Thông tin chi tiết của di sản

Tên Lễ hội dòng họ Tu Su
Địa chỉ Cáy Ton, Xã Tú Nang, Yên Châu, Tỉnh Sơn La
Huyện/Thành phố Yên Châu Xã/Phường/Thị trấn Xã Tú Nang
Mô tả chi tiết

I. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN.

1. Tên gọi: Lễ hội dòng họ (Tu Su) của họ Mùa trú tại bản Cáy Ton, xã Tú Nang, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La;

2. Ngành Hmông: Hmông trắng;

3. Thời gian tổ chức Lễ hội: Lễ hội dòng họ (Tu Su) của họ Mùa dân tộc Hmông (ngành Hmông trắng) thường được tổ chức vào một ngày nhất định trong năm và được tổ chức ở 2 cấp độ khác nhau:

- Cấp độ thứ nhất: Được tổ chức hàng năm, mỗi năm một lần tại bản Cáy Ton, xã Tú Nang huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La vào ngày 5/10 đến ngày 6/10 (tức ngày 28/8 đến 29/8 âm lịch).

             - Cấp độ thứ hai: Được tổ chức 3 năm một lần tại bản Phiêng Ban, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La; Lễ hội được tổ chức trong 2 ngày 13/3 hoặc ngày 23/3 âm lịch. ( vào những năm 2005 - 2008 - 2011 - 2014...)

(Người Hmông tính theo lịch âm, họ quan niệm đây là những ngày xấu nhất trong năm nên Người Hmông cần tổ chức làm lễ cúng cầu may, giải hạn trong những ngày này).

 4. Địa điểm tổ chức Lễ hội:

            - Cấp thứ nhất: Được tổ chức tại một gia đình (lễ cúng trong nhà): là người lớn tuổi, trưởng dòng họ trong bản.

            - Cấp thứ hai: Được tổ chức ngoài trời tại một địa điểm ngoài phạm vi bản, nơi bãi rộng gần đường ra (hoặc vào) bản.

5. Thành phần tham gia lễ hội:

             Phần lễ gồm: Toàn bộ nam giới trong dòng họ, không kể già hay trẻ.

             Phần hội: Cả bản cùng tham dự.

II. MỤC ĐÍCH - Ý NGHĨA

1. Mục đích:

              Lễ hội dòng họ (Tu Su) là lễ cúng giải hạn, cầu xin sự may mắn cho từng cá nhân, gia đình, dòng họ và dân bản.

             Nhằm ôn lại truyền thống và đoàn kết thống nhất với từng cá nhân, từng gia đình trong dòng họ của bản, xã hoặc trong cộng đồng dòng họ về phong tục, lễ nghi, tín ngưỡng, các tập tục, các quy định tốt đẹp của dòng họ đã được hình thành, bảo tồn trong suốt quá trình lịch sử phát triển của cộng đồng dân tộc Hmông.

           Tổ chức Lễ hội dòng họ (Tu Su) là dịp tập trung, củng cố mối quan hệ cộng đồng trong cuộc sống. Là thông điệp chung của người dân trong dòng họ, trong bản, xã hoặc trong cộng đồng dòng họ gửi tới tổ tiên, thần linh (ma rừng, ma núi) cầu xin may mắn của trời đất mưa thuận, gió hòa, phù hộ cho dân bản sức khỏe dồi dào để lao động, tăng gia sản xuất và tăng cường sự đoàn kết của mỗi cá nhân, gia đình trong dòng họ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

2. Ý nghĩa:

           Lễ hội Tu Su là nghi lễ có tính chất tâm linh nhưng mang ý nghĩa tốt đẹp của một cộng đồng tộc người sống trên một địa bàn. Đây là lễ nghi, là nhu cầu tâm linh của người dân trong một dòng họ trước vòng quay tuần hoàn của thiên nhiên, là niềm tin sâu đậm của người dân trước những bí ẩn của thiên nhiên để xin được giải hạn và cầu xin sự may mắn cho từng cá nhân, gia đình trong dòng họ.

III. NỘI DUNG CỦA LÊ HỘI  (Lễ Tu su cấp độ thứ nhất)

          Lễ hội Tu su được tổ chức trong nhà, tại một gia đình của người trưởng họ, lớn tuổi thuộc dòng họ Mùa ở bản Cáy Ton.

1. Công tác chuẩn bị:

1.1. Chọn địa điểm tổ chức:  

           Ngày 02/10/2010 (tức ngày 25/8 âm lịch), đại diện các hộ gia đình dòng họ Mùa (Hmông trắng) ở trong bản tổ chức một cuộc họp để bàn bạc và thống nhất chọn 01 gia đình trong dòng họ giao tổ chức Lễ '' Tu su''. Gia đình được chọn phải có người chủ gia đình là người cao tuổi, trưởng dòng họ của bản, thuộc bậc trên  có uy tín với người dân trong dòng họ, trong bản. Thường là năm nào cũng chọn gia đình này cho đến khi người chủ gia đình mất đi, thì người trưởng họ của bậc dưới sẽ tiếp tục được chọn để tổ chức Lễ hội.

1.2.Chọn chủ lễ (thày cúng):

             Trong cuộc họp, sau khi đã chọn được chủ nhà để tổ chức lễ hội. Chủ nhà sẽ là  tổ chức chọn chủ lễ, chính là thầy cúng cho lễ hội.

              Hình thức chọn chủ lễ là bói trứng, cách làm như sau: Một người tròng dòng họ, đặt một giỏ gạo lên một chiếc ghế, để nghiêng một chiếc bát trong giỏ gạo, thăp một cây hương cắm vào giỏ gạo, vừa đọc to họ tên các thầy cúng đã dự kiến cùng địa chỉ, vừa lấy quả trứng gà đặt lên cái bát con để nghiêng, nếu quả trứng đứng được trên cái bát 3 lần thì coi như tổ tiên và thần linh đã chấp nhận chọn thầy cúng đó làm chủ lễ (Chủ nhà cũng có thể làm chủ lễ nếu được thần linh chấp nhận, thầy cúng được chọn không nhất thiết phải cùng dòng họ Mùa, không nhất thiết phải cùng bản). Tuỳ thuộc vào số hộ gia đình nhiều hay ít mà chủ nhà hay trưởng họ quyết định chọn số lượng thầy cúng (từ 1 đến 3 thầy cúng), trong đó có 1 thầy cúng chính. Sau khi cúng chung xong,  số hộ trong họ được chia ra; mỗi thầy cúng làm lễ cho một số hộ nhất định trong họ. Với số lượng gia đình của dòng họ Mùa, bản Cáy Ton thì chỉ cần chọn một thầy cúng.

              Sau khi chọn được thầy cúng, dòng họ sẽ cử đại diện là hai người biết ăn nói đê đi mời thầy cúng về làm lễ Tu su. Người đại diện mang 3 thẻ hương, một chai rượu đến nhà thầy cúng, thắp hương lên bàn thờ, xin phép tổ tiên nhà thấy cúng cho thầy cúng đến làm lễ Tu su cho nhà mình, sau đó quỳ lạy cúi đầu sát đất 4 lần. Sau đó cầm chai rượu rót mời thầy cúng 2 lần rượu, mỗi lần hai chén và đề nghị thầy cúng giúp đỡ, đến giúp dòng họ làm lễ Tu su. Thầy cúng nhận lời, hứa sẽ giúp đỡ nhiệt tình cho gia đình và dòng họ để xua đi những điều xấu, ốm đau bệnh tật, cầu mong những điều tốt đẹp, rồi lần thứ nhất uống cả hai chén rượu, lần thứ hai uống một chén, một chén mời lại người đến nhờ. Người đại diện lại đứng trước bàn thờ xin tổ tiên nhà thầy cúng được mang đồ nghề của thầy cúng đi, rồi lại quì lậy cúi đầu sát đất 4 lần, sau đó lấy đồ nghề trên bàn thờ của thầy cúng mang đi. Thầy cúng cũng đi cùng với người đến nhờ. Trường hợp nếu thầy cúng không nhận lời vì lý do nào đó thì người đại diện phải quay trở về và dòng họ phải làm lại lễ bói trứng để chọn người khác, nhưng trường hợp này cũng ít sảy ra.

1.3. Chuẩn bị lễ vật:

1.3.1. Lễ vật để cúng: (do chủ nhà chuẩn bị)

          - 01 con gà trống to màu đỏ.

          - 01 con lợn khoảng 20kg

          - 01 chiếc lọ bằng đá có đường kính miệng 10cm; sâu 30cm, có nắp đậy (dùng để đựng lễ vật như giấy màu, chỉ mầu.. trong lễ cúng cho các gia đình và mang đi chôn sau khi lễ kết thúc.)

          - Giấy màu: Đỏ, xanh, vàng; được cắt vuông 3cm x 3cm: (những vuông giấy mầu này được ví như là thông điệp chuyển tải những tâm nguyện, ước mơ, cầu xin gửi gắm những điều tốt đẹp, may mắn chuyển đến cho từng cá nhân, gia đình và dòng họ, dân bản; và nó cũng là phương tiện chuyển đi những cái xấu xa, bệnh tật, không may mắn cho cá nhân, gia đình và dòng họ, dân bản; Trước đây, người Hmông thường dùng giấy dướng, dó tự làm để dùng vào việc cúng lễ nhưng ngày nay họ chủ yếu dùng giấy bán ở chợ); Ngoài ra, dùng giấy trắng, đỏ, xanh, vàng cắt thành các hình nhân để cúng cho từng gia đình.

          - Tiền mặt : 400.000đ; 01 con gà: Trả công cho thầy cúng. (trước kia là tiền bạc trắng - Đây thực chất là tiền lễ vật để dâng lên cho thần linh nhưng thông qua thầy cúng để chuyển đến cho thần linh)

           - Tiền trả công cho người mang đồ lễ đi chôn: 10.000đ/người. (Đây thực chất là tiền lễ vật để dâng lên cho thần linh nhưng thông qua những người này để chuyển đến cho thần linh)

          - Tiền âm phủ: dùng giấy cắt và gấp thành; Tiếng Hmông gọi là: (Pêi chov ntươr)

1.3.2. Bàn thờ:

           Làm 01 bàn thờ cho thầy cúng, ở vách sau của gian giữa, cạnh bàn thờ tổ tiên (Xử cang).

(Nếu chủ nhà không phải là thầy cúng; còn nếu chủ nhà là thầy cúng thì đã có bàn thờ của thầy cúng rồi, không cần làm thêm)

1.3.3 Dụng cụ của thầy cúng:

            - 02 bộ Chũm choẹ (chia nênh) (là một loại nhạc cụ của dân tộc Hmông được làm bằng kim loại có đường kính khoảng  8-10 cm,  hình chóp nón úp 2 mặt vào nhau , Người Kinh thường gọi là chũm choẹ) .

            - 02 bộ chư nênh (là một vòng tròn làm bằng tre hoặc gỗ được quấn vải màu đỏ có đường kính khoảng 25cm, có các đĩa nhỏ bằng kim loại được luồn vào vòng khi lắc sẽ phát ra tiếng kêu).

           - 01 bộ chiêng + dùi gõ chiêng;

           - 02 bộ sừng trâu bổ đôi; (phần đầu nhọn của sừng trâu dài khoảng 20cm)

           - 02 bát hương + hương;

           - 02 đĩa bỏng thóc (thóc được  rang cho nở trắng);

           - 02 chén đựng rượu;

           - 02 chén đựng nước;

          (các đồ, dụng cụ của thầy cúng luôn có 02 bộ: 01 bộ dùng cho tổ tiên; 01 bộ dùng cho thần linh)

           - 01 ghế băng; (để thầy cúng ngồi làm lễ);

           - 01 mảnh vải đỏ; 01 mảnh vải đenn (để thầy cúng trùm kín trên đầu khi làm lễ);

1.3.4 Vật chất của các thành viên trong dòng họ chuẩn bị

          - Mỗi một thành viên trong dòng họ (là nam giới không kể già, trẻ) khi đi tham gia Lễ hội Tu Su phải mang theo 03 sợi chỉ màu: vàng, xanh, đỏ (những sợi chỉ này có độ dài từ 20 -40 cm; Người Hmông quan niệm các sợi chỉ là phương tiện, là mối liên hệ giữa  người sống với thần linh; là sợi chỉ dẫn đường cho linh hồn người chết về với tổ tiên, và là sợi chỉ dẫn đường cho linh hồn của tổ tiên về đầu thai lại với con cháu; Trước đây họ thường sử dụng sợi lanh, nhưng ngày nay thường được sử dụng bằng sợi len màu) và 01 con gà trống.

          - Thịt lợn; gạo; rượu...  đủ cho các thành viên trong họ ăn 3 bữa chính; Khoảng 60 người. (thực phẩm này chủ yếu do chủ nhà cung cấp, các thành viên trong dòng họ góp thêm được thống nhất trong cuộc họp ngày 25/9, thường mỗi thành viên đóng góp 01 con gà)

2. Diễn biến của lễ hội

2.1. Phần Lễ:

 2.1.1. Trình tự buổi lễ:

          2.1.1.1 Ngày 5/10/2010 (tức ngày 28/8 âm lịch).

          Ngày 28/8 là ngày đầu tiên tổ chức Lễ hội Tu Su; Tất cả các thành viên trong dòng họ (cả nam, và nữ) đều tham gia công tác chuẩn bị, một số công việc phải được hoàn thành trước khi lễ cúng diễn ra. Đây được gọi là lễ cúng trình. Lễ cúng này có thể diễn ra vào ban ngày hoặc ban đêm, dài hay ngắn tuỳ thuộc vào thầy cúng.

          Lễ trình được bắt đầu trong ngày 28/8. Trước đó, người trong dòng họ sửa sang lại bàn thờ của thầy cúng một chút, nhưng tuyệt đối không được thay thế thứ gì trên bàn thờ và các loại giấy vì người Hmông chỉ trang trí lại bàn thờ một năm một lần vào tết Hmông. Lễ cúng này được thực hiện tại bàn thờ thầy cúng. Lễ cúng ngày 28/8 không có lễ vật, chỉ có bộ đồ cúng của thầy cúng được bày lên bàn thờ. Bắt đầu lễ cúng, thầy cúng đứng quay lưng vào bàn thờ, ba người đại diện cho dòng họ, mỗi người rót 2 chén rượu mời thầy cúng, nói lời nhờ thầy cúng  đại ý là: nhờ thầy giúp đỡ cho dòng họ tổ chức lễ Tu su để cầu mong sự may mắn, xua đi những rủi ro, ốm đau, bệnh tật...dòng họ sẽ phục vụ thầy cúng chu đáo trong khi diễn ra lễ hội và sẽ tạ ơn thầy cúng... rồi cả ba người quì lại thầy cúng 4 lần. Thầy cúng hứa đại ý: sẽ hết sức để cầu với thần linh, tổ tiên cho dòng họ khoẻ mạnh, màu màng tươi tốt, con cháu không bị ốm đau, tai nạn ... sau đó thầy cúng uống cạn hai chén rượu. Uống rượu xong, thày bắt đầu làm lễ, chủ nhà đốt một ít than củi dưới bàn thờ để thầy cúng hơ chiêng qua để đuổi tà ma trước khi cúng. Hơ chiêng xong, thầy cúng một tay cầm chiêng, một tay cầm dùi, bắt đầu vừa đánh chiêng vừa, cúng khấn. Chủ nhà đốt hương lên các bát hương trên bàn thờ của thầy cúng và bàn thờ tổ tiên.

          - Bài cúng của thầy cúng

Nyob kuv 9 hnub kuv si li yag

Khua thoj dub rili ranv sib li tag

Kuv toaj txug qab mb neeg pom neeg khua

Dab pom dab ntxhaj.

                                    “Duj sub towm plawg kaj nteeg txia li paas puj neeg cab

 Duj sub towm plawg kaj ntuj li pag dụ ntuj”

Đại ý của lời cúng là:

              Thầy cúng  báo cáo với các thần linh (ma rừng, ma núi) về việc dòng  họ Mùa tổ chức Lễ Tu Su và mời các thần linh (ma rừng, ma núi) về nhận những lễ vật mà dòng họ Mùa dâng lên;

            Thời gian cúng khoảng 3giờ - 4 giờ tuỳ thuộc vào việc các thần linh (ma rừng, ma núi) chấp nhận lời khẩn cầu của thầy cúng sớm hay muộn; dòng họ mùa tròng bản nhiều hay ít người. Khi được thần linh chấp nhận lời mời thì lễ cúng kết thúc.

            Trong khi cúng, lúc đầu thầy cúng rung người, càng về sau càng rung mạnh và nhảy lên theo nhịp. Khi thấy thầy cúng đã nhập hồn, nghĩa là đã tiếp xúc được với thần linh, ma rừng, ma núi thì chủ nhà phải cắt một ít hìh nhân bằng giấy, đốt giữa nhà để lót tay cho thần linh, ma rừng, ma núi đã về nhà mình làm lễ Tu su. Người nhà phải đốt hương liên tục, hết tuần hương này đến tuần hương khác bao giờ cúng xong thì thôi.

             Lưu ý: Trong các lễ cúng của người Hmông, không được cho chó vào nhà, nếu chó vào nhà thì vía của chó sẽ át vía thầy cúng, thầy súng sẽ không đủ sức khoẻ để cúng: mất giọng, mệt mỏi, đặc biệt có thể không tiếp súc được với thần linh. Những người làm nghề thầy cúng 3 đời không ăn thịt chó.

             Trong quá trình làm lễ, cửa chính luôn được đóng kín để đề phòng ma dữ vào nhà. Chỉ đến khi thầy cúng đuổi ma mới được mở cửa ra.

             2.1.1.2. Ngày 6/10/2010 (tức ngày 29/8 âm lịch).

            Sáng ngày 29/8 là lễ chính. Lễ cúng này cũng diễn ra tại bàn thờ thầy cúng, cạnh nơi thờ ma nhà (Xử Cang). Trước lễ cúng, ngay từ sáng sớm thầy cúng đã đi thăm tất cả các gia đình của dòng họ mùa ở trong bản để xem xét gia cảnh của các gia đình: gia đình giàu hay nghèo, có nuôi nhiều gia súc, gia cầm không, có ai ốm đau, tai nạn không... việc làm này là để đến khi thầy cúng cầu khấn thần linh cho chính xác. Ví dụ: nếu gia đình nào có người ốm thì thầy cúng xin thần linh cho được khỏi bệnh, gia đình nào khó khăn thì xin thần linh cho làm ăn được phát đạt...

              Khoảng 8 giờ sáng, thầy cúng bày bàn thờ. Trên bàn thờ đặt bộ đồ cúng của thầy cúng, dưới đất có 01 con gà trống màu đỏ buộc chân bằng sợi chỉ màu vàng, xanh, đỏ (đây là con gà của chủ nhà);

             Một số người cắt các mảnh giấy màu xanh, đỏ, vàng thành hình vuông; Cắt giấy màu trắng, xanh, đỏ, vàng thành các hình nhân, dài, ngắn khác nhau. Các mảnh giấy đã được cắt, gấp thành hình tượng trưng cho tiền âm phủ; Các loại giấy này cúng có thể do thầy cúng cắt giúp nếu những người trong dòng họ không ai biết cắt, nhưng thường là những người trong dòng họ tự cắt lấy. Các mảnh giấy hình vuông để riêng vào một chiếc mẹt, còn các loại giấy cắt hình nhân được để vào một chiếc mẹt khác, đặt dưới đất trước bàn thờ, sau lưng thầy cúng.

               Những gia đình trong dòng họ mang gà và chỉ màu đến, cứ môi thành viên nam trong gia đình mang 03 sợi chỉ màu.

              Lễ cúng ngày 29/8 được diễn ra liên tục từ 8 giờ sáng đến khi nào xong gồm 3 phần: phần cúng chung;  lần lượt cúng hết cho các hộ gia đình và cuối cùng là lễ cúng tiễn đưa các thần linh trở về. Lễ cúng phải  kết thúc vào lúc nào  là tuỳ thuộc vào thầy cúng.

Lễ cúng được chia làm ba phần:

               Phần 1: Bài cúng chung:

              Trước khi cúng, gia đình thắp hương lê bàn thờ, thầy cúng cầm chiêng gõ và khấn ở bàn thờ sau đó quay ra giữa nhà, người ta bắt con lợn để giữa nhà, thầy cúng hướng về phía con lợn nói lời khấn thần linh sau đó dùng hai nửa sừng trâu gieo xuống nền nhà xin âm dương đề nhgị thần linh về nhận lễ vật. Khi thầy cúng xin được âm dương, tức là thần linh đã đồng ý nhận lễ vật, người ta đưa con lợn ra ngoài để chọc tiết, lấy một vài hình nhân bằng giấy trắng nhúng tiết lợn mang vào để dưới bàn thờ. Những hình nhân này đại diện cho những thành viên của chủ nhà tổ chức lễ. Những con gà được các gia đình buộc trong nhà, sau khi chọc tiết lợn, người ta mang dao vào cắt tiết từng con gà trước bàn thờ tổ tiên, thầy cúng vẫn tiếp tục đánh chiêng và khấn đề nghị các thần linh nhận lễ vật, tiết của mối con gà cũng được nhúng một hình nhân bằng giấy màu trắng, đại diện cho các gia đình trong dòng họ, rồi đặt dưới bàn thờ. Sau đó tất cả lợn gà đều được mang đi mổ. Lễ cúng này khôgn có lễ vật bằng thực phẩm nhưng tất cả lợn, gà đã được thần linh nhận đều được mang đi mổ để làm bữa cơm mời thầy cúng và các gia đinh ăn khi lễ cúng kết thúc. Chỉ giữ lại một con gà của chủ nhà để sống, nhốt dưới bàn thờ.

             Các thành viên là nam giới trong dòng họ không kể lớn, bé, già trẻ, nếu còn nhỏ được bố địu trên lưng, tập trung đông đủ giữa nhà, trước bàn thờ nơi thầy cúng ngồi hành lễ. Đặt hai chiếc ghế thấp trước bàn thờ, một chiếc để thầy cúng ngồi, một chiếc đặt hai chén rượu. Thầy cúng ngồi quay lưng lại bàn thờ, hai nưgời đại diện cho dòng họ, ngồi trước mặt thầy cúng rót rượu mời thầy cúng và lại nói lời nhờ thầy cúng cho gia đình, dòng họ. Sau 3 lần rót rượu, mỗi lần hai chén thì người mời rượu đưa tiền cho thầy cúng, đây là tiền trả công cho thầy cúng. Hai lần đầu, thầy cúng uống hết rượu, lần thứ ba thầy cúng uống một chén, còn một chén đưa lại cho người mời, vừa uồng rượu thầy cúng vừa hứa sẽ cố gắng giúp gia đình, dòng họ cầu xin thần linh phù hộ cho mọi người khoẻ mạnh, không gặp tai nạn, không bị ốm đau, bệnh tật...

              Sau đó, người ta đặt trước bàn thờ một chiếc ghế băng, đặt lên đó một bát nước trắng, chiếc mẹt đựng giấy vuông màu xanh, đỏ. Thầy cúng đứng trước bàn thờ, cầm một tập giấy màu trắng, hình chữ nhật (7x10cm), một đầu cắt hình răng cưa, vừa đọc lời cúng, vừa đốt những tờ giấy để gọi thần linh về. Sau khi đốt hết tập giấy, thầy cúng dùng hai mảnh sừng trâu gieo xuống nền nhà nhiều lần, khấn xin âm dương. Khi xin được âm dương thầy cúng cầm chiêng, vừa đi, vừa gõ, vừa khấn và vừa cầm một cuộn chỉ đi vòng quanh những người trong dòng họ, sợi chỉ tạo thành hàng rào quấn quanh con cháu đê bảo vệ con cháu trong dòng họ. Thầy cúng đi vòng quanh khoảng 5-6 vòng thì dừng lại, dùng sừng trâu để xin âm dương. Xin được âm dương, thầy cúng bê mẹt giấy vuông xanh đỏ đi đặt lên vai mỗi thành viên trong dòng họ, mỗi người đặt 4-5 mảnh giấy. Sau đó, một người đánh chiêng, thầy cúng cầm con gà trống cùng đi vòng quanh con cháu, vừa đánh chiêng, vừa nói lời cúng, vừa dùng cánh gà quạt cho những mảnh giấy trên vai mọi người rơi xuống đất. Thầy cúng đi ngược rồi lại đi xuôi, khi nào quạt hết giấy trên vai mọi người xuống thì dùng dao cắt đứt dây chỉ vòng quanh mọi người. Thầy cúng cầm bát nước trắng tiếp tục đi vòng quanh mọi người, vừa khấn vừa ngậm nước phun mưa vào mọi người cho đến khi hết bát nước, khoảng 10 vòng. Thầy cúng cầm chiêng tiếp tục đi vòng quanh và cúng khấn rất lâu, khoảng 10 vòng nữa.

- Bài cúng của thầy cúng:

                                                        Dej txios ua dej txeos li tseem yecb

Swv luj yug tau muab dej txios thoobli

Pev puj nsi li teb

Ua tsi txawv rau tan nkauj li muam li raus tamb

Yog ua tsi sawv tsab xyab

Siv li yig li sawv cab sab

                                                      Koj tsi sawv cab so

                                                     Swv li yig li sawv cab cab so

 - Khái lược nội dung bài cúng

               Cầu xin: Thần linh che chở, phù hộ cho các thành viên trong gia đình luôn khỏe mạnh, giống nòi phát triển, mọi người đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất, trong khó khăn hoạn nạn. Cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa này chăn nuôi, phát triển, lúa ngô đầy nhà, trâu bò, lợn gà đầy sân...

                Phần cúng chung kết thúc, con cháu giải tán. Thầy cúng nhặt toàn bộ giấy màu cho gọn vào một đống giữa nhà.

Phần 2: Cúng cầu xin cho từng hộ gia đình:

                Sau khi kết thúc phần cúng cầu xin chung, thầy cúng sẽ thực hiện nội dung cúng cầu xin may mắn và giải hạn cho từng hộ gia đình. Mỗi hộ gia đình được cúng riêng rẽ.

               Người ta đem lọ đá để giữa nhà, gom hết các mảnh giấy màu hình vuông xanh đỏ cho vào lọ đá. Đặt cho mỗi gia đình một số hình nhân bằng giấy và những sợi chỉ màu các gia đình đem đến, các phần lễ này được rải ra ở giữa nhà.

              Trước khi vào lễ cúng, người ta phải chọn 2 người để đi chôn lọ đá. Đặt hai chiếc ghế thấp trước bàn thờ để mời hai người đó ngồi, đại diện hai người của dòng họ rót rượu mời, đưa tiền và nhờ vả hai người đó, rồi quì lạy cúi sát đất 4 lần, hai người nhận lời, nhận tiền và uống rượu mời. Việc nhờ người đi chôn lọ đá kết thúc.

             Người ta rót hai chén rượu mời thấy cúng, thầy cúng uống hai chén rượu nhận con gà trống (Đây là con gà của chủ nhà sẽ biếu thầy cúng sau khi làm lễ), cầm con gà vừa cúng khấn, vừa quay con gà quanh người ba vòng, luồn qua chần, rồi lấy nước trên bàn thờ bôi vào con gà, sau đó nhốt gà đặt dưới bàn thờ.

              Thầy cúng bắt đầu thực hiện lễ cúng cho từng gia đình, thầy cúng chùm lên đầu hai chiếc khăn, chiếc màu đen ở phía trong, chiếc màu đỏ ở phía ngoài, chùm qua đầu xuống mặt, ngồi trên chiếc ghế băng trước bàn thờ, hai tay cầm các nhạc cụ: Chũm choẹ, vòng kim loại, vừa lắc nhạc cụ, vừa lắc lư người, vừa đọc lời khấn. Hai bên bàn thờ là hai người trong dòng họ Mùa được cử ra để phụ giúp hai thầy cúng, họ đánh chiêng liên tục trong vòng 20' để giúp hai thầy cúng nhập hồn. Khi hai thầy cúng đã gặp được thần linh thì họ ngồi để nghe thông điệp của hai thầy cúng. Có một người phụ giúp nữa ngồi ở giữa nhà để xem thông điệp của thầy cúng là gì thì làm theo. Hai thầy cúng, mỗi người sẽ cúng cho từng gia đình một. Cứ sau mỗi gia đình thì người phụ giúp lại nhặt chỉ màu và hình nhân của một gia đình đã được để sẵn trên nền nhà cho vào lọ đá. Tuỳ theo từng gia đình mà thời gian cúng chậm hay nhanh, đó là tuỳ thuộc vào thầy cúng tiếp xúc với thần linh thế nào. Ngoài ra còn tuỳ thuộc vào hoàn cảnh của từng gia đình mà thầy cúng yêu cầu đốt hương, đốt giấy hay giữ lại hình nhân bằng giấy  (Tuỳ thuộc vào gia đình có người bị bệnh, tai nạn hay chăn nuôi không tốt...). Lễ cúng cứ tiếp tục cho đến khi cúng xong hết cho các gia đình. Thầy cúng yêu cầu đưa con gà trống đỏ ra, buộc ở giữa nhà, cạnh chiếc lọ đá cho thần linh chứng kiến, cửa chính được mở ra, thầy cúng nhảy trên ghế, quăng mạnh nhạc cụ trên tay ra cửa, khi nào nhạc cụ đó được quăng qua cửa thì coi như đã đuổi được ma dữ, những điều rủi ro, bệnh tật. đồng thời người ta mang chiếc lọ đá đựng toàn bộ giấy mầu, chỉ mầu của các thành viên trong dòng họ, con gà trống đỏ ra ngoài cửa để mang đi chôn và nhanh chóng đóng cửa chính lại. Lễ cúng cho từng gia đình kết thúc tại đây.

Phần 3: Cúng tiễn các thần linh về trời:

              Sau khi kết thúc lễ cúng riêng cho từng gia đình, Thầy cúng tiếp tục lễ cúng tiễn đưa thần linh về trời. Hai người được nhờ mang con gà trống, chiếc lọ đựng toàn bộ giấy mầu, chỉ mầu của các thành viên trong dòng họ đi chôn. Ngoài ra, hai người mang theo một số vật dụng như: cuốc xẻng, nồi, củi, nước, lửa... đi về hướng tây, hướng mặt trời lặn, cách nhà khoảng 200 - 500m đào một chiếc hố rộng 40cm x 40cm, sâu 80cm để chôn chiếc lọ đá cùng các lễ vật.. Theo quan niệm của Người Hmông hướng Đông là hướng sinh cũng là hướng may mắn. Ngược lại, hướng Tây là hướng tử, hướng xui xẻo nên đi về hướng Tây để chôn đi, xua đi những điềm xấu của gia đình, dòng họ và dân bản.  Địa điểm chôn chiếc lọ đã được thầy cúng và chủ nhà chọn trong cuộc họp ngày 02/10 (tức ngày 25/8 âm lịch). Nơi chôn chiếc lọ đá phải ở ngoài phạm vi bản, đặc biệt là phải ở hướng Tây và phải là chỗ có nước (Nếu không có nước phải chọn một cái hủm có thể đọng nước về mùa mưa). Khi đào xong hố, người ta lót một hòn đá xuống đáy hố, cho ngược chiếc lọ đá đậy nắp xuống, chèn đá xung quanh cho chắc, lấp một lớp đất lên trên, sau đó lại đặt một hòn đá lên trên rồi mới phủ đất kín. Chôn xong lọ đá, người ta kê bếp để làm thịt gà ngay trên hố trôn lọ đá. Người ta làm thịt gà, luộc chín. Khi đi chôn lọ đá, người ta còn mang theo một bát cơm to và một chai rượu. Ngoài hai người được nhờ đi chôn, còn có nhiều trẻ em đi theo, hoặc người ta có thể gọi thêm  người trong dòng họ đến uống rượu, ăn thịt gà. Khi nào ăn hết thịt gà, cơm, rượu mang theo mới được về. Hai người được nhờ đi chôn chiếc lọ đá, mỗi người được trả công 10.000đ. Đây được quan niệm là tiền để làm lộ phí đưa tiễn thần linh.

           Trong thời gian hai người được cử đi chôn đồ lễ thì ở nhà thầy cúng lúc này thực hiện bài cúng cuối cùng. Đây là bài cúng tiễn đưa thần linh về trời.

 Nội dung bài cúng:

                       Kaj tuj tag koj saab ntuj tag btxnv

Koj tsi yog dev yog siv li yog dev deb

Duj sub yug dev duaj

Dev coob dev tum zaj tum rang tub yug nguj sab li yog puv tuaj

Puj sub tawm plawg koj nteeg txiav li pass puj neey cab

Puj sub tawm plawg koj nutuj txiv li pag puhh ntuj.

- Lược dịch nội dung bài cúng

               Tiễn đưa thần linh (ma rừng, ma núi) trở về với núi rừng và cầu xin thần linh (ma rừng, ma núi) che chở, phù hộ cho các thành viên trong gia đình luôn khỏe mạnh, giống nòi phát triển, mọi người đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất, trong khó khăn hoạn nạn. Cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa này chăn nuôi, phát triển, lúa ngô đầy nhà, trâu bò, lợn gà đầy sân.

               Phần lễ cúng tiễn đưa thần linh thường không dài lắm, chỉ khoảng 15 -20'. Sau khi tổ chức xong phần lễ, các gia đình tổ chức bữa cơm thân mật. Đây là dịp để các hộ gia đình, các thành viên trong dòng họ gặp gỡ nhau, trao đổi các thông tin cần thiết; bàn bạc các công việc chung của dòng họ. Hai con gà trống nhốt dướibàn thờ được biếu hai thầy cúng.

              Lưu ý: trong quá trình diễn ra các phần cúng, người trong dòng họ phải đốt hương liên tục ở các bát hương trên bàn thờ để giúp các thầy cúng giao tiếp được với các thần linh, tổ tiên nhà mình.

2. 2 Phần hội:

             Phần hội được tổ chức đan xen với phần lễ, ngoài các thành viên nam thì các thành viên nữ cũng tham gia vào lễ hội.

             Phần hội trong Lễ Tu Su được tổ chức với một số trò chơi dân gian, thể thao dân tộc và giao lưu văn nghệ với một số bản lân cận.

2.1. Một số trò chơi dân gian:

- Ném pa pao.

- Rồng ấp trứng.

- Đánh quay.

- Giã bánh dầy;

- Nhảy khèn.

Tổ chức vào 8h-11h sáng ngày 6/10/2010 (tức ngày29/8 âm lịch).

2.2. Thi đấu các môn thể thao dân tộc.

- Thi bắn nỏ.

- Đẩy gậy.

Tổ chức vào 14h-17h chiều ngày 6/10/2010 (tức ngày29/8 âm lịch).

2.3. Giao lưu văn nghệ.

Giao lưu văn nghệ với các bản lân cận; Tổ chức vào tối ngày 29/8. (từ 19h-21h)

* Một số tục lệ kiêng kỵ sau khi làm Lễ Tu Su:

             03 ngày sau khi tổ chức Lễ Tu Su Dòng họ Mùa kiêng: Không được làm những việc nặng hoặc sử dụng các loại công cụ hạng nặng: Không được dùng dao phát nương; Không được đi cuốc đất; Không được dùng búa, rìu, cưa để chặt cây; Để tránh tai nạn, mệt mỏi, ốm đau và nhất là tránh đổ máu; Nếu không kiêng kỵ mà để xẩy ra những việc trên thì cả năm sẽ không may mắn; Bị rông - nói theo cách nói của người Kinh. . Thời gian không may mắn sẽ được tính từ lễ Tu Su này đến lễ Tu Su lần sau.

IV. ĐÁNH GIÁ - ĐỀ XUẤT

           1. Đánh giá chung: Lễ hội Tu Su dòng họ Mùa (ngành Hmông trắng) ở bản Cáy Ton, xã Tú Nang, huyện Yên Châu được tổ chức có quy mô và mang tính cộng đồng cao. Việc tổ chức Lễ cần được chuẩn bị chu đáo, phù hợp với những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Hmông. Ngoài phần lễ thì đây là dịp để các hộ gia đình, các thành viên trong dòng họ gặp gỡ nhau, trao đổi các thông tin cần thiết; bàn bạc các công việc chung của dòng họ trong bữa cơm thân mật. Thể hiện được sự đoàn kết gắn bó cộng đồng của đồng bào trong dòng họ nói riêng và đồng bào Hmông nói chung.

           2. Đề xuất: Lễ hội cần được phục dựng, bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp để phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Hmông và các dân tộc khác trong vùng. Cụ thể:

           - Phần Lễ: Được phục dựng nguyên bản theo nghi lễ tập tục của dân tộc Hmông ( ngành Hmông trắng ) đã được hình thành từ lâu đời.

Tuy nhiên cần bổ sung thêm nội dung về việc thực hiện các luật tục của dân bản trong lời cúng của thày cúng trong buổi lễ của năm thứ 3 như: Nghiêm cấm việc phát, phá rừng làm nương ở rừng đầu nguồn; Nghiêm cấm việc làm bẩn, ô nhiễm nguồn nước chung của bản; Cấm  lấy măng, tre, nứa ở các khu rừng khoanh nuôi, bảo vệ; Cấm chăn, thả gia súc trâu, bò, dê…. vào thời điểm gieo trồng lúa, ngô…; Những quy định về an ninh trật tự; Những luật tục về hôn nhân - gia đình; Những quy định về xây dựng nếp sống văn minh - gia đình văn hóa, bảo vệ văn hóa… để phù hợp với việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào Hmông nói riêng và bản, xã, địa phương nói chung. Phù hợp với tình hình phát triển chung của tỉnh.

           - Phần hội: Phần hội với các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng: Thi văn nghệ, các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống, tổ chức bữa cơm cộng đồng vào việc tổ chức Lễ hội Tu Su. Vì đây là lễ hội được tổ chức trong phạm vi dòng họ mà toàn bộ cư dân trong bản đều trong cùng một họ nên phạm vi và đối tượng tham dự lễ hội cần được mở rộng thêm là cộng đồng các dân tộc khác ở các bản lân cận và các địa phương khác.

V. KẾT LUẬN:

          Lễ hội Tu Su của dân tộc Hmông (ngành Hmông trắng) ở bản Cáy Ton, xã Tú Nang, Huyện Yên Châu là hình thức sinh hoạt văn hóa đặc biệt, một môi trường văn hóa đặc thù, một mảng màu rõ nét trên bức tranh văn hóa đa sắc màu các dân tộc Sơn La nói chung, dân tộc Hmông nói riêng. Lễ hội Tu Su chính là một hình thức thể hiện bản sắc văn hóa tộc người độc đáo, nó chứa đựng tất cả những khát vọng, ước muốn tâm linh vừa trần tục vừa thiêng liêng, vừa thiết tha, mãnh liệt của dân tộc Hmông, một dân tộc có ý chí kiên cường trong đấu tranh với thiên nhiên với giặc ngoại xâm. Lễ hội Tu Su có sức hấp dẫn, lôi cuốn mọi người, nó vừa là nhu cầu, là khát vọng của người dân, là dịp người dân giải toả mọi lo âu, những khao khát, ước vọng. Từ Lễ hội Tu Su ta thấy những biểu tượng điển hình của tâm lý cộng đồng dân tộc, nó chứ đựng những quan niệm của dân tộc Hmông với thực tế lịch sử, xã hội và tự nhiên.

          Lễ hội Tu Su ở bản Cáy Ton xã Tú Nang Huyện Yên Châu là một trong những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Hmông; Hạn chế các yếu tố tiêu cực, từ đó bảo tồn yếu tố dân tộc, gắn với các yếu tố tiên tiến hiện đại để phù hợp trong quá trình bảo tồn, khai thác, phát huy đạt hiệu quả tốt nhất phục vụ cho mục tiêu "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc". Phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Thuộc loại Hiện trạng di tích
Dân tộc Mông
Số lượng nghệ nhân 2 người Số người thực hành Toàn bộ Nam giới trong dòng họ Mùa
Số lượng bài bản Số người biết dạy 02 người
Học viên hiện nay Hình thức truyền dạy
Kỹ năng tập tục
Nguồn lực khác tham gia bao vệ
Chủ thể văn hóa Nhóm/cộng đồng:
Ông/bà - Sinh ngày: - Dân tộc : - Nghề nghiệp:
Địa chỉ:
Ông/bà - Sinh ngày: - Dân tộc : - Nghề nghiệp:
Địa chỉ:
Ông/bà - Sinh ngày: - Dân tộc : - Nghề nghiệp:
Địa chỉ:
Tư liệu

Video: Lễ hội Tu Su

Hình ảnh lễ hội Tu Su

Ảnh 1, Ảnh 2, Ảnh 3, Ảnh 4, Ảnh 5, Ảnh 6, Ảnh 7, Ảnh 8, Ảnh 9, Ảnh 10, Ảnh 11, Ảnh 12, Ảnh 13, Ảnh 14, Ảnh 15, Ảnh 16, Ảnh 17, Ảnh 18, Ảnh 19, Ảnh 20, Ảnh 21, Ảnh 22, Ảnh 23, Ảnh 24, Ảnh 25, Ảnh 26, Ảnh 27, Ảnh 28, Ảnh 29, Ảnh 30, Ảnh 31, Ảnh 32, Ảnh 33, Ảnh 34, Ảnh 35 Ảnh 36 Ảnh 37 Ảnh 38 Ảnh 39 Ảnh 40 Ảnh 41 Ảnh 42 Ảnh 43 Ảnh 44 Ảnh 44 Ảnh 46 Ảnh 47 Ảnh 48 Ảnh 49 Ảnh 50 Ảnh 51 Ảnh 52 Ảnh 53 Ảnh 54 Ảnh 55 Ảnh 56 Ảnh 57 Ảnh 58 Ảnh 59 Ảnh 60 Ảnh 61 Ảnh 62 Ảnh 63 Ảnh 64 Ảnh 65 Ảnh 66 Ảnh 67 Ảnh 68 Ảnh 69 Ảnh 70


https://www.zbet.win/news/soi-keo-bong-da