc ai cắm

38. Ngài chủ nước chủ sông

39. Chớ nghe lời gà cụt

40. Đấy nhé?

          Người Thái từ xa xưa, cha mẹ rất quan tâm giáo dục con cái trong hôn nhân, theo tục lệ không có sự ép buộc. Đến tuổi trường thành, người con trai có thể mang khèn bè đi đến gầm sàn nhà cô gái thổi gọi cô gái ra sàn nhà để ngồi chơi nói chuyện. Chàng trai nào không biết thổi khèn thì có thể dùng que chọc sàn chỗ cô gái nằm, báo cho cô gái biết mình đã tới. Nếu họ ưng nhau thì cô gái đem xa ra sàn quay sợi, đem giỏ chỉ ra để thêu khăn, nói chuyện tìm hiểu. Khi đã nhất trí hai họ làm lễ cưới cho họ nên vợ nên chồng. Họ không có quan hệ tình dục trước lễ cưới, nên ai chửa hoang thì cả nhà, cả họ bị dư luận chê cười và họ còn quan niệm do có người chửa hoang nên  trời ghét không cho mưa, làm cho hạn hán, dân bản sẽ bị mất mùa, đói khổ … nên trong lễ cầu mưa người chửa hoang bị chửi thậm tệ. Do đó cha mẹ anh em có trách nhiệm giáo dục con gái rất tốt, bản thân người con gái phải giữ gìn đức hạnh, nếu không, không những bị người đời chê trách mà còn làm cho thuồng luồng, thần linh nổi giận làm ra hạn hán, cho dân đói khổ (Nếu không tìm được người phụ nữ chửa hoang thì họ sẽ đánh vào gốc cây và chửi như chửi người phụ nữ chửa hoang).

          Sau khi đã xin được lễ vật, cảm ơn những gia đình trong bản, xử lý gia đình có con chửa hoang. Đoàn người trở lại nhà Tạo bản tổ chức rước thuồng luồng, lễ vật ra suối cúng.

- Lễ rước thuồng luồng (Tô ngược)

          Đoàn người xin lễ kết thúc phần xin lễ, trở lại nhà tạo bản. Các già bản đã chuẩn bị kiệu rước chu đáo. Một hồi trống của Tạo bản vang lên, báo hiệu lễ rước bắt đầu, ai vào việc nấy. Người trong đoàn xin lễ ổn định đội hình như cũ, bà góa đi đầu, rồi đến các sọt đựng lễ vật, tiếp đến là trống, chiêng và các thành viên còn lại, sau cùng là dân bản, trẻ con đi xem hội.

          Ngoài bãi tắm (Bon thà ạp), các già bản và một số người đã dọn sạch bãi cúng và nơi vui chơi. Trải cành lá thì ở chỗ cao ráo, bon xúng ở đây có một bộ chiêng trống cũng nổi lên rộn rã. Tại nhà Tạo abrn, sau hồi trống của Tạo bản vang lên, tạo trao lại dùi trống (khón  ty) cho một già bản (tượng trưng cho việc giao quyền điều hành). Gìa bản nhận dùi trống và đánh chiêng trống lên một hồi. Tốp khiêng kiệu nhấc kiệu lên và đi lên đầu đoàn, tiếp đến là một số già bản. Một số già bản và tạo bản đi bên ngoài hàng chỉ đạo đoàn rước riêng người chỉ huy đoàn đi bên kiệu chỉ huy những người rước kiệu đi sao cho thăng bằng. Nếu thăng bằng tốt sẽ thưởng rượu, lúc đổi nhau chẳng may bị rơi là bị phạt vạ (Bằng tiền bạc hoặc lợn để cúng). Làm như vật để tăng thêm uy linh của vị thần được rước và nhắc nhở mọi người trong đoàn có ý thức trong buổi lễ. Bà góa đi ngay sau kiệu, luôn đội nón và đọc lời cầu xin mưa. Tiếp theo tốp khiêng lễ vật là tốp khiêng trống, chiêng và nạo bạt, lúc này đã được già bản trao cho dùi trống nên tốp này có quyền vừa đi vừa đánh trống chiêng, nạo bạt vừa múa theo điệu trống chiêng cho vui. Số người còn lại đi sau đoàn đội nón và múa theo nhịp trống hoặc nhảy xòe theo đoàn đi ra bãi tắm. Từ trẻ em đến người già ai cũng tự nghĩ ra một kiểu vừa đi vừa múa xòe, nhảy múa rộn ràng không theo một thể thức nào nhất định, cuộc rước thật là náo nhiệt, vui nhộn.

          Tuy cuộc rước thật là náo nhiệt, vui vẻ nhưng cũng không thể kéo quá dài và phải đến bãi tắm đúng giờ (giờ thìn). Đến bãi tắm tốp khiêng chiêng trống trao lại dùi trống cho Tạo bản. Một hồi trống vang lên, các loại chiêng trống và mọi trò nhảy múa đều dừng lại, im lặng. Trống báo hiệu cầu mưa bắt đầu. Tốp người khiêng kiệu đặt kiệu lên phía trên cao nhất của bãi cây thì (Co sáy) đã trải, đầu thuồng luồng quay xuống suối. Tốp khiêng sọt lễ vật bày hết lễ vật ra bãi cây thì, 5 gói cá hấp, 5 gói cá nướng bày lên bàn. Mọi người lui ra khu vực hành lễ. Bà góa quỳ trước lễ vật, đầu đội khăn ngồi trên ghế mây đã đặt sẵn, mọi người vòng ngoài ngồi xuống, một số ông bà già quỳ.

          Bà góa bắt đầu đọc lời cúng, hai bà quan lẩu rót 2 chén rượu đưa lên mâm cúng, sau đó rót thêm chén thứ 3 vơi hơn (bằng một nửa chén đầu) đưa cho bà góa, bà góa vừa đọc lời cúng, vừa đưa chén rượu lên mời thuồng luồng rồi bà góa được phép uống chén rượu đó. Quan lẩu lại rót tiếp 3 chén rượu (Bằng 1/3 chén rượu ban đầu) bà góa cúng mời thần linh xong, bà thưởng cho Tạo bản một chén, 2 quan lẩu 2 chén. Những người được thưởng rượu đưa chén rượu bằng cả hai tay lên phía trước, rồi một tay đưa lên che miệng, một tay đưa chén rượu vào miệng uống từ từ cho thật cạn chén rượu, úp chén trả lại cho quan lẩu. Làm như vậy thể hiện thần (Thuồng luồng) đã thương người, người kính cẩn dâng lễ vật và xin thần linh mưa xuống cho người Thái cho mùa màng tươi tốt. Thông qua bà góa giao tiếp với thần. Người Thái quan niệm rằng: Ai là người có hoàn cảnh khó khăn mà giữ được đạo đức, giữ được tập tục của người Thái, thì trời (Then) và các thần linh và Thuồng luồng (Tô ngược) thương hơn nên lời thỉnh cầu của họ có hiệu lực hơn. Cho nên người đàn bà góa sau khi chồng chêt, một lòng thờ chồng, nuôi con, được họ hàng, dòng tộc quý mến thì người đó hay làm thầy cúng. Hoặc người có chồng nhưng có lòng thiện tâm, mới làm được Thầy cúng (Xến thay). Khi cúng không có sáo, khèn, bài cúng là bài truyền miệng. Sau này những người đàn ông cũng đã học cúng từ những bà góa và những bài cúng ở Lào du nhập vào vùng Chiềng Hặc cũng như các vùng lân cận gọi là cúng Lào (Xến Lao) có khèn, có sáo. Nhưng cúng cầu mưa vẫn do những người đàn bà góa cúng, do lời cúng truyền miệng nên những lời cúng cầu mưa do bà góa hành lễ không cầu kỳ, không có sách ghi chép nhưng đều được truyền miệng qua nhiều đời nhằm mục đích nói lên hiện tượng hạn hán, xin trời mưa và cầu mong thần linh chớ nghe kẻ xấu hại người lương thiện (cay cỏm man thang), răn dạy con người ăn ở đức hạnh, không vi phạm những lễ giáo truyền thống.

 

Xến xó phốn

1. Á à á

2. Mứ ní mứ xi

3. Mư ní mứ đả

4. Muột phú muột thay bản

5. Te dơ hiệc Na Nga

6. Ma thà xến xó phốn

7. Xến chẩu nắm chẩu văng

8. Chẩu văng nắm năng thà

9. Chẩu văng cha văng phái

10. Phiêng Ngược du văn xai

11. Phiêng nga du cuông thẳm

12. Xăm nắm du xai văn

13. Ma kin phan du hẳn

14. Ma kin phắc xổm xiểm

15. Ma kin phắc kin khẩu

16. Kin pa mốc pa mọc

17. Ma kin phắc kin nhả

18. Chẩu văng nắm văng thà

19. Chẩu văng cha văng phái

20. Kin khẩu khó kin lái

21. Kin ngai khó kin ỉn

22. Nha phăng khoam cay cỏm

23. E đây !!!

24. Cay cỏm bồ mi háng

25. Man thang bồ mi phò

26. Xíp phò nhăng pay khá

27. Hải phò du non hươn

28. Phò nửng khửn đay xỉa

29. Phò nửng khửn đay quản

30. Phò nửng khửn ắt eo

31. Phò nửng khửn non đai

32. Á à á

33. Xú chẩu nắm chẩu văng

34. Nha phăng muột man thang

35. Măn ỉn xú xỉn khạt thang máy

36. Muột phú muột thay bản

37. Te đơ hiệc Na nga

38. Phú dệt hày dệt na

39. Á à á xơ ní

40. Khẩu du hày tai phói

41. Hói du na tai lánh

42. Pảnh du xà huôm khoăn

43. Mãn du khúm tai ẩu

44. Muột phú muột mải đả

45. Muột phú muột bao na

46. Lục lun xó nắm phá

47. Lục lả xó nắm phốn

48. Xó nắm phốn lông háy ta cả

49. Xó nắm phá lông háy na non

50. Xó nắm phốn thò nuôi mặc coọc

51. Xó mịt moọc thò nuôi mặc muổi

52. Huổi nắm nói hở thum noong đanh

53. Ma hươn pa tết phặt tin đay

54. Pa nay phặt nả tang

55. Pa giảng háo ma pơn cưa mú

56. Xó mịt phốn têm bung lai ả

57. Hở têm xá lai thì xám ăm

58. Ngân đăm láy ma chẩu

59. Khẩu nắm láy ma nghia

60. Xó thanh ha phốn lin

61. Kháy tu mọc Mường Bồn

32. Hở E Then ơi!

63. Kháy tu mọc Mường Bồn

64. Hở E Then ơi!

65. Kháy tu mả tu khẩu

66. Phốn lông hở E Then ơi!

 

Lời cúng cầu mưa

1. Á à á (tiếng đệm)

2. Ngày nay ngày Rồng

3. Ngày nay ngày tốt

4. Chúng tôi người của bản

5. Xưa nay gọi Na Ngà

6. Về bến cúng cầu mưa

7. Cúng chủ nước chủ sông

8. Chủ của sông của suối

9. Chủ bến to bến bé

10. Bãi rồng ở cát mịn

11. Bãi rắn ở trong hang

12. Cây xắm nước sỏi nhỏ

13. Về ăn bàn ở đấy

14. Có cả rau chua xiểm

15. Về ăn rau ăn cơm

16. Ăn cá nướng cá băm

17. Về ăn rau ăn cỏ

18. Chủ của nước của bến

19. Chủ bến to bến bé

20. Ăn cơm hãy ăn nhiều

21. Ăn trưa hãy ăn chơi

22. Chớ nghe lời gà cụt

23. Đấy nhé !!!

24. Gà cụt không có đuôi

25. Chửa hoang không có đực

26. Mười đực còn đi đường

27. Năm đực ở nhà ngủ

28. Một đực lên thang rộng

29. Một đực lên thang hẹp

30. Một đực trèo rủ rê

31. Một đực lên ngủ nhiều

32. Á à á

33. Ngài chủ nước chủ sông

34. Chớ nghe đứa chửa hoang

35. Nó rách váy đường chỉ

36. Chúng tôi người của bản

37. Xa xưa gọi Na Ngà

38. Chúng tôi làm ruộng nương

39. Á à á bây giờ

40. Lúa nương chết héo như phoi tre

41. Ốc ở ruộng chết khô

42. Men rượu gác bếp ám khói

43. Củ trong hố chết thối

44. Chúng tôi người góa lành

45. Chúng tôi người trai ruộng

46. Con muộn xin nước trời

47. Con út xin nước mưa

48. Xin nước mưa xuống cày ruộng mạ

49. Xin nước trời xuống cày ruộng lớn

50. Xin nước mưa bằng quả coọc

51. Xin hạt sương bằng quả muổi

52. Suối dù nhỏ cũng đầy nước đỏ

53. Về nhà cá chày đẻ chân thang

54. Cá chép để cửa sổ

55. Cá khô giã cho lợn ăn

56. Xin hạt mưa đầy bung tận cạp

57. Cho đầy rổ rau đan thưa

58. Tiền đồng đen trôi về với chủ

59. Gạo nước cũng trôi về

60. Xin cả cơn mưa dầm

61. Mở cửa sương trên trời

62. Cho nhé trời ơi!

63. Mở cửa giàu có vào

64. Mưa xuống cho nhé trời ơi!

 

          Trong lúc Bà Góa vẫn đang cúng thì 12 chàng trai chưa vợ, có tư cách tốt mặc quần dài, cởi trần: 12 cô gái chưa chồng, có đạo đức tốt mặc váy đen cạp  váy cao lên tận nách, không mặc áo. Các chàng trai đứng thành 2 hàng ngoài chỗ suối sâu, các cô gái đứng gần bờ cách xa nhau 2m để chuẩn bị thả thuồng luồng và thức ăn xuống suối. Khi bài cúng đã hết, bà góa dùng 2 thanh tre tươi chẻ rộng 2cm, dài 15cm, dầy 1cm, chỉ lấy phần cật để xin âm dương (tốc phạch). Bà xin với thuồng luồng: Ngày tốt xin lễ vật về cúng cầu mưa, chủ nước chủ sông thương người Thái cho mưa rào, xin cho hai thanh tre có cật lên (Chá á, mư ní mứ xi khỏi xó phắc xổm xiểm xó phốn, xú chẩu nắm chẩu văng êu đu muột khỏi hở phốn, xoóng xiểm pên piu nớ). Sau khi xin được bà đứng lên nói: - Trời đã mưa, mưa dầm dã về (Phả ma giơ, phốn lin ma giơ)

          Già bản cùng các nam thanh niên khiêng kiệu thuồng luồng trao cho 12 chàng thanh niên đang sợi sẵn dưới suối. Bà góa và những người phụ nữ chuyển lễ vật cho các cô gái đang đứng dưới nước, lễ vật đưa cho các cô gái đã đủ, bà góa ngửa chiếc ghế mây của mình lên thể hiện việc cúng đã kết thúc và hô lớn: Mưa dầm về rồi (Phốn lin ma giơ).

          Các chàng trai hạ kiệu thuồng luồng xuống, rời tay cho thuồng luồng chìm xuống, đầu thuồng luồng xuôi theo dòng nước chảy. Các cô gái thả thức ăn theo thuồng luồng. Bà góa lại reo lên: Mưa dầm về rồi (Phốn lin ma giơ). Người cầm trống dóng lên một hồi như tiếng sấm ầm ầm. Người gõ chiêng gõ vang như tiếng sét ùng oàng. Người cầm hạt bông vung lên trời rơi xuống tượng trưng cho mưa đá. Các chàng trai và các cô gái dưới suối té nước vào nhau sau đó té người trên bờ, chiêng trống nổi lên. Ông già, bà lão không té được nước thì hô lên mơ ước của mình: Mưa dầm về rồi (Phốn lin ma giơ) và ném lá thì, hạt bông xuống nước. Trận té nước sôi nổi, náo động, hầu như ai cũng xuống nước té người khác để người khác té mình. Ai ướt sũng coi là may, nương rẫy, mùa màng sẽ tươi tốt. Những cô gái và những chàng trai thả thuồng luồng và thức ăn xong, họ vây thành 2 vòng, cứ 1 nam lại đến 1 nữ thi nhau vụm hai tay lại vỗ xuống nước, có tiếng vỗ vang xa gọi là thum nắm, biểu hiện như tiếng sấm, tiếng sét khi trời mưa. Tiếng vỗ tay vào nước tiễn thuồng luồng về sông về suối một cách hoan hỉ. Rồi họ đột ngột té nước lại với nhau, giải tán vòng tròn, từng đôi nam nữ té nước vào nhau, tiếng khoát nước, tiếng cười, tiếng nói ầm vang cả một đoạn suối. Khi mọi người đã ướt, thời gian đã muộn, các già bản cảm ơn bà góa, thưởng cho bà góa một chai rượu, một ít thịt và một đồng tiền nhỏ. Bà góa mang chiếc ghế của mình về và coi như phần lễ đã xong. Số thức ăn còn lại một phần thả xuống suối, một phần họ tranh nhau ăn, ai cũng cố tranh được một chút coi như là lộc để mong muốn sự may mắn. Khi bà góa đã cúng xong, mọi người ra tổ chức trò chơi Bịt mắt đánh trống (ốt ta ti công) ngay tại bãi tắm.

          Cách chơi: Trước dàn chiêng trống để hai bộ váy áo cũ, thắt lưng cũ, khăn piêu cũ để những người tham gia trò chơi cải trang thành phụ nữ. Ngoài ra còn để 1 số thắt lưng, áo thừa để cho người cải trang độn ngực.

          Bắt đầu chơi, người chủ trò cầm dùi chiêng và trốn (cả hai thứ) vừa múa làm mẫu, vừa đánh trống, chiêng (tay trái đánh chiêng, tay phải đánh trống) theo nhịp trống xòe, 3 thanh niên nhày vào vừa xòe, vừa nhặt váy áo, khăn piêu để thay từng thứ một, nhưng luôn phải nhảy xòe, tranh nhau, phải nhanh tay không người khác lấy mất. Họ mặc váy, áo, đội khăn piêu, vì cần phải nhanh không để người khác lấy mất nên ai cũng mặc xộc sệch, họ còn dùng khăn áo thừa, dự trữ trong cuộc chơi để độn vào ngực hay vú, do vội nên bên to bên bé, bên cao, bên thấp, cuộc chơi diễn ra làm những người xung quanh cười chảy cả nước mắt. Trong 3 người, người nào tranh được ít váy áo nhất thì phải trả cho hai người kia cho đủ trang phục. Trong hai người thắng, ai xong trước thì chủ trò bịt mắt trước và trao dùi trống chiêng, người này vừa nhảy vừa mò vào tìm dàn trống chiêng, vừa đánh trống chiêng vừa nhảy múa (không được đứng im). Người còn lại cũng được bịt mắt, nhảy múa vào tìm chộp lấy dùi trống chiêng (Không được ôm người đang đánh, chỉ được nghe tiếng trống chiêng mà chộp dùi). Người chơi có hình dáng cô gái xộc xệch, luộm thuộm do con trai đóng giả, họ cố ý tạo ra những tình huống gây cười và phê phán những cô gái luộm thuộm như: Lắc vú, rơi vú, nhổ lông nách, múa theo kiểu tắm truồng (cuộn váy tượng trưng để trên đầu), tay vớt nước (tượng trưng) xoa chỗ này, chỗ nọ để gây cười. Khi người thứ hai đã chộp đúng dùi chiêng trống thì người đánh phải trao và người chơi đổi chỗ cho nhau. Người cổ vũ cười chảy cả nước mắt. Khi hai người chơi đã đổi chỗ cho nhau. Người cổ vũ cười chảy cả nước mắt. Khi hai người chơi đã đổi chỗ cho nhau, chủ trò lên tiếng hát bài "Inh lả ơi" cả đám chơi hát phụ họa:

Inh là ơi! Sao noọng ơi!

Chúng ta là người Thái núi rừng

Cùng nắm tay xòe hoa vui cười

Inh lả ơi! Sao noọng ơi!...

          Trò chơi kêt thúc bằng hai người làm hề bỏ bịt mắt, mọi người vây thành vòng xòe, vừa xòe vừa hát "Inh lả ơi"

          Tùy theo thời gian, trò chơi bịt mắt đánh trống còn được tiếp diễn trên đường về bản, các nam thanh niên thay nhau đóng giả. Tiếng cười, tiếng hát vô cùng náo nhiệt, trò chơi và sự cổ vũ xóa đi bao nỗi nhọc nhằn và từ trò chơi này dân bản cũng xóa luôn thành kiến đối với người chửa hoang, từ lúc này trở đi người chửa hoang và gia đình có phận sự phải hòa nhập vào cuộc vui nếu không sẽ bị chê trách lâu dài.

          Sau trò chơi bịt mắt đánh trống, mọi người về bản, ăn cơm cả bản, do một số người đã chuẩn bị sẵn ở bản tại một nhà già bản rộng rãi và sạch sẽ.

          Bữa cỗ trưa ngày lễ hội được chọn toàn người làm ăn giỏi để chế biến các món ăn, bữa cỗ này cũng như cuộc thi nấu ăn, phần lớn con trai làm cỗ là chính, phụ nữ chăm lo rượu cần, các món rau, xôi cơm. Trong bữa cỗ thường có các món ăn truyền thống: cá nướng gập, thịt băm hấp, thịt lợn luộc, tiết canh, lòng lợn, thịt nướng, xôi, pịa, muối ớt… Canh thường nấu canh nguồn (Một loại cây như cây chuối, không có quả, trồng bằng hạt) ăn rất bùi, nấu với nước thịt hoặc thịt mỡ. Các loại rau sống: Lá nhội, đu đủ non, rau thơm…các mâm trải lá chuối nhưng được bày biện đẹp, cơm xôi cũng gói trong lá chuối. Trong khi chế biến cỗ, chỉ làm ở trên nhà sàn, không làm dưới gầm sàn và chân cầu thang như khi trong nhà có người chế. Người Thái Nà Ngà kho có cỗ không phải ai mời cũng được và mời thế nào cũng được mà phải do một già bản có bài mời, gần như một bài thơ, vừa mời vừa chúc, có lời đáp chúc cũng là thơ, tiếp theo phụ nữ có lời hát mời rượu. Các mâm cỗ được bày và ngồi theo thứ bậc: Người cao tuổi, dòng họ trên, có chức vị được ngồi đệm phía trên (Nả tảng). Người bề dưới, ít tuổi ngồi bên dưới. Nếu đang ngồi uống rượu có người đến cứ ngồi thêm vào cứ ngồi 9 người một mâm, không thêm thức ăn,chỉ cần thêm bát, đũa, chén. Người Thái có câu: Chín lần dịch, 9 người ngồi cùng (Cẩu thừa sặt, cảu khôn năng đom), thể hiện sự đoàn kết, thân mật. Khi ăn mọi người thường không bao giờ ăn cùng một lúc, con cháu phục vụ, nhất là những cô gái son trẻ tiếp thêm cơm, canh mặc dù trong mâm vẫn còn và phải quỳ đưa thức ăn vào tiếp. Ngược lại những người cao tuổi ăn xong không về ngay mà phải đợi người phục vụ được ăn mới ra về.

          Ăn cơm xong, buổi chiều mọi người đến một nhà già bản tổ chức uống rượu cần bói số (Lẩu thành khon)

          Cách chơi: Chủ nhà có một chum rượu cần to, ngon, mời mọi người đến uống và bói. Khi mọi người đến đông đủ, chủ nhà mang chum rượu ra giữa nhà mở, cắm vào một cần cho một người uống một lúc, 4 cần cho 4 người uống một lúc. Bên cạnh chum có rượu có một chậu nước múc ở mạch đùn lên (nặm bó) và một dụng cụ dùng để đong: 1 gáo, 1 sừng trâu (khau khoai) chuyên dùng để uống rượu cần. Chủ nhà hút ra một chén đặt ở bàn thờ gia tiên, mời gia tiên uống rồi trở lại chum rượu. Mọi người vây xung quanh, cuộc chơi bắt đầu, sau khi mời già làng, Tạo bản uống trước, lớp trẻ uống sau, sau đó người ta đổ nước đầy miệng chum, lấy một cái đóm, bẻ lấy một đoạn khoảng 6cm, gọi là thuyền rượu (Hưa lẩu), bẻ gập lại thành góc vuông đặt vào miệng chum rượu (1 cần, 1 thuyền rượu, 4 cần, 4 thuyền rượu) đặt ở vị trí nửa trong nửa ngoài miệng chum tượng trưng cho thuyền, nửa đứng thẳng tượng trưng cho buồm. Người được uống cầm lấy cần, quy định cần và thuyền rượu cho từng người. Người rót nước mạch vào chum cho người bói uống chính là trọng tài (coóng lẩu). Nước lọc ngấm xuống chum, hòa quyện với chất rượu đậm đặc trong chum thành một nồng độ rượu vừa phải, vừa đắng, vừa ngon. Một người bên ngoài đọc bài bói cho người bói uống. Mục đích của trò chơi là nếu uống cạn rượu so với miệng chum thì thuyền rượu ở miệng chum rơi ra hoặc rơi vào trong chum. Nếu thuyền rượu đổ khi người độc đến câu bói mà tốt thì số người đó tốt, chẳng may vào cây xấu thì có sự rủi ro, chưa tốt. Những câu bói này chỉ mang tính chất chung chung, gợi mở hoặc ý lập lờ để người uống bị đổ thuyền rượu (Hưa lẩu tốc) ở câu nào thì người trọng tài (coóng lẩu) nhận định, đánh giá (tán quẻ) theo ý của câu bói đó.

          Khi uống, người gặp câu bói tốt lại muốn tốt nữa, người gặp phải câu bói xấu muốn tốt hơn nên ai cũng hào hứng, tranh nhau uống, cuộc vui như bất tận.

 

Bài bói

Háy lẩu ní khăm phài

Ngua khoai ní phớ khả

Hưa lẩu ca phá láy lông

Phắn hén đẩy đét khánh xơ xai

Cai hặp nắm tốc thà đin khoén

Xá ủm phục ma há

Xá ủm pha ma xu

Bản ưn xáo mi mua

Bít boóc bua khòi khắn

Pẳm máy nha hắc cang

Nhớn đẩy chăng pên khún

Nhớn đẩy chăng pên quan

Xứ xán tẻm tô nham tô háng

Du pác tang khang khong

Noóng liếng ni pa vá

Lả thà mi pa canh

Lanh ngai mi khuộc khay

Cuông hươi mi xáo ham hanh xáng

Đẩy du háng đom mà phăn pi

Ít y há au lung ma xú

Ma xi nằng mú hín

Xín to xín bắc băm

Phí ta đăm ma khoén

Ẻm ném khoam cau thấng mương

Pít ít ương ma kiểu

Phí lục thằng ma thum

Bun lái mi lục xai phai đả

Mi lục bồ mi phả

Mi má bồ mi an

Xứ má quang ma khuy.

 

Lời dịch và tản

Chum rượu này không bỏ (cấm bỏ)

Bò trâu này ai giết (ai có vận may)

Thuyền rượu trên trời rơi xuống (vô tư với mọi người)

Mê thấy nắng to lúc trưa (Vận may về sau)

Đi gánh nước đến bến (cuộc sống còn khó khăn)

Bạn tình mang chăn đến

Bạn tình mang chiếu đến (Có nhiều người yêu)

Bản khác họ được mùa (Cần thay đổi ruộng nương)

Hái hoa sen nhẹ đỡ (Người thanh lịch)

Đẵn cây chớ gẫy giữa (Không thành công)

Phấn đấu thì lên chức (Cố gắng sẽ có chức có quyền)

Giữ được mới thành quan (giữ được có cơ hội làm quan)

Chữ nghĩa chữ dầy chữ thưa (học kém)

Ở cửa sổ ngóng trông (có vợ chồng còn có người yêu)

Ao nuôi có cá hoang (Được của được con)

Cuối bến có cá trôi (hạnh phúc về sau)

Cơm sáng, chiều có nòng nọc, có rêu (ăn uống tiết kiệm)

Trong nhà có gái tơ sức voi (có cón gái lớn)

Được ở với mẹ ngàn năm (cha mẹ thọ)

Biết mang bác về thăm (ở với chú bác)

Về cùng ngồi tảng đá (nhiều bạn)

Tiện ống tre không phẳng (không khéo tay)

Ma mắt đen về vây (có ma ám)

Hẹn tiếng to giúp bản (lời nói có trọng lượng)

Hoa ít ương về cuốn (có quý nhân phù trợ)

Con người khác về nuôi (có con nuôi)

Con đông vẫn có con út (lộc về già)

Có con thơ không có chăn (Nghèo nuôi con)

Có ngựa lại không yên (đời lận đận)

Mua ngựa loang về cưỡi (hay làm dáng)

          Trò chơi này dùng lời bói để châm chọc, để phê phán người xấu và nhắc nhở mọi người phải hướng thiện. Cuộc sống rượu bói vui vẻ, kéo dài, ai cũng muốn thử vận may bói phúc lộc. Trong trò chơi này người ta cũng mượn thần linh để giáo dục, bảo ban con người làm cho cuộc chơi vừa vui, vừa nghiêm túc, giải trí sau buổi lao động nặng nhọc hay vui chơi trong lễ hội.

          Sau cuộc vui uống rượu bói (lảu thành khon), các già bản phụ trách các việc của lễ hội đã đứng dậy thành hàng phía gian khách, Tạo bản đi về phía treo chiêng trống, cầm dùi trống gióng lên một hồi đĩnh đạc, các cuộc chơi tạm dừng, già trẻ, gái trai im lặng dồn vào trong nhà, ngồi xuống để nghe tạo bản, già bản nói lời căn dặn, những lời căn dặn của tạo bản có ý là:

          - Nhận định về việc tổ chức lễ hội năm nay: lễ hội năm nay được tổ chức tốt, mọi gia đình đều thực hiện tập tục tốt, mọi người được giao việc đều làm chu đáo.

          - Nhắc nhỏ mọi gia đình sắp tới trời sẽ có mưa nên phải kịp thời trồng lại những cây cối chết, thả thêm cá, nhắc nhở mọi gia đình phải giúp nhau con giống, cây giống để khôi phục lại mùa màng sau đợt nắng hạn.

          - Răn dạy chung cả bản: Phải giữ gìn tập quán truyền thống của người Thái mà cha ông để lại. Đừng ai vi phạm đạo đức, nề nếp gia phong, ăn ở, đi đứng đúng mực, gặp người phải chào, con trai con gái phải có bổn phận hiếu thảo với ông bà, cha mẹ.

          - Ngoài ra tạo bản và các già bản còn nhắc nhở một số sai sót trong lễ hội cũng như trong cuộc sống mà người trong bản còn mắc phải để cùng nhau rút kinh nghiệm (Nhưng không bao giờ hẹn lại lễ hội cầu mưa năm sau vì họ sợ sẽ bị hạn hán tiếp). Tạo bản dứt lời, các già bản đồng thanh: Lời ấy rồi, người bản ta nhớ nghe nhé (Khoam nắn mốm, thay bản hau khó hú phăng ấy đây)

          Tất cả già trẻ, trai gái trong bản đều trả lời: Vâng ạ (à, ừ ừ..).

          Lời nói ngắn gọn như một lời nguyền, lời thề quyết giữ gìn tập quán tốt đpẹ, vâng lời răn dạy của tạo bản và các già bản. Sau đó các bà trong bản báo cho nam nữ thanh niên và dân bản tối nay sẽ có hát ngồi mẹt (Khắp nang đổng) tổ chức ở nhà ai và mời tất cả mọi người tới dự vui chơi, ca hát.

          Ý nghĩa của cuộc vui hát ngồi mẹt (Khắp nang đổng) là từ một câu chuyện truyền thuyết: "Ngày xưa, có một nàng tiên tóc dài và thơm từ trời bay xuống, nàng đẹp quá nên có sự tranh giành, thôn tính lẫn nhau của các quan lại nên trời bắt về. Nàng đã xé vạt áo ném xuống cho người thân, vạt áo rơi xuống vùng ấy gọi là Mường Vạt (Yên Châu). Từ đó người Yên Châu quan niệm rằng: Nàng tiên ở trên trời cứ sáng trăng lại nhớ về Yên Châu nên người Yên Châu cũng như người Nà Ngà cứ vào đêm trăng và ngày hội lớn lại lấy mẹt ra cho một cô gái đẹp ngồi vào (tượng trưng cho chị hằng nga trên mặt trăng) mời nàng tiên xuống, nhập vào cô gái mà hát, mà giao tiếp với con cháu, người thân. Trong khi hát ngồi mẹt, người ta thường dùng hai cái muôi bằng vỏ quả bầu khô gõ vào nhau để gọi nàng tiên trên trời xuống hát cùng mình. Đây cũng là một hình thức nhớ về cội nguồn, củng cố tình đoàn kết anh em giữa các dân tộc (Theo truyền thuyết các dân tộc đều từ một quả bầu chui ra)".

          Cuộc vui hát ngồi mẹt được tiến hành như sau: Đến giờ, bà chủ sự đến sớm hơn mọi người và đứng ở đầu sàn, nếu thấy trăng bắt đầu nhô lên khỏi đỉnh núi, bà vụm tay lại đưa lên miệng làm loa gọi lớn: Hôm nay ngày tốt, xin trời và ma nhà mời mọi người về hát ngồi mẹt (Mi nứ mứ đả, xó phá xó phi hươn, mơi pí noọng ma khắp năng đổng). Thế là cả bản già trẻ, gái trai ai cũng lên tiếng: Vâng! Chúng tôi sẽ về ngay (ờ ừ! Chăng chỉ ma đọ).

          Khi mọi người đã tới đông đủ, bà chủ sự sẽ ố một bài hát dẫn dắt mời mọi người vào cuộc chơi và mời cô gái đã được chọn vào ngồi giữa mẹt ở sàn rộng đầu nhà. Mọi người ngồi xung quanh, vòng trong là nam nữ thanh niên sẽ hát đối đáp, vòng ngoài là những người trung niên, người già ngồi cổ vũ. Lời hát dẫn của bà chủ sự ngoài những câu mời còn mang ý nghĩa xin trời và ma nhà phù hộ cho đêm hát vui, nếu cô gái ưng ai, cho ai giải nhất trong đêm hát thì cái mẹt sẽ xoay, cô gái ngồi đối diện người đó (theo quan niệm của người Thái thì nàng tiên sẽ nhập hồn vào cô gái nên cô gái hát rất hay và khi cô gái đang hát say sưa thì nàng tiên sẽ tạo nên sức mạnh làm xoay cái mẹt đối diện với người con trai mà cô gái ưng ý). Cô gái được chọn làm gái ngồi mẹt phải là còn trẻ, chưa chồng, xinh đẹp nết na, tóc dài đen nhánh gội bằng cây xả, đinh hương thơm ngát, tấm thân tròn lẳn trong áo cóm, đầu đội chiếc piêu đẹp nhất… Cô gái ngồi ngửa mặt lên trời xin cho cô hát hay, đối giỏi thắng cuộc và tìm được người yêu, cô gái ngửa mặt lên trời xin cho cô hát hay, đối giỏi thắng cuộc và tìm được người yêu, cô gái ngửa mặt lên trời cũng là thể hiện sự vô tư, chưa có cảm tình, ý tứ với người con trai nào mà phải sau cuộc chơi, cô gái thuộc về ai do trời, nàng tiên xe duyên.

 

Lời dẫn hát ngồi mẹt

Họ ới, họ ơi! Ma nang đổng

Nha xông căn kim xủm

Mắc muông nha kin bươn hái

Ma ỉn xái bươn poong

Chẩu hươn ní đẩy hín lướng

Ngua khoai tang phướng đẩy hưng

Đẩy cai khựp nang lua

Lục pua phó ma ỉn

Ơi mè êm ơi!

Chẩu Văng Lùng ma phó

Khôn Mường Sáng ma họt

Bon cay ton nang đổng

Khôn Mường Vạt khôn xằn ma đọ

Khôn Mường Chăn khòi ắn ma ni

Ả du ca Mường Ngó khó ma

Mương Ngó bồ mi phớ họt

Ma ỉn xái bươn poong ma đọ

 

Lời dịch

Họ ơi, họ ơi! Về hát ngồi mẹt

Chớ cho nhau ăn quả chua

Quả xoài chớ ăn sáng trăng

Về chơi khuya tháng sáng

Chủ nhà này được đá vàng

Bò trâu các ngả nhìn về

Thi nhau hơn đứa em dâu

Con vua cũng về hát

Ơ bà mẹ ta ơi!

Chủ bản Văng Lùng về rồi

Người Mộc Châu về tới

Đất Cay ton (Chiềng Hặc) cô gái ngồi mẹt hát

Người Yên Châu người đẹp về rồi

Người Nghĩa Lộ từ từ đến

Cô tiên ở tận Mường Ngó cũng về

Mường Ngó chưa ai đến

Cũng về hát ngồi mẹt sáng trăng

Về chơi khuya tháng sáng về nhé.

          Sau lời dẫn của bà chủ sự, các chàng trai, cô gái đều cất tiếng hát, thường là những lời hát ca ngợi làng bản, ca ngợi người chăm chỉ nết na và các bài hát thường được sáng tác ngay tại chỗ, đôi khi các chàng trai cũng có chút riêng tư, sáng tác những câu hát tỏ tình:

"Tôi đi tìm hoa

Rung bông này vào người bản dưới

Rung bông nọ vào người bàn trên.."

          Trăng càng sáng tỏ, hội hát càng say xưa, hết chàng trai nọ đến cô gái kia họ thi nhau hát. Cô gái cũng hát đối lại say sưa cho tới khi gặp người ưng ý thì chiếc mẹt xoay và cô gái cũng hát về bản làng, về con người nhưng đôi lúc cũng có một chút tình riêng.

          Hội hát ngồi mẹt nồng nhiệt, ai cũng muốn hát, sao cho cô gái quay mặt về phía mình, hát với mình, mình là người may mắn hạnh phúc.

          Khi đã khuya, chủ nhà mở chum rượu cần thiết đãi mọi người. Tiếng chiêng trống nổi lên, vòng xòe hình thành, cô gái ngồi mẹt và bà chủ sự được chủ nhà mời uống rượu đầu tiên.

          Hát ngồi mẹt (Khắp nang đổng) là một hình thức hát giao duyên nhưng lại mang tính giáo dục tư cách đạo đức con người của người Thái vùng Yên Châu. Mượn yếu tố tâm linh để xoay mẹt (người ta quan niệm ai tốt thần mới xoay về phía mình) nhưng thực chất là cô gái ngồi mẹt tự xoay mẹt để tìm bạn tốt, tìm người yêu, tìm chồng.

 

Một số câu hát trong hội hát ngồi mẹt

Nam hát:

Noóng hặc ơi! Bươn hái xiểng phù khôn xai chỉ sao há khon

Bươn đao hùng phi phánh chỉ sao há khuông

Khuông lả nói hau du thán cang

Xai chỉ bau pí át mưa há còn nớ

Pau pi hặc lá mưa xaư, pau

Pi hảư siểng nói siếng muồn mưa cha

Phù khôn xai chỉ khiên thang xia lý lan khửn thang sam ly luôn

Xoóng hau hặc căn, noóng khó au xuông phiên lông pông

Xuông thông lông hạng xuồng khoáng lông phiên cang san

Khoan đẩy tửn pai ma ló quen du cuông thắm cay khẳm ma lăng phăus du hươn bươn xái

Mươi dàng nói lồng thồng xi puông mươi lống thắc xai kha pên piêng

Đao nạng phá ma liêng xón von

Mưa non lở qua đưa non mười sóng sợi hau

Au nắm ma đắp phai khén kháo xón xuông nang hau nha dơ noóng ơi!

Nữ hát:

Nhinh chi pản au nắm ma xuồn huồn noóng

Xơ ní nhinh chỉ au hóm cái xuốn me xuồm huồn hảư

Tứn lái đê, tứn hở mè cay cỏm ca phá ma tốc

Xuốn đin hau, na mươn hày na noóng lả hảư

Chưng mưng pay phì ơi bươn háy na phương

 

Dịch nghĩa:

Nam hát:

Em yêu ơi! Sáng trăng người Thái tìm về khuông chái

Nơi tâm tình có đống lửa soi

Bãi nhỏ nơi giữa bản là nơi trai thổi sáo

Đấy là nơi tiếng sáo pặp đi tìm

Tiếng nhỏ lên thang xia đi đi lại lại

Tiếng to lên thang quản lại lại đi đi

Hai ta yêu nhau lấy xa quay kéo sợi

Lấy xa quay đánh suốt vòng tơ

Tình yêu bắt đầu từ lời nói

Ở với nhau đến gà gáy mới về

Nằm mơ thấy trăng đã lặn, sương rơi xuống ruộng đồng

Rơi vào chân rui, rơi vào đầu đôi ta

Rơi cả vào giấc ngủ đêm khuya

Nhớ lấy nước về mà tắt lửa

Cất xa quay cho giấc ngủ ngon em ơi!

Nữ hát:

Tình em như gom nước về ao

Giờ em chỉ gom nhánh thơm về làm củ

Ghen tức, tức cho người lẳng cỏ từ trời rơi về

Vường đất ra, mà ruộng, nhà ao em út cho

Mong anh về cày ruộng vụ mùa sau

Nam hát:

Phì dạc tảu đoan nhinh thò đau pha xúng

Phaư tảư đoan lả thò phu xúng bể

Mè êm pẻ, văng váy nhăng lút văng ma

Hệt hày nhẳng văng xa, hệt na văng lủa

Xoóng hau hặc căn bươn canh đao du thênh phả

Nữ hát:

Ngắm họt panh kin lanh báư đẩy

Ngắm họt lả toóc máy kin khẩu bồ lống

Kin khẩu mết thò khánh lon đu

Kin khẩu mết thò thu lon cưn

Non khưn pha pốc húa hảy du

Non bà đẩy lắm lọc cuông chơ.

Nam hát:

Khôn xai ngắm họt nhinh on hanh lứa hảy

Ngám họt tả toóc máy kin khẩu bồ lống

Phù khôn xai mết ngân đỉnh bay xúng

Mết ngân pông, bồ xông xắc nói

Xai khó mết phải hói bồ đang xống

 

Dịch nghĩa:

Nam hát:

Muốn ngỏ lời cùng em, lớn như dãy núi

Lời yêu như núi cao, biển rộng

Mẹ không cho cũng cố xin đi

Làm nương quên đốt, làm ruộng quên mai

Tình yêu ta sáng rộng như trời cao

Nữ hát:

Nhớ người yêu ăn cơm không được

Nhớ người thương, nuốt cơm, chẻ lạt không xuôi

Nếu đã yêu, cơm là mũi tên cũng ngọt

Qua đầu đũa không nhai cũng ngon

Về ngủ chăn trùm đầu vẫn khóc

Ngủ không được day dứt trong tim

Nam hát:

Trai nhớ người yêu có lúc sức yếu lệ trào

Nhớ người yêu chẻ tre, nuốt cơm không nổi

Bạc đúc cao nặng bao nhiêu cũng như không

Tiền cưới, tiền cheo bao nhiêu cũng thành ít

Hết trăm tấm vải cũng thành sợi tơ

Thành vợ thành chồng ta làm ra cả

Ta yêu nhau nước cạn kiệt còn sỏi đá

Hoa trái mùa, cánh rụng, nhụy còn thơm

Em ước ao được tẳng cẩu

Thành vợ về nhập hồn vía nhà anh.

          Hội hát ngồi mẹt tổ chức vào buổi tối trăng sáng, thường tổ chức ở  2 nhà trong một buổi, chọn những nhà to rộng để có thể đông người tham gia, buổi hát kết thúc, chủ nhà sẽ mời rượu và múa xòe. Kết thúc vòng xòe là kết thúc lễ hội cầu mưa của năm đó.

          Sáng sớm hôm sau, chỉ có ông già, bà cả, trẻ con là ngủ muộn, còn những nam thanh niên, nhất là các chàng rể dậy thật sớm mài dao, con gái dậy đồ xôi, chuẩn bị một đợt sản xuất mới, nhằm khôi phục hậu quả hạn hán. Mọi người đi làm ruộng, làm nương từ khi chưa rõ mặt người, họ chào hỏi nhau rôm rả, cho nhau giống cây trồng, hạt giống, cây giống, bàn nhau cách khắc phục mương phai hỏng, dẫn nước về ruộng hạn cho mùa màng bội thu, bản làng ấm no, hạnh phúc.

          Theo các cụ già làng thì thường tổ chức lễ hội xong là trời mưa. Đây cũng có thể là sự trùng lặp, nhưng đây cũng thể hiện sức mạnh cộng đồng có hiệu quả, làm cho con người tin tưởng hơn vào sức mạnh tập thể.
 

Thuộc loại Hiện trạng di tích
Dân tộc Thái
Số lượng nghệ nhân Số người thực hành 50 - 100 người
Số lượng bài bản Có bài bản Số người biết dạy Còn 3 - 5 nghệ nhân truyền dạy
Học viên hiện nay Không Hình thức truyền dạy Thế hệ trước truyền dạy cho thế hệ sau
Kỹ năng tập tục
Nguồn lực khác tham gia bao vệ
Chủ thể văn hóa Ông/bà - Sinh ngày: - Dân tộc: - Nghề nghiệp:
Địa chỉ:
Tư liệu

Các ảnh lễ hội cầu mưa

Ảnh 1, Ảnh 2, Ảnh 3, Ảnh 4, Ảnh 5, Ảnh 6, Ảnh 7, Ảnh 8, Ảnh 9, Ảnh 10, Ảnh 11, Ảnh 12, Ảnh 13, Ảnh 14, Ảnh 15, Ảnh 16, Ảnh 17, Ảnh 18, Ảnh 19, Ảnh 20, Ảnh 21, Ảnh 22, Ảnh 23, Ảnh 24, Ảnh 25, Ảnh 26, Ảnh 27, Ảnh 28, Ảnh 29, Ảnh 30, Ảnh 31, Ảnh 32, Ảnh 33, Ảnh 34, Ảnh 35


https://www.zbet.win/news/soi-keo-bong-da